Tự sự đời sông

Phạm Xuân Dũng |

Nằm bên cạnh làng Mai Xá Chánh vang tiếng gần xa, hương thôn Mai Xá Thị có vẻ khiêm nhường cố hữu khi quay mặt nhìn ra biển Cửa Việt từ phía bắc Gio Linh.

Nằm bên cạnh làng Mai Xá Chánh vang tiếng gần xa, hương thôn Mai Xá Thị có vẻ khiêm nhường cố hữu khi quay mặt nhìn ra biển Cửa Việt từ phía bắc Gio Linh. Nhưng chính ngôi làng này là hợp lưu của ba con sông Quảng Trị: sông Thạch Hãn, sông Cam Lộ và sông Cánh Hòm từ hàng trăm năm trước.

Cây cói bên sông Cánh Hòm, nguồn nguyên liệu dồi dào ngày xưa cho làng chiếu nối tiếng Lâm Xuân - Ảnh: P.X.D
Cây cói bên sông Cánh Hòm, nguồn nguyên liệu dồi dào ngày xưa cho làng chiếu nối tiếng Lâm Xuân - Ảnh: P.X.D

Sông Cánh Hòm đặc biệt, khác với những con sông còn lại ở tỉnh Quảng Trị. Sông tự nhiên thì Hiền Lương, Cam Lộ, Thạch Hãn, Ô Lâu... Riêng sông đào thì có Vĩnh Định được trang trọng khắc trên vạc đồng ở kinh thành Huế. Chỉ có Cánh Hòm một nửa trời sinh, một nửa người đào mà thành nhưng nhân tạo lớn hơn thiên phú.

Xưa chuyện khai sơn phá thạch, dời non lấp bể là đại sự trong thiên hạ, ít ra cũng là việc trọng của một vương triều. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1651), sông này đã được khai thông ít nhiều, nhưng phải đợi đến triều vua Minh Mạng thì việc lớn mới thành. Khi ấy triều đình mở một con đường thủy từ kinh sư theo Vĩnh Định ra đến Cửa Việt theo dòng Cánh Hòm gặp sông Bến Hải, thậm chí còn ra đến tận Quảng Bình cũng vẫn theo con nước, để bậc đế vương tuần du, thăm thú rồi nghỉ lại Cửa Tùng; nơi người Pháp nịnh đầm có lý khi xướng danh “Nữ hoàng của các bãi tắm”. Đầu thế kỷ 20, vua Duy Tân có lần ra Cửa Tùng tiếng là đi chơi để che mắt Pháp nhưng kỳ thực là tìm gặp những nhân sĩ yêu nước như cụ Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng ở Cam Lộ để mật bàn quốc sự khởi nghĩa chống quân xâm lược. Việc lớn bất thành cả vua lẫn tôi đều bị giặc Pháp giam vào ngục thất. Dấu tích vua chúa ngày xưa nay đã nhạt nhòa nhưng thú vị là vẫn còn một địa danh đọc lên nghe rất Huế vì gắn liền với quân vương, ấy là cầu Bến Ngự thuộc xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh bắc qua sông Cánh Hòm chảy suốt thời gian quanh co, chở đầy ký ức.

Hôm tôi về Mai Xá Thị nhằm ngày rằm tháng giêng tức tết Nguyên tiêu tận mắt chứng kiến nhiều sự lạ. Dân làng chỉ cho tôi cây ngô đồng cổ thụ như trong thơ Bích Khê có mặt từ thời vua Tự Đức. Thời chiến loạn mảnh bom đạn giắt đầy thân cây, tưởng đâu không qua khỏi nhưng thật không ngờ vẫn sống xanh tươi cho đến hôm nay. Vào trong đình lại thấy thờ cả danh thần Trần Đình Ân vốn là cụ Thượng làng Hà Thượng của xã Gio Châu. Hỏi ra mới biết xưa làng Mai Xá Thị dính vào một vụ đáo tụng đình đất đai oái ăm, may nhờ đại thần Trần Đình Ân thương dân nên tạo phúc giúp cho làng này thắng kiện, tìm được lẽ phải. Sau khi cụ Trần Đình Ân qua đời, bài vị của vị đại quan từ đó được nơi đây phụng thờ hương khói. Thế mới biết đất đai muôn đời vẫn là máu thịt của nông dân, người làm quan lại càng nên hiểu đạo lý này mà hành xử công minh. Ai có công thì người dân nhớ mãi. Theo chân ông Bùi Đức Phúc, một người trong ban điều hành làng, tôi ra giếng cổ. Ông Phúc chỉ tay, nói chắc nịch: “Đây là giếng mà đời xưa ông cha bảo rằng ban đêm tiên xuống tắm”, rồi nói thêm có vậy nước giếng mới trong trẻo, ngọt lành. Tôi cứ đứng ngẩn ngơ, mơ về thời cổ tích, người sống chung với tiên, với bụt. Giá như có được một lần...

