Trong khi nhiều người bạn đồng trang lứa vẫn hoang mang trước sự lựa chọn giữa việc kiếm tiền và tình yêu dành cho công việc thì Cao Thị Nhung (sinh năm 1988), trú tại Phường 3, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tìm được nghề dung hòa cả hai yếu tố ấy. Với những nỗ lực không mỏi mệt, Nhung đã và đang vươn xa cùng tà áo dài. Thậm chí, cô còn mở rộng cơ sở kinh doanh áo dài ở TP. Huế, nơi được coi là xứ sở của những tà áo dài.
Giấc mơ tà áo dài
Cơ sở áo dài Nhung Cao là một thương hiệu mới nổi, được nhiều chị em tin chọn. Đón khách trong tà áo dài duyên dáng, Cao Thị Nhung chia sẻ: “Nhung thích áo dài và thường xuyên mặc áo dài. Có thời điểm mọi người chuộng mặc váy ôm, váy xòe đi đám cưới, dự sự kiện còn Nhung vẫn trung thành với tà áo truyền thống. Nhung vui vì giờ không còn lạc lõng”.
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình thuần nông, cô chị cả Cao Thị Nhung sớm nếm trải gia vị của sự nghèo khó. Nhung vẫn nhớ như in cảm giác vừa vỡ òa hạnh phúc, vừa phân vân, lo lắng khi nhận chiếc áo dài đầu tiên do mẹ tặng. Chiếc áo mới, màu hồng cánh hoa là giấc mơ suốt những ngày thơ bé của Nhung. Thế nhưng, khi nghĩ tới việc ba mẹ phải làm lụng vất vả để mình có cơ hội khoác lên nó, Nhung lại không cầm lòng. Cũng vì thích mặc áo dài nên cô nữ sinh THPT nổi tiếng hát hay, múa giỏi chọn chuyên ngành sư phạm âm nhạc. Bấy giờ, Nhung suy nghĩ giản đơn: “Chỉ trên bục giảng hay trên sâu khấu, mình mới có nhiều cơ hội được mặc áo dài”.
Trên ghế giảng đường, thử thách đến với Cao Thị Nhung nhiều hơn. Khoản tiền ba mẹ cho chi tiêu hằng tháng chỉ đủ để Nhung trang trải việc sinh hoạt, học tập. Để có chiếc áo dài mới, nữ sinh đến từ miền quê Ái Tử, Triệu Phong phải cắt xén cả khẩu phần ăn. Vì thế, khi mua được chiếc áo dài đầu tiên bằng đồng tiền mình dành dụm, Nhung rưng rưng xúc động. Để vơi bớt phần nào vất vả, cô sắp xếp thời gian, nhận biên đạo, biểu diễn văn nghệ cho các cơ quan, đơn vị. Nhờ thế, Nhung mới sắm được những chiếc áo dài như mong ước. Sau này, khi về công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin, nay là Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện Triệu Phong, áo dài lại theo Nhung đến với nhiều hội diễn văn hóa, văn nghệ, chương trình, sự kiện lớn. Chính tình yêu tà áo truyền thống đã tạo động lực cho Nhung khởi nghiệp.
Bước ra từ công việc đã gắn bó 5 năm để mở một lối đi riêng, Nhung không tránh khỏi lo lắng. Sau nhiều đắn đo, Nhung quyết định mở cửa hàng cho thuê và bán áo dài may sẵn. Cô khởi nghiệp chỉ với 15 bộ áo dài cũ và phải bán 2 chỉ vàng là quà cưới để đặt thêm hàng. Điều khiến Nhung rất mừng là sau khi tấm biển cửa hàng được treo lên, nhiều người đã liên lạc để mua, thuê những bộ áo dài do chính tay cô chủ nhỏ cẩn thận chọn lựa. Tín hiệu vui ban đầu ấy khiến Nhung tin tưởng hơn vào quyết định của mình.
Mở rộng kinh doanh
Thỉnh thoảng, người thân của Nhung vẫn nhắc lại nỗi lo ngày cô bắt tay khởi nghiệp. Bấy giờ, ở thành phố Đông Hà, tiệm may áo dài có tiếng đã khá nhiều. Cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn cũng không ít. Chạy theo xu hướng thời trang, có thời điểm, chị em không mấy “mặn mà” với áo dài. Vì thế, ai cũng nghĩ Nhung sai lầm vì bước vào một “cuộc chơi” nhiều thách thức hơn cơ hội. “Nhiều người cho rằng Nhung liều nhưng thực ra, cái sự liều này là có… cơ sở. Trước đây, cửa hàng áo dài nhiều nhưng ít ai may sẵn để bán. Giá một chiếc áo dài khá đắt mà khách hàng lại không có nhiều lựa chọn về chất liệu, kiểu dáng, thiết kế... Việc tìm ra một chiếc áo vừa lòng để thuê cũng chẳng dễ dàng gì. Những điều tai nghe, mắt thấy ấy như mách bảo Nhung rằng mình có cơ hội”, Nhung chia sẻ.
