Lòng nhân ái của vợ chồng Hồ Ri Man

Kăn Sương |

Dù cuộc sống gia đình vẫn còn rất khó khăn nhưng nhiều năm nay vợ chồng ông Hồ Ri Man - bà Hồ Thị Knưm ở Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn dang rộng vòng tay nhân ái để đón nhận nuôi, chăm sóc 1 người chị dâu già yếu và nuôi 5 người cháu ăn học tử tế. Lòng nhân ái của ông bà được nhiều người dân ở địa phương nể phục và lấy làm gương để noi theo.

Cũng giống nhiều người vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác sống chủ yếu dựa vào nương rẫy nên vợ chồng Hồ Ri Man nghèo lắm. Sau một thời gian cưới nhau, họ sinh được duy nhất 1 người con trai. Trong căn nhà sàn mái tranh, vách nứa là tổ ấm rộn ràng tiếng cười nói của đôi vợ chồng trẻ và con thơ sau những giờ lên nương rẫy làm lụng vất vả. Nhận thấy vì thất học nên gia đình rất khó có được cuộc sống tốt đẹp hơn, vợ chồng ông động viên nhau cố gắng xoay xở nuôi con ăn học. Tuy nhiên, gánh nặng cơm áo đè lên vai vợ chồng ông ngày một nặng khi 16 năm trước vợ chồng người cháu ruột của Hồ Ri Man ở cạnh nhà chia tay nhau, cả hai đều bỏ xứ đi nơi khác sống để lại 5 đứa con nhỏ bơ vơ. Xót thương các cháu bị bố mẹ bỏ rơi không biết dựa vào ai, vợ chồng ông quyết định đón về nuôi và xem như con đẻ của mình.

Ông Hồ Ri Man (bên phải) được nhiều người quý mến vì có tấm lòng nhân ái - Ảnh: K.S​
Ông Hồ Ri Man (bên phải) được nhiều người quý mến vì có tấm lòng nhân ái - Ảnh: K.S​

Rồi hơn 10 năm trước, anh ruột ông Hồ Ri Man già yếu qua đời để lại người vợ thường xuyên ốm đau không ai chăm sóc. Không đành lòng thấy chị dâu gần 90 tuổi cô quạnh, ông bàn với vợ đưa chị về nhà chăm nom. Từ chỉ 1 người con nay vợ chồng ông có đến 6 con và người chị dâu cùng sinh sống dưới một mái nhà. Cuộc sống gia đình ông vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Dù vậy, với tình yêu thương vô bờ vợ chồng ông quyết chí cho tất cả con và các cháu đến trường học chữ.

Để có tiền nuôi con và cháu ăn học, không thể chỉ sống dựa vào phát, đốt, cốt, trỉa để trồng lúa rẫy, ngô, sắn…, vợ chồng Hồ Ri Man tìm cách phát triển kinh tế. Nhận thấy nhu cầu mua măng tre về chế biến các món ăn và buôn bán đi các nơi khác ở địa phương rất cao, vợ chồng ông lựa chọn những giống tre cho măng ngon để trồng, nhân rộng ở nương rẫy. Chỉ một thời gian ngắn, họ đã có thêm nguồn thu nhập từ măng và đến tận bây giờ, măng tre trở thành thu nhập chính của gia đình. Hằng ngày, vợ chồng ông cần mẫn lên nương rẫy hái măng về bóc sạch vỏ, xếp gọn gàng vào các a chói và gùi ra chợ Khe Sanh để bán. Có nhiều khi nhu cầu thị trường cao, thương lái vào tận nhà thu mua nên họ đỡ vất vả hơn.

Biết ơn tấm lòng của vợ chồng Hồ Ri Man, con và các cháu của họ đều chăm ngoan, bảo ban nhau học tập, ngoài giờ đến trường phụ giúp ông bà việc nhà. Con trai ruột của ông bà là Hồ Văn Kiên đã tốt nghiệp đại học, hiện đang công tác tại UBND xã Ba Tầng; các cháu gồm cháu đầu là Hồ Văn Tư học hết THPT, đang thực hiện nghĩa vụ công an; cháu thứ hai Hồ Văn Nguyên học hết THPT, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã vào Thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp; cháu thứ ba Hồ Thị Lựa hiện đang học Trường Đại học Kinh tế Huế; cháu thứ tư Hồ Thị Chọn đang học lớp 12 và cháu thứ năm là Hồ Văn Chiến hiện học lớp 9.

Ông Hồ Ri Man cho biết: “Thời gian đầu khi mới đón các cháu về cùng ở trong nhà, vợ chồng tôi lo lắm vì cháu lớn nhất 11 tuổi, cháu nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi. Lo nhất là các cháu thiếu ăn, thiếu mặc, tiếp đó là thất học vì điều kiện kinh tế chúng tôi lúc đó quá khó khăn. Thế mà 16 năm cũng đã trôi qua, chúng tôi rất vui vì các cháu đều chăm học, hiếu thảo, xem chúng tôi như bố mẹ đẻ. Hiện nay, tâm nguyện của vợ chồng tôi là cố gắng làm sao để nuôi 3 cháu còn lại ăn học đến nơi đến chốn”.

Đối với một hộ gia đình dân tộc thiểu số như vợ chồng Hồ Ri Man, kinh tế phụ thuộc vào nương rẫy, thuộc diện hộ nghèo, rồi cận nghèo nuôi 6 người con và cháu ăn học và chăm sóc một chị dâu già yếu trong suốt những năm qua quả thực là một kỳ tích. Với những nỗ lực nuôi con, cháu ăn học, nhiều năm liền gia đình ông Hồ Ri Man được hội khuyến học các cấp tặng giấy khen; năm 2020 được Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa vận động, xây tặng mái ấm khuyến học với tổng kinh phí 60 triệu đồng. Gần đây nhất vào tháng 10/2020 gia đình ông vinh dự được Hội Khuyến học huyện tặng giấy khen là gia đình hiếu học tiêu biểu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đêm nhạc ''Thương về miền Trung'': Tấm lòng hướng về người dân vùng lũ

Minh Thu |

Chương trình nghệ thuật “Thương về miền Trung” do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức đã gây quỹ được hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và nhiều quà tặng hiện vật khác gửi tới người dân miền Trung.

Tấm lòng người trẻ xứ Cùa với bà con vùng lũ

Lê Trường |

Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng, một nhóm bạn trẻ ở 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa (vùng Cùa), huyện Cam Lộ đã “kết nối yêu thương” để chung tay hỗ trợ cho bà con vượt qua những khó khăn, thiệt hạị.

Tri ân bằng cả tấm lòng

Quang Hiệp |

Sống ở miền quê mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của thế hệ đi trước, thời gian qua, các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên Quảng Trị luôn nặng lòng với những hoạt động tri ân. Mới đây, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã nhận chăm sóc thường xuyên nhiều cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Tấm lòng văn nghệ sĩ với đảo Cồn Cỏ anh hùng

Nguyễn Văn Dùng |

Từ 11 giờ ngày 8/8/1959, khi lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được cắm lên đảo Cồn Cỏ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam thì trong hành trang tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ra đảo Cồn Cỏ cũng mang dấu ấn thân thương của các văn nghệ sĩ từ trung ương đến địa phương. Và trong sâu thẳm trái tim mình, đội ngũ văn nghệ sĩ đã luôn đồng hành với Cồn Cỏ, hướng về Cồn Cỏ, coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, là trách nhiệm, lương tâm, tình cảm của mình với hòn đảo nhỏ anh hùng.