Bài dự thi tìm hiểu Văn hóa, ẩm thực trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC):

Gỏi nuốt hoa bần

Trần Thanh Hải |

Ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Sa Lung được biết đến là một trong hai nhánh sông hợp thành dòng Bến Hải lịch sử. Mà đã nhắc đến Vĩnh Linh thì không thể không nói đến sông Bến Hải, cầu Hiền Lương- những “vật chủ” của mảnh đất này. Nhưng, hôm nay tôi sẽ không nói về quá khứ vàng son hay đồng vọng miền ký ức thời đạn bom hoa lửa... Tôi sẽ kể cho các bạn về một điều thú vị khác của dòng Sa Lung nhỏ xinh này.

… Chảy êm đềm, quanh co giữa những làng mạc của Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Long xanh mướt ruộng đồng, sông Sa Lung được bao bọc bởi những rặng tre um tùm, những hàng bần già cỗi, xù xì, đổ nhoài cành lá ngã ngớn trên mặt nước, trổ những chùm hoa đỏ tươi. Ở thời điểm hiện tại, đây là dòng sông quê duy nhất mà những đêm trăng thanh vắng vẫn thấy cảnh trai gái đôi bờ hò đối đáp giao duyên, trông nhuần nhị và thật nên thơ.

 

Sa Lung của mùa hè nắng bỏng rát và gió Lào vun vút này còn sản sinh một thứ đặc sản dân dã nhưng thuộc dạng “hiếm có, khó tìm”: con nuốt. Đây là một dạng sinh vật phù du, hình thành trong môi trường nước lợ, song quy luật để tạo ra nó là điều rất bí ẩn. Nước phải ở độ mặn nhất định, được phơi dưới nắng chói chang, được quạt bởi gió Lào bỏng rát và phải thêm một thứ gì đó rất riêng có, rất đặc biệt về thổ nhưỡng. Cho nên, bạn đừng nhọc công tìm loại đặc sản này trên những dòng sông khác. Nuốt chỉ có duy nhất ở đây, trên dòng Sa Lung!

 

Nuốt có cấu tạo thể chất như sứa biển, trong suốt và bé xíu, nhưng hình dáng tựa con bạch tuộc và mềm nhũn như một bông hoa dẻ. “Nhúm nước” ấy khi vớt khỏi mặt sông sẽ ngọ nguậy những xúc tu để bấu chặt vào tay, nghe nhồn nhột. Nhưng đừng sợ, chỉ một thoáng thôi, nuốt sẽ nằm yên trong lòng bàn tay, mát rười rượi. Nếu để ý quan sát kỹ sẽ thấy một cuộc biến đổi màu sắc rất lí thú của nó, từ trong vắt như thủy tinh, dưới ánh mặt trời sẽ ngã sang xanh nhạt, chốc đã thấy ửng màu phấn hồng.

Món ẩm thực duy nhất về nuốt là gỏi. Nhưng làm nên “gỏi nuốt” không hề là chuyện giản đơn.

 

Không như sứa biển, bắt được có thể ăn liền. Thân nuốt có những đường máu li ti dễ gây dị ứng da, vì vậy khi vớt lên, nuốt phải ngâm vào chum, vại sành bằng nước vo gạo hoặc phèn chua, ít nhất một ngày đêm cho nó tiêu biến đi. Xong, người ta sẽ xẻ đôi thân nuốt theo chiều dọc và bày lên đĩa. Trên ấy, phải có những thứ như: quả vả, chuối chát, khế chua, dưa chuột, hoa chuối thái mỏng, giá đỗ, rau mùi các loại… đặc biệt nhất những sợi li ti màu trắng rất lạ mắt. Đó chính là nhụy của bông hoa bần. Nuốt sẽ được trộn đều với những thứ này, bày biện lên đĩa với điểm nhấn là một bông hoa bần cánh đỏ rực, thân nhụy trắng, bông phấn vàng nở xòe trên đỉnh.