Lần theo con nước qua làng Lâm Xuân xưa là làng chiếu nổi danh Quảng Trị, quê của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt gần hai chục năm nay đã thành người thiên cổ. Chàng Nguyễn này tuy không bán chiếu mà cũng đa tình, có hai câu làm tôi nhớ mãi: “Ơi người tóc bạc cùng tôi / Lại đây ta nói những lời bướm ong”. Làng không còn dệt chiếu đã lâu còn tôi đến để gặp một lão nông tri điền yêu đất đai như là máu thịt đời mình. Ông Trần Xuân Thắng, tuổi ngoại bát tuần nhưng dáng vẻ vẫn vững chãi, gương mặt tinh anh. Nhà ông như một bảo tàng nhỏ nông cụ, những vật dụng thiết thân với nhà nông như miếng cơm, manh áo hàng ngày. Tôi vốn không lạ gì với những dụng cụ này nhưng nghe ông Thắng giảng giải từ cày đến bừa, từ cuốc chỉa đến cuốc bàn, từ trang đến nát... lòng không khỏi khâm phục một hiện thân nhân văn và sinh động của văn minh lúa nước sống dọc sông Cánh Hòm.

Rong ruổi suốt mấy ngày trời, rồi cũng gặp con nuôi thành con đẻ của sông Cánh Hòm ở đoạn cuối con nước là làng chài Bách Lộc thuộc xã Trung Hải. Làng được hình thành vào thế kỷ 18. Theo lời kể ông Lê Viết Trinh, quá vãng đã xa lại về trong phút chốc. Thời ấy ông tiền khai khẩn Trần Hiếu năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) đã tập hợp dân chài từ phá Tam Giang xứ Huế đến Bến Quan (Vĩnh Linh) quyết tạo dựng cuộc sống lâu dài. Họ nương náu theo sông Cánh Hòm, cũng rày đây mai đó, thường neo đậu đoạn eo làng Xuân Mỵ văn chương nức tiếng. Thấy vạn chài không một tấc đất cắm dùi, lênh đênh gian khó, bà con Xuân Mỵ thương tình đã nhượng lại hai mẫu đất giữa làng cho bà con ngư dân phơi lưới, lâu dần thành đất sinh cư tử táng. Tình nghĩa đồng bào đã làm nên một hiện tượng đặc biệt: làng Bách Lộc phái sinh từ làng Xuân Mỵ, hay như có người đã nói: làng mọc giữa làng. Khi tôi theo anh Trần Văn Sắt trên chiếc thuyền bủa lưới trên sông, mới biết thêm rằng bà con Bách Lộc xa xứ vào tận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận dù lo toan cơm áo vẫn không nguôi nhớ về quê cũ. Họ đặt tên làng nơi đất mới là Bách Lộc. Vậy là có một núm ruột sông Cánh Hòm (Quảng Trị) an cư lạc nghiệp vùng cực nam Trung Bộ. Làng Bách Lộc gốc cứ hàng năm vào rằm tháng giêng tổ chức lễ hội Cầu ngư, cầu cho nhân hưng vật thịnh, mưa thuận gió hòa, cá tôm đầy lưới.

