Công bố Nobel Văn chương 2020: Nữ thi sĩ người Mỹ Louise Gluck thắng giải

Hải Minh |

Nobel Văn chương 2020 thuộc về nữ thi sĩ người Mỹ Louise Gluck. Ủy ban Nobel vinh danh Louise Gluck vì “âm điệu đầy chất thơ không thể nhầm lẫn với vẻ đẹp đơn sơ khiến sự hiện hữu của cá nhân trở nên một điều phổ quát”.

Gluck, sinh năm 1943, từng giành nhiều giải thưởng văn chương lớn ở Mỹ, bao gồm Huy chương Nhân văn quốc gia, giải Pulitzer, giải Sách Quốc gia, giải Phê bình Sách Quốc gia, và giải Bollingen. 

Các năm 2003 và 2004, bà được vinh danh là Thi sĩ Hoa Kỳ, tức nhà thơ chính thức đại diện cho nước Mỹ và nền thi ca Mỹ.

Thi ca của Gluck thường được mô tả là mang tính tự truyện; tác phẩm của bà đậm đặc cảm xúc và thường xuyên dựa vào những huyền tích, lịch sử, hay tự nhiên để truyền tải những trải nghiệm cá nhân và đời sống hiện đại.
 
 Nobel Văn chương 2020 thuộc về nữ thi sĩ người Mỹ Louise Gluck

Thơ của Gluck còn mô tả những khía cạnh của sang chấn, khát khao, và bản thể, với đặc trưng là cách biểu đạt thẳng thắng nỗi buồn và sự cô độc. Giới phê bình cũng nói nhiều về việc xây dựng “nhân cách thơ” và mối quan hệ giữa tiểu sử cá nhân và huyền tích cổ điển trong thi ca của Gluck.

Gluck sinh ở Thành phố New York và từng mắc chứng chán ăn bệnh lý khi học cấp ba, dù sau này đã khỏi bệnh. Hiện bà là giáo sư ở Đại học Yale và sống ở Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Lựa chọn này của Ủy ban Nobel có lẽ như một lời nhắc nhở rằng giữa thời đại đầy bối rối và hoang mang của dịch bệnh, mạng xã hội, sự chia rẽ và phân cực có lẽ chưa từng thấy khắp thế giới hiện giờ, thi ca không chỉ vẫn có chỗ đứng, mà có thể sẽ là hy vọng cứu rỗi - thậm chí là hy vọng duy nhất - cho nhân sinh, dù mong manh thế nào.

Trong chúc thư, Nobel Văn chương được quy định sẽ trao cho "người sản sinh ra trong lĩnh vực văn chương tác phẩm xuất chúng nhất hướng về những lý tưởng cao đẹp".

Tính từ lần đầu là năm 1901 tới nay, Nobel Văn chương đã được trao 112 lần cho 116 tác giả. Có 6 năm giải không được trao vì các cuộc Thế chiến: 1914, 1918, 1940, 1941, 1942, và 1943. Giải cũng không được trao năm 1935, nhưng lý do chính thức không bao giờ được công bố.

Một lời giải thích là năm đó, Ủy ban Nobel đã cân nhắc trao giải cho tiểu thuyết gia người Pháp Roger Martin du Gard, nhưng ông này đang viết tập bảy một trường thiên tiểu thuyết và ủy ban đã hoãn chưa quyết định vội.

Tác phẩm cuối cùng in vào tháng 11-1936 và đến 1937, Du Gard mới được trao Nobel Văn chương danh giá.

Cũng có 4 lần giải Nobel được chia sẻ cho hai cá nhân.

Cụ thể là vào các năm

- 1904: Frédéric Mistral (người Pháp) và José Echegaray (Tây Ban Nha)

- 1917: Karl Gjellerup và Henrik Pontoppidan (đều Đan Mạch)

- 1966: Shmuel Agnon (Israel) và Nelly Sachs (Đức - Thụy Điển)

- 1974: Eyvind Johnson và Harry Martinson (đều Thụy Điển).

1974 cũng là lần cuối cùng Nobel Văn chương được trao cho hai người. Lý do khiến giải này hiếm khi được chia sẻ hơn hẳn so với các giải Nobel khác "có lẽ là vì bản chất của văn chương.

