Tận tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng cao

Lê Trọng Thi |

Với cương vị là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Hướng Phùng (Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng), huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), thầy giáo Đinh Anh Công đã có nhiều đóng góp trong công tác quản lý và chuyên môn, góp phần tạo nên một ngôi trường có chất lượng giáo dục được tin tưởng ở vùng núi cao huyện Hướng Hóa. 

Cùng với đó, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân địa phương, các cấp ngành giáo dục đã tạo động lực mạnh mẽ cho thầy và trò Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng không ngừng phấn đấu và đến nay đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (trường vùng cao đầu tiên) theo Quyết định số 1992/QĐ-UBND ngày 24 - 7 - 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.

 
Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Hướng Phùng

Vượt lên từ trong gian khó

Nằm tọa lạc trên ngọn đồi cao lộng gió giữa khu vực trung tâm xã Hướng Phùng, Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng được thành lập theo quyết định số 1675/QĐ-UBND ngày 06 - 7 - 2015 của UBND huyện Hướng Hóa; tiền thân là Trường THCS Hướng Phùng. Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cái khó càng tăng thêm khi mới thành lập, Ban Giám hiệu nhà trường do thầy giáo Đinh Anh Công là hiệu trưởng, “đứng mũi chịu sào” trong mọi công việc từ công tác ổn định tư tưởng, tổ chức và đoàn kết tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên để cùng nhau chung tay xây dựng một ngôi trường ngày càng hoàn thiện. Biết rằng, gánh trên đôi vai nhiệm vụ nặng nề nên thầy Công luôn suy nghĩ, trăn trở, tìm tòi những giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn kịp thời trước mắt và lâu dài. Từng bước tạo dựng cơ sở vật chất cũng như phân công giảng dạy hợp lý nhằm phát huy năng lực sở trường của từng thành viên, vì thế mọi người ai cũng tích cực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng hiện có đến 259 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều trong đó có 59 học sinh học bán trú. Khó khăn lớn nhất của thầy cô giáo nơi đây chính là việc động viên gia đình cho các em đến lớp để được học tập con chữ, rèn luyện thể chất và kỹ năng sống. Cứ vào mỗi mùa tuyển sinh là nhà trường phân công cho cán bộ, giáo viên điều tra cập nhật từng thôn bản và phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương, những người có uy tín trong bản làng để vận động học sinh nghỉ học đến trường. Trong số những trường hợp bỏ học giữa chừng đều là con em những gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn về kinh tế cùng những hủ tục lạc hậu trong nếp sống riêng của người đồng bào. Có những trường hợp giáo viên đến vận động quá nhiều lần, học sinh thấy thầy cô là chạy trốn và khi gặp được thì các em trả lời “đã không thích đi mà cứ đến mãi…”.

Kỷ niệm khó quên nhất đối với đội ngũ thầy cô giáo khi đi vận động học sinh trở lại trường là chuyện một học sinh nữ có học lực khá vì lý do đã đã nhận tiền bỏ của (kiểu như gả bán từ lúc nhỏ). Ban đầu gia đình rất khó khăn không chịu tiếp xúc vì đã lỡ nhận tiền nhà trai và nhiều chuyện “tế nhị” trong văn hóa riêng có khác nên không thể tiếp tục cho đi học. Nhưng với sự phối hợp kiên trì của giáo viên chủ nhiệm, sự thuyết phục của chính quyền địa phương, ban giám hiệu nhà trường thì gia đình dần hiểu ra và đã cho em trở lại trường. Thêm nữa, để học sinh bán trú có điều kiện học tập, ăn, ở sinh hoạt an toàn trong cuộc sống, ngoài giờ đứng lớp các thầy, cô giáo phân công lịch trực quản lý trong từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh bán trú. Gần gũi và bằng tình yêu thương cảm hóa những em chưa ngoan trong sinh hoạt bởi những hủ tục lạc hậu như chuyện đi sim của những học sinh lớp 8, 9, kéo các em chưa hòa đồng gắn kết vào tập thể với những hoạt động có ý nghĩa như dạy nghề về kỹ thuật làm vườn, ươm cây giống, kỹ thuật máy tính...

 
  Phòng học đa năng ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Hướng Phùng đang đứng lớp.

