Đình làng trong lòng phố thị Đông Hà

Nhật Linh |

Là thành phố trẻ, năng động trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, giữa sự nhộn nhịp, náo nhiệt của đô thị hiện đại, Đông Hà (Quảng Trị) vẫn còn giữ nguyên nét đẹp chân quê và bình yên với những ngôi đình làng cổ kính, rêu phong. Cùng với thời gian, cho dù làng xưa chỉ còn là cái tên trong những phố, những phường đã mọc lên cùng tốc độ đô thị hoá nhưng những không gian văn hóa truyền thống ở mảnh đất này vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị.

Muốn tìm hiểu thêm về lịch sử của mảnh đất Đông Hà, du khách chỉ cần thăm thú những ngôi đình làng cổ xưa vẫn trường tồn giữa không gian đô thị đang thay đổi hằng ngày. Những ngôi đình ở thành phố Đông Hà là một trong những di sản vô cùng quý giá của vùng đất này bởi đó không chỉ là nơi lưu giữ nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc cổ truyền đẹp và thuần việt mà nơi đây những thế hệ ông bà dắt cháu con đến để giới thiệu về các vị Thành Hoàng có công với nước, có công với làng và là nơi quần tụ những lớp cư dân xa gần về ngày hội chung dưới mái đình.

Lễ chào cờ đầu năm tại đình làng, một mỹ tục đang được người dân Lập Thạch gìn giữ. Ảnh: Thế Chung
Lễ chào cờ đầu năm tại đình làng, một mỹ tục đang được người dân Lập Thạch gìn giữ. Ảnh: Thế Chung

Dẫu cho đến hôm nay, số lượng các ngôi đình còn giữ được nhiều dáng dấp nguyên bản như xưa trên vùng đất Đông Hà còn lại không nhiều, tất cả đã thay đổi cùng với sự thay đổi về tự nhiên, lịch sử, xã hội trên một vùng đất đầy biến động, song những nét đặc trưng riêng biệt của lối kiến trúc dân gian từ các thế kỷ trước vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Khác với các chùa, đền, miếu thường được xây dựng ở những nơi tĩnh mịch, lánh chốn ồn ào thì đình làng được xây dựng ở các trung tâm, các trục đường giao thông hay gần chợ búa có nhiều người qua lại. Hướng của các ngôi đình vùng Đông Hà đa phần đều quay mặt ra các con sông bởi dòng sông ngày xưa là mối giao thông quan trọng của người dân nhưng cũng là mạch chuyển tải các yếu tố văn hóa trong việc giao lưu văn hóa.

Đình làng Nghĩa An cùng hệ thống giếng Chăm nằm bên bờ Bắc sông Hiếu thuộc địa phận làng Nghĩa An, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà; cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị về phía Bắc trên dưới 2 km theo trục giao thông bộ. Lịch sử xây dựng đình làng gắn với lịch sử xây dựng và phát triển cùng những biến động về chính trị - xã hội từng diễn ra trên vùng đất làng Nghĩa An. Trải qua nhiều lần được trùng tu, ngôi đình hiện còn xây dựng theo quy cách của lần trùng tu 1959, tức là đình trung gồm ngôi nhà rường bằng gỗ 3 gian 2 chái, kết cấu theo cách thức kiểu vài luôn, mái lợp ngói móc, bên trên có gắn các chi tiết trang trí. Tiền đường là một ngôi nhà đổ mái bằng 5 gian. Mặt trước khuôn viên của đình được giới hạn bởi hệ thống cổng, ngõ, trụ biểu và tường thành được làm mới lại và phần trang trí có vẽ rườm rà, chuộng màu sắc hơn là ý nghĩa đích thực. Bên trong có bức bình phong hình cuốn thư đắp bằng gạch, xi măng; mặt trước đắp nổi hình long mã chở lạc thư; mặt sau đắp hình hổ phù miệng ngậm chữ thọ cùng các tiểu cảnh trúc mai, bát bửu, hồi văn, hoa lá...

Điều đáng chú ý là phía trước tiền đường có gắn bức liễn ghép mảnh sành sứ với 4 chữ: “Mi Mục Cải Quan” (giải nghĩa: mở mắt là thấy sự vật đã thay đổi) nói lên quan niệm nhìn nhận của người dân làng về một thế giới luôn vận động và biến đổi. Bên cạnh đó là những câu đối ngợi ca truyền thống văn vật, những hình ảnh trang trí tượng trưng cho nhiều nội dung về quan niệm vũ trụ và nhân sinh của người nông dân làng xã xưa.

