Khi còn thơ bé, tôi đã biết đến món Đổi A-lỗq (cơm nếp ống tre) của người Pa Kô qua những lần được bố đưa về thăm quê nội ở thôn A Liêng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, nằm cạnh dòng Krông Klang thơ mộng. Những vị thơm ngon đặc trưng của món cơm nếp ống tre còn in sâu trong tâm trí sau những lần tôi may mắn được tham gia các dịp lễ, hội, cùng người dân quê hương thưởng thức món ăn truyền thống này.
Với người Pa Kô, Đổi A-lỗq là món ăn mang ý nghĩa nhớ ơn tổ tiên đã đem lại cho họ mùa màng bội thu, cuộc sống yên lành. Đổi A-lỗq có hai loại là Đổi Ngkai và Đổi Nchot, mỗi loại có ý nghĩa khác nhau. Đổi Nchot là cơm ống có lót lá bên trong, còn Đổi Ngkai là cơm ống không có lót lá. Đổi Nchot mang nhiều ý nghĩa tâm linh, được dâng lên mâm lễ cúng Aza (mừng lúa mới), thiết đãi khách quý. Đổi Ngkai thì bình dị, đơn giản nên ai cũng có thể làm và thưởng thức nó.
Cách chế biến hai loại cơm nếp này tương tự như nhau nhưng Đổi Nchot cầu kỳ hơn. Để làm món cơm nếp ống tre, sau khi thu hoạch mùa màng, người Pa Kô chọn những loại lúa nếp ngon nhất xay, sàng, sảy sạch sẽ làm nguyên liệu. Họ vào rừng tìm kiếm những cây tre non, nhỏ tầm bằng cổ tay người lớn làm dụng cụ nấu cơm nếp.Đối với Đổi Nchot, người Pa Kô hái thêm lá sa nhân (u-la pa-peng) để lót trong ống tre và loại lá thơm (lá nếp) có mùi như nếp mới. Sau khi ngâm gạo nếp qua 1 đêm, vút gạo ra cho ráo rồi bọc kín gạo bằng lá sa nhân (đảm bảo lá và gạo phải vào khớp với ống tre), đẩy vào đầy ống rồi cho thêm nước vào. Đối với Đổi Ngkai, vì không cần lót lá nên người làm đổ trực tiếp gạo vào tầm 2/3 ống, cho nước vào ống ngâm qua đêm.
Cách nướng Đổi Ngkai và Đổi Nchot giống nhau, đó là đặt ống tre có chứa nếp bên trong vào bếp lửa có nhiều than, để lửa cháy mức vừa phải, tránh làm cháy ống mà nếp chưa được chín. Khi nướng ống, phải nướng từ dưới lên trên, tránh bị nẻ ống hoặc tràn bung cơm ra ngoài. Người nướng phải để mắt thường xuyên để vừa chỉnh lửa, vừa xoay đều ống.
Sau hơn 30 phút, dùng ngón tay ấn cơm phía trên đầu ống tre thấy mềm và toả mùi thơm thì cơm đã chín. Hương vị Đổi Nchot thơm ngon bởi có sự kết hợp của ống tre, lá sa nhân và gạo nếp rẫy hòa quyện, tạo thành mùi thơm rất đặc trưng của núi rừng, còn Đổi Ngkai thì thơm mùi nếp mới truyền thống. Khi ăn Đổi A-lỗq, người Pa Kô thường lấy dao hoặc rựa sắc cắt thành từng khúc nhỏ cho dễ bốc ống tre ra.
Cơm nếp trong ống tre nhìn săn chắc nhưng khi ăn thì rất mềm, ngon, ngọt, thơm. Sau khi hoàn tất các loại lễ, tục xong, người Pa Kô ngồi quây quần bên nhau trên nhà sàn, bày biện các món ăn, thức uống truyền thống, trong đó có Đổi A-lỗq và cùng thưởng thức. Để bữa cơm ngon, ấm cúng, họ thường lồng ghép sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với những loại nhạc cụ thường sử dụng lúc này như khèn bè, đàn ta-lư, sáo.
Theo một số người lớn tuổi ở A Liêng kể lại, từ xa xưa, khi đồng bào Pa Kô chưa có làng bản, họ thiếu thốn đủ thứ, sống chủ yếu ở trong rừng, du cư nay đây mai đó. Khi chọn được vùng đất tốt, sau 5 - 10 năm canh tác, vùng đất không còn màu mỡ như trước, người Pa Kô phải dời đi nơi khác để làm rẫy mới cho cây trồng tốt tươi hơn.Cuộc sống tạm bợ, mỗi lần di chuyển, người Pa Kô chỉ mang theo lúa giống, gạo và một số loại vật nuôi. Thời đó không có xoong nồi, bát nên người Pa Kô chủ yếu sử dụng tre, nứa và gỗ làm vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, để nấu cơm ăn, người Pa Kô sử dụng ống tre thường xuyên.
Vì lẽ đó, Đổi A-lỗq gắn bó với người dân trong cuộc sống hằng ngày. Ống tre, nứa không chỉ nấu cơm mà tất cả thức ăn người Pa Kô săn bắt được từ rừng, suối như chim, chuột, cá, tôm, cua... và các loại rau đều được bỏ vào ống tre, cho thêm nước rồi nướng trên bếp lửa. Đây là cách thuận lợi nhất để sinh tồn của người Pa Kô trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ.
Từ khi nồi đất xuất hiện, việc bếp núc đã có vật dụng nấu ăn hiện đại hơn, thiết chế làng bản được hình thành, đời sống của người Pa Kô dần ổn định. Lúc đó, sự phân biệt giữa hai loại cơm là cơm nồi và cơm ống rõ hơn. Tên gọi cơm ống (Đổi A-lỗq) xuất hiện từ đây và trở thành món ăn thiêng liêng, nằm trong tâm thức nhớ ơn tổ tiên của người Pa Kô.
Cứ vào cuối mùa thu hoạch hằng năm, tất cả mọi người trong các làng bản người Pa Kô đều tổ chức lễ cúng Aza nhằm tạ ơn đất trời, núi rừng, các vị thần nơi mình cư trú. Khi đó, họ đặt cây lúa làm chuẩn gọi là cúng lúa mới để căn cứ kết quả thu hoạch từ mùa màng của một năm, còn vật nuôi gia súc, gia cầm loại nào phát triển nhiều nhất thì hiến tạ vật đó.
Cũng trong dịp này, người Pa Kô gần xa đều hội tụ về đây, cùng hàn huyên chuyện cũ. Dù ít hay nhiều, gia đình nào cũng đều thể hiện lòng thành kính, quý mến người nhà, khách quý bằng một bữa tiệc thịnh soạn qua món ăn đặc trưng của dân tộc mình, trong đó có món cơm nếp ống tre.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)