Khi đói cùng chung một dạ, khi rét cùng chung một lòng

BÁT NHÃ |

Ân tình sẽ được đáp trả bằng ân tình; trao yêu thương sẽ gặt được yêu thương!

1. Bạn tôi không theo một tôn giáo nào nhưng tin vào nhân - quả ở đời. Câu chuyện bạn hay “bình luận” khi trà dư tửu hậu là lời của nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng: “Nếu biết yêu cái cây, cái cây sẽ yêu lại. Nếu biết yêu hòn đá, hòn đá sẽ thương lại mình”. Này, đó chẳng phải nhân quả là gì. Đầu tiên, anh phải có cái nhân yêu thương và gửi trao người khác, rồi đủ duyên sẽ cho quả. Vũ trụ này rất kỳ lạ, vận hành không sai một ly nào từ bé như vi trần đến to như cả hành tinh. Nhân yêu thương sẽ cho quả yêu thương chứ không phải là quả gì khác.

Anh chỉ cho tôi dòng thông tin đăng tải trên báo. Chỉ trong ba ngày vận động, người dân của 6 thôn trên địa bàn xã Ba Lòng, huyện Đakrông đã huy động được hơn 47 triệu đồng tiền mặt và gần 5 tấn rau, củ, quả, gạo cùng các vật phẩm thiết yếu khác để gửi tặng TP. Hồ Chí Minh. Năm 2020, trong đợt lũ lụt lịch sử của tỉnh Quảng Trị, Ba Lòng nằm trong vùng rốn lũ, bị cô lập lâu ngày nhất. Khi lũ vừa rút thì những đoàn xe tải nối đuôi nhau vào tiếp tế cho bà con. Không ai biết địa chỉ hay một dòng tên người nào đã tích cóp tiền bạc, thực phẩm, chỉ biết rằng đó là sự vận động, quyên góp đầy yêu thương của người miền Nam hay miền Bắc trao gửi về đây.

Bà con Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh đã thay lời cho rất nhiều đồng bào ở vùng rốn lũ Quảng Trị khi nói rằng, họ chưa bao giờ đến miền Nam, họ chưa bao giờ biết Sài Gòn là ở chỗ mô. Có người còn nghĩ Sài Gòn với TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương gần nhau. Thế nhưng điều đó đâu có gì là quan trọng. Bởi họ chỉ biết miền Nam đã từng một lòng với họ trong những đợt bão lũ năm qua. Giờ đây nghe tin miền Nam, Sài Gòn gặp khó khăn do Covid-19 họ đã nhiệt tình lại với những gì họ có để chung tay hướng về một miền Nam ruột thịt...

Hình ảnh “có những gì tốt đẹp, người Quảng Trị trao gửi hết vào Sài Gòn và miền Nam yêu thương” tràn ngập trên các nhóm, facebook cá nhân, fanpage… Người có sả góp sả, người có đậu góp đậu, người góp tiền mặt, người góp công, một cách nhịp nhàng, trật tự và nhanh chóng, để tỉ mẩn làm nên những mẻ ruốc sả thơm ngon đầy ắp ân tình. Không ai bảo ai, ai cũng cố gắng đẩy nhanh tốc độ để kịp gửi đi TP. Hồ Chí Minh dành tặng cho những hoàn cảnh khó khăn trong đợt giãn cách xã hội nhằm phòng chống Covid-19. Tôi trộm nghĩ, có lẽ khi dân ta chuẩn bị lương thực cho vua Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi cũng “thần tốc” như tinh thần làm món muối sả này vậy.

Muối sả ân tình của người Quảng Trị. - Ảnh: H.T.T
Muối sả ân tình của người Quảng Trị. - Ảnh: H.T.T
Lời nói mộc mạc mà sâu đậm của bà con dân tộc Vân Kiều làm tôi nhớ đến câu chuyện của Tô Nài Não, một bạn trẻ làm việc ở Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng) vào năm trước. Chưa một lần đến Quảng Trị nhưng trước thông tin về thiệt hại từ “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, Não đã cầm số tiền 135,7 triệu đồng của bạn bè xa gần ủng hộ để lên đường. Với trách nhiệm “em nhận tiền và niềm tin của các anh, chị”, Não đã trực tiếp đi đến gần 70 hộ gia đình để trao tặng quà (mỗi hộ từ 1 - 3 triệu đồng). Ngoài ủng hộ cá nhân vào số tiền chung của mọi người, toàn bộ chi phí chuyến đi Não cũng tự lo liệu.

Đi đến đâu Não cũng livestream “báo cáo” theo yêu cầu của mọi người quen biết trong cả nước: “Đi đến đâu là quay cho coi với nghe, để biết tình hình của bà con ngoài đó thế nào rồi, rồi nghe bà con ở ngoải (ngoài đó - pv) nói một tiếng cho yên tâm cái bụng là mọi thứ vẫn ổn hết”. Những người miền Nam trao gửi món quà ấm áp yêu thương đó cũng chưa một lần đến Quảng Trị, thậm chí nhiều người chưa hình dung ra Quảng Trị là như thế nào nhưng đã là “người chung một nước” thì “Khi đói cùng chung một dạ, khi rét cùng chung một lòng”.

