Vươn tới giấc mơ nguyệt quế

Trương Quang Hiệp |

Cũng như bao cô cậu học trò khác, từ nhỏ, Văn Ngọc Tuấn Kiệt (sinh năm 2003), học sinh lớp 11A, Trường THPT thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) đã nuôi ước mơ được một lần đội lên đầu chiếc vòng nguyệt quế. Ước mơ ấy thêm bỏng cháy từ lời hứa với người ông đã khuất. Hôm nay, Tuấn Kiệt đã có thể mỉm cười khi sở hữu tới 3 chiếc vòng nguyệt quế và đưa cầu truyền hình trực tiếp của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 về với quê hương Quảng Trị.

Từ một lời hứa

Lần thứ ba nhận vòng nguyệt quế chiến thắng, Văn Ngọc Tuấn Kiệt không cầm được nước mắt. Trong vòng tay yêu thương của mọi người, Tuấn Kiệt xúc động nhớ tới ông nội. Thời thơ ấu, ngoài ba mẹ, ông chính là người gắn bó với Tuấn Kiệt nhất. Vốn trọng con chữ, những cuộc thi trí tuệ, đặc biệt là chương trình Đường lên đỉnh Olympia luôn thu hút ông. Mỗi lần theo dõi chương trình, ông nội lại quay sang nhìn đứa cháu trai đang dán mắt vào màn hình như đặt vào đó cả sự kỳ vọng. Bấy giờ, tuy mới học lớp 5 nhưng Tuấn Kiệt đã khẳng khái nói với ông: “Một ngày nào đó, cháu sẽ lên ti vi, sẽ làm cho ông và ba mẹ tự hào”.

Tuấn Kiệt (ở giữa) trao đổi, thảo luận bài với các bạn trong lớp. Ảnh: Q.H
Tuấn Kiệt (ở giữa) trao đổi, thảo luận bài với các bạn trong lớp. Ảnh: Q.H

Ba mẹ cùng ông nội gửi gắm kỳ vọng vào Tuấn Kiệt ngay từ cái tên. Mong muốn lớn nhất của cả gia đình là chàng trai họ Văn mai này sẽ trở thành người thông minh, tuấn tú trong thiên hạ. Lớn lên giữa muôn vàn tình yêu thương, dẫu cuộc sống không mấy sung túc nhưng Tuấn Kiệt luôn cảm thấy mình may mắn. Cậu đáp đền công ơn sinh thành, dưỡng dục bằng cách nỗ lực học thật giỏi để những giọt mồ hôi của ông bà, ba mẹ gieo trên cánh đồng không trở nên vô nghĩa. Từng có thời điểm “say” game online nhưng Kiệt sớm quay lưng với nó để dành nhiều thời gian hơn cho sách vở. Niềm vui lớn nhất của Tuấn Kiệt là thấy nụ cười tỏa rạng trên gương mặt ông bà, ba mẹ mỗi lần cậu mang giấy khen về nhà. Không chỉ học giỏi ở trường, Kiệt còn sở hữu thành tích đáng tự hào trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia.

Văn Ngọc Tuấn Kiệt vẫn nhớ như in câu chuyện của 5 năm về trước. Bấy giờ, cả thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, nơi cậu sinh ra và lớn lên vỡ òa sung sướng khi Văn Viết Đức chiến thắng trong trận chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15. Hôm ấy, ông nội của Tuấn Kiệt trở về nhà với gương mặt không thể tươi hơn. Ông ôm Kiệt vào lòng bảo: “Viết Đức cùng họ, sống cùng thôn với cháu. Ông mong cháu học tập thật giỏi để nối bước anh”. Bấy giờ, giấc mơ đến với “đấu trường” Olympia, mang niềm tự hào về cho quê hương mới thực sự sáng tỏ trong lòng cậu bé lớp 7 trường làng.

Tuấn Kiệt để lại nhiều dấu ấn với thầy cô, bạn bè​.  Ảnh: Q.H
Tuấn Kiệt để lại nhiều dấu ấn với thầy cô, bạn bè​. Ảnh: Q.H

Ông nội không thể chờ đến ngày Tuấn Kiệt “vinh quy” như ba nam sinh Quảng Trị từng mang cầu truyền hình trực tiếp chương trình Đường lên đỉnh Olympia về cho quê hương là: Văn Viết Đức (Quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15), Phan Đăng Nhật Minh (Quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17), Lê Thanh Tân Nhật (Á quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 18). Dẫu đã chuẩn bị tinh thần nhưng Tuấn Kiệt hụt hẫng trước sự ra đi của ông. Mỗi lần thắp nén hương, nhìn di ảnh ông, Kiệt đều cảm thấy nhói lòng. Trong những ngày buồn, em nghĩ: “Mình cần cố gắng học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để đến với chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ở nơi chín suối, ông chắc hẳn sẽ nở nụ cười nếu mình giành được vòng nguyệt quế”.

Từ đó, Văn Ngọc Tuấn Kiệt lao nhanh hơn trên con đường học vấn. Cậu sắp xếp thời gian biểu hợp lý, chăm chỉ tự học. Chiếc máy tính bố mẹ dành dụm để mua cho hai anh em học tập được phát huy hiệu quả cao độ. Tuấn Kiệt bắt đầu tìm hiểu, tham gia và để lại dấu ấn trong nhiều cuộc thi trên mạng xã hội và ở trường. Mọi người nhớ đến Kiệt là một nam sinh tuấn tú, hay cười, yêu Toán học, Lịch sử và thích chơi bóng đá.