Các giải khoa học thường được trao chung, vì thành tựu là chung, hay cho những người có các nghiên cứu gần gũi với nhau", trang web của giải Nobel giải thích.

Tác giả trẻ nhất từng được trao giải là nhà thơ - nhà văn người Anh Rudyard Kipling (nổi tiếng nhất với truyện The Jungle Book): ông nhận giải vào năm 1907 khi mới 41 tuổi.

Người cao tuổi nhất là Doris Lessing, tác giả người Anh - Zimbabwe, 88 tuổi khi nhận giải năm 2007.

Có 15 phụ nữ đã nhận Nobel Văn chương, người đầu tiên là nhà văn Thụy Điển Selma Lagerlöf năm 1909 (5 năm sau, chính Lagerlöf được bầu vào Viện Hàn lâm Thụy Điển). Nữ tác giả gần nhất được trao giải là Olga Tokarczuk, người Ba Lan, năm 2018.

Cũng đã có hai nhà văn từng từ chối giải Nobel, Boris Pasternak vào năm 1958, người lúc đầu "đã nhận giải, nhưng sau đó bị chính quyền nước ông ép phải từ chối".

Tiểu thuyết gia hiện sinh người Pháp Jean Paul Sartre từ chối Nobel Văn chương 1964 vì "lập trường nhất quán của tôi là từ chối mọi sự tôn vinh chính thức" (dù có nguồn tin nói Sartre vẫn hỏi xem ông vẫn nhận tiền thưởng thì có được không).

Lần duy nhất giải Nobel được trao cho tác giả đã qua đời là năm 1931, cho nhà thơ Thụy Điển Erik Axel Karlfeldt. Karlfeldt mất tháng 4-1931, 6 tháng trước khi giải được công bố. Từ năm 1974, Quỹ Nobel chính thức quy định giải sẽ không thể trao cho người đã khuất.

Trong quá khứ, một vấn đề gai góc với quá trình đề cử và lựa chọn giải là các ứng viên đồng thời là viện sĩ Viện Hàn lâm, tức "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Cả sáu tác giả người Thụy Điển từng nhận giải Nobel đều là thành viên Viện Hàn lâm.

Alfred Nobel ngay từ đầu đã có tầm nhìn quốc tế trong di chúc của ông, nêu rõ vấn đề quốc tịch của người được trao giải không quan trọng: giải thưởng sẽ được trao cho người xứng đáng nhất, "dù có phải người Scandinavia hay không".

Hôn nhân

Một bài thơ của Louise Gluck - Vũ Hoàng Linh dịch

Cả tuần, họ lại ra biển

và âm thanh của biển phủ màu lên mọi vật.

Bầu trời xanh lấp tràn khung cửa sổ.

Nhưng tiếng động duy nhất là tiếng sóng vỗ bờ-

giận dữ. Giận dữ vì gì đó. Vì điều gì đó

khiến anh ngoảnh mặt đi. Giận dữ, dù anh không bao giờ đánh nàng,

và có thể chưa bao giờ anh nói đến.

Và nàng phải tự tìm câu trả lời theo một cách khác,

từ biển, có thể, hoặc từ những đám mây xám bất chợt

hiện bên trên. Mùi của biển ở trong chăn đệm,

mùi của nắng và gió, mùi khách sạn, dịu ngọt và tươi mới

bởi họ thay chúng mỗi ngày.

Không bao giờ anh nói. Từ ngữ, với anh, là để thỏa thuận, để làm ăn.

Không bao giờ cho giận dữ, không bao giờ cho trìu mến.

Nàng vuốt ve lưng anh. Nàng vùi mặt mình lên đấy,

như thể đang vùi mặt mình lên một bức tường.

Và im lặng giữa họ cổ xưa: nó nói

có những biên giới.

Anh không ngủ, cũng không vờ đang ngủ.

Hơi thở anh không đều đặn: anh hít vào lưỡng lự;

anh không muốn cam kết mình với cuộc sống.

Và anh thở ra nhanh, như vị vua xua đuổi tên hầu.