Dáng vẻ bề ngoài rất năng động, xông pha nhưng khi nói lên tình cảm này, Nài Não cũng rơi nước mắt. Bạn tâm sự, bà con ở miền Nam tụi mình cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Triều cường rồi hạn mặn đã làm thiệt hại rất nhiều về tôm, lúa. Có nhà cả tỷ đồng. Thiên tai trong hai năm 2019 - 2020 làm mất khoảng 41.900 ha lúa đông xuân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó mất trắng là 26.000 ha. Riêng tỉnh Sóc Trăng - quê hương của Nài Não năm 2020 cũng thiệt hại gần trăm tỷ đồng vì thiên tai. Vậy mà nghe nói bà con miền Trung bị lũ lụt là thương không cầm nước mắt, như thể đó là người thân của mình đang gặp hoạn nạn. 

Thế nên không ngạc nhiên khi Nài Não ghé thăm các hộ gia đình ở huyện Vĩnh Linh, nhiều người đã bật khóc khi nghe nói: “Con từ Sóc Trăng ra đây. Con mang theo tình cảm của người miền Nam gửi đến Quảng Trị”. Người miền Nam hào sảng là đây! Miền Trung có năm nào mà không bị thiên tai bão lũ. Thế nhưng năm nào cũng vậy, những chuyến hàng cứu trợ trĩu nặng ân tình từ TP. Hồ Chí Minh, từ miền Nam luôn là những chuyến hàng đầu tiên vượt cả ngàn cây số đến với dân miền Trung trong những ngày cơ cực ấy.

2. Tôi lướt qua các group người Quảng Trị mà xúc động. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm trước đến nay khiến nhiều người rất khó khăn. Thế nhưng, có rất nhiều người như Nguyễn Đức Nhật Thuận - chủ quán Cà Mèn ở TP. Hồ Chí Minh, luôn dành tâm huyết để cùng chung tay hỗ trợ người khác. Thật ấm áp làm sao khi những lời than thở được đăng tải trên mạng xã hội của các nhóm đồng hương Quảng Trị ở Sài Gòn đều có sự hồi đáp: “Hãy inbox cho mình hoặc hãy để lại số điện thoại, mình sẽ liên lạc để gửi đồ ăn đến cho bạn”.

Nhật Thuận và các bạn có sợ bị nhiễm Covid-19? Có sợ khó khăn không? Vậy, tại sao sợ mà vẫn làm? Thuận chỉ trả lời tất cả câu hỏi đó bằng một lời nhắn rằng: “Hãy yêu thương nhau khi còn có thể!”. Đã yêu thương thì cần thể hiện bằng lời nói, bằng nút like hoặc share, lời động viên dù là “mạng ảo” và đã là yêu thương thì không thể không hướng về nhau bằng hành động. Nhật Thuận đầy xúc động khi chia sẻ trên facebook cá nhân của mình rằng, người lớn thiếu lương thực, thiếu ăn. Con nít thiếu sữa, khát sữa. Có các bác sỹ ở bệnh viện dã chiến mới thành lập, điều kiện còn thiếu thốn, khó khăn rất nhiều, từ trang thiết bị y tế, vật dụng cá nhân, thức ăn, nước uống. Các bác sỹ ngày đêm chống chọi, chiến đấu trực tiếp với dịch bệnh có những bữa phải nuốt tạm mì gói. Khi nhận được cơm yêu thương, mấy bác vỡ oà vì lâu ngày mới được ăn cơm ngon.

Họ đã tạm gác những niềm vui rất đời thường như thế cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những đứa con phải tạm xa ba/ mẹ, vợ/ chồng tạm xa nhau. Hàng nghìn cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên ngành y tế… các tỉnh đã được huy động vào “chi viện” cho miền Nam. Nhiều người đã gọi các cuộc chi viện “sức người sức của” cho TP. Hồ Chí Minh và miền Nam những ngày này là “đi B” bởi mang không khí và tinh thần của một cuộc chiến. Xung phong vào tâm dịch nhưng họ đều có chung cảm giác vinh dự và tự hào.

Nhìn những hình ảnh này thật ấm lòng, chỉ có tình người với nhau, những cảm ơn vì đã được sinh ra và lớn lên trên đất nước Việt Nam, nơi mà những yêu thương luôn đáp lại những yêu thương! Yêu thương nhau, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn có lẽ nguồn năng lượng được tạo trao truyền đi cùng với quá trình hình thành nòi giống Việt. Sức mạnh của người Việt được làm nên từ những hành động mang “nghĩa đồng bào”. Cũng chính hai tiếng đồng bào ấy đã khiến người Việt vững chãi qua hàng ngàn năm trước những kẻ thù hung bạo, trước dập dồn thiên tai địch họa.

Một quả bầu, con cá, con lợn hay trao nhau một hộp cơm trong mùa dịch… Qua giọt nước ta thấy được cả đại dương là thế.

3. Rồi bạn tôi trở lại với câu chuyện nhân quả bằng mệnh đề rất nổi tiếng “Một con bướm đập cánh ở Amazon có thể gây ra cơn lốc ở Texas” của nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz. Này, bạn có thấy học thuyết Hiệu ứng cánh bướm có giống thuyết Duyên khởi trong nhà Phật hay nói không? Chỉ cần bạn gieo một cái nhân thì đủ duyên nó sẽ tạo “quả”. Trong trường hợp mà Nhà khí tượng học đã đưa ra, cánh bướm đó phải là một cái “nhân cơn lốc” mới tạo ra quả là cơn lốc. Cái nhân yêu thương, đùm bọc của người Việt ta lớn lắm nên nó cứ mãi tạo ra quả yêu thương. Ngay cả khi đợi đủ duyên để cho quả thì nó tiếp tục tạo ra nhân mới. Quả theo nhân cũng như bóng theo hình vì thế có hình thì có bóng. Chừng nào người Việt mình còn yêu thương nhau, cưu mang nhau, khi đói cùng chung một dạ, khi rét cùng chung một lòng thì sức mạnh ấy bền chặt như sự tồn tại nước Việt hàng nghìn năm qua vậy.

Chúng ta sợ nghèo, sợ đói, sợ bệnh, sợ già, sợ xấu, sợ khổ, sợ ma, sợ thi rớt, sợ không có việc làm, sợ thua sút bạn bè, sợ thiếu công danh, sợ ly tán, sợ không có tình yêu… và cuối cùng là sợ chết. Có ai trẻ mãi mà không già hoặc có người nào sống đời mà không chết? Khi nằm chiêm bao, chúng ta thấy đang ở trong một căn nhà đang cháy nên hốt hoảng tìm lối chạy ra. Vừa chạy vừa la, lo sợ đến toát mồ hôi nhưng khi tỉnh giấc biết mình nằm mộng thì cháy nhà cũng tan, lo sợ cũng hết. Thế nên, nếu bạn biết rằng mọi thứ trên thế gian này cuối cùng rồi cũng đi theo quy luật thành - trụ - hoại - diệt, cuối cùng rồi cũng là nhân quả quyết định. Thế thì tại sao lại không yêu thương nhau khi còn có thể!

Bạn ngồi nhìn ra bóng nắng đã xiên qua hàng cây thẳng tắp trước nhà. Mai này trong làng sẽ đón thêm những người con vùng dịch về. Tất nhiên sẽ là chút lo lắng, nghi ngại nhưng với người Việt, quê nhà luôn là nơi cuối cùng để người ta quay về. Thành công hay thất bại, nghỉ ngơi hay tiếp thêm sức lực… rồi cũng nương náu ở nơi được yêu thương.

Ân tình sẽ được đáp trả bằng ân tình; trao yêu thương sẽ gặt được yêu thương!

Từ ngày 14/7/2021 đến ngày 31/7/2021, thông qua Chương trình “Nghĩa tình Quảng Trị hướng về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19” do Ủy ban MTTQVN tỉnh phát động, các tổ chức, đơn vị, cá nhân hảo tâm trên địa bàn tỉnh đã kêu gọi, quyên góp gần 2 tỷ đồng và hỗ trợ gần 850 tấn hàng hóa cho các tỉnh, thành phía Nam sớm vượt qua khó khăn do Covid-19. Hàng hóa chủ yếu gồm gạo, thức ăn khô (muối đậu, muối sả, cá khô…) và các nhu yếu phẩm khác.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Những mô hình ấm áp nghĩa tình trong mùa dịch

Diệu Thuần |

Những mô hình “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, "Tủ lạnh cộng đồng"… đã góp phần lan tỏa nghĩa tình cao đẹp, giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

Nghĩa tình người Quảng Trị giữa tâm dịch

Lâm Thanh |

Hơn 1,5 tháng TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội vì COVID-19, nhiều người con Quảng Trị đang học tập, làm việc trên mảnh đất này đã tình nguyện tổ chức những bếp ăn đặc biệt để cung cấp hàng ngàn suất cơm vừa ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng mỗi ngày cho lực lượng tuyến đầu chống dịch ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung; công nhân nghèo thất nghiệp hay những người lao động tự do, bán vé số, xe ôm… không có thu nhập trong các khu vực phong tỏa.

Những món quà “quê” chứa đầy nghĩa tình hướng về vùng dịch TP.HCM

Trường Sơn |

Nhằm chung tay cùng cả nước hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn với người dân vùng dịch, UBND xã Tân Long (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã phát động kêu gọi người dân quyên góp, ủng hộ hàng tấn nông sản cùng lương thực, thực phẩm “tiếp sức” cho bà con gặp khó khăn, đang bị phong tỏa vì dịch COVID-19.

Lễ phát động chương trình “Nghĩa tình Quảng Trị”

Mai Linh - Tạ Hưng |

Ngày 12/7, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ phát động chương trình “Nghĩa tình Quảng Trị” nhằm hướng về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Tham dự có đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Đào Mạnh Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; UBND, UBMTTQVN các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.