Thắp sáng niềm tin cho bệnh nhân khuyết tật

Lâm Thanh |

Đối diện bãi tắm Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chỉ vài trăm mét, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng Quảng Trị là địa chỉ tin cậy của rất nhiều bệnh nhân trong tỉnh. 

Nơi đây đã trở thành ngôi nhà chung gắn kết người bệnh bằng sự gần gũi, sẻ chia và tận tâm chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ.

Những “kì tích” có thật…

Luyện tập phục hồi trí nhớ, phục hồi các chức năng vận động của tay, chân… để giành lại một cuộc sống có ý nghĩa, không phải làm người tàn phế, đó là mục tiêu của những bệnh nhân khi đến điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh.

Vì mục tiêu ấy mà anh Nguyễn Hải Luy (SN 1992) ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, chọn đến địa chỉ này phục hồi chức năng khi vừa thoát được “cửa ải” nằm dài ngày ở Khoa Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế. Hơn một năm trước, tỉnh dậy với những di chứng do xuất huyết mạch máu não sau tai nạn lao động, cuộc sống đối với anh Luy gần như sụp đổ hoàn toàn. Vậy mà một thời gian chuyển về điều trị phục hồi chức năng ở Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị, từ chỗ liệt nửa người, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người thân hỗ trợ, anh Luy đã tự đứng dậy đi lại và chăm sóc được bản thân. Sau hơn một năm điều trị, đến nay tình hình sức khỏe của anh gần như được phục hồi hoàn toàn.
 
 Đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị luôn tận tâm với người bệnh​

Anh Luy nhớ lại: “Từ một người lành lặn bỗng nhiên trở thành tàn phế, đến đút miếng cơm vào miệng cũng khó khăn. Lúc nằm một chỗ thấy mọi người đi được cảm giác vừa thèm, vừa bức bối, bực dọc lắm! Tuy nhiên, được các bác sĩ tận tình hướng dẫn ngày hai buổi lên phòng tập thực hiện các động tác cử động tay, vặn người để không cứng đốt sống cộng với việc kiên trì điều trị các phương pháp vật lí trị liệu tại bệnh viện, tôi thấy sức khỏe cải thiện lên rất nhiều. Bác sĩ còn chỉ tôi cách hằng ngày dùng tay khỏe để xoa bóp chân và nâng tay liệt đưa cơm vào miệng. Ban đầu rất đau đớn, khó khăn do tay bị cơ cứng nhưng trước sự dìu dắt tận tình của kĩ thuật viên ở đây, tôi làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi tự điều khiển hoạt động các bộ phận trên cơ thể theo ý muốn của bản thân. Nói thật không có bác sĩ, kĩ thuật viên hướng dẫn, động viên, tôi sẽ không đủ nghị lực và kiên nhẫn luyện tập, phục hồi chức năng để trở lại cuộc sống như hôm nay”.

Với ông Trần Trọng Mục (SN 1954) ở khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, người trở về từ cõi chết thì bệnh viện này càng có ý nghĩa. Bà Nguyễn Thị Quả, vợ ông Mục nhớ lại: “Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chồng tôi phải vào miền Nam làm bảo vệ cho một doanh nghiệp rồi bất ngờ bị tai biến mạch máu não. Hơn 10 ngày nằm viện ở TP. Hồ Chí Minh nhưng ông ở trạng thái hôn mê bất tỉnh nên gia đình xin chuyển ông về điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế để tiện bề chăm sóc. Tại đây, ông nằm ở Khoa Đột quỵ hơn 1 tháng trời nhưng cũng không có chuyển biến gì, thấy tình trạng bệnh ông khó qua khỏi, gia đình đã làm thủ tục xin bệnh viện được đưa ông về nhà chuẩn bị lo hậu sự. Tuy nhiên, về nhà nằm được 3 ngày thì tự nhiên ông từ từ mở mắt, lúc này đút cháo xay nhuyễn ông bắt đầu nuốt được. Mừng quá, gia đình đưa ông qua điều trị phục hồi chức năng ở Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng với hi vọng còn nước, còn tát”.
 
 Kĩ thuật viên Kim Jihwan hướng dẫn đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện kĩ thuật phục hồi chức năng cho bệnh nhân​

Sau 4 - 5 ngày nằm điều trị ở đây, từ chỗ nằm liệt giường, ông Mục dần tỉnh táo, bắt đầu nghe, hiểu người khác nói. Dù đôi mắt vẫn còn vô hồn nhưng dưới sự hỗ trợ tận tình của nhân viên y tế bệnh viện, ông bắt đầu tập đứng dậy để thực hiện những động tác phục hồi chức năng cơ bản. Quan sát ông Mục tập, chúng tôi nhận thấy khi kĩ thuật viên tập ép và xoa bóp chân, tay cơ thể ông bắt đầu có cảm giác với những động tác mạnh, ông co rúm mặt lại, nhăn nhó. Mỗi lần như vậy bà Quả đều rươm rướm nước mắt, giọng run run động viên chồng cố lên, bà biết rằng chặng đường phía trước còn rất gian truân nhưng việc chồng mình bước qua “cửa tử” và có những dấu hiệu phục hồi tích cực như hiện nay đã là “kì tích”.

