Mặc dù đã có sự phát triển vượt bậc so với 30 năm trước, kể từ thời điểm lập lại tỉnh nhưng ngành công nghiệp của Quảng Trị vẫn còn non trẻ, chưa có doanh nghiệp có quy mô lớn để dẫn dắt sự phát triển.
Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp nhưng kết quả mang lại vẫn chưa được như mong đợi. Cũng do công nghiệp chưa phát triển, chưa có doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn nên nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm còn đạt thấp. Đây là điều trăn trở của lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ. Trong mục tiêu phấn đấu của nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Quảng Trị quyết tâm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế; phấn đấu giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng bình quân hằng năm tăng 11-11,5%.
Nhìn lại 5 năm qua (2016-2020), sản xuất công nghiệp - xây dựng của tỉnh Quảng Trị tăng trưởng khá, tốc độ bình quân đạt 11,42%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra (10,5%-11%). Trong đó, đã phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như dệt may, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, năng lượng… Đặc biệt đã có hàng chục dự án công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo được đầu tư với tổng công suất phát điện lên đến 377 MW, tăng gấp 3,7 so với năm 2016 (100,9 MW); nhiều dự án mới đang chuẩn bị triển khai hoặc được bổ sung vào quy hoạch.
Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh đã chú trọng công tác xử lý ô nhiễm môi trường. Các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực xây dựng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, sản lượng xi măng ước đạt 340.000 tấn, tăng 5%; sản lượng gạch xây dựng đạt 230 triệu viên, tăng 11%; sản lượng đá xây dựng ước đạt 1,2 triệu m3 , tăng 20% và sản lượng nước máy ước đạt 13 triệu m3 , tăng 2%; tỉ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch đạt 95%...
Kết quả đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tỉnh, tuy nhiên do việc một số dự án, lĩnh vực trọng điểm, trong đó có dự án công nghiệp mang tính đột phá triển khai còn chậm do khách quan nên chưa phát huy hiệu quả đầu tư và đóng góp vào tăng trưởng của giai đoạn 2016- 2020, kéo theo một số chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đạt thấp so với kế hoạch, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như GRDP bình quân hằng năm; cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân đầu người; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bởi vậy, trong định hướng phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ mới, cùng với phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực, quan điểm của tỉnh là ưu tiên tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nổi trội để tạo sự đột phá; xây dựng một số vùng kinh tế động lực trở thành cực tăng trưởng thúc đẩy và lan tỏa đối với nền kinh tế của tỉnh.
Để GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5-8%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85-90 triệu đồng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 đạt 21.500 tỉ đồng - 22.500 tỉ đồng, đòi hỏi phải tập trung vào các ngành, lĩnh vực đột phá, trong đó chú trọng các ngành công nghiệp dựa trên lợi thế của địa phương như công nghiệp năng lượng; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm tiêu dùng từ gỗ; một số ngành công nghiệp phụ trợ; công nghiệp Silicat; công nghiệp may mặc; lắp ráp điện tử. Về lâu dài, phát triển mạnh công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ thành phẩm và bán thành phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.
Nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, tăng hàm lượng công nghệ cao để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu. Thu hút được các dự án đầu tư công nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến để tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp của tỉnh phát triển. Triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch, phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung trong vòng 10 năm tới.
Trong quá trình phát triển, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân phát triển công nghiệp, trong đó tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm, như dự án nhiệt điện than BOT 1.200 MW, dự án nhà máy tua bin hỗn hợp 340 MW, dự án khí hóa lỏng LNG… Quy hoạch và phát triển công nghiệp phụ trợ dọc Quốc lộ 15D, Quốc lộ 49 để gắn kết Khu kinh tế cửa khẩu La Lay với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và cảng biển Mỹ Thủy, hình thành nên Hành lang kinh tế (tuyến Xuyên Á thứ 2) song song với Hành lang kinh tế Đông Tây.
Phát triển Khu công nghiệp Nam Đông Hà theo hướng công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo môi trường của đô thị. Thu hút các dự án phù hợp, đúng quy hoạch vào Khu công nghiệp Quán Ngang, để khu công nghiệp này giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh; tạo điều kiện để thành lập Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, thúc đẩy phát triển công nghiệp phía Bắc của tỉnh; tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư để sớm triển khai Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP 8).
Đồng thời, trong quá trình phát triển công nghiệp cần tập trung xử lý tốt vấn đề môi trường. Tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, khuyến khích các dự án công nghiệp mới, có công nghệ và thiết bị hiện đại; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và xử lý môi trường. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao. Nâng cao năng lực ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến; tiếp cận và làm chủ khoa học, công nghệ - kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, nhất là đối với công trình có trình độ kỹ thuật cao trong lĩnh vực xây dựng.
Trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, phát triển công nghiệp có vai trò quan trọng thúc đẩy các ngành sản xuất khác cùng phát triển. Chỉ có phát triển ngành công nghiệp lớn mạnh mới có thể mở rộng quy mô của nền kinh tế, tạo điều kiện để đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước. Đó cũng chính là mục tiêu quan trọng cùng cả nước thực hiện thành công chiến lược của Đảng và Nhà nước đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình cao, như dự thảo các văn kiện của BCH Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)