Đến hành trình chinh phục

Để tới được với cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 20, Văn Ngọc Tuấn Kiệt trải qua không ít thử thách. Trường THPT thị xã Quảng Trị, nơi Tuấn Kiệt gửi gắm giấc mơ hội tụ nhiều học sinh xuất sắc. Tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia, hai học sinh của trường là Văn Viết Đức và Lê Thanh Tân Nhật từng gặt hái thành tích cao. Vì thế, để được Ban Giám hiệu nhà trường “chọn mặt gửi vàng” không hề là chuyện dễ. Tuấn Kiệt và các bạn phải trải qua vòng tuyển chọn rất bài bản, kỹ lưỡng. “Thú thật, nếu giáo viên chỉ quan tâm đến điểm số thì em sẽ về sau một số bạn. Em rất mừng khi thầy cô căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau. Cái mà em nghĩ mình có thể tự tin hơn các bạn đó là sự quyết tâm”, Tuấn Kiệt chia sẻ.

Ngày biết mình trở thành đại diện Trường THPT thị xã Quảng Trị tham dự chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 20, Văn Ngọc Tuấn Kiệt vừa mừng, vừa lo. Mừng vì những nỗ lực của mình đã được đền đáp, còn lo vì hiểu việc giành chiếc vòng nguyệt quế vinh quang không hề đơn giản. Trong khi đó, đến với cuộc thi, Tuấn Kiệt không chỉ đại diện cho bản thân mà cả thầy trò Trường THPT thị xã Quảng Trị và miền quê gió Lào cát trắng nổi tiếng hiếu học. Nỗi lo ấy chỉ vơi bớt khi Tuấn Kiệt nhớ đến ánh mắt trìu mến, đầy hy vọng của ông. Suốt một ngày ngồi viết bản đăng ký tham gia chương trình, Tuấn Kiệt cảm thấy ông như đang ở đâu đây, động viên, vỗ về mình.

Tuấn Kiệt cùng thầy tìm hiểu những kiến thức mới. Ảnh: Q.H
Tuấn Kiệt cùng thầy tìm hiểu những kiến thức mới. Ảnh: Q.H

Mỗi cuộc thi trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia đều để lại những kỷ niệm đẹp đối với Văn Ngọc Tuấn Kiệt. Ở cuộc thi tuần, sau khi bị tụt lại, Tuấn Kiệt đã “lộn ngược dòng” ngoạn mục, chiến thắng nghẹt thở với 270 điểm. Chiến thắng ở cuộc thi tuần đã giúp Kiệt cởi bỏ phần nào áp lực để bước vào cuộc thi tháng. Tranh tài với ba đối thủ xuất sắc nhưng Tuấn Kiệt đã về đích sớm và đạt 310 điểm, hơn người đứng ở vị trí thứ hai đến 105 điểm. Kịch tính nhất chính là cuộc thi quý, phải tới những câu hỏi cuối cùng, chiến thắng mới gọi tên Tuấn Kiệt với điểm số 300. “Càng vào vòng trong thì đối thủ càng mạnh, câu hỏi càng khó hơn. Ngoài vòng nguyệt quế, điều ý nghĩa nhất mà cuộc thi mang đến cho em chính là đã thực hiện được lời hứa với ông và biết có rất nhiều người quan tâm, cổ vũ mình. Chính các đối thủ cũng trở thành những người bạn của em”, Tuấn Kiệt vui vẻ nói.

Với chiến thắng ở cuộc thi quý, Văn Ngọc Tuấn Kiệt đã làm được điều mình hằng ao ước là mang cầu truyền hình Đường lên đỉnh Olympia về với quê hương Quảng Trị. Cùng Văn Viết Đức, Phan Đăng Nhật Minh, Lê Thanh Tân Nhật, Văn Ngọc Tuấn Kiệt đã làm nên “kỷ lục” mang tên Quảng Trị tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Chỉ trong 6 năm, có đến 4 nhà leo núi người Quảng Trị bước vào vòng chung kết. Biết rằng thử thách lớn đang chờ đợi mình ở cuộc thi phía trước nên Văn Ngọc Tuấn Kiệt luôn giữ tinh thần thoải mái. Tuấn Kiệt tự hứa với lòng mình sẽ tiếp tục vươn lên trên đỉnh Olympia và nhiều ngọn núi tri thức khác để không phụ lòng ông nội ở chốn suối vàng cùng rất nhiều người luôn yêu thương, động viên, cổ vũ mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nỗ lực của những người làm báo ở vùng cao

Thanh Lê |

Không quản ngại khó khăn, vất vả, những người làm báo ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) hằng ngày luôn đam mê, sáng tạo, góp sức chuyển tải chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế để phản ánh qua các tác phẩm báo chí, từ đó giúp cấp ủy, chính quyền trong định hướng phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

“Nồi cháo tình thương” ấm lòng người bệnh của nữ nhà báo hưu trí

Phương Nga - Kỉnh Ngọc |

Cứ như thường lệ, đúng 5h30 sáng những suất cháo thơm ngon, nóng hổi lại được gia đình nữ Nhà báo Ngô Phương Mai mang đến phát tận tay cho những người bệnh đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Già làng Hồ Vê nêu gương sáng

Trần Tuyền |

Ông Hồ Vê (sinh năm 1944) là già làng, người có uy tín ở thôn Bến Tắt, xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Phát huy vai trò của đảng viên và người có uy tín nên sau khi về hưu, ông Hồ Vê là người tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Học theo ông, người dân trong thôn cũng mạnh dạn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chủ tịch tuổi 14

Tây Long |

Ở tuổi 14, cô học trò nhỏ Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) Đỗ Hoàn Gia Trí đã làm được điều mà nhiều bạn đồng trang lứa mơ ước là trở thành Chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh. Từ đây, Gia Trí thêm nêu cao quyết tâm cùng 39 thành viên khác trong hội đồng chuyển tải tiếng nói của thiếu nhi Quảng Trị đến lãnh đạo các cấp, ngành.