Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nhà thơ Chế Lan Viên (1920 - 2020) với sự tham dự của đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Chế Lan Viên là một người góp phần xuất sắc nhất đưa nền thơ dân tộc lên đỉnh cao. Ông đã đem đến sự hài hòa cho thơ mới và cho tiến trình thơ Việt từ 1945 đến nay. Cuộc đời và sự nghiệp của Chế Lan Viên đã đi vào lịch sử như một tinh hoa văn hóa, biệt tài của đất nước.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chế Lan Viên đóng góp cho thơ Việt lớn đến mức, ông muốn xem Chế Lan Viên như một thế giới - Thế giới Chế Lan Viên. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, phải là người có tài thế nào mới có thể làm vế đối cho cả một nền thơ. Khi tất cả các nhà thơ còn lại viết về cái còn, Chế Lan Viên viết về cái mất. Tất cả các nhà thơ còn lại viết về thì hiện tại, Chế Lan Viên viết về quá khứ…
"Nếu nói thơ mới của tất cả các nhà thơ còn lại có vẻ đẹp dương tính, thì thơ của Chế Lan Viên có vẻ đẹp âm tính. Thơ Chế Lan Viên đem đến sự hài hòa của trời đất, của đêm ngày, của sống chết, đó là sự hài hòa của vũ trụ trong sự tròn đầy của chính nó. Không có ‘Điêu tàn’, không có Chế Lan Viên, thơ mới vẫn hay, nhưng hay một cách đơn tuyến. Có Chế Lan Viên có ‘Điêu tàn’, thơ mới hay một cách đa tuyến", nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Chế Lan Viên còn đem đến sự hài hòa cho nền thơ Cách mạng sau năm 1945. Nếu tất cả các nhà thơ còn lại là sự thăng hoa của tâm hồn, Chế Lan Viên là sự thăng hoa của trí tuệ. Nếu tất cả các nhà thơ còn lại là rung động trữ tình, Chế Lan Viên là đanh thép của chính luận. Nếu các nhà thơ còn lại là ru ca, là tình ca, Chế Lan Viên là tráng ca, là hùng ca.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, thơ Chế Lan Viên có nhiều tầng văn hóa, có lúc thơ ông vang lên như tiếng hịch với chất giọng hàn lâm, có lúc lại đậm chất tâm tình với âm hưởng dân gian, có lúc là đả kích cay độc kẻ thù, có lúc lại trở nên bàng hoàng say đắm…
"Trong các nhà thơ Việt, chưa có ai bàn về thơ chuyên nghiệp¸thâm thúy, triệt để như Chế Lan Viên. Ông trở đi trở lại không biết bao nhiêu lần về đề tài này, ông đưa ra một hệ thống thi pháp vừa phổ quát vừa yên sâu, có giá trị kinh điển về nghệ thuật thơ ca. Ông là nhà phê bình thơ hay nhất trong số các nhà thơ. Ông là nhà hùng biện, là bạc thầy đáng kính của các nhà thơ trẻ…", nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định.
Tại lễ kỷ niệm, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã chia sẻ những ý kiến, những kỷ niệm sâu sắc về Nhà thơ Chế Lan Viên. Giáo sư Hà Minh Đức chia sẻ sự ngưỡng mộ với tài năng và phong cách sáng tạo kỳ lạ của nhà thơ Chế Lan Viên: Chế Lan Viên là nhà thơ có kiến thức rộng về văn học Việt Nam cũng như văn học phương Tây, đặc biệt về lý luận văn học, nên mỗi lần được gặp, trò chuyện cùng Chế Lan Viên, ông lại tiếp nhận được nhiều tri thức quý báu.
Giáo sư Phong Lê cho rằng Chế Lan Viên là "kiện tướng" của phong trào thơ mới, là một nhà thơ tiêu biểu hàng đầu trong phong trào thơ mới trước năm 1945 và nền thơ hiện đại Việt sau năm 1945…
Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20/10/1920, quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12-13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề "Điêu tàn" và bắt đầu nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" - nhóm bốn người bạn ở thành Đồ Bàn (Bình Định).
Năm 1939, Chế Lan Viên ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh. Năm 1949, Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo "Văn học". Ông từng là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII; Ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.
Chế Lan Viên là tác giả của hơn 30 tác phẩm gồm thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình văn học. Một số tập thơ tiêu biểu của ông như: "Điêu tàn", "Ánh sáng và phù sa", "Hoa ngày thường - Chim báo bão"…; các tác phẩm văn xuôi như "Vàng sao", "Những ngày nổi giận", "Giờ của đô thành"…; các tập tiểu luận phê bình văn học như "Nói chuyện thơ văn", "Vào nghề", "Suy nghĩ và bình luận"…
Sau năm 1975, Chế Lan Viên vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19/6/1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
(Nguồn: TTXVN)