Chuyện của Hồ Với

Trần Tuyền |

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Hồ Với (sinh năm 1933) là kiện tướng vận tải, gùi 1,6 tạ hàng hóa, súng đạn trên vai trong khi trọng lượng cơ thể chưa tròn 50 kg. Vì những thành tích đó, ông vinh dự được gặp Bác Hồ và đến nay, đó là một kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời ông. Thời bình, cựu binh Hồ Với là tấm gương sáng đi đầu trong làm ăn phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái ăn học thành người và giúp dân bản vượt qua đói nghèo.

Kiện tướng vận tải được gặp Bác Hồ

Căn nhà nhỏ của cựu binh Hồ Với nằm lọt thỏm dưới những tán cây huê cao lớn. Giữa gian nhà, Hồ Với lật giở tập album ảnh, mân mê những kỷ vật, bằng khen thời chiến rồi kể cho chúng tôi nghe chuyện ông được gặp Bác Hồ cách đây hơn 50 năm về trước.

Ở độ tuổi 87, ông Hồ Với vẫn sống, làm việc và yêu đời. Ảnh: Trần Tuyền
Ở độ tuổi 87, ông Hồ Với vẫn sống, làm việc và yêu đời. Ảnh: Trần Tuyền

Năm 1957, trong lúc nhân dân cả nước dồn toàn lực kháng chiến chống Mỹ để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như lớp thanh niên yêu nước lúc bấy giờ, Hồ Với xung phong đi bộ đội. Tháng 1/1966, ông tham gia vận chuyển vũ khí, súng đạn, lương thực cho Đoàn Binh Sơn, Sư đoàn 503, Quân khu 5.

Lúc bấy giờ, Hồ Với chỉ nặng vỏn vẹn 42 kg nhưng có thể gùi lên vai 1,6 tạ hàng hóa, súng đạn, lương thực để tiếp tế cho bộ đội chiến đấu. “Mỗi ngày vận chuyển 1 chuyến. Bỏ súng đạn, lương thực, thuốc men vào gùi rồi cứ thế đi. Mệt lúc nào nghỉ lúc đó. Thanh niên có sức khỏe lại quyết tâm thắng giặc nên nặng cũng gắng gùi. Lúc đó, người nào gùi được 1,4 -1,5 tạ hàng thì được phong là kiện tướng vận tải. Tôi gùi được 1,6 tạ”, ông Hồ Với nhớ lại.

Cuối tháng 8/1966, Hồ Với cùng 3 đồng đội trong Quân khu 5 nhận lệnh từ cấp trên dẫn đường và hộ tống Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra thủ đô Hà Nội báo công với Bác Hồ. Lúc bấy giờ, máy bay địch oanh tạc suốt ngày đêm nên ông cùng đoàn phải luồn rừng, rẽ núi mà đi. “Sau nhiều ngày đêm miệt mài đi, ngày 5/9/1966, tôi cùng nhiều người khác ở Quân khu 5 được vào phủ Chủ tịch báo công với Bác Hồ. Bác nói với chúng tôi rằng: “Bác cảm ơn các cháu! Bác biết các cháu chịu nhiều vất vả, gian lao nhưng các cháu phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Giai đoạn này, một người phải làm việc bằng ba người, vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Các cháu hãy nỗ lực, phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Hồ Với kể. Mặc dù chỉ được gặp Bác trong thời gian ngắn nhưng những lời Bác dặn luôn nằm sâu trong tiềm thức và ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, hành động của ông từ đó trở về sau.

Sau đó, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ gùi bản đồ và một số hàng hóa khác về lại Quân khu 5 tiếp tục phục vụ chiến đấu. Từ năm 1968-1970, ông Hồ Với được đơn vị cử đi học bổ túc quân sự và bổ túc chính trị tại Trường Quân chính, Quân khu 5 (sau này thuộc Quân khu Trị Thiên). Sau khi hoàn thành khóa học, ông tiếp tục phục vụ chiến đấu tại Binh trạm 196, Quân khu Trị Thiên đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Vợ chồng ông Hồ Với đều là cựu chiến binh. Ảnh: Trần Tuyền
Vợ chồng ông Hồ Với đều là cựu chiến binh. Ảnh: Trần Tuyền

Làm nhiều việc ý nghĩa

Sau ngày hòa bình lập lại, Hồ Với đảm nhiệm nhiều vai trò, vị trí công tác khác nhau từ cấp thôn đến cấp xã. Dù ở cương vị nào, ông vẫn luôn ghi nhớ lời Bác dặn dò rằng phải luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Những năm đầu thập niên 80, cựu binh Hồ Với lao vào mặt trận mới - làm kinh tế để nuôi sống gia đình bằng công việc buôn trâu, bò và vải thổ cẩm qua biên giới Việt - Lào. Chuyến hàng đầu tiên, Hồ Với phát hiện ra nấm mồ liệt sĩ được ông chôn cất từ năm 1967. “Hòa bình rồi nhưng thấy nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được về với gia đình mà nằm lạnh lẽo giữa rừng sâu, tôi rất buồn! Nhớ lại lời đồng đội trước đây, nếu ai đó hy sinh thì khi đất nước hòa bình, người còn sống phải thông báo với gia đình người đã khuất đón các anh về. Vì vậy, sau khi phát hiện ra mộ liệt sĩ này, tôi báo ngay cho chính quyền địa phương và đội quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Bình - Trị - Thiên lúc bấy giờ”, ông Hồ Với hồi tưởng.