 

Tuy nhiên, hồn cốt của món ăn dân dã đang trở thành đặc sản nổi tiếng ở Vĩnh Linh chính từ bát nước chấm. Đây chính là điểm nhấn, sự khác biệt lớn nhất và đáng nhớ nhất khi bạn thưởng thức món “gỏi nuốt hoa bần”. Rất tiếc là tôi không thể mô tả hết những gì làm nên bát nước chấm này, vì đó là bí quyết gia truyền. Chỉ xin "bật mí" đôi chút: nó được pha chế từ ruốc biển thành một thứ nước loãng, màu đỏ sậm, dậy mùi và rất cay. Gắp một miếng nuốt trong suốt kẹp chặt những thứ gia vị, nhúng xuống bát nước chấm này rồi đưa vào miệng. Có thể cảm giác ban đầu bạn sẽ thấy hơi ái ngại, bối rối, rụt rè… Song tôi đồ rằng, chỉ vài giây sau, khi mọi thứ giác quan của bạn tập trung cảm nhận, sẽ thấy rằng cái món ăn mình đang thưởng thức nó lạ lẫm và mê ly đến nhường nào.

 

Này nhé, mắt của bạn sẽ hoa lên vì màu sắc: trong suốt thủy tinh của nuốt, đỏ tươi của hoa bần, xanh ngắt của rau mùi, trắng ngà của hoa chuối. Lưỡi của bạn sẽ rối bời vì hương vị: sần sần và mát ngọt của nuốt, chua và chát của vả, khế; cay và thơm lừng từ nước chấm… Những thứ cảm giác ấy sẽ được cộng hưởng và thăng hoa khi bạn đang thả mình trên căn chòi gỗ như tai nấm nhỏ mọc lên từ làn nước xanh trong. Trên đầu, nồm nam mát rượi, vi vút thổi bất tận...

Hãy thử một lần đến với dãy quán hàng thuộc làng Phúc Lâm, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, nằm bên tả ngạn dòng Sa Lung, bạn sẽ chứng kiến và thưởng thức một thứ đặc sản nhớ đời. Một làng quê bình yên giờ đang rộn ràng xe ngựa, trên bến dưới thuyền đón những đoàn khách nườm nượp kéo về, chỉ để thưởng thức “gỏi nuốt hoa bần” - đặc sản mới của ẩm thực ở Vĩnh Linh.

 
Một lời khuyên nhỏ: Nếu lần đầu bạn hãy ăn ít để cảm nhận. Nuốt là thực phẩm thuộc tính hàn, rất mát, nếu vì lạ và ngon mà ăn nhiều, bụng của bạn sẽ than thở… Mùa nắng còn dài. Mùa nuốt mới bắt đầu. Đừng vội!


TAGS

Chơi gì, ở đâu khi tham dự hội trại trên đỉnh Sa Mù?

Trần Hà |

Sau khi có thông tin Hội trại tổ chức trên đỉnh đèo Sa Mù (Hướng Phùng, Hướng Hoá, Quảng Trị) vào ngày 4-5/7/2020, nhiều bạn chia sẻ và muốn tham gia sự kiện có một không hai này.

Cuộc thi tìm hiểu về “Văn hoá ẩm thực trên Hành lang Kinh tế Đông – Tây”

BBT |

Hành lang Kinh tế Đông – Tây đi qua 4 nước gồm: Myanma, Thái Lan, Lào và Việt Nam (East-West Economic Corridor - EWEC). Ở địa phận Việt Nam, EWEC đi qua các địa phương Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.

Cuộc trò chuyện gần 30 năm trước với nhạc sỹ "Về đây nghe em"

Lê Thiên Minh Khoa |

Nhạc sỹ Trần Quang Lộc sinh năm 1945 tại làng Vạn Kim, Gio Sơn (Gio Linh, Quảng Trị). Tác giả của những bản nhạc nổi tiếng như "Về đây nghe em", "Có phải em là mùa thu Hà Nội"... vừa qua đời lúc 17h40 ngày 07.6.2020 tại TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Xanh EWEC trân trọng giới thiệu bài nói chuyện của nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa với nhạc sỹ Trần Quang Lộc gần 30 năm trước.

Người suýt bị chôn sống

Lê Minh Hà |

Hơn hai mươi sáu năm trôi qua, câu chuyện về người con gái suýt bị chôn sống vẫn là ám ảnh buồn của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).