Trong vô số những lời chửi rủa, có bao nhiêu người nhắc đến "người bố đốn mạt" của đứa trẻ tội nghiệp? Đã có ai điều tra danh tính của "người bố" đó hay chưa?
Ở Việt Nam, sinh đẻ, nhất là sinh đứa con đầu lòng, luôn được coi là một sự kiện trọng đại, cả về ý nghĩa biểu trưng cả về những hiểm nguy của viêc sinh đẻ có thể xảy ra cho cả người mẹ và đứa trẻ. Trong hầu hết các trường hợp (dân tộc Kinh) sản phụ sẽ được đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa, người thân chăm sóc, hỗ trợ, không rời nửa bước. Giây phút đứa trẻ chào đời là thời khắc thiêng liêng, hạnh phúc vỡ oà, nhất là khi giới tính của đứa trẻ phù hợp với mong muốn của gia đình.
Hai "nhân vật trung tâm": sản phụ và em bé sơ sinh - sẽ nhận được rất nhiều những lời thương yêu, âu yếm, vỗ về... Còn những cô gái - như mẹ của em bé bị bỏ rơi giữa khe tường mà thời gian gần đây mọi người đã được nghe nói đến trên rất nhiều phương tiện truyền thông - đã "vượt cạn" một mình, đau đớn, cô độc, hoang mang, sợ hãi, tuyệt vọng. Không một lời động viên, không một bàn tay nâng đỡ, không một ánh mắt cảm thông, không một sự trợ giúp y tế tối thiểu... Ngay cả tiếng kêu rên vì những cơn đau xé da, rách thịt họ cũng không được quyền thốt lên...
Sau khi đứa trẻ ra đời, những bà mẹ khác có quyền đươc nghỉ ngơi một cách tự hào thì với những cô gái này chỉ là hoang mang, sợ hãi và tuyệt vọng. Mà chắc chắn họ đã đau khổ sợ hãi hàng tháng trời trước đó khi những thằng "đàn ông họ Sở" quất ngựa truy phong để lại họ với bào thai oan nghiệt... Với thân thể còn đang lẩy bẩy vì mất máu, vì đau đớn, vì kiệt sức và một trái tim trống hoác vì bị phản bội, họ phải mau chóng làm một việc tày trời, hoàn toàn đơn độc... Đây là tình cảnh bi thảm nhất mà con người phải trải qua. Hình dung đến đó tôi thấy xót xa vô hạn.
Hành vi bỏ con của họ là không thể bênh vực. Họ đáng trách, đáng giận. Vì đã không biết cách nói "không" với những lời đường mật của bạn trai. Vì đã không biết tự bảo vệ khỏi việc mang thai khi chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ. Vì đã không tìm đến sự giúp đỡ của người khác, vì đã chọn môt cách giải quyết tồi tệ nhất. Nhưng tôi hiểu tại sao họ lại hành xử như vậy. Trong một xã hội mà tình dục của người phụ nữ bị kiểm soát, giá trị của người con gái được gắn với cái màng trinh, người phụ nữ không chồng mà có con đồng nghĩa với người phụ nữ không có tương lai.
Cuộc đời còn lại sẽ bị phủ đầy những ánh mắt khinh khi, những lời nói miệt thị và những hành động phũ phàng... chỉ những người cực kỳ can đảm mới có thể ôm con để vượt qua. Tôi tin rằng nếu được cảm thông, được che chở, bao dung, được gia đình bạn bè giang tay bao bọc... họ sẽ có can đảm như vậy, sẽ không lựa chọn cách giải quyết tồi tệ đó. Liệu chúng ta có thể bao dung hơn được không? Liệu chúng ta có thể đưa bàn tay ra cho những người con gái đó hay không?
Liệu chúng ta có bất công với họ không, khi chỉ nhìn vào hành vi tuyệt vọng của họ? Sao không hỏi những người đàn ông - người yêu, bạn trai, bạn tình của những người con gái bất hạnh đó - rằng, tại sao họ không bảo vệ bạn gái của họ khỏi mang thai ngoài ý muốn? Rằng tại sao lại hèn hạ bỏ rơi người mà họ đã từng ôm ấp, thậm chí có thể đã thề hẹn trong lúc các cô ấy cần họ nhất?
Trong các cuộc nghiên cứu về phá thai của vị thành niên và thanh niên ở Hà Nội và Sài Gòn vào những năm 1995-1998, đầu tiên tôi cứ ngỡ là các cô gái không có kiến thức về sử dụng các biện pháp tránh thai. Nhưng không phải. Phần lớn các cô gái biết rất rõ về các BPTT nhưng họ không dám dùng vì sợ bạn trai đánh giá là mình "thành thạo". Tôi hỏi vì sao bạn trai các cô không dùng bao cao su, họ nói bạn trai của họ không thích. Tôi lại hỏi bạn trai của các cô có biết biện pháp bỏ ra ngoài không. Các cô bảo bạn trai cũng biết nhưng bạn trai không thích biện pháp ấy.
Tôi cũng phỏng vấn một số bạn trai của các cô và hỏi tại sao họ không chia sẻ trách nhiệm tránh thai cùng bạn gái của mình, họ bảo họ không thích dùng mấy biện pháp của đàn ông, nếu bạn gái có bầu thì họ sẽ đưa đi "giải quyết" vì việc phá thai bây giờ dễ dàng và không đắt đỏ. Có mấy "bạn trai" còn thản nhiên khoe đã đưa bạn gái đi phá thai vài lần rồi. Tôi nhớ lại lúc đó tôi đã phải hết sức kiềm chế để không giáng một cái tát vào bộ mặt vô cảm của mấy gã "bạn trai" đó, hoặc chí ít là thét vào mặt chúng "đồ khốn!"
Trong vô số những lời chửi rủa cô gái này, có bao nhiêu người nhắc đến "người bố đốn mạt" của đứa trẻ tội nghiệp này? Đã có ai điều tra danh tính của "người bố" đó hay chưa?
(Nguồn: Phụ nữ mới)