WHO cảnh báo tâm lý tự mãn khi có vắcxin phòng dịch COVID-19

Lê Ánh |

WHO kêu gọi thế giới tránh tự mãn, lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng sẽ qua đi khi các loại vắcxin phòng bệnh hiệu quả đang dần được tìm ra.

Ngày 4/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chỉ riêng việc triển khai tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19 sẽ không thể đẩy lùi đại dịch.

WHO kêu gọi thế giới tránh tự mãn, lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng sẽ qua đi khi các loại vắcxin phòng bệnh hiệu quả đang dần được tìm ra.

Hình ảnh mô phỏng vắcxin phòng COVID-19 do Hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển, ngày 17/11/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hình ảnh mô phỏng vắcxin phòng COVID-19 do Hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển, ngày 17/11/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan khẳng định có vắcxin không đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ bị đẩy lùi. Việc có vắcxin và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho bộ các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc tìm ra vắcxin giúp cả thế giới cảm thấy nhẹ nhõm hơn và có hy vọng tìm được lối thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, WHO lo ngại rằng thế giới đang hình thành một tâm lý chủ quan, tự mãn rằng đại dịch đang qua đi.

Nhiều nơi tỷ lệ lây nhiễm virus rất cao, khiến các bệnh viện, các đơn vị điều trị tích cực và nhân viên y tế chịu thêm nhiều áp lực.

Tổng số ca mắc bệnh toàn cầu đã vượt ngưỡng 65 triệu và ít nhất 1,5 triệu người đã tử vong vì COVID-19.

Ông Tedros cảnh báo thế giới sẽ tiếp tục phải chiến đấu với đại dịch thêm một thời gian dài nữa và tình hình dịch bệnh trong ngắn hạn cũng như thời điểm dịch bệnh kết thúc sẽ phụ thuộc vào những quyết định mà các nhà lãnh đạo, cũng như người dân đưa ra trong những ngày tới.

Quan chức WHO chuyên trách đại dịch COVID-19 Maria Van Kerkhove nhấn mạnh "những quyết định đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống và cái chết của bạn cũng như của gia đình bạn."

Theo WHO, hiện có khoảng 51 vắcxin COVID-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn.

Trong khi đó, còn khoảng 163 vắcxin đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Sau khi chứng kiến các loại vắcxin đã thay đổi thế giới và xoay chuyển cục diện các dịch bệnh trong quá khứ, ông Michael Ryan hoàn toàn tin tưởng những vắcxin COVID-19 mới được chứng minh là hiệu quả và cả những vaccine đang phát triển sẽ làm được điều đó.

Trong bối cảnh triển vọng tìm ra vắcxin phòng bệnh ngày càng sáng rõ, thêm nhiều quốc gia đã đặt mua vắcxin và lên kế hoạch chủng ngừa cho người dân.

Israel thông báo đã ký kết thỏa thuận mua 6 triệu liều vắcxin từ công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết số lượng vắcxin trong thỏa thuận mới ký kết gấp 3 lần số lượng trong thỏa thuận ban đầu. Do một chu trình chủng ngừa đầy đủ bao gồm 2 liều nên số lượng vắcxin mới được ký kết sẽ giúp Israel có đủ vắcxin để tiêm cho 3 triệu người dân.

Hồi tháng 11, Israel cũng thông báo đạt thỏa thuận đặt mua 8 triệu liều vắcxin của Pfizer và BioNTech, bàn giao đầu năm 2021.

Tây Ban Nha dự định sẽ tiêm phòng cho ít nhất 1/3 trong tổng số 47 triệu dân tại quốc gia này trước tháng 6/2021. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết nhóm được ưu tiên tiêm phòng trong giai đoạn đầu gồm các nhân viên y tế, những người già ở các viện dưỡng lão và các nhân viên chăm sóc.

Mục tiêu là khoảng 2,5 triệu người sẽ được chủng ngừa trong giai đoạn đầu kéo dài khoảng 2 tháng này. Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5 hoặc tháng 6, với mục tiêu tiêm phòng cho khoảng từ 15 đến 20 triệu dân.

Tây Ban Nha hy vọng giai đoạn 3 sẽ tiêm phòng cho toàn dân nhưng chính phủ nước này cũng khẳng định việc tiêm phòng COVID-19 là không bắt buộc.

Hiện các công ty Mỹ cũng đang tích cực thúc đẩy công tác chuẩn bị về hậu cần để phục vụ phân phối vắcxin, đặc biệt là những loại vắcxin cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp. Tuy không trực tiếp liên quan tới công việc sản xuất, bảo quản và vận chuyển vắcxin nhưng hãng chế tạo ôtô Ford đã đặt mua các thiết bị trữ đông riêng đông để chuẩn bị tiếp nhận vaccine cung cấp cho cá nhân viên muốn được chủng ngừa.

Trong khi đó, hãng chế biến thịt Smithfield cũng tuyên bố sẽ dùng phòng lạnh tại các lò mổ để phục vụ các chiến dịch phân phối vắcxin.

Smithfield cho biết đã hoàn tất đánh giá năng lực và các thiết bị trữ đông cực lạnh và sẵn sàng hỗ trợ quá trình bảo quản vắcxin trong trường hợp cần thiết.

Các công ty chuyên tư vấn về thùng xe lạnh cũng đã khởi động một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trong nhiều qua. Hãng vận tải và hậu cần UPS hàng đầu của Mỹ đã nâng công suất làm đá khô lên khoảng 500kg/giờ và cũng đã phát triển các loại thiết bị trữ đông cầm tay có thể bảo quản vắcxin ở nhiệt độ từ âm -20 đến -80 độ C.

 (Nguồn: TTXVN)

TAGS

Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vắcxin COVID-19 vào tuần tới

Thùy Giang |

Hiện nay, NANOGEN đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm..., chuẩn bị sẵn sàng để tiến tới thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắcxin COVID-19 của Việt Nam.

Thế giới lạc quan trước thông tin về vaccine COVID-19

PV |

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19 tại nhiều nơi, những thông tin lạc quan về vaccine ngừa bệnh được ví như là “ánh sáng cuối đường hầm”.

Hai người Trung Quốc nhiễm COVID-19 đi qua nhiều tỉnh bắc Lào trước khi vượt biên về nước

Tổng hợp |

Chính quyền Luang Namtha hôm 3/12 ra thông báo khẩn về biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng khi ghi nhận 2 trường hợp từng nhập cảnh dương tính với virus.

Thủ tướng Lào kêu gọi thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine COVID-19

Tổng hợp |

Thủ tướng Lào vừa có bài phát biểu tại cuộc họp đặc biệt là Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 31 đang diễn ra trong các ngày 3-4/12 tại trụ sở chính New York, Mỹ, theo hình thức trực tuyến với mục đích thảo luận về việc giải quyết đại dịch COVID-19 trong bối cảnh virus đang gây ra sự đe dọa đến sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới, số người nhiễm bệnh tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu suy giảm.