Làng Nhĩ Trung- mai sau dù có bao giờ

Nguyễn Việt |

Nhĩ Trung là một trong 65 làng cổ của châu Minh Linh, thuộc huyện Gio Linh và Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị ngày nay. Trải qua hơn 500 năm tạo dựng hưng nghiệp, người dân làng Nhĩ Trung đã chung lưng đấu cật, xây dựng hương thôn ngày càng phát triển.

Nhĩ Trung nằm trên trục đường 76 Đông của huyện Gio Linh, cách thị trấn Gio Linh khoảng chừng 5 km. Trước đây, Nhĩ Trung là một trong ba thôn thuộc xã Gio Thành, huyện Gio Linh, ngày nay thôn Nhĩ Trung sáp nhập vào xã Gio Hải, huyện Gio Linh. Phía bắc của làng giáp làng Nhĩ Thượng của xã Gio Mỹ, phía Nam là Lâm Xuân, Mai Xá của xã Gio Mai, còn phía đông là dãy đại trường sa cát trắng chạy dài dọc bãi ngang Cửa Tùng- Cửa Việt.

Đình làng Nhĩ Trung, Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị. Ảnh Việt Hà
Đình làng Nhĩ Trung, Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị. Ảnh Việt Hà

Các cổ sử như Ô Châu cận lục của Dương văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cho chúng ta biết làng Nhĩ Trung cùng với các làng lân cận như Nhĩ Thượng, Nhĩ Hạ được thành lập từ rất sớm ở xứ Đàng Trong, là một trong 115 làng cổ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Theo chiếu di dân của vua Lý Thái Tông, người Việt từ các vùng Thanh Hóa, Nghệ An đã di dân vào vùng đất mới châu Minh Linh xây dựng sự nghiệp lâu dài cho con cháu. Tổ tiên người làng Nhĩ Trung đã đến định cư lập làng nơi đây trong khoảng thời gian từ thế kỷ 16,17.

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, làng Nhĩ Trung đã trải qua bao nhiều lần chia tách, sát nhập vào các xã khác nhau, tuy nhiên trong khi không ít làng cổ Quảng trị đã đổi thay tên, nhưng tên làng Nhĩ Trung vẫn còn nguyên khi sơ khởi.

Khi nói về những dấu tích xưa còn sót lại của một thời trầm trải nắng mưa của cha ông, những cụ cao niên trong làng luôn nhắc về một thời gian khó dựng xây, trong đó là câu chuyện nhà nông với câu ca “Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”. Nguồn nước là điều tiên quyết cho nhà nông. Một trong những di tích văn hóa của người Chăm cổ còn sót lại tại nơi đây là các giếng nước ngầm cổ. Ông Trần Văn Thảnh, Trưởng tộc Trần cho biết: “Qua bao lần vật đổi sao dời, tuy nhiên vẫn còn một số giếng cổ người dân nơi đây vẫn sử dụng để lấy nước sinh hoạt, tưới rau màu, tích nước làm hồ chứa thủy lợi. Giếng Thầy Khang một trong các giếng nước cổ đó, nước trong và không có vị phèn, trước đây thì giếng được kè đá và các cây gỗ không bị mục, hiện nay để thuận lợi cho việc lấy nước sinh hoạt người ta đã xây thành giếng cao lên so với nguyên bản vốn có”.

Ngôi miếu Mộc Bài, một di tích lịch sử cách mạng tại Nhĩ Trung. Ảnh Việt Hà
Ngôi miếu Mộc Bài, một di tích lịch sử cách mạng tại Nhĩ Trung. Ảnh Việt Hà

Các giếng cổ của làng Nhĩ Trung xứng đáng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, người dân Nhĩ Trung trung kiên với Đảng với Bác Hồ để làm nên cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh. Nhĩ Trung là một địa chỉ đỏ, ngọn lửa cách mạng luôn được nâng niu và lan tỏa nơi vùng đông của địa bàn huyện Gio Linh.

Ngôi miếu có tên Mộc Bài ở trong thôn, từ năm 1936-1937 nhiều vị lãnh đạo của huyện về để xây dựng cơ sở cách mạng. Đến năm 1946 là nơi thành lập chi bộ xã Linh Phùng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, khu vực miếu Mộc Bài được đào nhiều hầm bí mật để cất giấu tài liệu, vũ khí và là nơi trú ẩn của du kích và bộ đội địa phương. Miếu Mộc Bài đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Cách đó không xa về phía Tây là khu vực mà người dân địa phương gọi tên là Dà Hầm. Nơi đây giữa đồng không mông quạnh có một cây dứa dại đứng trơ trọi. Tuy nhiên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ nó như một ngọn hải đăng định hướng cho các lực lượng vũ trang hành quân vào đánh địch phía Nam và đây cũng là một trong những hòm thư bí mật của cán bộ địa phương.

