Trắng đêm trực chốt phong toả tạm thời

Trần Tuyền |

Ngày 7/8/2020, Quảng Trị ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên. Liên tiếp sau đó, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm nhiều ca bệnh mới có liên quan dịch tễ đến 2 bệnh nhân trên. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch được hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành phong tỏa tạm thời những khu dân cư có người dương tính với SARS-CoV-2.

Chốt phong tỏa tạm thời gồm có các lực lượng công an, quân sự và y tế trực 24/24 giờ để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch theo chỉ thị của Chính phủ và UBND tỉnh. Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của COVID-19, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại. Cùng với đó là sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cá nhân để hỗ trợ lực lượng trực chốt trong những ngày dịch bệnh diễn ra phức tạp.

Cán bộ, chiến sĩ trực tại chốt phong tỏa tạm thời ở thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: TRẦN TUYỀN​
Cán bộ, chiến sĩ trực tại chốt phong tỏa tạm thời ở thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: TRẦN TUYỀN​

“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh những ngày này “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thi thoảng, tại chốt phong tỏa tạm thời ngay dưới cổng chào của thôn có vài người từ bên ngoài tiếp tế thực phẩm cho các gia đình ở trong thôn. Những lúc ấy, cán bộ, chiến sĩ trực chốt nhanh chóng hướng dẫn người dân đặt thực phẩm đúng nơi quy định và giữ khoảng cách an toàn. Còn cán bộ y tế thì tiến hành hướng dẫn người dân rửa tay sát khuẩn đeo khẩu trang.

Đại úy Nguyễn Ngọc Dũng, tổ trưởng phụ trách khu phong tỏa tạm thời thôn Đơn Duệ cho hay, thôn Đơn Duệ có 296 hộ dân với khoảng 1.200 nhân khẩu. Nữ bệnh nhân 749 (27 tuổi), ở thôn Đơn Duệ là người chăm sóc người thân tại Khoa Ngoại - Thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng từ ngày 17/7/2020. Ngày 21/7/2020, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, mỏi người. Tối 6/8/2020 xác định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

16 giờ ngày 7/8/2020, chốt phong tỏa tạm thời ở thôn Đơn Duệ được dựng lên với nhiệm vụ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn khu vực phong tỏa; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để người dân trốn khỏi khu vực phong tỏa tạm thời; bảo đảm an ninh trật tự tại các nơi chịu tác động của dịch bệnh, không để các phần tử xấu lợi dụng dịch bệnh để hoạt động chống phá gây bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương; tuyên truyền, vận động người dân bảo đảm vệ sinh môi trường sinh sống, hạn chế việc lây lan, phát triển của dịch bệnh…

Khu phong tỏa có 3 chốt chính và 7 điểm rào chắn tại các tuyến đường ra vào thôn. Những nơi này luôn có cán bộ, chiến sĩ trực chốt 24/24 giờ. “Tại 3 chốt chính, mỗi ca trực có 2 cán bộ y tế, 2 chiến sĩ Công an và 3 dân quân. Các điểm chốt khác có 2 chiến sĩ Công an và 1 dân quân. Người dân trong thôn có ruộng lúa sắp gặt ở gần chốt nên mỗi lần người nào ra khỏi thôn để đi làm ruộng thì phải thông báo với Chủ tịch UBND xã. Ngoài ra, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa cũng phải đảm bảo đúng quy định. Người bên ngoài tiếp tế thực phẩm tới phải đeo khẩu trang, được rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và chỉ đặt thực phẩm tại chiếc bàn nhỏ được chuẩn bị sẵn, sau đó người nhận thực phẩm đến lấy. Tuyệt đối không tiếp xúc, giao tiếp với nhau. Đối với các vật dụng, rác thải từ trong khu phong tỏa đưa ra ngoài thì được cán bộ y tế phun sát khuẩn, khử trùng”, Đại tá Dũng nói.

Dưới nền nhiệt độ cao của những ngày giữa tháng 8, chốt phong tỏa tạm thời được dựng từ lều bạt như càng ngột ngạt thêm. Tuy vậy, anh em trực chốt vẫn miệt mài thực hiện nhiệm vụ. Có những điểm chốt nằm xa khu dân cư, cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải dùng pin năng lượng mặt trời để có điện chiếu sáng vào ban đêm. Thức ăn, nước uống đều được tiếp tế. Riêng chuyện tắm rửa thì phải… xin nhờ nhà dân ngoài khu vực phong tỏa. “Khó khăn lớn nhất là một số người dân vẫn chưa hiểu được tác hại của dịch bệnh. Họ tự ý ra ngoài thôn bằng những con đường mòn mà không thông báo với chính quyền cũng như các chốt trực. Vì vậy, anh em chúng tôi phải tuần tra, trực chốt 24/24 giờ, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng chỉ thị của Chính phủ và UBND tỉnh để sớm chiến thắng dịch bệnh”, Đại tá Dũng chia sẻ.

Kịp thời hỗ trợ chốt phong tỏa phòng, chống COVID-19

Phó Trưởng Công an phường Đông Giang, Trung tá Nguyễn Đức Khương cho biết, anh là tổ trưởng của chốt phong tỏa tạm thời tại Khu phố 2, phường Đông Giang. Tổ của anh có 3 điểm chốt phụ trách phong tỏa 3 đường vào Khu phố 2. Cũng như những chốt khác, chốt phong tỏa tại Khu phố 2 trực 24/24 giờ. Mỗi ca trực kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Với đặc thù nhiệm vụ nên hầu hết các chốt được dựng tạm bằng vải bạt, nhiều chốt chỉ có một cái dù che nắng vì nằm giữa hẻm nhỏ, không thể căng lều. Thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của các chốt trực, nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh đã kịp thời trao tặng, hỗ trợ nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết để các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tại xã Vĩnh Hòa, sau khi nhận được chỉ thị phong tỏa tạm thời thôn Đơn Duệ, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 xã Vĩnh Hòa đã chỉ đạo, phân công Hội Phụ nữ xã và Xã đoàn phụ trách công việc tiếp tế thực phẩm và cơm nước cho các chốt trực. Xã Vĩnh Hòa có 4 thôn, trừ thôn Đơn Duệ bị phong tỏa thì hội viên Chi hội Phụ nữ của 3 thôn còn lại luân phiên mỗi thôn một tuần đi chợ, nấu cơm cho các cán bộ, chiến sĩ trực chốt. Trong khi đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên sẽ phụ giúp chia đều cơm và thức ăn vào hộp sau đó đưa đến tận các chốt.

“Có 3 chốt chính có cán bộ, chiến sĩ trực nên chúng tôi phải đưa cơm đến cho các chốt ấy. Các đoàn viên trong xã hầu hết đều tham gia lực lượng dân quân, làm nhiệm vụ trực chốt nên việc đưa cơm chủ yếu do Ban Chấp hành Xã đoàn và các đoàn viên từ những trường học trong địa bàn phụ trách. Hiện có 30 tình nguyện viên tham gia trong đợt này. Mỗi chốt sẽ có một đoàn viên phụ trách đưa cơm tới sớm cho các cán bộ, chiến sĩ cả 3 buổi sáng, trưa và tối. Ngoài ra chúng tôi còn lập các trang fanpage trên mạng xã hội facebook, zalo để kêu gọi, vận động con em trong xã và các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong khu phong tỏa. Bên cạnh đó, mỗi khi có nhu cầu gì thì người dân trong khu phong tỏa đăng lên những trang này. Ngay sau đó, chúng tôi ngay chuyển đến những thứ người dân cần, không để mọi người phải chờ đợi lâu”, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Hòa Phan Thị Hiền nói.

Quảng Trị đang trong những ngày căng mình phòng, chống COVID-19 nhưng không vì thế mà cuộc sống bị đảo lộn, người dân vẫn bình tĩnh, vẫn yêu thương, đùm bọc nhau để vượt qua cơn đại dịch.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nghĩa tình của cựu thanh niên xung phong

Tú Linh |

Những năm qua, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Mạnh Hùng (69 tuổi) ở Thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) luôn phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, vươn lên trong lao động, sản xuất, trở thành điển hình của phong trào cựu TNXP làm kinh tế giỏi của tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Hải, mua đất, xây nhà 4 tầng làm nơi ở cho người vô gia cư

Đông Thịnh |

Sau nhiều tháng tìm kiếm, đến nay ông Đoàn Ngọc Hải đã tìm được nơi phù hợp để xây ngôi nhà 4 tầng làm nơi ở cho người vô gia cư.

Giúp người dân vùng phong tỏa tạm thời vơi bớt nỗi lo

Quang Hiệp |

Sau khi ghi nhận 2 ca đầu tiên dương tính với COVID-19 ở Quảng Trị, thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh và Tổ 5A, Khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà là hai trong ba khu vực đầu tiên của tỉnh buộc phải phong tỏa tạm thời. Nỗi lo của người dân nơi đây phần nào vơi bớt khi nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, đơn vị liên quan.

Đoàn viên thu gom lúa giúp gia đình có hai người đang được cách ly tập trung

Tây Long |

Ngày 3/8/2020, đoàn viên, thanh niên Chi đoàn thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã đến tận nhà, giúp đỡ một gia đình có cả vợ và chồng đang được cách ly tập trung thu gom, cất trữ lúa.