Cùng với sự đi lên của đời sống và các xu hướng đô thị hóa thì văn hóa làng xã đang dần bị mai một. Song, đó đây vẫn giữ lại nét đặc trưng của hương thôn truyền thống, như một tín hiệu cho thấy giá trị trường tồn của bản sắc Việt. Chúng tôi về làng Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) nhân dịp kỷ niệm 550 năm thành lập làng (1470 - 2020). Thật ngỡ ngàng xúc động bởi các giá trị văn hóa đã lắng kết thành “trầm tích” làng vẫn được lưu giữ và đánh thức.
Gìn giữ thiết chế văn hóa - tín ngưỡng làng
Tờ mờ sáng, chúng tôi đã kịp đến Phương Lang để tham dự lễ rước Thành hoàng làng. Đây là phần lễ quan trọng trong lễ Tế làng được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Năm. Cần phải nói rằng nghi lễ này không nhiều làng có, hoặc không nhiều nơi giữ được. Thứ nhất, không phải làng nào cũng có Thành hoàng, vị thần được người dân xưng tụng hoặc được vua sắc phong. Thứ nữa, nếu có Thành hoàng làng thì thường được thờ cúng tại đình làng, không phải rước nữa. Hai điều đó khiến cho lễ nghi thức rước Thành hoàng là một lễ ít có, chỉ rải rác ở một số làng quê Bắc Bộ. Thế nên khi hay tin Phương Lang rước Thành hoàng làng, chúng tôi tò mò và háo hức, không ngờ ở Quảng Trị cũng còn lễ này.
Sáu giờ sáng, đoàn rước đã sắp sẵn đội hình trước đình làng chuẩn bị di chuyển về miếu thờ Thành hoàng. Đi đầu là mười người mặc áo quần đỏ, tay cầm cờ hội và giáo mác. Tiếp theo là đội chiêng trống nhạc lễ. Ở giữa là kiệu rước. Kế đó là các vị cao niên trong ban điều hành làng, các họ tộc, các cụ ông đều mặc lễ phục truyền thống. Cuối cùng là thần dân làng. Sau khi chỉnh chu đội hình, làng cử lệnh để đoàn rước đi đến miếu thờ Thành hoàng.
Nghi lễ cúng tại miếu Thành hoàng gồm đầy đủ ba phần là sơ - á - chung hiến lễ. Một tấm chúc vị (cáo văn) viết trên nền giấy bổi vàng được đặt vào miếu. Sau phần lễ cáo thì vị chánh tế sẽ xin ba cây nhang từ miếu Thành hoàng để cắm vào bát nhang trong kiệu rước. Ba cây nhang tượng trưng cho Thành hoàng đã nhập linh vào. Đoàn rước đưa bát nhang này về, đi qua cổng làng và đặt vào trong đình để chuẩn bị cho lễ tế.
Sự quy củ của lễ làng Phương Lang bởi đây là ngôi làng cổ, có mặt sớm cùng với cuộc di dân Đại Việt từ thế kỷ XV thời Lê sơ. 550 năm là cả một cơ đồ lịch sử, qua bao biến thiên thời gian làng vẫn giữ được các nghi lễ và các dấu tích thể hiện tín ngưỡng dân gian. Đó là một cụm đá Linga - Yoni hiện vẫn còn để biết dấu mốc của văn hóa Chămpa. Các thiết chế làng như đình, chùa, nhà thờ họ tộc, miếu thờ Thành hoàng, miếu chùa Ngọc, miếu Trà Sơn Trấn quốc, miếu Ngũ hành, miếu Bà, miếu Phủ Ông... nằm quanh làng một cách mật tập.
Chúng tôi thăm miếu Phủ Ông nằm giữa một lùm cây xanh mát, cạnh dòng sông Cựu Hà (sông Trường Giang). Ngôi miếu nhỏ nhưng có kiến trúc dạng một miếu-võ, tức là miếu nằm trong căn nhà vuông bốn phía trống trải. Bốn mái miếu lợp ngói hài, hoạt tiết trang trí mang dáng dấp kiến trúc cung đình, khác lạ so với các miếu thờ khác trong làng. Tục truyền rằng khi xưa có một vị tướng đi qua làng Phương Lang thì bị thương nên dừng chân nằm nghỉ, máu của tướng đã thấm vào đất này. Về sau vua ban lệnh hễ làng nào có dấu máu vương tướng thì phải lập nơi thờ tự, thế là Phương Lang có miếu Phủ Ông.
Đấy là chuyện sự tích, lưu truyền từ đời này qua đời khác về một điểm thờ tự của làng. Nhưng chuyện sau đây thì đúng là truyền thuyết được truyền khẩu, chúng tôi được nghe một số người làng kể lại, nên cũng có thể xem là một câu chuyện dân gian được viết tiếp.