Sau này, để công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được hiệu quả hơn, Hồ Với tìm thuê những người rà tìm phế liệu chiến tranh thường len lỏi trong rừng sâu núi thẳm. Hễ phát hiện thấy mộ liệt sĩ thì họ sẽ thông báo cho Hồ Với. Sau khi tìm được hài cốt liệt sĩ, ông đánh dấu lại rồi báo với chính quyền địa phương. “Từ năm 1987 đến năm 2017, nhờ sự hỗ trợ của những người rà tìm phế liệu, tôi đã tìm được 167 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 95 hài cốt ở đất nước bạn Lào, 72 mộ liệt sĩ ở trên địa bàn tỉnh”, ông nói.

Quãng 40 năm trước, xã A Bung (Đakrông, Quảng Trị) cũng như nhiều bản làng vùng cao khác, người dân phải đi bộ hàng cây số tìm đến sông, suối để lấy nước sinh hoạt. Mỗi khi trời nắng hạn, nguồn nước luôn là bài toán được đặt ra nhưng không có lời giải.

Năm 1981, ông Hồ Với bàn với vợ vay mượn được hơn 5 triệu đồng rồi bắt xe khách về tận Đông Hà mua ống nhựa. Tiếp đó, ông cùng các con trai phạt cây, đào đất, lắp đặt hơn 4 km đường ống nối từ đầu nguồn Khe Ốp về tận trung tâm bản Cu Tài. Phải mất 1 tháng trời ròng rã, hệ thống dẫn nước tự chảy do Hồ Với thiết kế mới đưa được nguồn nước mát lành, trong vắt về bản. Điều đặc biệt là ông chia sẻ nguồn nước tự chảy này cho hơn 80 hộ gia đình với gần 500 nhân khẩu của 2 thôn Cu Tài và Ty Nê cùng sử dụng. Dẫn tôi ra phía sau nhà, tay chỉ vào ống nhựa dài màu đen đang tuôn chảy dòng nước mát trong, Hồ Với nói: “Đến nay đã gần 49 năm rồi nhưng những ống nước này vẫn sử dụng tốt, nguồn nước vẫn mát lành, trong veo. Có một vài lần ống bị hư, nguồn nước bị tắc, tôi phải bỏ tiền ra để thay thế, sửa chữa lại. Quan trọng là bà con dân bản được sử dụng nguồn nước sạch, không lo thiếu nước vào mùa hè”.

Trong ký ức của ông Hồ Với, phải đến năm 2007, xã A Bung mới được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, dân bản Cu Tài có “ánh điện thay sao” từ những năm 1993-1994. Thấy dân bản vất vả, quanh năm suốt tháng tù mù bên ánh đèn dầu leo lét nên Hồ Với tiếp tục vay 10 triệu đồng rồi tìm mua một cái máy phát điện do Liên Xô sản xuất cùng dây điện, bóng đèn về thắp sáng cho gia đình và dân bản. Dân bản như vỡ òa hạnh phúc vì kể từ thời điểm đó, họ không còn sống trong bóng tối nữa. Đến năm 1996, ông Hồ Với mua máy phát điện mini bằng tua bin về lắp ở suối. Sau này, nhiều gia đình khác trong bản học theo ông mua máy phát điện tua bin này về lắp đặt và sử dụng.

Năm 1991, Hội Cựu chiến binh xã A Bung được thành lập. Ông Hồ Với được bầu làm Chủ tịch hội. Là người lính Cụ Hồ, lại là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông trăn trở nhiều, bởi người dân quê ông bao đời sống du canh du cư, phát, đốt, cốt, trỉa nên cái đói cái nghèo cứ luẩn quẩn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong một buổi sinh hoạt của hội, ông đứng lên nói: “Bác Hồ đã dạy rằng “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Không lẽ chúng ta cứ ngồi chờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ Nhà nước mãi?”.