Ở phía dưới im lặng, tiếng biển,

sự dữ dội của biển lan đi khắp nơi, không kết thúc, không kết thúc,

hơi thở của anh đẩy đi những ngọn sóng-

Nhưng nàng biết nàng là ai và nàng biết điều mình muốn.

Chừng nào điều đó đúng, một cái gì tự nhiên như vậy không thể khiến nàng đau.

Dẫu vậy, Nobel Văn chương cho tới giờ đã được trao cho 29 tác giả viết bằng tiếng Anh, 15 bằng tiếng Pháp, và 14 bằng tiếng Đức - cũng là ba ngôn ngữ dẫn đầu trong danh sách trao giải.

Một trong những sự thật thú vị về Nobel Văn chương nữa là trong khi nhiều người vẫn nghĩ cố Thủ tướng Anh Winston Churchill được trao Nobel Hòa bình, thật ra ông nhận giải Nobel Văn chương vào năm 1953.

Giai đoạn 1945-1953, Churchill được đề cử 21 lần cho Nobel Văn chương, nhưng chỉ 2 lần cho Nobel Hòa bình.

Trong khi Nobel Văn chương trao cho tác giả, có 9 lần Viện Hàn lâm đã nêu đích danh tác phẩm khi trao giải, cụ thể là:

Mikhail Sholokhov (Nga, 1965) - Sông Đông êm đềm (tiểu thuyết)

Ernest Hemingway (Mỹ, 1954) - Ông già và biển cả (tiểu thuyết)

Roger Martin Du Gard (Pháp, 1937) - Gia đình Thibault (tiểu thuyết)

John Galsworthy (Anh, 1932) - Truyện gia đình Forsyte (tiểu thuyết)

Thomas Mann (Đức, 1929) - Gia đình Buddenbrooks (tiểu thuyết)

Wladyslaw Reymont (Ba Lan, 1924) - Nông dân (tiểu thuyết)

Knut Hamsun (Na Uy, 1920) - Phúc lành của đất (tiểu thuyết)

Carl Spitteler (Thụy Sĩ, 1919) - Mùa xuân Olympia (trường ca)

Theodor Mommsen (Đức, 1902) - Lịch sử La Mã (tổng tập lịch sử)

(Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

TAGS

“Bông sen hồng” của nghị lực và sự sáng tạo

Phương Nga |

Vinh dự là một trong 26 cá nhân tiêu biểu nhận giải thưởng “Bông sen hồng” huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) lần thứ 13 năm 2020, anh Nguyễn Quang Tuấn, 47 tuổi trú tại thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái là một tấm gương sáng của người nông dân về nghị lực và sự sáng tạo trong lao động, sản xuất.

Tấm gương người phụ nữ Vân Kiều vượt khó làm giàu

Nguyễn Đình Phục |

Những năm qua, hưởng ứng phong trào phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đặc biệt là phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng khó đã nỗ lực vượt khó làm giàu từ tiềm năng, lợi thế của quê hương. Chị Hồ Thị Hoa, thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt là một điển hình như thế.

Điều dưỡng trưởng giàu lòng yêu thương bệnh nhân

Kăn Sương |

Trong suốt 25 năm gắn bó với nghề, Trưởng Phòng Điều dưỡng và Công tác xã hội Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa  (Quảng Trị) Lê Thị Thanh Thảo lúc nào cũng tận tâm với nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ giúp đỡ về vật chất cũng như động viên tinh thần cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo, người dân tộc thiểu số đến khám, điều trị ở đơn vị. Những việc làm của chị góp phần củng cố niềm tin “Lương y như từ mẫu” của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người dân ở địa phương đối với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.

Gương phụ nữ nhặt được của rơi trả người đánh mất

Nguyễn Trang |

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) Nguyễn Thị Hồng cho biết: “ Sáng nay 5/10/2020, hội viên Võ Thị Hồng, sinh năm 1990 ở thôn Tây Trường đã trao tận tay chiếc ví mình nhặt được gồm tiền mặt và nhiều giấy tờ quan trọng cho người đánh rơi là ông Nguyễn Hồng Lam ở thị trấn Hồ Xá”.