Vaccine Covid-19 là dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia nên giá thành không chỉ do một mình nhà sản xuất quyết định.
Ngày 10/12, cùng với Học viện Quân y, Nanogen bắt đầu tuyển chọn tình nguyện viên tiêm thử Nanovax. Quá trình thử nghiệm lâm sàng dự kiến kéo dài 6 tháng, ba giai đoạn được tiến hành gối đầu, dự kiến tháng 5/2021 sẽ đưa vaccine vào tiêm chủng đại trà.
Trao đổi với VnExpress sáng 8/12, Nanogen cho biết hiện đang cân nhắc giá bán vaccine Nanocovax, dự kiến không quá 500.000 đồng một liều, cần tiêm hai liều, có thể được bảo hiểm chi trả.
Vị này cho biết, đây là mức giá vừa phải, hợp lý để người dân dễ dàng tiếp cận. Vaccine được Nanogen đánh giá an toàn, khi thử nghiệm trên chuột và khỉ có tác dụng phụ nhẹ, không có cơ quan nào bị tổn thương.
Theo liệu trình, mỗi người từ 12 đến 75 tuổi cần tiêm hai liều, cách nhau 28 ngày. Đây là dòng vaccine cúm nên thuốc có tác dụng miễn dịch trong khoảng một năm và phải tiêm nhắc lại.
Đại diện Nanogen cho biết: "Công ty có thể sản xuất hai triệu liều vaccine một năm. Trong 6 tháng tới, song song với quá trình thử nghiệm lâm sàng, sẽ nâng cấp công suất thêm, có thể là 30 triệu liều, lý tưởng 50 triệu liều một năm".
Nanogen thực hiện nghiên cứu và sản xuất vaccine độc lập, công ty chỉ nhập khẩu bộ hóa chất kiểm nghiệm để kiểm nghiệm sản phẩm, còn lại các nguyên liệu bào chế vaccine Nanogen đều tự sản xuất.
Ngày 9/12, Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ Y tế sẽ họp lần cuối để xem xét, phê duyệt thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người ở nước ta vào ngày 17/12 tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Ngày mai chúng tôi sẽ tổ chức họp Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ Y tế lần cuối để xem xét, phê chuẩn thử nghiệm vaccine trên người. Trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Học viện Quân y thử nghiệm không trên sinh viên mà chúng tôi kêu gọi là những người tình nguyện tham gia. Hai giai đoạn này chủ yếu thử nghiệm tính an toàn, còn tính siêu miễn dịch thì chưa có đủ mẫu lớn để đánh giá”.
Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục khoa và Công nghệ (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine cho hay: “Người tình nguyện tham gia thử nghiệm bắt buộc phải được sàng lọc và phải đảm bảo có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh mãn tính, các bệnh truyền nhiễm... Việc tuyển dụng tình nguyện viên, khám sàng lọc mất ít nhất 7 ngày. Do đó, dự kiến đến ngày 17/12 sẽ bắt đầu tiêm mũi tiêm thử nghiệm chính thức đầu tiên. Giai đoạn 1 thử nghiệm với 40 người. Những người tham gia vào cuộc thử nghiệm đầu tiên dự kiến trong độ tuổi từ 18-40, khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính, cơ địa dị ứng cũng như không trong quá trình điều trị trong các cơ sở y tế...”.
Trong giai đoạn 1 tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người, với các mức liều khác nhau để xác định tính an toàn cho các mức liều tương ứng. Từ đó kết luận ở mức liều nào thì có độ an toàn cao nhất. Giai đoạn 2 dự kiến vào tháng 3-2021 nghiên cứu trên số lượng rộng hơn (tối thiểu 400 người) để tiếp tục đánh giá độ an toàn và tính sinh miễn dịch.
Trên cơ sở kết quả giai đoạn 2, đơn vị chức năng sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với khoảng 10.000 người hoặc vài chục ngàn người tham gia thử nghiệm. Bộ Y tế dự kiến sẽ phối hợp với 3 nước Banglades, Ấn Độ và Indonesia để thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine này vì đây là những nước đang có dịch Covid-19 lây lan mạnh trong cộng đồng.
(Nguồn: Phụ nữ mới)