Ông Trần Xuân Tiếp một cán bộ lâu năm tại địa phương, chia sẻ, “Tại vùng xóm Phường này có khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của tiểu đoàn 47, trung đoàn 270 (D4 E270) đã hy sinh trong trận đánh với Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 196, Sư bộ bình 21 của Mỹ. Ta đã gọn một đại đội, bắt sống một trung úy Mỹ, bắn cháy ba xe tăng và thu nhiều vũ khí quân trang bị của địch”.

Qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có nhiều người con ưu tú của làng Nhĩ Trung đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương và mọi miền tổ quốc. Có những bà mẹ Việt Nam anh hùng dâng hiến những người con của mình cho độc lập tự do của tổ quốc. Cán bộ và nhân dân Nhĩ Trung được nhà nước ghi nhận công lao và đã tặng thưởng nhiều huân chương Giải phóng, góp công trong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của địa phương.

Nhĩ Trung hôm nay đang bắt tay vào xây dựng một nông thôn mới với bao giấc mơ đẹp đã và đang thành hiện thực. Tuy ở vào vị trí địa lý không thuận lợi như các vùng thuần nông khác nhưng cán bộ nhân dân Nhĩ Trung luôn đồng sức đồng lòng chung tay xây dựng hương thôn. Biến những vùng ruộng chua phèn, những vùng cát trắng thành nơi cho hoa lợi và cây trồng vật nuôi có giá trị thương trường. Với phương châm tích lũy thành đại, những người nông dân chân chất nơi đây đã chắt chiu từng quả ngọt, những con gà con vịt thân quen để tạo thành nguồn lợi cho mình.

Bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, các thiết chế văn hóa mới song hành cùng với phát triển đời sống văn hóa cơ sở đã tạo nên một Nhĩ Trung cổ kính lại văn minh. Để ghi nhận những kết quả mà cán bộ và nhân dân Nhĩ Trung đã đạt được, UBND tỉnh Quảng Trị đã công nhận Nhĩ Trung đạt danh hiệu thôn văn hóa xuất sắc giai đoạn 2013-2017, ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng thôn Nhĩ Trung cho biết.

Ông Trần Văn Em, Trưởng làng Nhĩ Trung nói rằng, một trong những truyền thống quý báu được lưu giữ xưa nay trên mảnh đất này đó là truyền thống hiếu học. Các dòng họ trong làng bao đời luôn có truyền thống hiếu học. Chính sự quan tâm sâu sát, động viên kịp thời của các bậc trưởng thượng và dòng họ đã tạo động lực rất lớn cho con cháu vượt khó vươn lên học tập, làm người có ích cho xã hội.

Về với Nhĩ Trung hôm nay, hạnh ngộ cùng những trầm tích văn hóa đang trầm mặc với bóng thời gian, tuy nhiên chúng ta sẽ cảm nhận được trong cái im lặng cổ kính là những lung linh không bụi mờ, là những con người bình dị ở sau lũy tre làng nhưng đã góp phần tạo dựng nên lịch sử- văn hóa của dân tộc. Dẫu sau này vật đổi sao dời ruộng lúa có trở thành nương dâu, hay phải có băn khoăn buồn vui tách chia sáp nhập địa bộ... Mai sau dù có bao giờ, tên làng Nhĩ Trung vẫn trường tồn với thời gian. Và thế hệ mai sau luôn tự hào vì có những miền quê Nhĩ Trung như thế.     

TAGS

Choáng ngợp trước vẻ đẹp quyến rũ của vùng núi cao Tây Bắc

PV |

Lên với vùng cao Tây Bắc, du khách thường choáng ngợp trước những con đèo quanh co khúc khuỷu. Con người Tây Bắc hiền hậu, thật thà chân chất tô điểm thêm một Tây Bắc quyến rũ.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Trị

Mai Trang |

Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, nhiều thắng cảnh đẹp như các bãi biển, sông suối, rừng nguyên sinh... Quảng Trị có nhiều yếu tố để đẩy mạnh "ngành công nghiệp không khói", song du lịch của địa phương vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là việc thiếu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù.

BBC sẽ phát sóng 1 tháng những hình ảnh về du lịch Đà Nẵng

PV |

Kênh truyền hình quốc tế BBC sẽ quảng bá video du lịch Đà Nẵng với độ dài 30 giây, phát trên kênh truyền hình BBC ở khu vực châu Á Thái Bình Dương với hàng trăm quốc gia.

Văn hóa độc đáo, lễ “xù-khoẳn” của người Lào

PV |

Ở Lào có một nghi lễ đơn giản nhưng thiêng liêng, trang trọng phổ biến trong nhân dân các bản mường gọi là “xù-khoẳn”. Thật vậy, chỉ cần cây nến, bông hoa, bát gạo, sợi chỉ trắng là có thể làm lễ “xù-khoẳn”. Lễ “xù-khoẳn” trở thành nghi lễ rất phổ biến từ nông thôn đến thành thị.