Nặng lòng với bệnh nhi

Hoàng Tiến |

45 tuổi, không còn trẻ cho những việc được cho là bắt đầu. Nhưng họa sĩ Trương Đình Dung lại bắt đầu với rất nhiều việc gắn liền người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Gần đây, anh thực hiện việc gắn tranh lên tường cho bệnh nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị ngắm. Họa sĩ nói: “Đã có tình thương thì không bao giờ muộn”.

Họa sĩ Trương Đình Dung bày cho bệnh nhân nhi vẽ tranh ở khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị (ảnh nhân vật cung cấp).
Họa sĩ Trương Đình Dung bày cho bệnh nhân nhi vẽ tranh ở khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị (ảnh nhân vật cung cấp).

Gom góp cho nồi cháo tình thương 5 năm anh cùng nhóm thiện nguyện phát cháo tình thương ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lúc đó bệnh viện đang nằm ở đường Lê Lợi, một phố nhỏ của thành phố Đông Hà. Nhiều lần tôi gặp Dung phát cháo từ sáng sớm. Dáng người dong dỏng cao, râu hầu như kín miệng và đôi mắt hầu như nhìn đâu cũng nhận ra bức tranh cuộc sống. Có lần anh tâm sự “hiện thực cuộc sống là những bức tranh không bao giờ người cầm cọ vẽ hết được. 5 năm, nồi cháo tình thương vẫn đều đặn đến với bệnh nhân nghèo và Dung vẫn thầm lặng theo nhóm. Lúc mang cháo cho bệnh nhân, lúc gom góp một ít tiền từ bán tranh để đóng vào gây quỹ.

Đấy là sự bình dị nhưng quý giá mà gần đây tôi mới chợt nhận ra, khi anh bán được bức tranh 7 triệu đồng và trao ngay cho trường hợp hai bệnh nhân nhi nguy kịch. Với đồng lương còn rất ít ỏi của giảng viên Khoa Mỹ thuật, Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Dung sống bằng nghề vẽ, nhưng rất nhiều lúc tranh bán đi, tiền cũng cho đi thì lấy gì để sống? Có lúc tôi hỏi anh như thế, Dung chau mày “cũng không biết nữa” rồi anh lại nhìn xuống thân mình “vẫn còn đây thôi”. Chúng tôi lại cười rồi nhìn anh. Có lẽ, ngoài cơm áo ra thì người nghệ sĩ sống bằng tình thương, không có tình thương thì con tim người nghệ sĩ sẽ héo úa.

Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, sau này học thêm cao học (chuyên ngành thủy mặc) tại Đại học Cát Lâm - Trung Quốc, họa sĩ Trương Đình Dung cũng khá “nhọc nhằn” với những đam mê của mình. Trong đó, hội họa dường như chiếm hết thời gian của anh. “Đôi khi không biết cái gì trong đầu, cứ muốn vẽ là cứ vẽ. Có khi là 1 giờ chiều, có khi 3 giờ sáng, ý tưởng đến là cứ đặt nó vào tranh…”, và với anh: “người nghệ sĩ không có tác phẩm, không có công chúng đón nhận coi như người đó… không sống. Tác phẩm không đến với công chúng, không được tương tác với đồng nghiệp, coi như tác phẩm đã chết”.

Cũng vì lẽ đó mà những đứa con tinh thần của Dung tiếp tục ra đời, mãnh liệt như cây giữa mùa xuân. Hai năm qua anh bán gần 400 bức tranh với giá trung bình dao động từ 5 - 10 triệu đồng/bức. Biến phòng bệnh thành phòng tranh Năm 2018, Dung bắt đầu ấp ủ cho ý tưởng treo những bức tranh ở trong phòng bệnh. Anh tâm sự rằng “trong bệnh viện ngoài bốn bức tường ra hầu như không có gì cho bệnh nhân nhìn, ngoài những gương mặt khắc khổ giống nhau. Rất nhiều lần đi phát cháo tình thương, ý muốn mang tranh vào treo ở bệnh viện cứ xuất hiện. Và sau hai năm tôi với một số bạn bè mới thực hiện được ý muốn của mình là đưa những bức tranh thiếu nhi vào với khoa nhi”. Điều này dễ nhận thấy ở rất nhiều bệnh viện: không tivi, không sách báo, không tranh ảnh… Bốn bức tường câm lặng ấy càng khiến bệnh nhân suy nghĩ đến căn bệnh của mình. Thiếu sự thư thái khiến người bệnh lâu khỏi. Họa sĩ Trương Đình Dung tâm sự với chúng tôi rằng “lúc vào viện, nhất là khi gặp những bệnh nhi, tôi không sao thoát được cảm giác đau đớn mà các cháu đang gặp phải. Mặc dù trong khuôn viên bệnh viện đã trồng hoa và có nhiều cây xanh nhưng không phải ai cũng có sức khỏe, có thời gian để ra ngoài phòng bệnh ngắm cảnh, nhất là về đêm. Việc tạo không gian cho bệnh nhi trong bệnh viện bằng những bức tranh tươi sắc là điều rất cần thiết”.

