Nơi ấy có chân trời bình yên

Nguyễn Chí Hiếu |

Đã có nhiều công trình mới được mọc lên trên vùng đất Quảng Trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người lính công binh. Họ luôn làm những công việc lặng thầm nhưng đầy cao cả. Với những người lính công binh hôm nay, họ chỉ mong muốn là làm sao không còn tiếng nổ của bom mìn sót lại sau chiến tranh, đó là điều hạnh phúc nhất đối với họ.

Một ngày cuối đông năm 2007, tôi cùng đội rà phá bom mìn của đơn vị đi làm nhiệm vụ dò tìm, xử lý bom mìn vật liệu nổ giải phóng mặt bằng chuẩn bị cho việc thi công công trình Khu neo đậu trú bão và hậu cần nghề cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Đây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng, vừa phục vụ cho tàu thuyền 12.000 mã lực, vừa thu mua lại sản phẩm để chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Đoàn của chúng tôi gồm 12 người, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu được phân công làm đội trưởng, Thượng uý Phan Thúc Định, Phó Đại đội trưởng Đại đội 7 Công binh - người được anh em đại đội đặt cho danh hiệu“Dũng sỹ diệt bom” làm Đội phó. 

Lực lượng công binh Quảng Trị đang kéo quả bom lên khỏi mặt đất - Ảnh: NCH
Lực lượng công binh Quảng Trị đang kéo quả bom lên khỏi mặt đất - Ảnh: NCH

Nơi chúng tôi đến là bến đò B Tùng Luật, huyện Vĩnh Linh. Chỉ tính từ năm 1968 - 1972, bến đò Tùng Luật đã đưa hơn 2 triệu lượt bộ đội, dân quân, dân công và đồng bào K10, K15 cùng hàng vạn tấn đạn dược, lương thực, vũ khí. Cũng tại đây, để ngăn chặn hoạt động của bến đò, Mỹ - nguỵ đã huy động hơn 1.200 lần tốp với 3.260 lần chiếc phản lực bổ nhào ném bom bắn phá; 5 lần dùng máy bay B52 rải thảm, hơn 1.500 đợt pháo kích từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Hạm đội 7 với các loại pháo 105, 155, 175, 203 ly... Do vậy, khối lượng đạn pháo, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là rất lớn.

Sau khi ổn định công tác chuẩn bị, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu quán triệt tính chất, nhiệm vụ của công việc là rất khó khăn. Bởi lẽ việc rà phá bom mìn trên cạn đã khó khăn, vất vả nay lại làm trong điều kiện dưới nước thì nguy hiểm càng nhân lên gấp bội. Khi dò tìm dưới nước phải dọn rất nhiều chướng ngại vật do chiến tranh và các hoạt động dân dụng để lại dưới lòng sông như: sắt thép, bê tông, dầm cầu hỏng, thuyền đắm, mảnh bom đạn... Chỉ khi nào các chướng ngại vật này được dọn sạch hết mới có thể dò tìm và dọn sạch tới phần bom đạn. Do đó trách nhiệm và thách thức đối với đội là rất lớn vì ngay trong trường hợp đội đã làm đúng quy trình và phát huy tối đa năng lực và kinh nghiệm của cá nhân vẫn có thể xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Chính vì tính chất công việc đặc biệt nên người lính công binh ngoài lòng nhiệt huyết của “con tim nóng”, cần có cái đầu luôn được giữ “lạnh” để bình tĩnh xử lý trong mọi tình huống. Những thành viên trong đội ai cũng thấu hiểu điều đó nên trước khi bắt tay vào việc anh em trong đội nhắc nhở nhau phải thận trọng, chính xác từng hành động, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Một điều khiến anh em trong đội ai cũng yên tâm khi có Thượng uý Phan Thúc Định. Định có dáng người cao gầy, nước da bánh mật như một chàng trai biển thực thụ. Nhanh nhẹn, tháo vát, nhiệt tình là cảm nhận của tôi khi lần đầu tiên tiếp xúc với Thượng uý Định. Với kinh nghiệm 20 năm làm nhiệm vụ rà phá bom mìn trên mọi địa bàn của tỉnh, anh chia sẻ: “Tuy bom, mìn đã qua nhiều năm bị hoen rỉ, ô xy hóa nhưng tất cả các ngòi nổ vẫn còn nguyên vẹn, nhất là các loại bom bi, đầu đạn M79 đã bắn nhưng chưa nổ... chỉ cần một sơ suất thì có thể gây nổ bất cứ lúc nào. Do vậy, khi tiếp cận với bom, mìn, vật liệu nổ thì tay ta phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa là vậy!”.