Chuyện rằng lúc vị tướng nằm nghỉ thì có đám trẻ chăn trâu đi qua. Tướng hỏi ta bị chảy máu thế này có chết không? Trẻ nít trả lời không chết đâu. Lúc sau có một người đàn bà đi qua, vị tướng lại hỏi câu trên thì người đàn bà bảo chắc sẽ chết. Thế nên về sau này, hễ trẻ con làng đến leo lên miếu Phủ Ông chơi thì không sao. Nhưng đàn bà mà tới miếu thì về sẽ có chuyện không hay. Rất có thể đấy là một câu chuyện được thêu dệt nên để răn người đời, như xưa nay phụ nữ vẫn thường được khuyên tránh đến nơi đình đền miếu mạo. Thực hư thế nào có lẽ không thể xác minh, nhưng ít ra đấy là một câu chuyện mang dáng dấp tín ngưỡng dân gian.
Đình - chùa - miếu - võ cùng hệ thống lễ hội, tín ngưỡng tạo nên một thiết chế làng Phương Lang được giữ nguyên cho đến nay, thật đáng quý.
Tái hiện văn minh lúa nước
Cũng như bao làng quê đồng bằng duyên hải khác, trồng lúa là nghề chính từ xưa đến nay ở Phương Lang. Bên cạnh đó, cách nghề khác liên quan đến lúa nước cũng đã được mang vào đây trong suốt quá trình di cư lập ấp như nghề làm bánh ướt nức tiếng, nghề làm bánh đa, nghề làm bún, nghề đan lát... Dẫu trong số này có nghề thịnh nghề suy, nghề biến đổi hội nhập được cùng phương thức sản xuất mới, hay mất dấu theo thời cuộc thì tất cả đã được tái hiện lại trong hội làng lần này.
Ngay tại đình làng là một không gian mô phỏng hoạt động làng quê trong dòng chảy văn minh lúa nước. Đó là các vật dụng nhà nông gồm xe đạp nước, cày, bừa, gàu, oi, chơm, rọ, câu, quang gánh... khiến nhiều người bồi hồi ký ức về một thời thương khó. Và thích thú hơn cả là mô hình nhà xưa gồm một mái tranh, người cày trâu, hai người giã gạo cối chày, một người xay lúa, một người xay bột gạo. Các hình người được mặc áo bà ba, đang trình diễn hoạt động bằng động cơ, trong tiếng nhạc hò đối đáp giao duyên đặc trưng Quảng Trị. Toàn bộ các hoạt động trong mô hình đều liên quan đến nghề của làng, chẳng hạn cối xay lúa và cối xay bột là đặc trưng cho nghề làm bánh. Người về dự được tham gia tráng bánh ướt bằng lò hấp xưa, trong bùi ngùi khói than và ăn miếng bánh nóng hổi đắp bên lò.
Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Trường, năm nay đã 83 tuổi nhưng còn khỏe khoắn. Có thể gọi cụ là nghệ nhân làm cối xay. Cụ cho biết nghề đóng cối xay ở làng đã có từ lâu lắm rồi. Khi cụ lên mười tuổi đã theo ông nội đi khắp vùng đóng cối cho người ta. Rồi cụ giữ nghề cho đến tận hôm nay. Bây giờ thì chẳng ai dùng cối xay này, nhưng cụ vẫn nhận làm thường xuyên cho các khu du lịch, các bảo tàng và người sưu tập trong nước.
Hồn làng sức nước
Trong bối cảnh các yếu tố kinh tế, di cư chi phối đến địa chính của làng thì giữ được nếp làng là điều rất khó. Gần đây thôn Phương Lang và thôn Phú Hải sáp nhập thành thôn Phương Hải, tuy nhiên các giá trị làm nên nếp làng Phương Lang thì vẫn được bảo lưu.
Ông Mai Văn Căn, chủ tịch UBND xã Hải Ba cho biết Phương Lang là một làng có truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng, đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến góp phần để xã nhà đạt danh hiệu xã anh hùng. Trong công cuộc xây dựng tái thiết quê hương, con dân của làng có nhiều người thành đạt, dù đi xa hay thì tâm tưởng vẫn hướng về quê hương. Lễ hội kỷ niệm lần này của làng Phương Lang vừa mang ý nghĩa tri ân tiền nhân và các thế hệ dựng làng, vừa tăng tinh thần đoàn kết. Đặc biệt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao của làng cũng nằm trong chuỗi sự kiện xã Hải Ba đón bằng công nhận Nông thôn mới.
Về Phương Lang, nhìn thấy sự quy củ của lễ làng, gặp lại những nét xưa của hương thôn, chúng tôi lại nghĩ đến việc bảo tồn, phát huy văn hóa làng để đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đời sống hôm nay. Và một khái niệm tưởng chừng đã bị quên lãng, rằng làng chính là đơn vị cơ sở của nước, hồn làng góp nên hồn dân tộc; tinh hoa của làng hun đúc nên nhân cách cho con người. Một khi trầm tích văn hóa làng được đánh thức thì con người trở nên mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn, sống tốt đẹp hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)