Nhắc lại những ngày tháng “vạn sự khởi đầu nan” ấy thầy giáo Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: “Với một ngôi trường ở vùng núi cao, vùng xa thì cuộc sống sinh hoạt, giảng dạy của thầy cô giáo gặp không ít khó khăn khi nhà trường có số đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập và đặc biệt các em học bán trú thiếu thốn nhiều mặt. Vì thế, hầu như ngày nào từ sáng đến tối thầy giáo Đinh Anh Công cũng túc trực kiểm tra để động viên, chia sẻ khắc phục những khó khăn trong công tác giảng dạy của giáo viên cũng như việc thực hiện nề nếp ăn, ở của học sinh. Nhiều hôm thầy Công còn ở lại căn tin dùng bữa cùng các em học sinh bán trú, vừa nắm bắt tâm tư, tình cảm vừa để giám sát nhằm điều chỉnh kịp thời chất lượng dinh dưỡng thực phẩm sao cho phù hợp.  Thầy rất thực tâm, tận tụy với công việc nên mọi người ai cũng quý mến và kính nể...”.

Năm học 2020 - 2021, nhà trường có tổng số 440 học sinh và 12 lớp học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên gồm 35 người, trong đó 27 giáo viên, 6 nhân viên và 2 cán bộ quản lý. Trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2015 - 2020 nhà trường đã đạt được những thành tích rất tiêu biểu với: 150 em học sinh giỏi các kỳ thi cấp huyện; 24 em học sinh giỏi các kỳ thi cấp tỉnh; 41 giáo viên giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 26 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 24 cán bộ, giáo viên chiến sĩ thi đua cơ sở; 4 cán bộ, giáo viên chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 1 giáo viên được tặng Bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; bằng khen Bộ GD&ĐT và nhiều năm liền (từ 2015 - 2020) là tập thể lao động xuất sắc...

Tham quan một vòng cùng thầy giáo - hiệu trưởng Đinh Anh Công tôi thật sự ấn tượng khi khuôn viên trường với sân chơi, bãi tập, nhà sinh hoạt đa năng rộng rãi và một bể bơi tổng hợp khang trang nhằm trang bị kỹ năng bơi lội cho học sinh trong những giờ học ngoại khóa. Các phòng học ngoại ngữ với hệ thống máy chiếu (ovehead), bảng viết thông minh điều khiển tự động; phòng đọc và thư viện với đủ các loại sách cần thiết cho cả học sinh, giáo viên tham khảo. Và đặc biệt là phòng tin học có trang thiết bị máy tính hiện đại được kết nối mạng Internet đáp ứng yêu cầu học tập cũng như phục vụ cho giáo viên tra cứu tài liệu, tiếp cận thông tin nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Dừng lại khá lâu trong phòng tin học, thầy Công bộc bạch rằng: “Tôi luôn động viên, khuyến khích tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong việc soạn giảng và công tác quản lý học sinh nên công việc được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả”. Hiện tại, song song với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm đổi mới phương pháp dạy và học; sử dụng các phần mềm ứng dụng tích hợp vào các môn học thì đội ngũ giáo viên đã triển khai chương trình công nghệ E-Learning trong “Thiết kế hồ sơ bài giảng E-Learning” do Bộ GD&ĐT tổ chức với tinh thần “trong mỗi học kỳ, mỗi giáo viên xây dựng ít nhất một bài giảng điện tử E-Learning”. Qua đó giáo viên đã biết xây dựng môi trường học tập hấp dẫn bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin để làm phong phú và sinh động các giờ học. Giáo viên dạy giáo án điện tử trong các tiết chuyên đề, tiết thao giảng, có những giáo viên dạy giáo án điện tử hằng ngày, hằng giờ để tạo sự hứng thú cho học sinh và rèn luyện công nghệ thông tin cho bản thân.

Tận tâm gắn bó với nghề

Vượt qua những thử thách, khó khăn của buổi ban đầu khi chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập, đến nay Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng đã khẳng định được vị trí của mình. Cơ sở vật chất khang trang, môi trường sư phạm nề nếp, chất lượng giáo dục được đảm bảo đúng các tiêu chuẩn, tiêu chí trường chuẩn quốc gia theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ngày 22 - 8 - 2018 về việc ban hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Sau hơn 20 năm công tác ở biên giới, vùng sâu, vùng xa nên đã thấu hiểu bao nỗi nhọc nhằn trong sự nghiệp trồng người trên vùng núi cao, vì thế thầy Công luôn tâm niệm là: phải biết vượt qua gian khó, cống hiến sức lực, trí tuệ và phải tận tâm với học trò mới có thể hoàn thành sứ mệnh của người giáo viên trong sự nghiệp trồng người.