Công binh là những người lính “đi trước về sau”, công việc thầm lặng, gian khó, hiểm nguy: rà phá bom mìn, xây công trình phòng thủ, làm đường tuần tra biên giới, băng suối bắc cầu, ứng cứu thiên tai... Tuy nhiên, nếu không trực tiếp tham gia cùng các anh, tôi khó có thể hình dung được tường tận công việc vất vả, nguy hiểm như thế nào. Công việc đầu tiên của đội là định vị dây căng tuyến, sau đó dùng 3 thúng: thúng thứ nhất gồm 3 người, trong đó 2 người chèo, một người dò; 2 thúng còn lại mỗi thúng 2 người có nhiệm vụ chuyển dây căng tuyến, dò đến đâu thì đóng dây căng tuyến theo hình cuốn chiếu. Để dò tìm bom, đạn vật liệu nổ còn sót lại dưới lòng sông thì không phải loại máy nào cũng làm được mà phải là loại máy Vallon kiểu EL 1303A1 do Đức sản xuất, máy có thể phát hiện được bom 250 bảng Anh nằm sâu dưới lòng sông 6m. Các thiết bị của máy không chỉ dò, ghi nhớ số liệu mà còn có thể tính toán ước lượng các tham số và vẽ bản đồ phân bố của bom đạn dưới lòng đất. Mỗi khi có tín hiệu thì tổ 3 người dừng lại, dùng thuốn thọc sâu xuống để định vị, thả phao báo tín hiệu rồi thay nhau lặn xuống dùng xẻng đào lớp đất trên mặt để kiểm tra rồi đưa vật liệu nổ lên khỏi mặt nước. Nhìn khuôn mặt ai cũng tái, tím đi vì lạnh nhưng ánh mắt của họ lại sáng ngời lên lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Công việc quả là nặng nhọc và đầy nguy hiểm. Bởi bất cứ khi nào, được lệnh của chỉ huy hay nhận được tin báo của người dân, các anh lập tức có mặt để triển khai các biện pháp xử lý kịp thời. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng đối với những người lính công binh, cuộc chiến với kẻ thù nằm sâu dưới lòng đất vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ. Đến nay, Quảng Trị vẫn là một trong những địa bàn có diện tích đất ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước, với ước tính còn chiếm gần lượng bom mìn còn sót lại. Hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, từ năm 1975 đến nay toàn tỉnh có gần 8.540 nạn nhân bom mìn. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực khắc phục hậu quả bom mìn với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế, giải phóng 9.174 ha đất, tuy nhiên lượng bom đạn chưa nổ hiện còn rất nhiều: 82% diện tích đất (số liệu khảo sát năm 2017). Các chuyên gia quốc tế nhận định, phải mất khoảng 200 năm đến 300 năm nữa, tỉnh Quảng Trị mới có thể rà phá xong. Hiện tại, vẫn còn quả bom, kho bom kích cỡ lớn, lại nằm sâu trong lòng đất, đặc biệt nguy hiểm là nằm trong khu dân cư. Có trường hợp, khi tới hiện trường, các anh tiếp cận thấy bom gỉ sét, không thể nhận dạng, có quả bom thuộc loại hẹn giờ, có thể nổ bất cứ lúc nào, đe dọa trực tiếp tới tính mạng những người lính công binh. Vừa qua, sau khi lũ rút, người dân Quảng Trị phát hiện 3 quả bom chưa nổ nằm gần khu vực dân cư. Trong đó, 2 quả bom ở huyện Đakrông và 1 quả ở huyện Hướng Hóa. Một quả nằm ở Km9, quốc lộ 15D, khu vực Cửa khẩu La Lay (địa phận thôn La Lay) và 1 quả nằm gần sông Đakrông, sát khu dân cư bản A Rồng. Cả 2 quả bom đều chưa nổ.

