Diên Sanh phố mới

Thu Thảo |

Đôi khi trong những câu chuyện “vô tiền khoáng hậu”, người ta quen với những điều xưa cũ và bỏ qua danh xưng mới vốn dĩ chỉ nằm trên văn bản hành chính. Đó là câu chuyện của phố Diên Sanh, mà người dân quen gọi với cái tên cũ là thị trấn Hải Lăng (Quảng Trị). Phố mới mà không mới...

Sầm uất một thời chợ Kẻ Diên

Thị trấn Diên Sanh, trung tâm của huyện Hải Lăng được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai địa phương: xã Hải Thọ và thị trấn Hải Lăng từ tháng 1/2020. Xưa kia, Diên Sanh được biết đến như một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của vùng phía Nam tỉnh Quảng Trị.

Sau bao năm tháng trường tồn cùng thăng trầm lịch sử của vùng đất Hải Lăng, Diên Sanh từ phố đã quay về làm phố, tâm điểm của một vùng, đúng với giá trị danh xưng của mình. Ngay từ cái tên Diên Sanh, theo nghiên cứu của tác giả Thành Nhân đăng trên Tạp chí Cửa Việt, có nghĩa là “kéo dài sự sinh sôi, nảy nở”, ý như muốn níu kéo quá khứ vàng son một thuở.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian Quảng Trị, đất Diên Sanh từng kéo dài từ xã Hải Thọ lên thị trấn Hải Lăng bây giờ có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên gương mặt Hải Lăng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng đã ghi chép rằng: “...Lỵ sở và trường học trước ở xã Diên Sinh...”.

Với vị trí cách quốc lộ chỉ 4 km, lại cách Thừa Thiên Huế, kinh đô của chúa Nguyễn một thời chỉ có 15 km về phía Nam, Diên Sanh hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để giao thương, buôn bán và phát triển. Mặt khác, nơi đây từng được chọn là lỵ sở nên dân cư tập trung sầm uất. Chợ Diên Sanh hay còn có tên gọi khác là chợ Kẻ Diên thuộc địa phận xã Hải Thọ cũ. Chợ Kẻ Diên nằm ở vị trí thủ phủ của huyện Hải Lăng, là đầu mối hàng hóa cung cấp, tiêu thụ cho toàn vùng đất trên bến dưới ghe mỗi mùa nước nổi nên thuận lợi và khá đông đúc.

Theo lời kể của người dân thì không biết chợ có từ khi nào, nhưng có lẽ là đã rất lâu, lâu đến mức cái tên Diên Sanh được dùng thay thế danh xưng Kẻ Diên từ tận khoảng thế kỷ XV. Và cũng khắc khoải đến mức, ca dao tục ngữ Việt Nam kịp ghi lại dấu tích chợ Kẻ Diên với những thăng trầm dâu bể và tinh thần vượt khó vươn lên của người dân Quảng Trị: “… Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái/Về nuôi, hắn đẻ ra chục trứng/Một trứng: ung/ Hai trứng: ung/Ba trứng: ung/Bốn trứng: ung/Năm trứng: ung/Sáu trứng: ung/Còn ba trứng nở ra ba con/Con diều tha/Con quạ bắt/Con mặt cắt xơi/ Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Chợ Diên Sanh ngày nay đã chuyển sang địa điểm mới, được đầu tư, xây dựng khang trang, bề thế nên trở thành nơi tụ họp ưa thích của người dân vùng đất phía Nam Quảng Trị.

Một góc thị trấn Diên Sanh - Ảnh: H.A
Một góc thị trấn Diên Sanh - Ảnh: H.A


Dáng dấp đô thị mới

 

Diên Sanh bây giờ mang bộ mặt của một trung tâm huyện lỵ với những đổi thay của một đô thị đang lên. Sau ngày sáp nhập, thị trấn Diên Sanh có tổng diện tích đất tự nhiên 2.460 ha, dân số gần 12.000 người, phân bổ thành 9 khóm và 2 khu dân cư. Với địa bàn rộng, dân số đông, thị trấn có đủ điều kiện và tiềm lực nội tại để phát triển kinh tế hạ tầng, quản lý và xây dựng đô thị văn minh.

Về quy hoạch nội thị, ước tính, hơn 8,9 tỉ đã được đầu tư để xây dựng các công trình, hạng mục phục vụ phát triển KT-XH của thị trấn giai đoạn 2016-2020. Trong năm 2022, hơn 1,5 tỉ được sử dụng để xây dựng các công trình mới như: mở rộng một số đường giao thông; nâng cấp, sửa chữa các trường học; khắc phục công trình bị hư hỏng do lũ lụt, gần 900 triệu để phục vụ giải phóng mặt bằng.