Sau tín hiệu vui ban đầu, Nhung bắt đầu vào Nam, ra Bắc tìm kiếm các cơ sở sản xuất áo dài may sẵn uy tín, nhà thiết kế có tiếng để hợp tác. Nhung tỉ mỉ lựa chọn từng mẫu vải, phụ kiện đi kèm. Nhờ thế, lô hàng nào về quán cũng đắt khách. Áo dài Nhung Cao nổi tiếng trên thị trường Quảng Trị bởi đẹp, rẻ, đa dạng về mẫu mã… Vì thế, việc khách hàng bỏ tiền túi mua một lần 10 - 15 bộ áo dài là bình thường. Thấy tình hình khả quan, Nhung quyết định mở thêm 2 cơ sở mới trong tỉnh. Cô cũng bắt đầu tuyển thợ lành nghề để may những bộ áo dài cao cấp.
Một “nước cờ” táo bạo trong kinh doanh của Cao Thị Nhung chính là “lấn sân” vào đất Huế. Việc Nhung đặt nền móng cho cơ sở áo dài thứ 4 ở nơi được mệnh danh là “kinh đô áo dài” đến rất tự nhiên. Trước đó, có nhiều khách hàng ở Huế liên lạc với Nhung để chọn mua áo dài. Qua tìm hiểu khách hàng và sau những chuyến khảo sát, Nhung biết rằng, ở Huế có rất nhiều tiệm áo dài lớn, nổi tiếng nhưng chủ yếu chỉ may áo dài truyền thống. Trong bối cảnh ấy, những chiếc áo dài cách tân, giá cả phải chăng của Nhung lại có cơ hội. Cứ mỗi đợt áo dài cách tân về cửa hàng, cơ sở kinh doanh của cô chủ trẻ người Quảng Trị lại nườm nượp khách.
Nhờ sự ủng hộ, tín nhiệm của khách hàng, trung bình mỗi tháng, một cơ sở kinh doanh áo dài của Cao Thị Nhung thu về tầm 30 triệu đồng. Thu nhập cao nhưng Nhung vẫn chưa hài lòng bởi khách hàng của mình chủ yếu chỉ quẩn quanh ở khu vực miền Trung. Để có bước tiến mới, Nhung quyết định cùng nhân viên livestream bán áo dài trên Facebook. Hơn cả sự mong đợi, khách hàng đặt mua áo dài qua mạng xã hội rất đông. Có đêm, cô bán được khoảng 300 chiếc áo dài. Tính riêng từ tháng 2 đến tháng 12/2020, số tiền lãi thu về từ những buổi livestream lên đến gần 750 triệu đồng. “Nhiều khách hàng nói đêm nào cũng vào xem Nhung livestream, đôi khi chỉ để nghe em nói, hát hay kể chuyện. Có hôm em bận việc không livestream được, khách hàng còn nhắn tin để thăm hỏi”, Nhung nở nụ cười kể.
Nghề kinh doanh áo dài đã giúp cuộc sống của Nhung thêm phần ý nghĩa. Hiện tại, Nhung đang tạo việc làm ổn định cho 17 người. Không còn vật lộn với cơm áo như xưa, cô có điều kiện thuận lợi để tham gia, hỗ trợ các hoạt động từ thiện - xã hội. Đặc biệt, niềm vui lớn nhất đối với Nhung là đã thắp lửa tình yêu tà áo truyền thống trong lòng nhiều người. Nhung kể, có một nữ Việt Kiều sống ở Mỹ vô tình xem Nhung livestream trên Facebook đã trở thành khách hàng “ruột” của cô. Sau gần 30 năm vắng bóng, tủ áo quần của chị đã xuất hiện trở lại những chiếc áo dài. Không chỉ mua cho mình, nữ khách hàng này còn chọn mua áo dài tặng người thân, bạn bè ở nước ngoài. Chị nói, từ ngày xem livestream và mua áo dài của Nhung, bỗng thấy “trong tim là cả quê hương”.
Những câu chuyện giản dị nhưng hết sức ý nghĩa như thế đã tiếp thêm động lực để Cao Thị Nhung vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nhung đã sớm quen với những chuyến xe đường dài miệt mài tìm kiếm đối tác, nguồn hàng; giọng nói khàn đặc sau hàng tiếng livestream; ngày bầu bì nhưng vẫn ngược xuôi phục vụ khách… Đối với Nhung, từ lâu, chiếc áo dài không chỉ đơn thuần là một món hàng mà đặt trọn cả tâm hồn của cô trong đó.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)