Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Triệu Thành, Triệu Phong (Quảng Trị), đồng chí Lê Duẩn sớm giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia các phong trào yêu nước, trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Với 79 tuổi đời, 56 tuổi Đảng, gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, đồng chí Lê Duẩn được giao nhiều trọng trách của Đảng: Bí thư Xứ ủy Trung kỳ (1937), Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (1939), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1946- 1954), Ủy viên Bộ Chính trị (1951), Bí thư thứ Nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1960 đến 1986.
PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: “Trong lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn thuộc lớp người “khai quốc công thần”. Đồng chí được mệnh danh là “Tổng công trình sư” của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bản Đề cương Cách mạng miền Nam do đồng chí soạn thảo chính là phác thảo ban đầu. Với những quan điểm mang tính đột phá, bản đề cương đã góp phần tìm ra lối thoát cho cách mạng Việt Nam và tỏ ra tầm nhìn vượt trội, tư duy sáng tạo, tinh thần cách mạng tiến công, cũng như sự gắn bó máu thịt với Nhân dân của một nhà cách mạng kiệt xuất”.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phân tích: “Tư duy lý luận sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn luôn bắt rễ từ thực tiễn Việt Nam, từ truyền thống văn hóa- tinh thần Việt Nam, từ thực tiễn đi tới lý luận, dùng lý luận để soi sáng thực tiễn; luôn dị ứng với mọi biểu hiện xơ cứng, sao chép, mô phỏng của chủ nghĩa giáo điều. Trên hướng tìm tòi đúng đắn đó, có nhiều vấn đề đã được đồng chí làm sáng tỏ về mặt lý luận, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, sáng tạo; cũng có nhiều vấn đề còn quá mới, còn ở bước đầu khai phá, thử nghiệm, chưa thật đủ, chưa thật sáng, còn đòi hỏi có thời gian để bổ sung, phát triển, hoàn thiện thêm. Có những vấn đề cũng chưa vượt lên khỏi mô hình kinh tế đang bao trùm cả hệ thống các nước XHCN lúc bấy giờ. Điều chủ yếu toát lên từ tấm gương của đồng chí Lê Duẩn, đó là một nhà lãnh đạo suốt đời say mê tìm tòi, sáng tạo, luôn nêu cao phong cách tư duy độc lập, tự chủ, luôn luôn xới lật vấn đề, khuyến khích tranh luận để tiếp cận chân lý. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát hiện quy luật, vận dụng cho được quy luật (quy luật chiến tranh nhân dân, quy luật từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, quy luật kinh tế, văn hóa, tư tưởng...) vào thực tiễn đời sống, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm chân lý. Nhờ đó, trên bình diện nhà lý luận, đồng chí Lê Duẩn đã thực sự có những đóng góp quan trọng, làm phong phú thêm lý luận của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX”.
Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng đồng chí Lê Duẩn luôn dành thời gian theo dõi, quan tâm đến sự phát triển của quê hương. Nhiều lần về thăm Quảng Trị, đồng chí luôn nói với cán bộ và Nhân dân trong tỉnh: “Đối với tất cả chúng ta, quê hương là tình sâu nghĩa nặng. Riêng tôi, ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống như thế nào”.
Khi nói về những tình cảm của đồng chí Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: “Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Lê Duẩn luôn mong muốn góp sức mình vào việc thay đổi diện mạo quê hương, phát triển sản xuất, làm cho đời sống Nhân dân ngày càng phát triển, không còn cảnh phải ăn khoai, ăn sắn. Chính vì vậy, mỗi lần về thăm quê, đồng chí thường nhắc nhở, căn dặn các đồng chí lãnh đạo: “Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới của mọi người đủ no. Nếu còn một gia đình nào không có áo mặc thì tôi không chịu và không cho phép làm chuyện đó. Đây chẳng những là một nhiệm vụ mà còn là vấn đề đạo đức cộng sản. Đảng, Nhà nước ta phải chăm lo đến đời sống của nhân dân lao động và của từng người trong xã hội, phải suy nghĩ tìm mọi cách giúp đỡ người già nua, tàn tật, những trẻ mồ côi không được học hành, không nơi nương tựa…
Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp thành những ngành kinh doanh quan trọng. Tổ chức và phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, mở mang nhiều ngành nghề, không ngừng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi sâu vào khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa; bà con mình phải biết yêu thương nhau, gia đình yêu thương nhau, cả xã hội, cả làng, cả xã phải thương yêu nhau. Bất cứ người nào cũng phải có lao động, tình thương và lẽ phải”…
Đối với gia đình, họ hàng, làng xóm…, đồng chí luôn thể hiện là người con hiếu nghĩa, thủy chung, sâu sắc, trọng nghĩa tình. Những lần về thăm quê, đồng chí thường đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ, từ đường, thể hiện lòng thành kính biết ơn của người con đi xa trở về, bố trí thời gian đón tiếp bà con làng xóm đến chơi, gặp gỡ chuyện trò với những người cao tuổi, hàn huyên với bạn bè gắn bó thủa thiếu thời. Trong căn nhà ấm cúng ở làng Hậu Kiên, đồng chí thân mật hỏi thăm từng người về sức khỏe, nghề nghiệp, đời sống, cả việc học hành của con cháu và động viên mọi người cố gắng vượt khó vươn lên, khiến ai nấy đều xúc động trước cử chỉ gần gũi, ân cần của đồng chí.
Những lần về thăm quê, đứng dưới những tán rừng cao su, trên triền đất đỏ ba dan ở Hướng Hóa, hay trên kênh dẫn nước của công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, nghĩ về cuộc sống tương lai no ấm, hạnh phúc của đồng bào, đồng chí bồi hồi xúc động. Có thể nói, trong mỗi bước đi của địa phương, đồng chí đều quan tâm, động viên, nhắc nhở…”.
Để hiện thực hóa lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội. Theo xếp loại của Tổng cục Thống kê, hiện nay tỉnh Quảng Trị là 1 trong 16 tỉnh nằm trong nhóm trung bình của cả nước. Năm 2019, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,72%, bình quân thu nhập đầu người đạt 49,5 triệu đồng. Phấn đấu trong những năm tới, tỉnh Quảng Trị quyết tâm trở thành tỉnh khá của cả nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)