Đã có nhiều công trình mới được mọc lên trên vùng đất Quảng Trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người lính công binh. Họ luôn làm những công việc lặng thầm nhưng đầy cao cả. Với những người lính công binh hôm nay, họ chỉ mong muốn là làm sao không còn tiếng nổ của bom mìn sót lại sau chiến tranh, đó là điều hạnh phúc nhất đối với họ.

… Sau hơn 10 năm khi tham gia cùng đội công binh, ngày trở lại, tôi bâng khuâng đi dọc bờ sông, qua cầu Cửa Tùng mới xây, dừng chân ngắm nhìn về phía dòng sông. Sông vẫn trong xanh như thuở nào, cầu Cửa Tùng bình yên bắc qua sông, lặng lẽ soi bóng, biển vẫn triền miên tung sóng trắng xoá, phía xa xa những chiếc thuyền bình yên ra vào cảng. Nhìn về phía tây, những xóm làng không còn viên gạch, ngói, ruộng, vườn trần trụi, ngổn ngang bom đạn thù năm xưa, nay đã thay thế bằng khu dân cư đông đúc. Tất cả đều có mồ hôi, nước mắt của những người lính công binh đã đổ xuống trong trận tuyến với kẻ thù nằm sâu dưới lòng đất.

Trên quê hương Quảng Trị còn cần lắm những chuyến đi của các anh. Có thể là vùng đồng bằng ven biển cát trắng xóa hay vùng sơn cước mờ sương. Chính những chuyến đi đầy hiểm nguy, gian lao của các anh đã đem lại màu xanh bình yên cho quê hương Quảng Trị thân yêu. Bất chợt trong tôi nghĩ đến lời của bài hát Một đời người, một rừng cây của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: ... Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai... Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người...

Các anh - những người lính công binh yêu quý của tôi vẫn luôn đang sống vì mọi người.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Quảng Trị là điểm sáng về khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn

Đức Việt |

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam khi làm việc với đoàn công tác của Bộ Ngoại giao về tình hình công tác đối ngoại của tỉnh Quảng Trị vào hôm nay 1/12/2020.

Tham quan thực địa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn

Nguyễn Loan -Thanh Châu |

Trong khuôn khổ hội nghị hợp tác và triển khai viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Quảng Trị giai đoạn 2020 -2025, ngày 1/10, Sở Ngoại vụ tổ chức chuyến tham quan thực địa tại xã Triệu Sơn huyện Triệu Phong với mục đích để giới thiệu cho các đại biểu có cái nhìn tổng quan các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đang được triển khai tại Quảng Trị.

Dự án RENEW hỗ trợ vốn vay phát triển chăn nuôi cho gia đình nạn nhân bom mìn

Anh Vũ |

Thực hiện công tác hoạt động phối hợp giữa Hội Nông dân huyện Cam Lộ với Dự án RENEW tại Quảng Trị, nhằm giúp cho hội viên nông dân thuộc đối tượng gia đình nạn nhân bom mìn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Dự án RENEW vừa hỗ trợ vốn vay phát triển chăn nuôi cho các gia đình nạn nhân bom mìn tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ.

Các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ Quảng Trị làm sạch bom mìn

Nguyên Lý |

Đến tháng 9/2020, tỉnh Quảng Trị có khoảng 187 triệu m2 đất được giải phóng an toàn khỏi bom mìn và vật liệu nổ; 720.000 bom mìn và vật liệu nổ đã được phát hiện, phá hủy.