Ít lâu sau, ông Hồ Với tận dụng nguồn nước từ các khe, suối để đào 1 sào ruộng trồng lúa nước, đảm bảo lương thực cho gia đình. Những năm 2000, ông là người tiên phong mang các giống cây huê, bời lời đỏ, quế, trắc về trồng tại xã A Bung. Đến nay, gia đình ông có 2 ha huê, 2 ha bời lời đỏ, 2 ha quế, hàng chục cây gỗ trắc trên 10 năm tuổi. Các loại cây lưu niên này đều đã cho khai thác. Ngoài ra, ông còn trồng 1 ha sắn xen ngô, hơn 100 gốc mít, 200 cây chuối và đào ao nuôi cá trắm, rô phi, diêu hồng với diện tích mặt nước hơn 1.000 m2 ..

“Trước đây, tôi còn nuôi cả đàn dê, bò, trâu, heo rừng nhưng sau này con cái đi học hết, không có ai chăn nên tôi bán đi. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình tôi được khoảng 60- 70 triệu đồng sau khi trừ các chi phí”, ông Hồ Với cho hay. Từ thành quả của gia đình ông, nhiều người trong bản học tập làm theo, họ vỡ đất, khai hoang thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, trồng cây lâm nghiệp để có sinh kế bền vững lâu dài, không còn kiểu phát, đốt, cốt, trỉa, du canh du cư nữa.

Hệ thống nước tự chảy của ông Hồ Với giúp dân bản Cu Tài có nước sạch sử dụng quanh năm. Ảnh: Trần Tuyền
Hệ thống nước tự chảy của ông Hồ Với giúp dân bản Cu Tài có nước sạch sử dụng quanh năm. Ảnh: Trần Tuyền

Vợ chồng ông Hồ Với có 10 người con (5 trai, 5 gái) và nếu tính cả dâu rể, cháu, chắt thì gia đình ông có tất thảy 33 thành viên, trong đó có 14 đảng viên. Ở độ tuổi 87, ông Hồ Với vẫn còn rất minh mẫn. Khi được hỏi về con cháu trong nhà, ông cười tươi rồi ngồi nhẩm tính, nhớ tên tuổi từng người một. Ngồi cạnh ông, cựu binh Căn Xua - vợ Hồ Với nhìn chồng rồi cười nói: “Bố mẹ không giàu về vật chất, tiền bạc nhưng con cháu thì đông lắm. Điều khiến bố mẹ hạnh phúc là 10 đứa con đều ngoan ngoãn, chăm học và nay hầu hết đều có việc làm ổn định, nuôi sống được gia đình mình”.

Gia đình ông Hồ Với có thể nói là điển hình ở chốn rừng sâu núi thẳm này. Bởi trước kia mặc dù khó khăn chồng chất, vay nợ ngân hàng triền miên nhưng vợ chồng ông vẫn cho 10 đứa con đi học tới nơi tới chốn; trong đó 9 người có bằng đại học và hầu hết đã có công việc ổn định. Trên tường nhà ông treo dày đặc giấy khen, bằng khen từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh trao tặng vì những đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước và cả những bức ảnh được chụp trong những lần ông ra Hà Nội tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Trên ngực áo người cựu binh này cũng ken dày huân chương, huy chương, kỷ niệm chương do Nhà nước trao tặng. Tuy nhiên, điều làm ông hạnh phúc nhất đó là được sống vui vầy bên con cháu và có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho quê hương, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thủ lĩnh trẻ tài năng

Trúc Phương - Minh Trang |

Năng động, sáng tạo và luôn hết mình với mọi hoạt động đoàn dù là nhỏ nhất, đó là những tính từ mà đoàn viên, thanh niên xã Thanh An (Cam Lộ, Quảng Trị) cũng như nhiều người khác thường dùng khi nhắc đến Bí thư Xã đoàn Trần Đăng Hưng (sinh năm 1992).

Tặng giấy khen cho hai học sinh dũng cảm cứu bạn

Q.H |

Sáng nay 18/5/2020, Giám đốc sở Sở GD&ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương đã đến thăm, động viên và trao tặng giấy khen cho hai em: Lê Hữu Bảo, học sinh lớp 8 và Nguyễn Anh Quốc, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học&THCS Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vì đã dũng cảm cứu bạn.

Học sinh lớp 8 trả lại của rơi cho người bị mất

T.P |

Vừa qua, em Nguyễn Vũ Thành, học sinh lớp 8A, Trường TH&THCS Cam Tuyền, Cam Lộ (Quảng Trị) trên đường đến trường đã nhặt được một ví da màu đen bao gồm giấy tờ tùy thân và rất nhiều tiền mặt. Ngay lập tức, em đã báo cho Bí thư chi bộ thôn An Thái, Cam Tuyền và lực lượng chức năng để tìm kiếm người đánh rơi. 

Cô giáo hay làm việc thiện

Trần Tuyền |

Nhiều năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1978) dạy môn tiếng Anh, Trường TH&THCS Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn nỗ lực kêu gọi, kết nối các cá nhân, tổ chức hảo tâm chung tay giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.