Đình làng Điếu Ngao thuộc phường II thành phố Đông Hà, toạ lạc trên một khu đất khá rộng, ở vị trí phong cảnh hữu tình; phía tiền án quay về hướng bắc - nơi có dòng Hiếu Giang trong xanh, hiền hòa chảy qua, hậu chẩm tựa vào xóm làng trù phú. Nhìn tổng thể, kiến trúc đình làng Điếu Ngao chỉ có một toà đại đình nằm ngang, xung quanh được bao bọc bởi hệ thống tường thành thấp và các trụ biểu; phía trước có cổng vòm cuốn mở một lối đi. Tổng diện tích khuôn viên của đình làng là 7.000 m2, trong đó, diện tích của đình làng là 557 m2 còn diện tích miếu Thành Hoàng là 46 m2. Ngoài các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đình làng Điếu Ngao còn được ghi nhận là một di tích lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đông Hà.

Đình làng Lập Thạch nằm sát bờ tây sông Thạch Hãn, trên địa phận làng Lập Thạch, thuộc phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà; cách quốc lộ 1 chừng 1,5 km về phía Đông; cách trung tâm tỉnh lỵ Đông Hà chừng hơn 3 km về phía Đông Nam. Đây là một trong những ngôi đình làng còn lưu giữ được nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật lịch sử, văn hoá ở Quảng Trị . Đình tọa lạc ở vị trí đắc địa về phong thuỷ và có sơn thuỷ hữu tình, quay mặt về hướng đông nam. Dòng sông Thạch Hãn trong xanh, hiền hoà đóng vai trò như một minh đường; hậu chẩm dựa lưng vào xóm làng, ruộng đồng trù phú.

Giữa xôn xao phố thị với những ngôi nhà hộp cao tầng đang tranh nhau mọc lên, ở thành phố trẻ này vẫn còn đó những ngôi đình làng bền bỉ với thời gian như một nốt trầm xao xuyến để níu kéo lòng người trở về với nguồn cội, về với những giá trị xưa cũ đậm đà bản sắc văn hoá làng xã và cũng là văn hoá đặc trưng của người Việt ở miền quê Trung Bộ. Với không gian kiến trúc cổ kính và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, các đình làng ở Đông Hà như là một nốt trầm tuyệt đẹp giữa phố phường hiện đại. Ghé thăm đình Nghĩa An, Điếu Ngao, Lập Thạch...du khách sẽ thấy được một hình ảnh rất khác của thành phố Đông Hà. Chẳng ồn ào và nhộn nhịp như nhịp sống đô thị, không gian và bầu không khí trong đình cứ nhẹ nhàng, chậm rãi. Mùi khói hương phảng phất lan tỏa trong gió càng khiến người ta cảm thấy dịu êm và thư thái, bao nhọc nhằn, phiền muộn, những tính toán thiệt hơn... tất cả đều tan biến, chỉ còn lại sự trong sạch và thanh bình. Về Đông Hà, nếu có dịp đến dâng hương tri ân ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, du khách cũng đừng quên ghé thăm các ngôi đình làng giữa trung tâm thành phố để cảm nhận sâu sắc hơn sự bình yên, thanh tịnh của hồn cốt làng quê giữa ồn ào của chốn thị thành.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khai mạc hội trại trên đỉnh Sa Mù

YMS |

Sáng 04/7/2020, trên đỉnh đèo cao 1.400 mét, Hội trại Sa Mù (Hướng Phùng, Hướng Hoá, Quảng Trị) mừng kỷ niệm 10 năm thành lập BQL khu Bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hoá chính thức khai mạc.

Sa Mù, hội trại giữa lưng chừng trời trước giờ G

Phan Thanh |

Những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho Hội trại Sa Mù (Hướng Phùng, Hướng Hoá, Quảng Trị) diễn ra ở “lưng chừng trời” đang được hoàn thiện.

Khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

YMS |

Tối 01/7/2020, tại Nhà văn hoá Pa Cô Vân Kiều (thị trấn Khe Sanh), Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Hướng Hoá tổ chức khai mạc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Trốn nóng ở đâu ngon- đẹp- rẻ nhất hè này?

PV |

Giữa cái nắng lên tới gần 50 độ ngoài trời ở Hà Nội những ngày này và vô vàn các lựa chọn kích cầu du lịch, Sa Pa vẫn là địa điểm hút khách nhất để du khách thỏa cơn khát du lịch sau thời gian bức bí vì giãn cách xã hội, với tiết trời mát lịm và chi phí hợp hầu bao.