WHO kêu gọi Trung Quốc hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19

Song Minh |

Ngày 12.6, Tổng giám đốc WHO kêu gọi Trung Quốc hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19 trong bối cảnh G7 thảo luận nguyên nhân gây đại dịch toàn cầu.


Tờ Wall Street Journal đưa tin, ngày 12.6, phát biểu với báo giới sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 qua video, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ hy vọng sẽ có sự hợp tác tốt hơn và minh bạch hơn khi giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 đang được tiến hành.

“Như các bạn đã biết, chúng tôi sẽ cần sự hợp tác từ phía Trung Quốc. Chúng tôi cần sự minh bạch để hiểu hoặc biết hoặc tìm ra nguồn gốc của loại virus này… sau khi báo cáo được công bố, đã có những khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu thô” - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Tiến sĩ Tedros nói rằng việc chuẩn bị cho các bước tiếp theo của cuộc điều tra và vấn đề nguồn gốc virus đã được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận hôm 12.6. Cuộc điều tra ban đầu của WHO về nguồn gốc COVID-19 kết luận rằng một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc là khó xảy ra.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu tiến hành cuộc điều tra tình báo mới của Mỹ về nguồn gốc đại dịch. Một số nhà lãnh đạo phương Tây ủng hộ một cuộc điều tra mới của WHO nhằm khám phá tất cả giả thuyết có thể xảy ra.

Ngoài ra, người đứng đầu WHO kêu gọi các nhà sản xuất vaccine COVID-19 từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và các quốc gia giàu có tăng cường chia sẻ vaccine để thúc đẩy chương trình tiêm chủng toàn cầu đang bị tụt hậu. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết tài trợ 1 tỉ liều vaccine cho các quốc gia đang phát triển vào cuối năm 2022.

WHO đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào tháng 6.2022 và cho biết cần 11 tỉ liều vaccine để làm được điều đó.

“Chúng tôi cần nhiều hơn, và chúng tôi cần chúng nhanh hơn” - Tiến sĩ Tedros nói. Mặc dù chưa có đủ vaccine song ông Tedros cho rằng mục tiêu 70% toàn cầu được tiêm chủng vào tháng 6 năm sau vẫn có thể đạt được. Ông cho hay năng lực sản xuất có thể được tăng lên để đạt được mục tiêu.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố tài trợ lần lượt 500 triệu và 100 triệu liều vaccine COID-19 cho các quốc gia nghèo nhất thế giới. Tiến sĩ Tedros cho biết: “Chúng tôi không mong đợi có được mọi thứ từ G7", và nói thêm rằng ông sẽ gửi lời kêu gọi tới Nhóm G20.

Hội nghị thượng đỉnh G7 đang tập trung vào những gì có thể làm để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Các chính phủ G7 cho biết họ sẽ làm việc để hướng tới một kế hoạch đảm bảo vaccine và phương pháp chữa trị cho đại dịch tiếp theo - có thể được triển khai trong 100 ngày thông qua việc chia sẻ dữ liệu và công nghệ.

(Nguồn: Báo Lao Động)

TAGS

WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinovac Trung Quốc

Thanh Mai |

Loại vaccine Covid-19 thứ ba của Trung Quốc, do công ty CanSino Biologics sản xuất, đã nộp dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, nhưng WHO chưa lên lịch trình đánh giá.

WHO cảnh báo sai lầm nếu nghĩ mối nguy hiểm của đại dịch đã qua

Thanh Mai |

WHO cho rằng con đường thoát đại dịch là sử dụng phù hợp và nhất quán các biện pháp y tế cộng đồng.

WHO xem xét đề nghị chuyển giao công nghệ vaccine mRNA cho Việt Nam

Thanh Mai |

WHO hiện nay đang tìm cách mở rộng năng lực và quy mô sản xuất vaccine tại các nước thu nhập thấp, trung bình nhằm kiểm soát đại dịch.

Biến thể COVID-19 tại Ấn Độ được WHO xác định là mối lo ngại toàn cầu

Thanh Mai |

Việc B.1.617 có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn buộc WHO phải nâng cao mức độ cảnh báo.