Các nhà chức trách Indonesia cho biết vaccine ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Sinovac Biotech sản xuất giúp giảm mạnh số ca mắc mới và tử vong tại nước này.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã theo dõi 25.374 nhân viên y tế ở thủ đô Jakarta trong 28 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai và nhận thấy vaccine giúp tỷ lệ tử vong giảm 100% và tỷ lệ nhập viện giảm 96% chỉ trong vòng 7 ngày.
Ông Sadikin cũng cho biết 94% nhân viên y tế không mắc COVID-19, đây là kết quả vượt xa những đo lường trong phòng thí nghiệm trước đây.
“Chúng tôi nhận thấy sự sụt giảm rất rõ ràng về tỷ lệ nhập viện và tử vong của các nhân viên y tế", ông Sadikin tuyên bố.
Dữ liệu từ Brazil cũng cho thấy vaccine Sinovac có hiệu quả cao hơn so với những dữ liệu trong giai đoạn thử nghiệm. Kết quả từ thử nghiệm giai đoạn 3 ở Brazil cho thấy độ hiệu quả của vaccine Trung Quốc chỉ trên 50%, mức thấp nhất của các vaccine đời đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với Bloomberg hôm thứ Ba, CEO Sinovac, ông Yin Weidong, cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng vaccine của hãng này đang hoạt động tốt hơn khi được áp dụng trong thế giới thực.
Nhưng các ví dụ thực tế cũng cho thấy khả năng dập tắt dịch bệnh của vaccine Sinovac đòi hỏi đại đa số người dân phải được tiêm phòng, một kịch bản mà các nước đang phát triển có cơ sở hạ tầng y tế kém và hạn chế về khả năng tiêm chủng không thể đạt được nhanh chóng.
Trong nghiên cứu của Indonesia và một nghiên cứu khác tại một thị trấn Serrana có 45.000 dân của Brazi, gần 100% người được nghiên cứu đã được tiêm phòng đầy đủ, các ca bệnh nặng và tử vong giảm sau khi được tiêm chủng.
Ngược lại, Chile đã chứng kiến một đợt bùng phát trở lại sau khi tiêm chủng cho hơn 6 triệu người dân.
“Nhóm người được tiêm phòng sớm nhất ở Chile là những người già. Chỉ có gần 7 triệu người tại nước này được tiêm vaccine của chúng tôi", ông Yin nói. "Đợt bùng phát này xuất phát từ nhóm người trẻ, những người chưa được tiêm chủng đầy đủ".
Khả năng bảo vệ của vaccine có thể thay đổi tùy theo từng nơi do các biến thể của virus, nhưng vaccine của Sinovac có khả năng chống lại các đột biến mới đáng lo ngại, theo ông Yi.
Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên đặt cược vào vaccine do Trung Quốc sản xuất. Vào tháng 1, Tổng thống Joko Widodo đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới tiêm vaccine Sinovac.
Kể từ đó, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã sử dụng hơn 22 triệu liều vaccine, chủ yếu là Sinovac, nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.
Trong khi các nước láng giềng Malaysia và Thái Lan đang chứng kiến sự gia tăng các ca bệnh, thì tỷ lệ nhiễm mới và tử vong của Indonesia đã ổn định kể từ mức đỉnh tháng 1.
Nhưng với dân số khổng lồ (270 triệu người) hầu như chưa được tiêm chủng, kỳ nghỉ lễ Eid sắp tới có thể làm bùng phát một đợt lây nhiễm mới.
(Nguồn: SCMP)