Theo Phó Khoa Vật lí trị liệu phục hồi chức năng Nguyễn Trưởng Nam, bệnh nhân Mục thuộc dạng điều trị di chứng đột quỵ não. Đây là bệnh lí gây tổn thương nặng và phức tạp, có sự kết hợp của rất nhiều dạng khuyết tật ở trong cùng một người bệnh đột quỵ não như các rối loạn về tri giác, nhận thức, các khiếm khuyết về vận động, các rối loạn giác quan cũng như kèm theo rất nhiều các thương tật thứ phát như teo cơ, cứng khớp, loét do đè ép, huyết khối tĩnh mạch, trong đó nổi lên hàng đầu là vấn đề liệt nửa người… Chính vì vậy, việc xác định bài tập như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đánh giá tình trạng khuyết tật của người bệnh tại thời điểm đó. Ví dụ như các bài tập theo tầm vận động, tập thay đổi vị thế, tập kiểm soát thăng bằng, tập di chuyển... Ngoài ra, các bài tập ngôn ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu cũng rất cần thiết ở giai đoạn người bệnh đã có những tiến triển hồi phục tốt nhằm giúp cho họ có khả năng giao tiếp được với mọi người và có thể tự độc lập trong sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong hoạt động nghề nghiệp về sau.

Sự tận tâm, nhiệt tình của những blouse trắng

Phía sau câu chuyện về nghị lực vượt lên số phận của mỗi người bệnh luôn có bóng dáng của những người khoác blouse trắng ở Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh. Chính họ là những người ngày ngày tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho những người không may lâm vào cảnh tàn tật. Hạnh phúc của những thầy thuốc nơi đây là mỗi ngày có thể thấy thêm một người bệnh cầm, nắm được một cái chai nước hoặc tự đứng vững trên đôi chân hay bước được một vài bước đi…

Anh Hồ Lê Lam (SN 1981) ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, từng là công nhân chế tạo máy cơ khí cho một doanh nghiệp ở Hà Nội. Vào khoảng tháng 6/2019, trong một lần làm việc do bất cẩn, anh Lam bị điện giật, bỏng toàn thân, tay chân co quắp. “Khi vết thương liền da, cảm giác đau đớn trên da thịt bắt đầu dịu xuống thì việc phải nằm liệt gường không đi đứng được, mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân tại chỗ và luôn luôn phải có người thân túc trực bên cạnh khiến tôi chán nản, bi quan. Đó là tháng ngày đen tối nhất cuộc đời tôi. Vậy nhưng qua 3 đợt điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện, đến đợt điều trị này thì tôi tự mình đến bệnh viện làm thủ tục nhập viện chứ không còn cảnh phải ngồi xe lăn như trước nữa. Thái độ ân cần, chu đáo của đội ngũ y bác sĩ nơi đây khiến tôi có cảm giác như trở về ngôi nhà chung ấm áp”.

Với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế gồm 63 người trong đó có 8 bác sĩ, Bệnh viện Y học Cổ truyền và Phục hồi tỉnh Quảng Trị có 3 chức năng chính là khám chữa bệnh ban đầu cho người dân 6 xã vùng đông huyện Gio Linh và Vĩnh Linh; phục vụ điều dưỡng cho người có công với cách mạng và phục hồi chức năng cho người bệnh trong toàn tỉnh. Đặc biệt, để bắt kịp chuyên môn kĩ thuật trong điều trị phục hồi chức năng trong điều kiện đơn vị còn nhiều thiếu thốn về nhân lực cũng như máy móc kĩ thuật, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh luôn theo dõi, tranh thủ kịp thời các nguồn hỗ trợ từ các dự án phi chính phủ. Cụ thể là nhờ kịp thời đề xuất hỗ trợ, thời gian qua bệnh viện đã có 4 tình nguyện viên là các kĩ thuật viên về phục hồi chức năng của tổ chức KOIKA (Hàn Quốc) đến hỗ trợ. Anh Kim Jihwan, một kĩ thuật viên chuyên về phục hồi chức năng bằng phương pháp vật lí trị liệu có thâm niên công tác ở Hàn Quốc 8 năm đã tình nguyện đến làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị sau những bức thư khẩn thiết mong muốn được hỗ trợ về nguồn nhân lực của ban giám đốc bệnh viện gửi cho tổ chức KOIKA.
 
