“Trồng người” nơi miền sơn cước

Hiếu Giang |

Bằng tấm lòng nhiệt huyết và khát vọng “trồng người”, nhiều thầy cô giáo đã gắn bó, lặng thầm làm người đưa đò, gieo tri thức cho biết bao thế hệ học sinh nơi miền núi vốn còn nhiều gian khó ở Hướng Hóa, Đakrông. Đã, đang và từng ngày gửi lại tuổi thanh xuân ở miền rừng để xây đắp ước mơ con chữ cho con em bản làng, hình ảnh dung dị của những thầy cô giáo đầy tâm huyết sẽ luôn mãi thân thương lòng dân bản và học trò nơi vùng cao vốn còn nhiều gian khó này.


Cô giáo ở điểm trường A Rồng

Sinh ra và lớn lên ở làng Nại Cửu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong - ngôi làng vẫn được nhiều người gọi là làng giáo viên vì có hàng trăm người đang theo nghề giáo - từ nhỏ Trần Thị Diễm Hiền vẫn ước mong một ngày nào đó sẽ tiếp bước nghề giáo cao quý này. Ước mong đó thành hiện thực khi Hiền thi đỗ vào Trường CĐSP Quảng Trị và đến năm 2009 thì tốt nghiệp. Hiền kể, vì muốn gắn bó với quê hương nên dù nhiều bạn bè cùng lớp rời quê đến các thành phố lớn để xin việc thì Hiền nộp hồ sơ thi tuyển giáo viên miền núi trong tỉnh. “Sau khi thi tuyển đỗ ngạch giáo viên ở huyện miền núi Đakrông, ngày đầu chạy xe máy lên huyện nộp hồ sơ ở thị trấn Krông Klang chờ phân việc, đến lúc quay về mình chạy xe bị lạc ngược theo hướng đi lên… Lao Bảo. Thấm thoát mới ngày đầu bỡ ngỡ ấy mà đến nay mình cũng đã có hơn 10 năm gắn bó với học sinh nơi đây, trong đó nhiều nhất vẫn là ở điểm trường A Rồng, Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang”, cô Hiền chia sẻ.

Cô giáo Trần Thị Diễm Hiền trong một giờ đứng lớp tại điểm trường A Rồng, Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông -Ảnh: ĐV​
Cô giáo Trần Thị Diễm Hiền trong một giờ đứng lớp tại điểm trường A Rồng, Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông -Ảnh: ĐV​

Trong suốt hành trình 10 năm cắm bản gieo chữ cho trẻ em bản làng, cô Hiền nói rằng mình đã có nhiều kỷ niệm rất giản dị và đáng nhớ. Cô trân quý tấm lòng của các phụ huynh, các em học sinh thật thà, chân chất vùng cao nơi mình gắn bó. Hoàn cảnh đa phần gia đình các em đều khó khăn nhưng mỗi dịp lễ tri ân thầy cô giáo hay những ngày lễ trọng khác, họ đều dành tặng cho các thầy cô giáo những món quà nhỏ. Đó có thể là những bó hoa rừng hái vội lúc lên nương rẫy, có khi là những búp măng, mớ rau rừng, con cá bắt dưới suối… “Có lần dịp gần tết, nhà một em học sinh mổ heo rồi nhờ con mang đến lớp biếu cô giáo miếng thịt luộc. Tuy vậy, em học sinh do chờ mình dạy quá lâu nên ngồi ngoài hồn nhiên ăn luôn quà ba mẹ gửi cho cô. Sau khi biết sự việc ai cũng cười vui vẻ… Đó cũng là kỷ niệm ngộ nghĩnh về các em học trò nơi này”, cô Hiền kể. Cô Hiền hiện đang chủ nhiệm lớp 5B của điểm trường A Rồng. Điểm trường này có 6 lớp với 154 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, hầu hết là con em đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Trong những năm học qua, cô Hiền luôn nỗ lực phấn đấu, tìm tòi học hỏi để nâng cao trình độ và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với tập thể, cô luôn chú trọng đến chuyên môn, như bồi dưỡng cho những em học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, vận động học sinh đi học đều đặn, luôn thương yêu, gần gũi, giúp đỡ học sinh. Bản thân cô luôn có ý thức trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, học và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; áp dụng và thực hiện tốt các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, nhiều năm qua cô Hiền được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Cô cũng đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm áp dụng vào dạy học hiệu quả.

