Trả ơn đất này – A Dơi

Yên Mã Sơn |

Ở miền Tây Quảng Trị đất đai rộng lớn, là vùng đất hứa cho những “cánh chim xa xứ” khắp nơi đến để lập thân lập nghiệp. Và ở đó, có những câu chuyện ấm áp về sự đùm bọc, gắn kết keo sơn giữa người dân với người dân và người dân với bộ đội biên phòng.

Bén duyên với vùng đất biên ải

Xã A Dơi, huyện Hướng Hoá nằm trên tuyến đường Lìa biên giới Việt - Lào, chủ yếu người đồng bào Vân Kiều sinh sống, là địa bàn biên giới do đồn Biên phòng Ba Tầng quản lý. Con đường vào thôn Đồng Tâm (vừa sáp nhập từ 3 thôn Tân Hải, Trung Phước và Phong Hải) băng qua những nương sắn, cao su xanh ngút ngàn. “Đường này bê tông hoá chừng 5 năm trước, nay xuống cấp, xã tiến hành đổ bê tông lớp thứ 2 để cải tạo”,  một người dân đóng góp ngày công cùng xã làm đường cho chúng tôi biết.

Đường vào thôn Đồng Tâm (trước là Tân Hải)
Đường vào thôn Đồng Tâm (trước là Tân Hải)

Trung uý Hồ Văn Hữu, Đội trưởng đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Tầng dẫn chúng tôi đến gia đình anh Phạm Văn Lượng (SN 1982), người vừa thoát nghèo của xã. Trong căn nhà có phần bề thế dù chưa hoàn thiện, anh Lượng kể về cơ duyên với vùng đất biên ải, nơi người Kinh là… dân tộc thiểu số này. Anh sinh ra và lớn lên ở đất lúa Thái Bình, cứ tưởng như hầu hết thanh niên trong làng vẫn bám đất bám biển quê hương để lập thân lập nghiệp nhưng anh lại chọn con đường khác, ly hương tìm đất hứa.

Mùa xuân năm 2010, từ quê nhà vào thăm người chị ở xã A Dơi. “Thấy đất đai ở đây rộng rãi, con người lại hiền lành, dễ mến và thân thiện nên tôi quyết định ở lại. Tôi cùng vợ (Lưu Thị Nguyệt,  sinh năm 1986, quê Quảng Nam) đã có những ngày tháng khó khăn nhưng thấm đẫm tình người ở một vùng đất được chọn là quê hương thứ 2, A Dơi”, anh Lượng tâm sự.

A Dơi là một trong những xã có khá nhiều người Kinh từ dưới xuôi lên lập nghiệp. Hầu hết họ đến từ huyện Hải Lăng. Với mong muốn bám trụ ở quê hương thứ 2 này nên anh Lượng tìm đủ cách kiếm sống. Từ phụ thợ, nhổ sắn thuê, ai kêu gì làm nấy. Cho đến khi anh mua được tấm rẫy đầu tiên rồi vỡ đất trồng sắn thì số phận anh và vùng đất A Dơi đã gắn kết. “Mua được miếng đất, trồng những hom sắn đầu tiên, tôi đã nghĩ đến cuộc đời mình sẽ gắn bó với vùng đất biên cương này”, anh Lượng nói.

Vợ chồng anh Phạm Văn Lượng bên ngôi nhà mới xây
Vợ chồng anh Phạm Văn Lượng bên ngôi nhà mới xây

Nghèo vì lỡ đẻ nhiều

Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi ngạc nhiên về chất giọng nói rặt Quảng Trị của anh Lượng. Nếu không được giới thiệu anh có gốc gác ngoài Bắc, có lẽ ai cũng nghĩ anh là người Quảng Trị chính cống. Anh cho biết sống ở quê hương mới A Dơi đến nay tròn 10 năm và để “tạ ơn” mảnh đất đã đón nhận và “cưu mang” mình nên chẳng biết tự bao giờ, cái giọng Quảng Trị đã thấm vào máu và nói không khác người bản địa là bao. “Em học mãi mà không nói được giọng Quảng Trị, không thể nào làm được như chồng em’, bằng giọng Quảng Nam đặc quẹo, Nguyệt cho biết.