 Kim Jihan tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân Trần Trọng Mục​

Đến Việt Nam với mong muốn giúp đỡ người khuyết tật, Kim Jihwan hỗ trợ tích cực cho công tác phục hồi chức năng của bệnh viện. Sau hơn một năm làm việc ở đây, Kim Jihwan khá thành thạo tiếng Việt nhờ thường xuyên tiếp xúc, gần gũi hướng dẫn kĩ thuật cho người bệnh cũng như truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn những kĩ thuật phục hồi chức năng áp dụng hiệu quả ở Hàn Quốc cho đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện. Mọi người thường gọi Kim Jihwan bằng cái tên Việt Nam là bác sĩ Hoàn. Tính từ thời điểm đến bệnh viện này làm việc đến nay, Kim Jihwan đã giúp đỡ cho trên 200 bệnh nhân khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng. Qua công việc thực tế, anh còn đề xuất tổ chức KOIKA hỗ trợ bệnh viện nguồn kinh phí 600 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị phục hồi chức năng cho người bệnh ở bệnh viện. Anh chia sẻ: “Tôi chọn Việt Nam để đến tình nguyện vì qua tìm hiểu biết ở đây có rất nhiều người khuyết tật cần sự hỗ trợ, giúp đỡ. Tôi cảm thấy rất vui vì mình đến đây và được bệnh nhân tin tưởng, quý mến”.

Bác sĩ Lê Thị Liễu, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Đa phần bệnh nhân đến điều trị phục hồi chức năng ở đây đều ở thể nặng, đó là di chứng của chấn thượng sọ não, tai biến mạch máu não, bại não… cần một thời gian dài để khôi phục sức khỏe chứ không thể ngày một, ngày hai. Việc đầu tiên khi bệnh nhân nhập viện là chúng tôi tiếp xúc với người bệnh và gia đình để không chỉ nắm bắt tình hình bệnh tật mà còn chuyển tải thông điệp về sự thông cảm, tận tình chia sẻ của nhân viên y tế bệnh viện đến người bệnh, bởi ai đến đây cũng đều mang tâm trạng lo âu, bi quan, chán nản. Tuy nhiên, khó khăn trong điều trị phục hồi chức năng hiện nay của đơn vị là đa phần bệnh nhân phục hồi chức năng đều cần thời gian điều trị dài ngày nhưng vì cơ chế thanh toán bảo hiểm buộc bệnh viện phải cho bệnh nhân ra viện hằng tháng. Bệnh nhân muốn điều trị tiếp thì phải về nhà nghỉ một thời gian rồi xin giấy chuyển tuyến mới có thể nhập viện điều trị tiếp được. Tuy nhiên, một số bệnh viện tuyến dưới ít hợp tác trong việc chuyển bệnh nhân lên điều trị phục hồi chức năng ở đơn vị. Vì vậy, tôi đề nghị cần có cơ chế tạo điều kiện cho bệnh nhân sau điều trị cấp tính được chuyển viện lên tuyến trên điều trị chuyên khoa phù hợp”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dã quỳ & núi lửa Chư Đăng Ya

A Jon - Mai Nhu |

Bài hát hay cùng hoa dã quỳ đẹp

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn kỉ niệm 25 năm ngày thành lập

Tú Linh |

 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà, Quảng Trị) long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11; 25 năm ngày thành lập trường và 30 năm thành lập hệ chuyên.

Liên kết du lịch trên EWEC: Quảng Trị, vùng đất mang gương mặt hòa bình

Đào Tâm Thanh |

Cuối năm 2006 với sự hỗ trợ của Nhật Bản, cây cầu hữu nghị bắc qua sông Mê Kông nối Mukdahan (Thái Lan) và Savannakhet (Lào) hoàn thành đã thông thương toàn bộ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC).

Cặp song sinh thụ tinh nhân tạo chào đời tại bệnh viện Quảng Trị

Trần Tú |

Tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, một đôi vợ chồng hiếm muộn con hơn 3 năm qua vừa đón hai bé gái ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đây là lần đầu tiên một cặp song sinh ra đời bằng phương pháp này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Câu lạc bộ xe đạp thể thao Lao Bảo ủng hộ trồng 1 km đường hoa

Hoàng Hùng |

Hưởng ứng lời kêu gọi của Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị, Câu lạc bộ xe đạp thể thao Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã ủng hộ trồng mới 1 km đường hoa dã quỳ trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ tượng đài Chiến Thắng Khe Sanh vào đến sông Sê Băng Hiêng. 

Thành lập Trường phổ thông liên cấp Cao đẳng sư phạm Quảng Trị

Tú Linh |

Ngày 12.11.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kí Quyết định số 3099/QĐ-UBND về việc thành lập Trường phổ thông liên cấp Cao đẳng sư phạm Quảng Trị.

Quảng Trị kêu gọi Hàn Quốc giúp đỡ người khuyết tật

Hoàng Phương Dung |

Từ ngày 8-13/11/2019, Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm và làm việc tại Hàn Quốc.

Xây dựng Quảng Trị trở thành không gian văn hóa vì hòa bình

Trần Tú Linh |

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành dự thảo Đề án Festival “Vì hòa bình”. Hiện nay sở đang tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lí. Dự kiến hội thảo sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11/2019.