Điều mong ước của cô Hằng

Năm nay tròn 40 tuổi nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng đã có thâm niên gắn bó gần 20 năm với giáo dục ở huyện miền núi Hướng Hóa. Tốt nghiệp ngành sư phạm Hóa - Sinh, Trường CĐSP Quảng Trị, năm 2001 cô tình nguyện lên dạy học ở huyện miền núi Hướng Hóa và được phân công vào giảng dạy ở Trường THCS Khe Sanh. Sau 15 năm công tác ở địa bàn thuận lợi, nhằm chia sẻ khó khăn với các đồng nghiệp khác, cách đây 5 năm cô Hằng xin chuyển công tác vào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú và THCS Húc nằm ở bản Tà Núc, cách xa thị trấn Khe Sanh gần 7 km, đường giao thông đi lại rất khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu vào công tác ở địa bàn vùng khó, cô Hằng cho biết ban đầu cũng rất vất vả và lo lắng vì 2 đứa con còn nhỏ phải gửi đi học ở ngoài thị trấn Khe Sanh. “Hồi mới vào đây công tác, đường giao thông đi lại rất khó, nhất là vào mùa mưa lũ. Nhưng đều đặn cứ sáng đi chiều về, vừa lo dạy học vừa lo cho con cái, dần cũng quen. Khó nhất là do mình ít hiểu tiếng bản địa nên việc dạy học ban đầu còn khó, sau được đồng nghiệp hỗ trợ và học hỏi thêm tiếng dân tộc nên đến nay việc truyền đạt kiến thức cho các em dần thuận lợi hơn”, cô Hằng tâm sự.

Dạy ở vùng bản, ngoài công tác truyền dạy kiến thức ở lớp, các thầy cô giáo như cô Hằng “kiêm” thêm nhiệm vụ làm công tác dân vận như vận động các em đến trường và không kết hôn sớm... Cô Hằng cho biết, sau đợt COVID-19 và các đợt bão lũ vừa rồi, nhiều học sinh nghỉ học dài ngày có xu hướng bê trễ việc đến lớp, có nguy cơ bỏ học, cô cùng với nhiều thầy cô giáo khác đã lặn lội đến nhà từng em để thuyết phục, vận động các em đi học trở lại.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng hướng dẫn con học bài -Ảnh: ĐV​
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng hướng dẫn con học bài -Ảnh: ĐV​

“Việc vận động các em đến trường là việc thường xuyên. Các em học bán trú, đến từ nhiều bản làng xa xôi, cách trở nên càng khó khăn hơn. Ngoài ra, học đến gần hết cấp 2, nhiều em học sinh ở đây có tâm lý thích nghỉ học để đi làm công nhân hoặc lấy chồng, lấy vợ nên việc vận động duy trì trường lớp không hề đơn giản. Tuy vậy, vì sự nghiệp giáo dục, chúng tôi đều hết sức cố gắng và xem công tác vận động là một phần nhiệm vụ khi “cắm bản” dạy học nơi vùng khó này”, cô Hằng nói thêm.

Hôm ghé thăm căn nhà thuê khá chật chội trong một con ngõ nhỏ ở thị trấn Khe Sanh, là nơi tá túc của cả gia đình gồm chồng, mẹ chồng và 2 đứa con trai, cô Hằng mới có dịp trải lòng về hoàn cảnh của mình. Cô cho biết, bản thân cô mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Năm cô học lớp 7, bố mất do di chứng chấn thương từ thời đi bộ đội bị sập hầm; năm 18 tuổi mẹ cô bị bệnh hiểm nghèo cũng bỏ chị em cô mà đi. Những năm tháng sau đó, cô được người anh trai nuôi nấng ăn học, trong khi hai người chị lớn đã lấy chồng ở xa. Đau xót thay, một thời gian sau người anh trai cũng bị tai nạn qua đời. Cố nén nỗi đau và bất hạnh, cô gắng gượng học tập, ra trường xin được việc và nuôi người em gái ăn học xong mới lập gia đình... “Ước nguyện của mình là được chuyển về miền xuôi, để thuận lợi cho con cái học hành cũng như chăm sóc bố mẹ chồng đã già yếu, thường xuyên đau ốm. Mình thuê nhà ở Khe Sanh từ hồi mới lên dạy ở đây, nhiều năm qua chồng và mẹ chồng cũng phải lên ở cùng để đỡ đần, giúp thêm việc nhà nên cuộc sống thật sự vất vả... Còn đối với mình, dù công tác ở đâu đi nữa thì cũng luôn dành hết tâm huyết để truyền dạy con chữ cho các em, mong các em nên người”, cô Hằng tâm sự.

Nguyện gắn bó với bản làng

Gần 10 năm công tác ở Trường Tiểu học số 2 Đakrông, huyện Đakrông, thầy giáo trẻ quê ở huyện Hải Lăng Nguyễn Sĩ Hiếu đã dành nhiều tâm huyết truyền dạy kiến thức cho con em bản làng. Tốt nghiệp Trường Đại học Quảng Nam năm 2010, năm 2011 thầy Hiếu tình nguyện xin lên dạy học ở vùng cao huyện Đakrông, được phân về dạy tại Trường Tiểu học số 2 Đakrông. Trường có 6 điểm trường lẻ thì thầy Hiếu hầu như đều đã trải qua, trong đó có một số điểm trường xa xôi, hẻo lánh như Tà Lêng, Làng Cát, Vùng Kho...

