Họa sĩ Trương Bé – họa sĩ bậc thầy trong hội họa

Trang Hiền |

Xanh EWEC: Hoạ sỹ Trương Bé (SN 1942), một người con của quê hương Quảng Trị đã trút hơi thở cuối cùng lúc 12 giờ 5 phút ngày 9-4 tại nhà riêng (Huế) do tuổi cao sức yếu. Hưởng thọ 79 tuổi. Họa sĩ Trương Bé là một tác giả lớn của hội họa đương đại Việt Nam. 

XANH EWEC xin giới thiệu bài viết về hoạ sỹ đăng trên báo Thừa Thiên Huế:

Nhắc đến họa sĩ Trương Bé, người ta nghĩ ngay về một con người gắn bó với nghệ thuật sơn mài truyền thống, một họa sĩ trình độ bậc thầy trong lĩnh vực hội họa trừu tượng ở Việt Nam.

Họa sĩ Trương Bé
Họa sĩ Trương Bé

Làm việc đến giây phút cuối cùng

Trưa 9/4, họa sĩ Trương Bé, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế qua đời ở tuổi 78 tại nhà riêng. Qua mạng xã hội facebook, nhiều họa sĩ, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế bày tỏ niềm tiếc thương đối với người họa sĩ, người thầy đáng kính.

Nhắc đến họa sĩ Trương Bé, người ta nghĩ ngay về một con người gắn bó với nghệ thuật sơn mài truyền thống, với sức sáng tạo bền bỉ. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn không hề ngơi nghỉ trên con đường nghệ thuật. Tháng 9/2019, ông ra mắt công chúng 50 bức tranh sơn mài và sơn dầu trong triển lãm “Nhịp điệu vũ trụ” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. 50 tác phẩm thể hiện cái nhìn vừa thống nhất vừa độc lập của họa sĩ về vũ trụ với sự chuyển động của hàng vạn hạt bụi, vì tinh tú, các dải ngân hà và sự liên kết giữa vũ trụ và con người trong sự luân chuyển không ngừng.

Đa phần tác phẩm được họa sĩ Trương Bé vẽ trong những năm gần đây, nhiều bức được ông ký năm 2019, với nhiều kích thước khác nhau từ nhỏ nhất (50x50cm) đến lớn nhất (244x625cm). Với một họa sĩ trẻ, việc thực hiện một bức tranh khổ lớn rất vất vả. Với một họa sĩ cao niên như họa sĩ Trương Bé, để cho ra đời những tác phẩm lớn là một nỗ lực say mê. Ngay cả khi còn quấn băng trên đầu sau phẫu thuật, ông vẫn vẽ miệt mài.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật bày tỏ niềm thương tiếc: “Họa sĩ Trương Bé là tấm gương lớn về sức làm việc không mệt mỏi, sáng tạo đến giờ phút cuối cùng. Đến những năm cuối đời, ông vẫn có nhiều triển lãm tạo được tiếng vang lớn, để lại cho cuộc đời kho tác phẩm đồ sộ. Ông là họa sĩ lớn của Huế và Việt Nam, là người thầy truyền nhiệt huyết, niềm tin cho nghệ sĩ trẻ. Nghệ thuật của ông để lại ấn tượng mạnh mẽ. Dù là họa sĩ lớn tuổi, lại sử dụng chất liệu truyền thống nhưng tranh của ông rất đương đại. Ông ra đi là một mất mát lớn”.

Truyền sức sống cho tranh sơn mài

Bằng tài năng của mình, họa sĩ Trương Bé đã tạo lập một vị trí tên tuổi không chỉ ở miền Trung mà trên cả nước. Ông là một trong những người đã kiên trì đi sâu nghiên cứu, khám phá sự biểu cảm của chất liệu sơn mài và có nhiều đóng góp khi đưa lối vẽ hiện đại vào tranh sơn mài truyền thống. Luôn tìm thấy trong chất liệu truyền thống quý giá này những sắc âm ngôn ngữ biểu đạt chưa được khám phá hết, ông là họa sĩ đầu tiên ở Huế tiên phong vẽ tranh sơn mài theo trường phái trừu tượng.

Hơn 25 năm trước, sự xuất hiện lối vẽ trừu tượng trên nền tảng chất liệu sơn mài truyền thống là điều khá mới mẻ, nhất là khi họa sĩ Trương Bé tổ chức triển lãm tranh trừu tượng đầu tiên tại Huế. Trong những tác phẩm hiện thực trước 1985 của ông, phảng phất nét vẽ rắn mạnh, dứt khoát cùng các chấm phá “phi hiện thực” nhưng lại hợp lý. Sau này, ông thể hiện sự say mê thể loại trừu tượng trên sơn mài rất mạnh mẽ, có sức lôi cuốn nhiều đồng nghiệp vào mê cung nghệ thuật của mình.

Tranh của ông bao giờ cũng thể hiện những chủ đề mang tính trừu tượng có tư tưởng khái quát, như: thời gian, không gian, sự sống... Xem tranh ông, người thưởng lãm có thể thấy được những bố cục thoáng đãng bất ngờ, những mảng màu vàng son lộng lẫy, những đường nét chằng chịt cuồn cuộn chồng chéo, đè nén lên nhau, lúc hối hả rối rít, khi buông lơi mất hút trong không gian bất tận… Đứng trước tác phẩm của ông, người xem như cảm thấy ngợp bởi sức mạnh của cái đẹp mà họa sĩ tạo nên.

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế, họa sĩ Trương Bé từng chia sẻ: “Hội họa biểu hiện trên mặt phẳng bằng hình tượng nghệ thuật. Vì vậy, người họa sĩ phải làm sao để diễn tả được điều tâm tưởng mình nhìn thấy, cảm thấy bằng hình thức cụ thể và theo cấu trúc tác phẩm có nhịp điệu, sự thay đổi, tổng thể của nó để nói lên chủ đề rất trừu tượng”.

Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942 tại Quảng Trị, nguyên là Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế (1996-2000). Tranh của ông được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore. Ông đã có nhiều cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Canada… và được tặng thưởng nhiều giải thưởng, huy chương về nghệ thuật.

(Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế)

TAGS

Một hộ gia đình ủng hộ quỹ phòng, chống dịch 300 con gà

K.K.S |

Thông qua UBMTTQVN huyện Triệu Phong (Quảng Trị), gia đình chị Nguyễn Thị Phương Liên ở thôn Phú Mỹ Kiên, xã Triệu Giang vừa trao tặng 300 con gà thịt với tổng trị giá 45 triệu đồng ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19.

Thầy giáo của sức khỏe

Hoàng Hải |

Được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được rèn luyện kĩ năng chăm sóc cho bản thân mình, ứng phó với những biến đổi khí hậu, cách đấu tranh để chiến thắng và nhất là phòng ngừa bệnh tật đối với vùng hay có nguy cơ dịch bệnh, sốt rét, các bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp... đều được cung cấp kĩ năng để phòng ngừa. Tất cả những việc làm đó cho 740 em học sinh của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Vao ( xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đang tiến tới xu thế xem trường học là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước.

Đồng chí Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị

Nguyễn Vinh |

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Triệu Thành, Triệu Phong (Quảng Trị), đồng chí Lê Duẩn sớm giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia các phong trào yêu nước, trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. 

Đoàn Văn Linh- Người kỹ sư của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô

Đạo Thiện |

Với mô hình phát triển các tổ hợp tác trồng cây dược liệu; hướng dẫn sản xuất tinh dầu Hợp tác xã Vanpa do anh Đoàn Văn Linh, làm Giám đốc đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở huyện Đakrông (Quảng Trị), và đặc biệt hơn đã hướng cho bà con tiếp cận với những tiến bộ khoa học và quy trình sản xuất mới trong phát triển kinh tế thị trường.