Chứng kiến sự háo hức, rộn ràng trong bữa ăn trưa của các học sinh bán trú, tôi hỏi “bí quyết” giữ lửa bếp ăn trong nhiều năm qua thì được thầy Công từ tốn, cười hiền chia sẻ rằng: “Phải dành trọn tấm lòng yêu thương, chia sẻ khó khăn, tận tụy với công việc và nhất là phải tâm huyết với nghề thì mới “giữ lửa” được một môi trường học tập và phát triển tốt nhất cho học sinh. Và không niềm vui, hạnh phúc nào bằng khi giáo viên nhìn thấy học trò mình được vui khỏe, tiếp thu kiến thức tiến bộ từng ngày...”. Ban Giám hiệu cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường tranh thủ mọi lúc có thể trong việc kêu gọi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện tài trợ kinh phí, vật chất để bổ sung cho các em trong cuộc sống, sinh hoạt và học tập.

 

Kể từ khi thành lập đến nay Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng luôn duy trì sĩ số, tỉ lệ chuyên cần trên 97%. Và đặc biệt, với hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện dạy học đa năng, hiện đại có thể nói lên được rằng chất lượng dạy và học của nhà trường đáp ứng yêu cầu giáo dục, đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Và hơn thế nữa là nói lên được sự lãnh chỉ đạo mang tính trách nhiệm, tận tụy của Ban giám hiệu nhà trường, trong đó phải kể đến thầy giáo - hiệu trưởng Đinh Anh Công luôn tạo được một tập thể đoàn kết, khơi dậy lương tâm nghề nghiệp, khát vọng cống hiến trong mỗi nhà giáo, góp phần làm nên một ngôi trường tiêu biểu ở vùng núi cao, biên giới xa xôi huyện Hướng Hóa.

Với tinh thần nhiệt huyết và tình yêu nghề, tin chắc rằng thầy giáo Đinh Anh Công cùng tập thể đội ngũ thầy cô giáo sẽ tiếp tục cống hiến tâm sức, trí tuệ để khẳng định những bước tiến vững chắc trên con đường xây dựng và trưởng thành của Trường PTDTBT THCS Hướng Phùng. Xứng đáng với những danh hiệu và phần thưởng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo; với niềm tin của nhân dân cũng như học sinh sau này khi ra trường dù làm việc, sinh sống ở phương nào vẫn luôn nhớ ơn và tìm về trong ngày lễ nhà giáo Việt Nam để nói lời tri ân cô thầy.   

TAGS

Thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm với học sinh nghèo

Lê Cảnh Thu |

Cũng như các giáo viên khác của Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), cứ bước vào mùa khai giảng, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm lại đan xen nhiều xúc cảm khó tả. Từ câu chuyện đời mình, thầy biết, trong số những học sinh tung tăng đến trường, không ít em vẫn nặng mang nỗi lo cơm áo. Vì thế, thầy Cảm luôn tự nhủ phải làm điều gì đó để hỗ trợ các em.

Thầy giáo ngăn kênh thủy lợi dạy bơi miễn phí cho học sinh

Thục Quyên |

Sinh ra ở vùng “rốn lũ” của huyện Hải Lăng, từng chứng kiến nỗi đau của nhiều gia đình mất con vì đuối nước, thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên thể dục tại Trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã nảy ra ý tưởng mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh. Từ ý tưởng này, suốt 8 năm qua, cứ vào mùa hè, thầy Tước lại ngăn kênh thủy lợi, miệt mài dạy bơi cho cả ngàn em học sinh.

Có gì trong bức thư thầy hiệu trưởng gửi 1 học sinh không đoạt giải cấp tỉnh?

Thanh Mai |

Em sinh ra để làm nhiều điều lớn lao hơn thế. Điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả", thầy hiệu trưởng viết.

Thầy giáo của sức khỏe

Hoàng Hải |

Được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được rèn luyện kĩ năng chăm sóc cho bản thân mình, ứng phó với những biến đổi khí hậu, cách đấu tranh để chiến thắng và nhất là phòng ngừa bệnh tật đối với vùng hay có nguy cơ dịch bệnh, sốt rét, các bệnh ngoài da, bệnh về đường hô hấp... đều được cung cấp kĩ năng để phòng ngừa. Tất cả những việc làm đó cho 740 em học sinh của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở A Vao ( xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đang tiến tới xu thế xem trường học là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước.