Xoay trở cuối năm

Hoàng Công Danh |

Giữa tháng Chạp, quán cắt tóc ở chợ đông nghẹt khách. Băng ghế đợi lúc nào cũng có ít nhất ba người chờ tới lượt. Chủ quán mới ba mươi tuổi, trẻ nhưng rất được lòng khách luống tuổi nhờ tài ăn nói khéo. Tay kéo cậu lia lịa, miệng cũng liến thoắng, nói không nghỉ.

Độ ấy chợ quê bắt đầu nhộn nhịp bán buôn, người người đi chợ tết. Chàng trẻ vẫn chỉ luẩn quẩn trong cái quán ấy, quay đi quay lại quanh ba phía “ghế nóng”. Tên cái ghế ấy là do khách gọi cho vui, nó giống cái ghế trên game show truyền hình. Cả quán chỉ mỗi cái ghế đó thôi, khách đợi ở băng gỗ ngoài thềm hiên chờ cho tới lúc được lên ghế nóng mới thở phào nhẹ nhõm.

 

Gần tết, thời gian như trôi nhanh hơn, đấy là cảm giác khi ta bận rộn xoay trở đủ thứ việc. Hầu như ai tới ngồi đợi cắt tóc cũng nôn nóng, nhưng chính chuyện kể của chủ quán làm cho người đợi nhẫn nại hơn.

“Nghề này không có tết đâu”. Chàng thợ bảo vậy. Bởi mỗi đầu tóc vẫn phải mất chừng ba mươi phút mới xong, không thể làm gấp làm vội được. Rồi cậu chỉ tay qua hàng tạp hóa bên cạnh, đang tấp nập khách. “Như quán bán hàng đó, người ta có thể nhanh tay lẹ chân hơn một chút được. Hoặc thuê thêm người đứng bán. Hoặc khách chờ lâu có thể bỏ đi quán khác mua cũng không sao. Chứ hớt tóc khách quen quán cũ, thế nào cũng chờ tới lượt cắt”.

Nên tết nào chàng thợ cũng đến tối mịt ba mươi mới dọn dẹp quán để về đón giao thừa. Đúng mùng bốn đầu năm mở hàng cắt cho khách phương xa, sinh viên sửa soạn vào học… Như vậy tết của chàng thợ hớt tóc chỉ vỏn vẹn đúng ba ngày. Và quý giá hơn, ba ngày tết cũng chính là kỳ nghỉ phép của chàng, chứ quanh năm không dám đóng quán đi chơi đâu được.

Khách nghe đến đây cũng ngậm ngùi thương, chắc cậu nói thật. Nhìn lớp mạng nhện chăng kín phía dưới mái tôn, mấy đòn tay tre mối mọt gặm nham nhở, những hình diễn viên cắt từ mấy tờ lịch cũ năm nào còn dán trên tường thì biết cậu bận rộn đến mức không kịp quét dọn trang trí quán. Một cái biển hiệu giản đơn ghi hai chữ Cắt Tóc, màu sơn viết tay bạc vì mưa nắng. Cửa quán lắp từ chục tấm ván thô không bào nhẵn. Sáng mở quán cậu lột từng tấm ra khỏi rãnh, chiều đóng quán thì lắp vào. Tổng thể cả quán của cậu từ ngoài vào, từ trên xuống là một cái không gian xưa cũ, bụi bặm. 

Nhà cậu ở trong xóm, cách quán chừng hai trăm mét. Cậu bảo sáng nào cũng năm giờ phải lục tục dậy sửa soạn ra mở cửa ngay. Nằm gắng một chút nữa thể nào cũng có khách vào tận nhà kêu. Những ngày khách đông, vợ cậu mang cơm ra tận quán. Rồi cậu phải xin khách mười lăm phút tạm nghỉ để ăn trưa vội vàng.

Kể ra làm nghề như thế cũng là một cái duyên. Khách ngày nào cũng đều đều, thu nhập ổn định. Nhưng ngặt nỗi tới tết vẫn thế thôi, không có khái niệm ăn nên làm ra như mấy nghề khác. Mỗi đầu tóc hai chục ngàn đồng. Tầm hai mươi tháng Chạp cậu sẽ nhích giá một chút, hai lăm ngàn. Nông thôn, giá bình dân, tăng cũng tăng nhẹ. Nhưng cứ tính thử mỗi ngày cao tay cậu cắt được hai chục đầu tóc, nhân với năm sẽ được thêm chỉ một trăm ngàn đồng. Chừng đó nhân với mười ngày là một triệu.

Một triệu, chính là tiền tết cậu tự thưởng cho mình.

Ấy là cậu nói vui khi có khách hỏi làm nghề này có “hoa lợi hoa hồng” gì mỗi dịp cuối năm không. Và cậu lại lấy ví dụ, như quầy tạp hóa cuối năm các nhà phân phối, các hãng hàng sẽ có thưởng doanh thu. Chứ cái anh thợ hớt tóc đâu có gì. Dao lam và phấn rôm bôi cạo, mua mấy thứ đó cả năm có được bao nhiêu đâu mà đòi họ cho quà tết.

Vậy nên, tết của chàng thợ hớt tóc là sự chắt chiu, cả thời gian và tiền bạc. Tôi không thể tưởng tượng với ngần ấy tiền, và ba ngày thôi, cậu có cảm giác gì về tết cổ truyền không. Cái hương xuân có từ giữa Chạp khiến ai nấy bồi hồi muốn lượn quanh đường hoa chợ tết coi ngó thưởng thức, thì cậu vẫn phải đóng mình trong một không gian chật chội quen thuộc.

Tranh cắt tóc vỉa hè - Nguồn: internet

Chính lúc nỗi cảm thương và sự thắc mắc trong tôi trỗi dậy, cậu vẫn nhắp đều tay kéo và tiếp tục câu chuyện.

“Nhưng nghề này cũng thú vị lắm, nhất là tết. Khách phương xa về quê, ghé cắt. Mấy chục phút thôi thì đủ thứ chuyện xứ người, ai cũng bảo cả năm làm ăn vất vả chỉ mong về quê ăn tết. Nghe cũng tội lắm anh”.

Đến đây thì tôi cảm nhận được cái sự yêu nghề của chàng là bởi biết lắng nghe. Tết ai cũng bận bịu, đâu mấy ai có thì giờ nghe chuyện người khác, riêng cậu phải lắng nghe, thèm lắng nghe. Mà nghe được cả những tiếng lòng hẳn hoi chứ không chỉ là những câu chuyện buột ra từ miệng. Và cậu cảm nhận được hương vị tết xung quanh cũng đầy thú vị. Bởi khách ghé quán ngồi chờ trao đổi chuyện trò về chợ xuân, về hàng hóa giá cả. Không cần lượn chợ, cậu vẫn biết hết dân tình. Trong cái túi của khách ngồi chờ có mứt bánh hương hoa vừa mua sắm, họ treo vào mấy cái đinh đóng sẵn bên vách ván. Thế là hương tết cũng vào tận quán, cần chi đi đâu nữa.

Chàng hớt tóc cũng như bao nhiêu người làm nghề khác thôi, thế mà tôi ấn tượng mãi. Và ba năm nay quán đó thành ra chỗ tôi thường lui tới những lúc căng thẳng. Đôi khi không phải vì tóc dài, tôi cũng ghé để nghe vài câu chuyện cậu kể lan man, và cảm nhận sự yêu nghề, dù nghề đó chẳng mấy ai coi cao sang hay danh giá gì.

Mấy lần định hỏi thế ba ngày tết cậu làm gì. Nhưng rồi thôi. Vì một người biết xoay trở trong chật chội không gian, chật hẹp thời gian và chật vật tiền bạc hẳn biết cách dùng ba ngày tết ý nghĩa lắm.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Nhớ Tết nhà ngoại

Tuệ Linh |

Cứ độ giáp Tết, khi tiết trời đầy mưa phùn và gió rét, tôi nhớ ngoại khôn nguôi. Những ngày còn thơ, ngoài dịp nghỉ hè dài ngày về thăm ngoại, thì mỗi lần sắp Tết, chị em tôi lại nôn nao trong lòng vì biết ngoại đang mong chúng tôi. Về thăm ngoại trước Tết, chí ít chúng tôi cũng được ở bên ngoại gần một tuần rồi trở về nơi phố thị, hẹn đầu năm mới sẽ lại về với ngoại trong dịp làng có phong tục cúng gà vào ngày mồng 2 tết.

Làng hoa An Lạc hối hả vào vụ hoa Tết

Hiếu Giang |

Thời điểm này, các hộ trồng hoa ở làng hoa An Lạc, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đang bước vào vụ trồng và chăm sóc hoa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Khác với mọi năm, do thiệt hại nặng nề vì đợt mưa lũ lịch sử vừa qua nên năm nay, các hộ trồng hoa làng An Lạc vừa nỗ lực phục hồi số hoa đã bị hư hại, vừa tập trung chăm sóc các loại hoa ngắn ngày để kịp phục vụ Tết. Không khí ở làng hoa truyền thống này khá tất bật và khẩn trương.

Tết 2021 đến Đà Nẵng ghé “Chợ Tình”

Thùy Trang |

Nếu đang phân vân không biết làm gì cho hết mấy ngày Tết thì hãy đến với “Chợ tình” với tình yêu và âm nhạc tại Đà Nẵng.

Quảng Trị đề nghị hỗ trợ hơn 800 tấn gạo cho người dân vùng thiên tai dịp Tết Nguyên đán

Tiến Nhất |

Ngày 14/1, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã có văn bản gửi Trung ương đề nghị hỗ trợ hơn 800 tấn gạo tới nhân dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.