38 tuổi, anh Lượng đã có 5 người con. So với người đồng bào dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước thì con số trên không có gì làm ngạc nhiên. Nhưng với một người Kinh như anh, âu cũng là một sự lạ đối với thời công nghiệp hoá hiện đại hoá. Hỏi vì sao sinh nhiều đến thế? Anh Lượng cười hiền lành: “Do vỡ kế hoạch là phần nhiều anh ạ. Ngoài cháu đầu lòng sinh năm 2007, đẻ ở quê. Vào đây cả chủ ý và vỡ lỡ, em sinh thêm 4 cháu. Chúng sát nhau quá. Dù biết đẻ nhiều tạo sức cản lớn cho việc phát triển kinh tế, nghề nghiệp nhưng của đông không bằng con đông, anh ạ”, Lượng chia sẻ.

Với 5 đứa con nheo nhóc cùng với một mẹ già đau yếu, đôi vợ chồng Lượng – Nguyệt không cáng đáng nổi ở chốn thâm sơn này. Theo Truy uý Hồ Văn Hữu, năm 2018, trước khó khăn của gia đình anh Lượng, xã A Dơi đã xét hộ nghèo cho gia đình để được hưởng các chế độ. Đây là gia đình người Kinh hiếm hoi của xã được công nhận hộ nghèo.

Dưới vườn cây sai trái
Dưới vườn cây sai trái

Thoát nghèo và xây nhà bằng sự đùm bọc của cộng đồng

Dẫn chúng tôi ra sau vườn tham quan. Lượng khoe hiện anh có 4 héc ta sắn, 3 héc ta cà phê từ năm thứ 6 đến năm thứ 8, đang khai thác. “Cuộc đời ai cũng có những giai đoạn khó khăn. Nhưng mọi khó khăn đều phải vượt qua. Phải vượt qua nó mới tính đến chuyện thành công, làm giàu”, anh tâm sự. Anh cho biết do đông con, mẹ già đau yếu. Mọi thu nhập đều dựa vào sắn, cao su và làm thuê làm mướn. Cũng may dân ở đây thương tình, đùm bọc. Cứ thiếu gạo, thiếu nước mắm, muối thì ra quán tạp hoá “ký sổ”. Anh đã ký sổ như thế cho đến khoản nợ gần 20 triệu và mất khả năng trả nợ. Con số này không lớn với người thành thị, nhưng đối với một người nghèo nơi biên cương thì đây là con số khủng.

Năm 2019 anh thoát nghèo. Anh Lượng bảo: “Đó là một dấu hiệu tốt để mình phấn đấu, tiếp tục vươn lên”. Khi được hỏi về ngôi nhà khá bề thế của mình, anh Lượng kể tiếp: “Sau khi thoát nghèo thì chúng tôi cũng… thoát xác. Ai cũng bảo mới thoát nghèo cuối năm trước thì đầu năm sau mở móng xây nhà là quá giỏi”. Nói rồi anh cười hiền lành.

“Để có ngôi nhà rộng rinh này hơn 200 triệu đồng này, khi mở móng, trong tay tôi có… 0 đồng”, anh cho biết. Đầu năm 2020, thông qua đồn Biên phòng Ba Tầng, mà cụ thể là Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên đồn kết nối từ các Mạnh Thường Quân đã trao tặng 50 triệu đồng cho gia đình anh Lượng. Với con số 50 triệu đồng thì làm sao làm được nhà. Nhưng rất may từ con số đó, gia đình bên ngoại cho mượn thêm được 100 triệu đồng để anh tự tin làm nhà. Và bằng bản tính hiền như đất của mình, anh Lượng đã bàn với vợ sang nhà hàng xóm mượn thêm.

Tác giả cùng vợ chồng anh Lượng trong ngôi nhà mới xây.
Tác giả cùng vợ chồng anh Lượng trong ngôi nhà mới xây.

“Tôi hôm đó tôi cùng vợ qua nhà anh Ngô Văn Tuân (Sinh năm 1975, quê ở Hải Lăng, Quảng Trị) cũng làm nông, cũng không khá giả gì. Anh Tuân nhà sống sát vách, chỉ cách cái hàng rào bằng chè. Sau khi trình bày nguyện vọng, chúng tôi được anh chị Tuân đồng ý cái rụp. Sáng hôm sau anh Tuân chở tôi ra ngân hàng và làm thủ tục nhận 50 triệu đồng. Lãi hàng tháng gia đình tôi nộp. Sau 3 năm phải hoàn trả”, anh Lượng cho hay.

Sau khi có đủ tiền, ngôi nhà được khởi công. Ngoài thợ chính đứng ra xây, lực lượng biên phòng Ba Tầng đứng ra ủng hộ ngày công, hàng xóm bạn bè và người thân cũng vậy. Sự đùm bọc, gắn kết này đã giúp gia đình anh Lượng có một mái ấm vững chãi, làm nơi phụng dưỡng mẹ già và nuôi nấng 5 đứa con thơ.

Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết: “Gia đình anh Lượng là một trong những gia đình được đồn và các tổ chức xã hội quan tâm. Anh đã được tặng 50 triệu đồng từ chương trình mái ấm biên cương của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Đây là món quà quý giá, thiết thực giúp gia đình anh Lượng sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sát cánh cùng lực lượng bộ đội biên phòng giữ vững chủ quyền, biên giới quốc gia. Ngoài ra, anh Lượng còn được Công ty TNHH Thảo dược Huệ Đà và bà Mai Thị Hạnh đến “xoá nợ” gần 20 triệu đồng mà gia đình anh nợ ở một cửa hàng tạp hoá trên địa bàn”.

Ngồi trong ngôi nhà khang trang, cái tết năm nay gia đình anh ấm cúng hơn vì có nhà mới. Đằng xa, vườn cao su gió xôn xao. Những trái vú sữa đang chín đu đưa trong gió. Trung uý Hồ Văn Hữu nói rằng đứa con gái đầu lòng của anh là Phạm Lưu Ý Vi từ lâu được Đồn Biên phòng Ba Tầng đỡ đầu. Hiện cháu học lớp 7, đang ôn luyện để chuẩn bị thi học sinh giỏi cấp huyện. Còn anh Lượng nói với chúng tôi rằng, hàng năm sắn cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Còn cao su thì cạo đều đặn với thu nhập khoảng 200 ngàn/ ngày. Sắp tới sẽ tiếp cận mô hình trồng cây cà gai leo của Công ty TNHH Thảo dược Huệ Đà, đây là hướng đi mới về phát triển cây dược liệu của người dân vùng Lìa, hi vọng sẽ đem lại ấm no.

Cuộc sống đang hướng về phía trước với những ước vọng bình dị. Hỏi anh giờ ước mơ gì? “Cho sức khoẻ đến với tôi và gia đình. Để tôi trả nợ đất này đã cưu mang tôi”, anh Lượng nói.

TAGS

Người Vân Kiều hiến đất xây trường

Nguyễn Trang |

Thời gian qua, với mong muốn góp sức giúp con em dân bản có điều kiện thuận lợi để học tập, không ít hộ nghèo người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng các hạng mục phục vụ sự nghiệp “trồng người”.

Sôi nổi phong trào hiến đất ở A Dơi

Ngọc Trang |

Những năm gần đây, diện mạo nông thôn mới xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) từng bước khởi sắc, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn và trường học được đầu tư cải tạo, xây dựng mới rộng rãi, khang trang đáp ứng được nhu cầu đi lại, sản xuất và học tập của người dân… Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương là những tấm lòng thơm thảo, không tính toán thiệt hơn của nhiều đồng bào Vân Kiều, Pa Kô khi hiến hàng nghìn mét vuông đất để góp sức xây dựng hạ tầng.

Hướng Hóa: Hơn 25 ha cao su ở xã A Dơi bị bật gốc, gãy đỗ

Đức Việt |

Ngày 29/10/2020, Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ông Hồ Xa Cách cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, hơn 25 ha cây cao su của người dân trên địa bàn xã đã bị gãy đỗ, bật gốc ngổn ngang, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.

Khám phá thác A Dơi ở biên giới Việt Lào

BTV |

Thác A Dơi (hay có tên gọi khác là Xicareo)  nằm ở xã A Dơi, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.