Nhiều công trình xây dựng của thị trấn đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng như: nhà văn hóa Khóm 1, công viên Trần Phú; các ki-ốt chợ thị trấn Hải Lăng; trụ sở làm việc HĐND-UBND và trung tâm tiếp nhận hồ sơ một cửa; nhà đa năng điểm trường THCS Bùi Dục Tài; nâng cấp, sửa chữa sân điểm trường Tiểu học Hải Thọ; nhà để xe chợ trung tâm Diên Sanh; xây mới nhà bếp một chiều, nâng cấp nhà hiệu bộ của Trường mầm non Hải Thọ... Các công trình thủy lợi cũng được tu sửa, nhằm hạn chế tổn thất trong mùa mưa lũ như cống thoát nước xóm Ao Tam Giác; khắc phục khẩn cấp điểm đê vỡ tại trạm bơm Thọ Nam...

Bên cạnh đó, thị trấn đã huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa nghệ thuật, TDTT; khuyến khích đầu tư, phát triển các dịch vụ văn hóa-thể thao như: sân cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, cầu lông, dụng cụ thể thao tại sân nhà văn hóa các khóm…

Những con đường trung tâm thị trấn Diên Sanh được đầu tư, chỉnh trang ngày càng rộng rãi, xanh, sạch, đẹp hơn. Đó cũng là kết quả của công tác dân vận tốt, vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng, hiến đất mở rộng đường giao thông và vòng cua tại các ngã 3, ngã 4; xã hội hóa lắp đặt điện chiếu sáng, cải tạo nhà cửa, hàng rào, cổng. Trung tâm môi trường huyện cũng trực tiếp thu gom rác tại các hộ gia đình từ 2-3 lần/tuần, hạn chế tập kết ở bãi trung chuyển. Đoàn thanh niên phụ trách, hỗ trợ thu gom rác tại công viên 19-3 và khu vực bờ hồ Nước Chè...

UBND thị trấn cũng phát động toàn dân ra quân làm vệ sinh môi trường các dịp lễ, Tết; duy trì có hiệu quả Ngày Văn minh đô thị...Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng gia đình, khóm văn hóa theo hướng thực chất như báo cáo hộ vi phạm pháp luật, vi phạm về đất đai, lấn chiếm hành lang vỉa hè... Anh Võ Văn Hoa, Khóm 6, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, chia sẻ: “Kể từ khi sáp nhập, thị trấn Diên Sanh đã tạo được sức bật đáng kể. Bộ mặt đô thị văn minh dần khởi sắc. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư nhiều hơn, đời sống Nhân dân cải thiện đáng kể. Với tinh thần đó, người dân thị trấn mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nơi đây trở thành điểm sáng, là mô hình điểm ở trung tâm huyện lỵ”.

Chủ tịch thị trấn Hải Lăng Nguyễn Quang Hải cho biết: “Trong kế hoạch thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực theo quy hoạch, ưu tiên hình thành, phát triển các điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp tập trung; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo các tiêu chí đô thị; thực hiện 9 nội dung chỉnh trang đô thị của thị trấn theo hướng xã hội hóa. Phấn đấu trong năm 2023 đưa thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh và chuẩn đô thị loại V, đến năm 2025 cơ bản đạt chuẩn đô thị loại 4”.

Mỗi cuộc phát triển là một hành trình thay đổi. Trên chặng đường ấy, cái tên Diên Sanh vẫn là linh hồn của vùng đất nằm ở phía Nam Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hải Lăng: Người dân tích cực hiến máu cứu người

Hiếu Giang |

Những năm qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở nên nhận thức của người dân về HMTN ngày càng được nâng lên, tạo thành phong trào lan rộng trên địa bàn. Nhờ hiệu quả và sự lan toả sâu rộng đó, Hải Lăng được hội cấp trên đánh giá là một trong những địa phương tiêu biểu trong thực hiện phong trào HMTN của tỉnh.

Đua thuyền truyền thống ở Hải Lăng

Hoài Nhung |

Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị), môn đua thuyền truyền thống phát triển rộng khắp trong toàn huyện.

Chấp thuận ý tưởng đầu tư xây dựng hai dự án khu đô thị tại huyện Hải Lăng

Nhơn Bốn |

Ngày 16/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Hải Lăng và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thương mại - Dịch vụ Phương Thảo (gọi tắt là Công ty Phương Thảo), trụ sở tại tỉnh Bình Dương về ý tưởng nghiên cứu đầu tư hai dự án khu đô thị tại huyện Hải Lăng.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Hải Lăng

Minh Anh |

Theo đánh giá của các chuyên gia, huyện Hải Lăng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN). Nhận định này càng rõ hơn khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được thành lập, huyện Hải Lăng được xác định là “vùng lõi” với nhiều dự án động lực. Với lợi thế đó, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, góp phần phát triển CN -TTCN trên địa bàn.