Nhân viên y tế thôn bản tâm huyết với nghề

Thanh Lê |

26 năm làm công tác y tế thôn bản, với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động, chị Lê Thị Lương, nhân viên y tế thôn bản thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã giúp người dân trong thôn nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các chính sách về y tế.

Chị Lương gắn bó với công tác y tế thôn bản từ năm 1994. Ngày ấy, đời sống người dân thôn Lương Lễ nói riêng và người dân Tân Hợp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, vấn đề chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được chú trọng, việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế.

Chị Lê Thị Lương say sưa kể về công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe. Ảnh: T.L
Chị Lê Thị Lương say sưa kể về công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức trong chăm sóc sức khỏe. Ảnh: T.L

Là cán bộ hội phụ nữ, chị Lương rất muốn làm một việc gì đó để góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Thời điểm ấy thôn Lương Lễ chưa có nhân viên y tế thôn bản nên chị Lương đã chủ động nhận nhiệm vụ từ đó. “Được ví là “cánh tay nối dài” của ngành y tế, làm nhân viên y tế thôn bản đến với tôi như một cơ duyên. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực hết mình vì nghề nghiệp, làm việc bằng tất cả tâm huyết với mong muốn duy nhất là giúp người dân được tiếp cận với quyền lợi chăm sóc sức khỏe ngay tại cơ sở”, chị Lương cho biết.

Là người nhiệt tình, hăng hái, có trách nhiệm, chị Lương luôn nỗ lực trong công việc, đồng thời tích cực học hỏi thêm để ngày càng hoàn thiện những kiến thức về y tế nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Chị thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ trong việc chăm sóc sức khỏe. Phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chương trình y tế, như nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống bệnh suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, giữ gìn vệ sinh môi trường... Đối với những bà mẹ mang thai, chị đã đến tận nhà thăm hỏi, nhắc nhở thực hiện tiêm phòng đầy đủ và đưa trẻ đi tiêm chủng đúng theo quy định. Với lòng yêu nghề và sự cần mẫn trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, chị Lương đã tạo dựng được niềm tin đối với người dân, được mọi người quý mến và tôn trọng.

Thôn Lương Lễ có 370 hộ dân, đa số các hộ làm nông nghiệp nên nhìn chung đời sống vẫn còn khó khăn. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, chị Lương đã có nhiều sáng tạo trong cách thực hiện. Chia sẻ về công việc của mình, chị Lương cho biết thêm: “Để người dân thực hiện tốt chính sách dân số- KHHGĐ hay các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, ngoài việc lồng ghép tuyên truyền thông qua các cuộc họp của các hội, đoàn thể tại thôn, tôi đã vận dụng nguyên tắc “mọi lúc mọi nơi”, bất kể nơi đâu hay đang làm gì, tôi đều lồng ghép để tuyên truyền, vận động. Ví như trong thực hiện chính sách dân số- KHHGĐ, để tuyên truyền đạt hiệu quả, sau khi xác định đối tượng, tôi đã đi sâu đi sát tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình, từ đó vận dụng linh hoạt những biện pháp tuyên truyền hợp lý. Nhờ vậy, có nhiều cặp vợ chồng sinh đông con trên địa bàn đã chấp nhận thực hiện các biện pháp KHHGĐ để tập trung phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhìn những tổ ấm nhỏ thực hiện tốt chính sách dân số, những trẻ em trong thôn khỏe mạnh, hạnh phúc hay người dân chủ động tham gia các dịch vụ y tế…, tôi thấy công sức của mình bỏ ra không hề uổng phí. Kết quả ấy tiếp thêm động lực để bản thân nỗ lực nhiều hơn trong thực hiện nhiệm vụ của một nhân viên y tế thôn bản”.

Cùng với sự phát triển của quê hương, đời sống người dân thôn Lương Lễ hôm nay đã có nhiều đổi thay, đi đôi với đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một cao hơn. Chính thực tế đó lại tiếp tục đặt ra cho những nhân viên y tế thôn bản như chị Lương những thách thức mới. “Để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi bản thân tôi phải không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới, đồng thời linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền đến người dân”, chị Lương cho hay.

Cũng như nhiều nhân viên y tế thôn bản khác, chị Lương đang ngày đêm miệt mài bám từng thôn xóm, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách y tế. Vẫn biết công việc nhiều áp lực, khó khăn với mức thù lao ít ỏi, nhưng vẫn luôn tâm huyết, gắn bó với nghề, bởi niềm vui lớn nhất của những nhân viên y tế thôn bản như chị Lương nhận được chính là người dân được khỏe mạnh và hạnh phúc.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

“Vua phá lưới” có tấm lòng nhân ái

Hoàng Quý |

Những ngày này, tin Lê Tiến Thành, học sinh lớp 5A5 Trường Tiểu học thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị) đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” tại Giải bóng đá nam U11 Cúp QRTV - 2020 dành cho lứa tuổi nhi đồng tỉnh Quảng Trị làm cho nhiều bạn học sinh trên địa bàn huyện Cam Lộ rất ngưỡng mộ.

Tuyên dương em Văn Ngọc Tuấn Kiệt, người đưa "cầu truyền hình" về Quảng Trị

H.T.S |

Sáng nay 29/6/2020, Trường THPT thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng em Văn Ngọc Tuấn Kiệt (sinh năm 2003), học sinh lớp 11A1, Trường THPT thị xã Quảng Trị vì đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Quý chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20. Đây là học sinh thứ tư của tỉnh Quảng Trị bước vào trận chung kết, đưa cầu truyền hình trực tiếp chương trình Đường lên đỉnh Olympia về với quê hương.

Quảng Trị khen thưởng 4 học sinh dũng cảm cứu người bị nạn

Tạ Hưng |

Sáng 22/6, tại Trường TH&THCS Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã tổ chức khen thưởng cho 4 em học sinh lớp 6A của trường gồm: Lê Phước Minh Hiển, Trần Cao Việt Quang, Hà Huy Đức, Trần Công Hoài đã có hành động kịp thời cứu giúp người gặp nạn.

Tặng 1 ngàn con gà giống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở biên giới

Yên Mã Sơn |

Ngày 19/6/2020, nhà văn Hoàng Hải Lâm cùng một số Mạnh Thường Quân đã đến tặng 1 ngàn con gà giống cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở 2 xã Thanh và Pa Tầng (Hướng Hoá, Quảng Trị).