Sau những ngày mưa lũ vừa qua, thầy Nguyễn Sĩ Hiếu ngoài tích cực giảng dạy bù cho các em học sinh còn ra sức vận động các nguồn lực từ thực phẩm, áo quần, sách vở để tặng cho học sinh của trường. Đến nay, thầy Hiếu cùng với nhiều thầy cô giáo của trường đã vận động được khá đầy đủ vở, áo quần để tặng cho học sinh các điểm trường của trường bị thiệt hại do mưa lũ, giúp các em tiếp tục yên tâm đến trường. Sẵn làm thêm nghề sửa chữa điện nước, những ngày sau mưa lũ, thầy Hiếu cũng tích cực bỏ công sức phụ giúp một số điểm trường bị tốc mái, hư hỏng bắt lại điện, sửa mái tôn, làm laphông...

Trong quá trình công tác, thầy Hiếu đã kêu gọi, giúp đỡ nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học do gia cảnh nghèo khó. “Như trường hợp em Hồ Thị Pằng, khi học lớp 5 suýt nghỉ học giữa chừng do gia đình quá nghèo, đông anh em. Mình đã đứng ra vận động giúp đỡ nhiều thứ giúp em và gia đình, nhờ vậy mà đến nay em đã học lên cấp 3... Ở đây, phần đông các em là con em dân tộc Vân Kiều vốn có cuộc sống rất khó khăn. Bởi vậy, việc duy trì sự học không hề đơn giản. Vì vậy, thầy cô giáo công tác ở miền núi như mình bên cạnh dồn tâm huyết dạy học còn luôn nỗ lực vận động, khâu nối các tấm lòng để giúp đỡ vật chất cho các em, giúp các em níu giữ ước mơ con chữ”, thầy Hiếu chia sẻ. Hiện cả hai vợ chồng thầy đều đang gắn bó với sự nghiệp trồng người ở huyện Đakrông. Thầy Hiếu tâm sự rằng vợ chồng thầy xem đây là quê hương thứ 2 và nguyện sẽ gắn bó mãi với nơi này để truyền chữ cho con em bản làng...
Thầy giáo Nguyễn Sĩ Hiếu đã có gần 10 năm gắn bó với Trường Tiểu học số 2 Đakrông -Ảnh: ĐV​
Thầy giáo Nguyễn Sĩ Hiếu đã có gần 10 năm gắn bó với Trường Tiểu học số 2 Đakrông -Ảnh: ĐV​

Năm học 2019-2020, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, thầy Hiếu được giao nhiệm vụ là Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn trường. Dù trong công tác nào, thầy Nguyễn Sĩ Hiếu cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những năm qua, thầy giáo Nguyễn Sĩ Hiếu đã có nhiều thành tích trong tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, tham gia phụ đạo học sinh yếu kém, tham gia thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi các cấp. Thầy Hiếu cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm dạy và học đạt giải cao cấp huyện, tỉnh như: “Một số phương pháp nâng cao chất lượng trong hoạt động đội ở trường tiểu học”; “Một số biện pháp rèn kỹ năng giải toán có lời văn cho học sinh lớp 5”; “Một số giải pháp giáo dục đạo đức cho học sinh lớp 4 E Trường Tiểu học số 2 Đakrông”...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Thầy giáo gần 10 năm mặc áo dài, đầu đội khăn đóng lên giảng đường

Thanh Mai |

Không chỉ có lên giảng đường, mà ngay cả khi dạy online, thầy Hồ Minh Quang vẫn bận áo dài khăn đóng.

Đội ngũ nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục

PV |

Xác định đội ngũ thầy, cô giáo chính là những nhân tố trực tiếp quyết định trong việc thực hiện thành công các đề án, giải pháp đột phá của ngành Giáo dục, công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng. Cùng với đó, sự chủ động, mạnh dạn đổi mới của giáo viên đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc dạy và học theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Có một tấm gương nhà giáo như thế

Tuyết Thanh |

Tôi gặp chị vào một buổi sáng đầu đông, tiết trời thị trấn Ái Tử se lạnh. Người con gái bên bờ sông Gianh (Quảng Bình) ấy đã gần 30 năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường TH-THCS Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Con đường dẫn chị đến với nghề giáo như là một mối lương duyên tiền kiếp. Trong tâm trí chị, hình ảnh cô giáo mầm non ngày xưa vẫn còn rất rõ, đó chính là ngọn đèn đầu tiên đã ươm mầm mơ ước cho một cô bé nhỏ xinh ở bên bờ sông Gianh ngày nào.

Quảng Trị có 2 nhà giáo được tôn vinh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2020

Tú Linh |

Ngày 15/11/2020, nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Chương trình “Tôn vinh nhà giáo tiêu biểu” năm 2020. Có 183 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho gần 1,4 triệu nhà giáo trên toàn quốc dự lễ. Tỉnh Quảng Trị vinh dự có 2 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 10.000 nhà giáo toàn tỉnh tham dự, là cô Lê Si Na, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đông Hà và thầy Nguyễn Viết Tước, giáo viên Thể dục, Trường TH&THCS Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng.