Dấu ấn một vùng quê

Xuân Dũng |

Tọa lạc không xa thị trấn Cam Lộ (Quảng Trị) có một vùng quê ra đời chừng hai thế kỷ ở phía Bắc sông Hiếu là một gương mặt riêng có, tạo nên dáng vẻ khó trộn lẫn từ phù sa nơi chốn khi đồng bằng bắt đầu tiếp giáp với trung du.

Bắc Bình cũng như nhiều xóm thôn khác ở Cam Lộ như: Thượng Viên, Trung Viên, Hậu Viên, Đông Định, Nam Hùng... đều thuộc làng Cam Lộ xưa. Bởi vậy, dù thành thôn theo địa giới hành chính hay thành làng văn hóa theo sự công nhận của Nhà nước thì những xóm thôn này đều có chung nguồn cội nên cho đến bây giờ không có đình làng riêng là vậy. Bởi việc làng chỉ tập trung về nguồn cội, ấy là làng Cam Lộ. Ngay như thôn Bắc Bình trước đây, nay mới nhập với thôn Xuân Mỹ thành thôn Bình Mỹ thuộc xã Cam Tuyền cũng không là ngoại lệ. Bắc Bình hiện có hơn một trăm hộ dân đã chung sức chung lòng trong mỗi sớm hôm bên dòng sông Hiếu.

Cổng thôn Bắc Bình này thuộc thôn Bình Mỹ xã Cam Tuyền ( Cam Lộ)
Cổng thôn Bắc Bình này thuộc thôn Bình Mỹ xã Cam Tuyền ( Cam Lộ)

Những người dân Bắc Bình đầu tiên vốn là con dân của làng quê Cam Lộ, cụ thể là mang dòng họ Thái, một dòng họ mà tiếng tăm từ lâu đã vượt ra khỏi quê nhà Quảng Trị. Thời ấy cách đây chừng hai trăm năm, muốn mở mang đất đai, sinh cơ lập nghiệp dài lâu, để lại cho con cháu sau này, một bậc tiền hiền là Thái Văn Chương đã vượt qua phía Bắc sông Hiếu, tìm chọn một nơi an định đời đời kiếp kiếp. Thay vì Nam tiến gần như là quy luật di dân từ xưa đến nay thì việc bắc tiến cũng là một sự lạ thú vị của tiền nhân, tất nhiên mọi sự đều có cơ duyên của nó, chưa kể đến tầm nhìn, trí tuệ của người xưa khi lựa chọn đất này.

 Bắt đầu khởi sự từ một nền đất cao nhất nay đã trở thành nhà thờ của một chi họ Thái ở Bắc Bình. Chuyện xưa được kể lại trong một buổi sáng bây giờ chính là lịch sử của làng quê được trao truyền qua nhiều thế hệ như một bài tráng ca mở đất của cha ông thưở trước, được hậu duệ đời sau tiếp nối nhau tô bồi và gìn giữ, cả với những người thượng thọ đã qua tuổi chín mươi. Ông Thái Ngọc Quế, một bậc cao niên kể về tổ tiên của mình ngày đầu mở đất thật chi tiết như, câu chuyện mới vừa diễn ra hôm qua bằng giọng xúc động, tự hào. Những người ngồi nghe như ông Thái Thúc Kim, ông Đoàn Ánh Phước là những người gắn bó và có nhiều cống hiến với Bắc Bình cũng tỏ vẻ hết sức đồng cảm. Kể cả trưởng thôn trẻ tuổi và năng động, anh Hồ Quang Vũ cũng phấn khởi trước công tích của tiền nhân và vui vẻ khi có được một hậu thuẫn là các bậc trưởng thượng hết lòng vì thôn xóm. Chính vì vậy, mà Bắc Bình lần lượt được huyện Cam Lộ rồi tỉnh Quảng Trị công nhận chính thức là làng văn hóa xuất sắc của địa phương.

 Họ Thái cùng với những dòng họ khác đến sau đều kề vai sát cánh, trên dưới một lòng để xây đắp quê nhà ngày thêm hưng vượng. Đặc biệt, họ chú trọng đến chăm lo  chuyện gia tộc trong ấm ngoài êm như là gốc rễ mà các họ mạc phải đề cao  thì xóm thôn từ đó mới nhân hưng vật thịnh. Bởi hợp quần từ việc nhà đến việc họ, việc làng là căn bản khởi đầu.

Từ những ngày đầu chỉ là cồn cát, Bắc Bình đã vượt thoát qua rất nhiều những vất vả, gian lao để tạo dựng cho mình một gương mặt vùng quê trù phú như hôm nay. Khó có thể hình dung hết tâm lực của bao thế hệ, mồ hôi và cả máu đã đổ xuống đất này thưở vạn sự khởi đầu nan, khi tất cả gần như từ hai bàn tay trắng, đã bền bỉ khai phá, mở đất, tạo vườn và dựng nhà. Đó là cả một tráng ca của các dòng họ cố kết lòng người vì việc chung của xóm thôn, của lớp lớp người Bắc Bình từ xưa đến nay đã qua nhiều ngày nắng hạn, những mùa lũ dữ, đã chứng kiến rất nhiều cảnh nhạt muối vơi cơm và cả những đạn bom trước lằn ranh sinh tử mới chạm mặt được với thanh bình, no ấm. Đặc biệt là với những con dân luôn nặng lòng với đất đai hương hỏa, với mái nhà tổ ấm của mình, với quê hương sâu nặng nghĩa tình thì những trăn trở, lo toan, những mong mỏi từ việc nhà cho đến việc xóm thôn thật đáng nâng niu, trân trọng.

   Đi trong Bắc Bình hôm nay thấy rợp bóng màu xanh cây trái, màu xanh của no ấm, thái bình như tên gọi mà người xưa hằng mong mỏi. Xóm thôn này đã hưng thịnh, trở thành một bình phong vững vàng ở phía bắc của vùng quê Cam Lộ đang chuyển mình xây dựng nông thôn mới. Mà nông thôn mới cũng không gì khác hơn là người cày có ruộng, được làm chủ vận mệnh của mình, đất đai của mình để làm ra của cải từ bàn tay khối óc của mỗi con dân trong mỗi ngày đang sống. Bởi no ấm, bình yên và hạnh phúc là khát vọng cháy bỏng của người dân từ bao đời nay, đang dần trở thành hiện thực, thỏa nguyện những ước ao của nhiều thế hệ.

Trưởng làng văn hóa Bắc Bình Thái Ngọc Quế, tuổi ngoài 90
Trưởng làng văn hóa Bắc Bình Thái Ngọc Quế, tuổi ngoài 90

Một ngày cần lao và bình yên đang đến với nơi này. Dù chắc chắn vẫn còn những lo toan, trăn trở cũng vì bản chất của cuộc sống là không bao giờ dừng lại, không bao giờ ngưng nghỉ, nó như một dòng sông luôn chảy về phía trước. Từ những ngôi nhà, mảnh vườn của Bắc Bình, khát vọng lại được thắp lên, ngời trong nắng sớm. Những ước mơ, giản dị mà quý giá vô ngần được sinh hạ từ đất đai quê hương bản quán, được sinh thành từ nơi chốn đất lành chim đậu, đã chắt chiu nuôi nấng rất nhiều cuộc đời qua bao nhiêu năm tháng. Những cuộc đời vẫn luôn gắn bó với quê nhà hay được chắp cánh bay xa vẫn không bao giờ quên câu thương nguồn nhớ cội. Miền quê này vẫn là một núm ruột hương thôn Cam Lộ đã được gieo xuống phía bắc dòng sông Hiếu vẫn chảy trong huyết quản làng quê luôn nhắc nhở mỗi người Bắc Bình. Để rồi những nguyện thề thầm thì và thiêng liêng sẽ luôn như những hạt mầm thức khuya dậy sớm, tận hiến cho mỗi cuộc đời no ấm, cho từng vẻ đẹp tỏa rạng của một làng quê muôn vàn yêu dấu. 

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Giữ gìn, bảo vệ hệ đa dạng sinh học ở vùng biển đảo Cồn Cỏ

Hồ Nguyên |

Đảo Cồn Cỏ nằm cách đất liền trên 25 km, có diện tích 230 ha. Vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những vùng có hệ đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với sự có mặt của nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới.

Bảo tồn loài chà vá chân nâu

Thanh Luận |

Chà vá chân nâu là loài linh trưởng quý hiếm và mang tính biểu tượng ở Việt Nam. Chà vá chân nâu thường phân bố ở sinh cảnh rừng thường xanh và bán thường xanh dọc biên giới Việt Nam và Lào, phổ biến từ Nghệ An đến Đắk Lắk. 

Khe Luồi - cuộc sống bên kia sông

Minh Anh |

Thôn Khe Luồi thuộc diện khó khăn của xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị). Dù nằm cách thị trấn Krông Klang - đô thị trung tâm của huyện vài km, nhưng do có sông Đakrông ngăn trở nên những năm qua cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, một cây cầu bắc qua sông Đakrông đã được đầu tư xây dựng và đang gấp rút hoàn thiện, mang lại những đổi thay cho vùng đất này.

Tôn vinh trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hóa

PV |

Trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được địa phương chú trọng. Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa đối với trang phục truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô.