Nhọc nhằn đời xe ôm

Lê Minh Hà |

Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) chỉ gần 90 ngàn dân, nhưng cuộc “cạnh tranh” trong vận tải hành khách khiến cánh xe ôm ngày càng khốn đốn, sự xuất hiện của xe buýt ở các tuyến đường nội thành và gần đây lấn sang các tuyến đường nội thị khiến những người chạy xe ôm càng thêm điêu đứng. Anh Nguyễn Văn Thắng (phường Đông Thanh, Đông Hà, Quảng Trị) nói với chúng tôi trong nỗi nhọc nhằn “nỏ biết mần răng được, đó là sự thay đổi của cuộc sống...”

Gã khổng lồ có tên là xe buýt

Giá rẻ, xe sang, an toàn, nắng mưa gì cũng tiện... nhiều hành khách được hưởng lợi từ xe buýt. Và ở một số thành phố khi mới đưa xe buýt vào làm phương tiện vận tải công cộng người dân còn có thêm sự tò mò tham gia. Theo chúng tôi tìm hiểu, hầu hết các tuyến từ huyện Cam Lộ đi biển Cửa Tùng; thành phố Đông Hà đi thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh) và thành phố Đông Hà đi Hải Lăng. Đó là các tuyến trọng yếu của xe buýt Hoàn Mỹ hiện lưu thông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm vừa qua.

Đìu hiu cảnh xe ôm đợi khách ở Thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: LMH
Đìu hiu cảnh xe ôm đợi khách ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: LMH

Ban đầu, khi mới triển khai xe buýt vào Quảng Trị (trước 2016) đã gặp ngay phản ứng của xe khách, bởi địa bàn tỉnh Quảng Trị nhỏ, hẹp, các tuyến đường lưu thông trong tỉnh ít nên việc triển khai xe buýt tại đây không khác gì “cướp cơm” của cánh xe khách lưu thông nội tỉnh. Anh Phi, chủ xe khách chạy tuyến Đông Hà - thị trấn Hồ Xá bức xúc: “Có xe buýt, xe tôi hầu như không có khách, nếu muốn có khách thì phải đi “cướp” khách và hạ vé xe, phương tiện của chúng tôi không được nhà nước bù lỗ. Xe khách cũng chết đói vì xe buýt nói chi xe ôm”.

Có mặt hầu hết các tuyến đường, xe buýt là phương tiện lựa chọn của số đông dân cư. Chị Nguyễn Thị Phương, trú tại khóm Thành Công, thị trấn Hồ Xá cho chúng tôi hay: “Trước tôi thường đi xe khách bến Hồ Xá - Đông Hà và ngược lại, chừ có xe buýt giá vừa rẻ, xe lại thông thoáng nên tôi chọn loại hình vận tải hành khách này. Bến xe chừ vắng tênh vắng ngắt...”. Theo chân chị Phương, chúng tôi đến bến xe khách Hồ Xá thuộc huyện Vĩnh Linh. Bến xe nằm ngay trên Quốc Lộ 1A nhưng không hề có một chiếc xe cập bến. Được biết, bến xe khách Hồ Xá mới được xây dựng mấy năm gần đây.

Nhọc nhằn đời xe ôm tỉnh lẻ

Ông Trần Văn Cường, trú tại phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà có trên 20 năm chạy xe ôm nuôi sống gia đình giờ ông Cường đã bỏ nghề xe ôm để làm phụ hồ. 50 tuổi, dáng gầy, ông vừa trộn vữa vừa trò chuyện với chúng tôi: “Trước chạy xe ôm nuôi sống được cả gia đình. Thời tôi chạy xe ôm là thời kỳ hoàng kim. Siêng năng là một người chạy xe ôm nuôi sống cả gia đình ba bốn người. Chừ khó mần ăn lắm. Tui bỏ nghề đã một năm ni vì không trụ được, khách ít, phu xe nhiều, khổ.”

Đìu hiu cảnh xe ôm đợi khách ở Thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: LMH
Đìu hiu cảnh xe ôm đợi khách ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Ảnh: LMH

Các địa điểm tụ tập người hành nghề xe ôm như chợ Đông Hà; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị; bến xe miền Nam... giờ đìu hiu vắng cánh xe ôm, vắng khách, vắng luôn ôtô vận tải thông dụng 12 - 24 chỗ ngồi. Suốt ngày trời lang thang các điểm nói trên, chúng tôi bắt gặp lác đác cánh xe ôm ngồi vắt chân lên xe nhìn ra đường như nỗi niềm thất vọng.

Anh Trần Văn Thắng (khu phố Tây Trì, Phường 1, Đông Hà) có thâm niên chạy xe ôm hơn 10 năm ở khu vực chợ Đông Hà chia sẻ với chúng tôi rất chân thành: “Trước, phương tiện ít chạy ngày trung bình được 200 nghìn đồng, cũng đủ nuôi sống bản thân và con cái. Chừ có xe buýt, taxi… chạy ngày 50 ngàn đồng, có khi được 100 ngàn, tình cảnh rất khốn khó. Nhưng cũng phải bám lấy cái xe để sống, như tôi không đủ sức khỏe để phụ hồ, bốc vác...”

Anh Nguyễn Đức Khiêm điểm xe trước Trung tâm Văn hóa tỉnh cho chúng tôi hay: “Ở đây chừ muốn kiếm ăn thì ngày làm, ngày nghỉ. Chỉ có phân chia nhau như rứa mới có thu nhập chung, người 2 - 3 triệu/tháng đủ để sống qua ngày”. Lúc chúng tôi hỏi về những nhọc nhằn trong đời xe ôm ở tỉnh lẻ thì anh Khiêm khoát tay: “Ối dào, nhìn cái mặt tôi là biết rồi còn hỏi chi nữa...”. Trong hơi thở của người đàn ông 45 tuổi này trỗi lên cả sự mệt nhọc, ngao ngán trước cảnh đời của mình, của những người như mình. Đã có những sự thay đổi trong loại hình vận tải hành khách mà cánh xe ôm không thể trở tay kịp. Không đủ sức khỏe để chọn cho mình một nghề khác, không đủ điều kiện để kinh doanh hay chuyển đổi nghề nghiệp. Mà thiết nghĩ, ở độ tuổi gần 50 hầu hết cánh xe ôm đã nằm trong sự "lỡ làng". Cái chép miệng của anh Khiêm khi với tay gần tới một hành khách thì chiếc xe buýt ập tới khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Khi người hành khách bước lên xe, khi chiếc xe buýt bắt đầu lăn bánh là ánh mắt của anh Khiêm nhìn xa xăm, nỗi buồn lan ra từ mắt khiến thành phố về chiều dấy lên sự đơn lẻ, mấy giọt mưa rớt xuống giữa cái nắng chói chang càng thêm ngột ngạt.

Những chuyến xe đêm

Xe ôm ban ngày đã vắng khách, mấy chiếc xe kéo thồ hàng buộc mình lên gốc cây năm bữa nửa tháng mới thực hiện được công việc của mình. Chúng được buộc lên xe gắn máy, sáng theo chủ đi, chiều theo chủ về với cái bụng đói meo đói mốc. Ông Trung (50 tuổi) cho chúng tôi hay: “Tôi ít khi thồ khách, tôi hay thồ hàng các loại như: tủ, bàn ghế, chậu cây cảnh... muốn vận chuyển loại hàng này phải có xe kéo buộc theo xe gắn máy. Loại hình xe thồ ni nguy hiểm, nhất là khi gặp công an là chết dở. Thấy trước thì dắt xe đi bộ, không thấy thì bị đưa về công an xử phạt. Mình vi phạm giao thông mà, bị phạt là phải thôi không oán ai được nhưng làm một tháng phạt lần coi như đói cơm”. Anh Chính chia sẻ thêm: “Xe tôi cột cống lên cây hai tuần ni rồi, không có hàng bỏ luôn đó chớ không mang về nhà nữa. Đợt tới chắc tôi chuyển qua chạy đêm”.

Những chiếc xe kéo ở Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) được buộc lên cây vì không có hàng để thồ.
Những chiếc xe kéo ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) được buộc lên cây vì không có hàng để thồ.

Ngày ngủ, đêm những đôi mắt vò võ chờ khách. Cánh xe ôm chạy đêm bắt đầu tập trung bốn giờ chiều hôm trước và kết thúc công việc của mình vào 4h sáng hôm sau. Thành phố Đông Hà mới 23h đã vắng người qua lại. Người chạy xe đêm chỉ đợi khách một số điểm chủ yếu là Bệnh viện Đa khoa tỉnh (phường Đông Lương), Ngã ba cảng (phường 2 thành phố Đông Hà) nơi có một vài hành khách cần đến xe ôm để đi trung chuyển đến một vài điểm không quá 5km. Khác với sự ồn ào, náo nhiệt ban ngày, cánh xe ôm chạy đêm thường đợi khách bên vỉa hè. Để chống lại sự buồn chán, một số người tụ tập nhau lại đánh bài và uống trà đặc cho đỡ buồn. Ông Hùng, ở khu phố 3, phường 4 cầm bình trà được vợ ông chuẩn bị cho hồi chiều mời tôi với cách trò chuyện chậm rãi: “Tôi 57 tuổi rồi, đa số người hành nghề xe ôm ở đây tuổi đã cao. Chạy xe cực khổ mà không chạy xe thì buồn. Tuổi già biết mần chi. Tôi chọn chạy xe ôm vừa đỡ buồn vừa có thêm thu nhập. Ở khu vực chợ Đông Hà cách đây hai năm có tới 40 - 50 người chạy xe ôm cả ngày và đêm chừ còn khoảng dưới 15 người. Đa số tìm công việc khác vì không có khách”.

Đêm vắng, trên tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Đông Hà cũng vắng. Chúng tôi thấy lác đác một vài chiếc xe taxi đậu trên công viên Lê Duẩn, vài chiếc xe ôm đậu cạnh đó. Đi qua một đêm nhưng hầu hết cánh chạy xe đêm không “bắt” được hành khách nào. Riêng anh Hùng, 40 tuổi, ở phường 2 có được một khách. Anh Hùng trở về sau hơn 30 phút chở hành khách đi, nói với chúng tôi: “Khách chi lạ, chở tới khách sạn bảo chờ ở đó chút ra thanh toán tiền luôn thể. Chờ lâu quá tôi vào tìm thì bảo vệ cho biết khách bắt taxi đi rồi, còn đi đâu thì không biết...” anh Hùng vẫn cười. Chúng tôi thắc mắc về điều này thì được anh giải thích: “Chuyện thường ngày đó mà, xù rồi...”. Được biết, những chuyến xe đêm thường gặp tình trạng hành khách xù tiền, có người cẩn thận lấy tiền trước khi chở nhưng đa số không ai làm thế vì ngại khách. Còn nữa, theo anh Hùng: “Ớn nhất là chở mấy tên say rượu, khách ngồi mà như nằm vừa chạy xe vừa vịn khách cho khỏi ngã, thồ về tận hẻm thì tuyên bố thẳng thừng mày biến đi không ông chém, không tiền bạc chi hết. Ngán”.

Đời xe ôm với những nhọc nhằn. Mà cái nhọc nhằn nhất có lẽ là sự chờ đợi. Một hành khách đi qua, tuột khỏi tay mình. Hai hành khách đi qua, cơ hội thuộc về các phương tiện vận tải hành khách tối tân hơn... khoảng thời gian hy vọng, chờ đợi và thất vọng đã ngốn đi của họ không ít tuổi xuân và sự chờ mong vào cuộc sống. Thêm vào đó là sự nghĩ ngợi bởi khoảng thời gian nhàn rỗi, nó như câu nói của anh Thắng: “Thời gian chờ khách không có việc chi làm nên cứ suy nghĩ lung tung, nghĩ về mình, về gia đình, về mai mốt có còn ai chạy xe ôm ở thành phố này nữa không mà buồn hết nói...”

TAGS

Chuyện sinh đẻ ở vùng cao

Lê Minh Hà |

Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng, khi mạng lưới truyền thông về tận thôn bản, đài báo thông tin rộng khắp mọi nơi thì việc tuyên truyền gặp nhiều thuận lợi và hiệu quả tỉ lệ thuận với nó. Cả việc truyền thông cho vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, vấn đề bình đẳng giới, sức khỏe bà mẹ trẻ em... gặt hái được những kết quả “tưng bừng”. 

Phóng sự ảnh: Mùa lúa rẫy

Phan Tân Lâm |

Gieo trồng cây lúa rẫy là phương thức sản xuất truyền thống từ lâu đời của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở khu vực miền núi Quảng Trị. 

Kỹ thuật xây dựng giếng Chăm vùng Quảng Trị

Yến Thọ |

Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Quảng Trị rất phong phú và đa dạng theo sự ảnh hưởng của điều kiện địa hình. Nếu không tính các công trình khai thác nước thuộc sản phẩm riêng biệt của người Việt giai đoạn sau này thì hệ thống khai thác nước cổ mà chúng tôi cho rằng thuộc sản phẩm của người Chăm hoặc theo kỹ thuật Chăm ở Quảng Trị bao gồm 2 nhóm loại hình với các đặc điểm và kỹ thuật xây dựng sau đây:

Phần thưởng của Bác Hồ tặng thiếu nhi Vĩnh Linh

Lan Phương |

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thiếu nhi tỉnh Quảng Trị nói chung và thiếu nhi huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nói riêng đã cùng thiếu nhi cả nước đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đánh bại kẻ thù để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.