Trước đây ghe thuyền theo sông Cánh Hòm thông thương từ Hiền Lương cho đến Thạch Hãn. Nhưng rồi cuối thế kỷ 20, vào thời bao cấp, ngành thủy lợi đã xây đập ngăn mặn giữ ngọt tưới mát cho đồng lúa sáu xã đông huyện Gio Linh, mở ra những vụ mùa no ấm làm tăng sản lượng lương thực chính cho bà con. Vậy là dòng sông con nước đã khác xưa. Có lẽ mọi chuyện trong thiên nhiên cũng phải theo luật bù trừ. Không còn nước mặn nên làng Thủy Khê xã Gio Mỹ chẳng thể trồng cói, nguyên liệu cho làng Lâm Xuân dệt chiếu. Vậy là một nghề truyền thống mai một rồi biến mất. Hôm về làng Thủy Khê mới hiểu thêm dâu bể của dòng sông. Ông Lê A, một bậc cao niên vùng này vừa bẻ những cọng cói còn sót lại bên sông Cánh Hòm xưa cũ thuyết minh về nghề trồng cói nay chỉ còn trong nỗi nhớ của những người lớn tuổi. Mắt ông trong chiều sáng lên khi nhắc đến những ngày chưa xa lắm khi dân Thủy Khê còn trồng cói mà thu lại áo cơm. Nắng chiều chiếu rọi gương mặt thời gian từng đường nét như điêu khắc dung mạo một nhân chứng Cánh Hòm. Tự dưng lại nhớ mấy câu trong bài thơ Sông Lấp của cụ Tú Xương mà hoang mang da diết: “Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai / Vẳng nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...”

Khi đứng phía bắc sông Hiền Lương ngắm nhìn ngã ba sông Cánh Hòm nhập vào con nước Bến Hải tôi chợt nhận ra rằng không chỉ nhân sinh mới cần bầu bạn mà thiên nhiên cũng luôn hướng đến sự giao lưu hòa hợp để khai thông huyệt đạo của mình. Dòng nước dù mải miết quanh co, phiêu lưu tưởng chừng vô định rồi bằng một cách nào đó, cũng phải tìm về với biển, như bạn hữu giang tay người gặp được người.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Trách trời, cũng phải ơn trời

Hoàng Công Danh |

Nhà nằm trong vùng ngập lụt của Quảng Trị, từ nhỏ đến lớn hầu như năm nào tôi cũng chứng kiến lụt, có năm hai, ba trận. Như năm nay, mới sang tháng chín âm lịch đã trận thứ tư, chỉ trong vòng chưa tới mười ngày. Nhà dọn dẹp chưa xong, người chưa kịp hoàn hồn nước lại lên. Lũ chồng lũ thành ra đợt sau nước ngập sâu hơn đợt trước. Dân chỉ biết kêu trời và trách trời.

Vết bùn cũ bên sông

Yên Mã Sơn |

… Giờ đi dọc dòng sông. Bãi bờ nhuốm màu bụi đỏ do phù sa nước lũ để lại. Nắng đã lên làm những mảng bùn non nẻ chân chim như khuôn mặt người sau cơn lũ. Nương rẫy rồi sẽ xanh trở lại. Dòng sông cũng trở lại hiền hoà vốn có. Lòng người cũng nguôi ngoai vết bùn cũ. Và rồi sang năm chợt hỏi nhau: Năm ngoái nước lút đến đâu hè?

Nghĩa tình người miền Tây nơi tâm lũ Quảng Trị

Lâm Thanh |

Vượt quãng đường 1.300 km mang theo 30 tấn hàng hóa do bà con miền Tây quyên góp, Đội Thanh niên xung kích (TNXK) Trà Vinh đã tình nguyện đến tỉnh Quảng Trị bám trụ địa bàn trong hơn 10 ngày để vừa trao tận tay trên 1.500 suất hỗ trợ, vừa có những hoạt động hỗ trợ đầy ý nghĩa cho người dân các địa phương bị ngập lụt trên địa bàn tỉnh.

Đường thiên lý và những trạm hành cung trên đất Quảng Trị

H.N.T |

Đường thiên lý hay còn được gọi bằng đường cái quan, quan lộ, được hình thành từ lâu trong lịch sử. Các triều đại nối tiếp nhau cùng với sự mở rộng lãnh thổ trên con đường mở cõi về phương Nam, đường thiên lý ngày càng được quan tâm, mở rộng, các cung đường, nhà trạm được thiết lập để làm nơi vận chuyển văn thư.