Với vị trí địa - chính trị đặc biệt của mình, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Cam Lộ - vùng đất giữ vai trò chiến lược trọng yếu phía Tây tỉnh Quảng Trị từng chứng kiến biết bao biến động có tính bước ngoặt của lịch sử khi 2 lần được chọn làm “Kinh đô kháng chiến”.
Sau biến cố Kinh thành Huế (năm 1885) và sự kiện vua Hàm Nghi xuất bôn chống Pháp, sơn phòng Tân Sở vùng Cùa, Cam Lộ được phái chủ chiến chọn làm nơi đóng đô của Vương triều kháng chiến.
Ngày 13/8/1885, tại đây, Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương hiệu triệu Nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp, tạo nên một phong trào yêu nước có quy mô rộng lớn, kéo dài đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Gần 100 năm sau, Cam Lộ lại vinh dự được chọn làm nơi đặt thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) - biểu tượng cho khát vọng đấu tranh thống nhất nước nhà của Nhân dân miền Nam và cả nước.
Ngược dòng lịch sử cách đây 51 năm, chiến dịch xuân - hè 1972 ở mặt trận Trị -Thiên giành thắng lợi to lớn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27/1/1973), nhằm tạo vị thế mới trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, Chính phủ CMLTCHMNVN chọn Cam Lộ làm nơi đặt trụ sở của Chính phủ.
Vị trí được chọn để xây dựng trụ sở thuộc xóm Tây Hòa, xã Cam Mỹ (nay là thị trấn Cam Lộ), ngay trong khuôn viên di tích thành Vĩnh Ninh được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (năm 1829), thủ phủ của đạo Cam Lộ thuộc dinh Quảng Trị để trấn giữ vùng biên ải phía Tây của tỉnh giáp với Ai Lao.
Trụ sở của Chính phủ CMLTCHMNVN đặt tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam Việt Nam được giải phóng, nối liền với hậu phương lớn miền Bắc XHCN và vùng giải phóng hạ Lào rộng lớn; có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận lợi, nhất là tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 anh hùng.Chính vì vậy, đây là địa bàn thuận lợi để Chính phủ triển khai toàn diện các hoạt động lãnh đạo trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động ngoại giao. Trong 2 năm (1973 - 1975), Chính phủ CMLTCHMNVN đã đón 49 đoàn khách quốc tế và đại sứ các nước đến trình Quốc thư, đặc biệt là sự kiện đón tiếp lãnh tụ Cu Ba Fidel Castro, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Goerges Marchais… đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Tổ chức các đoàn đại biểu đi thăm hữu nghị, dự hội nghị quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn năm châu...
Việc Chính phủ CMLTCHMNVN chọn Cam Lộ, Quảng Trị làm nơi đặt trụ sở không chỉ vì vị trí địa chiến lược của mảnh đất này mà ở đó còn có cả niềm tin tưởng vào tấm lòng thủy chung, son sắt đối với Đảng, với cách mạng của người dân nơi đây. Mảnh đất - con người Cam Lộ vốn giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng.
Trước khi có Đảng, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Cam Lộ là nơi khởi phát của phong trào Cần Vương, nơi từng sục sôi khí thế các phong trào chống thuế Trung kỳ (năm 1908), phong trào vận động Vua Duy Tân khởi nghĩa (năm 1916). Đầu năm 1930, Nhà Tằm Tân Tường (Cam Lộ) chính là nơi ra đời của một trong ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị cũng là địa điểm thành lập Tỉnh ủy chính thức vào tháng 11/1930.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước với vị trí của một huyện nằm trên hành lang chiến lược Bắc - Nam, Cam Lộ là chiến trường ác liệt, nơi mỗi làng xóm, đường quê đã trở thành trận địa chống quân thù, những người dân quê hiền lành, chất phác đã hóa thân thành anh hùng, dũng sĩ.
Đường số 9 anh hùng cùng những địa danh: Cao điểm 241, Đầu Mầu, Phu Lơ, Động Tròn, Ba Hồ, Ngã Tư Sòng, sông Hiếu… gắn liền với những chiến công huyền thoại của quân dân Cam Lộ và các đơn vị chủ lực giải phóng quân.
Mặc dù đóng ở vùng giải phóng nhưng trụ sở của Chính phủ vẫn nằm trong tầm pháo giặc. Phía bên kia sông Thạch Hãn là vùng địch còn tạm chiếm, cuộc chiến đấu giành giật từng tấc đất vẫn còn diễn ra.
Với truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị nói chung, huyện Cam Lộ nói riêng đã góp phần cùng với quân dân Quảng Trị và bộ đội chủ lực bảo vệ các hoạt động của Chính phủ tuyệt đối an toàn; đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động đối ngoại, tổ chức cuộc mít tinh quần chúng ra mắt trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN ngày 6/6/1973, có đại biểu của 19 nước bạn bè khắp năm châu đã tới dự, có đại sứ của các nước đến trình Quốc thư.
Sau năm 1975, Chính phủ CMLTCHMNVN đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình đối với đất nước. Ngày nay, khu trụ sở nằm trên tuyến lửa năm xưa giờ đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa quốc gia hằng ngày vẫn mở cửa đón du khách trong và ngoài nước…
Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLTCHMNVN Nguyễn Thị Bình từng khẳng định: “Năm tháng và cát bụi thời gian có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì độc lập tự do của dân tộc sẽ mãi trường tồn cùng nhân loại”.
Khu di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN - dấu ấn của một thời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là niềm tự hào to lớn và thiêng liêng không chỉ đối với cán bộ, Nhân dân huyện Cam Lộ mà còn của đồng bào, đồng chí cả nước.
Sự kiện ra mắt Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN cùng những hoạt động đối nội, đối ngoại vô cùng sôi động và hiệu quả trong thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã nâng cao vị thế của Chính phủ CMLTCHMNVN trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân miền Nam là minh chứng sinh động về sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng ta trong việc đề ra đường lối, sách lược để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam.
Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Cam Lộ sẽ làm hết sức mình trong việc bảo tồn, tôn tạo để phát huy tốt hơn nữa giá trị lịch sử vô giá của di tích; nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận di tích Khu Chính phủ CMLTCHMNVN là di tích quốc gia đặc biệt, xứng tầm với vai trò quan trọng và ý nghĩa lịch sử của di tích.
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ tiếp tục thay mặt đồng chí, đồng bào cả nước nhận trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử đặc biệt của Khu di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN để nơi đây mãi mãi là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, ý chí quyết tâm sắt đá vì độc lập dân tộc, thống non sông của Nhân dân Việt Nam.
Từ đó truyền lửa cho thế hệ mai sau lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập. Đồng thời, biến niềm tự hào đó thành sức mạnh hành động cho sự phát triển trên quê hương, đất nước anh hùng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)