Thu gom tranh từ khắp nơi trong tỉnh mà phần lớn là các bức tranh của các em thiếu nhi đoạt giải thưởng mỹ thuật rồi đưa tranh vào gắn lên phòng bệnh và hành lang của bệnh viện. Cho đến nay, đã có hơn 100 bức tranh thiếu nhi được gắn lên Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Tại đây, những bức tranh vừa phát huy được giá trị thẩm mỹ, vừa mang tính nhân văn đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chị Trần Thị Hoa, 41 tuổi, mẹ của cháu Dương (8 tuổi) tâm sự với chúng tôi rằng “mấy ngày thấy chú đi treo tranh cùng với bạn bè chú, hỏi ra mới biết là họa sĩ. Có tranh trong phòng bệnh khiến trẻ nhỏ thích hơn, tinh thần vui vẻ hơn”. Tiết kiệm, mày mò, kêu gọi hỗ trợ… bằng nhiều cách khác nhau, họa sĩ Trương Đình Dung đã giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh thương tâm mà đa số là người bệnh. Anh nói: “Tôi mong rằng thời gian tới sẽ xã hội hóa được công việc này, mong có nhiều tranh để tiếp tục gắn lên ở những bệnh viện khác nữa, nhiều khoa bệnh khác nhau. Biết đâu, lúc ra khỏi bệnh viện, những bệnh nhân ấy có thể sau này trở thành họa sĩ”.

Anh phát cho bệnh nhi bút mầu, giấy… để các cháu tập vẽ tranh. Nhìn những nét mầu đầu tiên được vẽ lên giấy trắng, ở một nơi khá đặc biệt đó là phòng bệnh, người vẽ tranh không ai khác mà đó là các bệnh nhân, chúng tôi chợt thấy vui đến lạ. Hỏi với những dự định sắp tới, Dung tâm sự rằng “vẫn gắn tranh vào bệnh viện, phát dụng cụ cho các cháu vẽ. Tôi muốn làm thêm thư viện sách báo ở trong bệnh viện, ở bệnh viện bệnh nhân hầu như không có gì để đọc cả…”. Họa sĩ Trương Đình Dung: “Mình là bố của các con nên hiểu được nỗi đau của con trẻ. Mình cũng là con của bố mẹ nên thấy người già đau lại thương… Cũng chẳng nhiều nhặn gì, làm gì được thì làm, giúp gì được thì giúp, chỉ mong họ bình phục sức khỏe nhanh hơn là tốt rồi”.

TAGS

Họ đã yêu nước theo cách của mình

YMS |

Đất nước đang bước vào cuộc chiến. Một cuộc chiến thực sự, trên mọi mặt trận. Cả xã hội đang huy động mọi nguồn lực để “đương đầu” với dịch.

Cụ bà 100 tuổi dùng tiền tiết kiệm ủng hộ phòng chống COVID-19

Q.H |

Sáng 31.3, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) Hồ Lương Đạo cho biết, mặc dù tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh còn khó khăn nhưng cụ bà Lê Thị Sen (sinh năm 1920), trú tại thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành vẫn quyết định để dành số tiền mình tiết kiệm được để đóng góp cho công tác phòng, chống COVID-19.

Lão nông hiến đất mặt tiền ủng hộ phòng dịch COVID-19

Hưng Thơ |

Gia đình làm nông, đang nuôi 3 người con ăn học, nhưng ông Hà Khoa đã viết đơn xin hiến đất để bán, ủng hộ kinh phí cho việc phòng chống dịch COVID-19.

Biến rác thải nhựa thành chậu hoa

Trần Tuyền |

Bằng sự sáng tạo và đôi tay khéo léo, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1967) và anh Bùi Quang Miêng (sinh năm 1966) ở thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh  (Quảng Trị) đã biến những thứ bỏ đi như mũ, áo, khăn, găng tay, túi xách cũ hay rác thải nhựa trôi dạt dọc bãi biển… thành chậu hoa cây cảnh xinh xắn.