Chén trà giữa trùng khơi

Nguyễn Ngọc Chiến |

Ngày Tết, anh bạn hàng xóm đến chơi nhà, cùng nhau nhâm nhi chén trà Thái Nguyên mùi vị thơm ngon, tinh khiết và cùng bạn đàm đạo chuyện… trà! Trong cái buổi chiều nắng đẹp, se se lạnh ngày Tết ấy, chúng tôi đã cùng nhau nói chuyện ngư dân ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) uống trà như thế nào khi đang hành nghề trên biển. Chuyện chỉ thế thôi mà cả buổi nói không hết.


Bạn tôi cho rằng, ngư dân khi đang đánh cá trên biển, cũng như mọi người, họ uống trà sau mỗi bữa ăn, uống khi khát nước, thế thôi. Còn tôi lại cho rằng, không những thế, họ còn uống trà theo kiểu người có thú đam mê, thích nhâm nhi, thưởng thức hương vị của trà, khi nghỉ ngơi giữa những ngày lao động vất vả mà ta vẫn quen gọi là cuộc trà.

Nhưng trước hết xin được nói đôi chút về vùng đất chè Vĩnh Linh. Từ trước đến nay, đa số người dân Vĩnh Linh thường quen dùng nước chè xanh, chứ không dùng trà như khá nhiều người bây giờ. Nếu nói về “nghiện” nước chè xanh, thì không ở đâu bằng người Vĩnh Linh. Và nơi dải đất miền Trung nhỏ hẹp này, không ở đâu trồng nhiều chè như ở Vĩnh Linh. Vì thế mà người ta thường nói, người Vĩnh Linh có ba thứ không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Đó là ăn ớt thật cay, hút thuốc thật "nặng" và uống chè thật chát. Chè ở đây là chè xanh được hái từ trên cây rồi cho vào ấm đun sôi để uống.

Trà là thức uống quen thuộc của nhiều người - Ảnh: LÂM THANH
Trà là thức uống quen thuộc của nhiều người - Ảnh: LÂM THANH

Từ thuở khai thiên lập địa, thiên nhiên đã ưu đãi cho Vĩnh Linh một vùng đất đỏ ba dan rộng lớn, rất thuận lợi để phát triển các loại cây lưu niên, trong đó có cây chè. Cây chè xanh ở Vĩnh Linh thời bao cấp được phát triển rất mạnh ở cả hai thành phần là tập thể và hộ gia đình. Hồi ấy có hẳn những nông trường quốc doanh, hợp tác xã chuyên trồng chè. Cây chè xanh ở Vĩnh Linh cũng có khá nhiều giống khác nhau, như chè Nghệ An, chè Thái Nguyên, chè Hà Giang… Những giống chè này không hiểu vì sao mà “lạc” từ phía Bắc vào đây, rồi sinh tồn phát triển cho tới ngày nay.

Đặc điểm của những giống chè này là lá to, mỏng, cây thường ra ngọn non quanh năm. Khi nấu uống chỉ một nước là hết chát. Người nghiện chè thường tìm cho bằng được giống chè Vĩnh Linh để nấu uống. Giống chè Vĩnh Linh lá tuy nhỏ, nhưng dày, hết mùa mưa là không còn lộc non, lá già từ gốc đến ngọn. Khi nấu uống thường nước thứ hai vẫn còn chát và thơm. Những bát nước chè xanh được người Vĩnh Linh nấu đến mức đậm đặc, “đứng đũa”, nghĩa là dùng chiếc đũa cắm vào bát nước, chiếc đũa không hề nghiêng ngả. Nói phóng đại lên như thế để biết rằng người Vĩnh Linh nghiện nước chè xanh như thế nào.

Ngày nay, khi mà giá cả sản phẩm nhiều loại cây lưu niên như cao su, hồ tiêu lên ngôi, thì diện tích cây chè xanh cũng theo đó giảm dần. Nông trường, hợp tác xã trồng chè tất nhiên đã không còn tồn tại từ lâu. Hộ gia đình thì mỗi nhà cũng chỉ giữ lại vài ba gốc đủ để nấu nước uống. Và khi diện tích cây chè giảm, thì người dùng nước chè xanh theo đó cũng giảm dần và thay vào đó là một bộ phận người dân chuyển sang dùng nước trà. Ngư dân Cửa Tùng cũng không ngoại lệ. Vì thế, những ngày ra khơi đánh bắt hải sản, ngư dân đã không quên mang theo trên tàu vài lạng, thậm chí vài cân trà.

Có dịp gặp anh bạn, vốn là đồng đội cũ, bây giờ là ngư dân kỳ cựu ở thị trấn Cửa Tùng. Anh kể, người Vĩnh Linh mình xưa nay có thói quen uống nước chè xanh, nhưng khi đã ra khơi, lênh đênh trên biển ngày này qua ngày khác, thì không thể mang theo chè xanh nấu nước uống như ở trên đất liền được. Nên tốt nhất là mang theo trà. Vừa gọn, vừa dễ sử dụng. Đi biển uống trà, ngày này sang ngày khác rồi thành quen, thành nghiện. Thế nên, đã là ngư dân ra khơi vào lộng là cứ phải mang theo trà. Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản, ngoài những thứ cần thiết như gạo, mắm muối, nước ngọt, bình ga, nước đá cây… mỗi tàu thường phải mang theo một lượng trà nhất định. Có những chuyến đi xa dài ngày, chẳng hạn như ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa… cách đất liền hàng trăm hải lý, thường phải kéo dài nửa tháng, hoặc hơn, lượng trà mang theo có khi phải hàng ký mới đủ dùng. Trà có nhiều loại, nhưng ngư dân Cửa Tùng chỉ quen dùng trà Thái Nguyên, một loại trà nổi tiếng thơm ngon ở nước ta.

Uống trà là cả một nghệ thuật - anh bạn nói tiếp - vì thế, dù đang ở giữa biển khơi cũng phải “vận dụng” nghệ thuật ấy thì chén trà mới đầy đủ ý nghĩa. Thường thì đã ra biển, nghĩa là người nào việc ấy. Ai cũng say sưa làm việc, quên trưa, quên tối, miễn sao đánh bắt được thật nhiều hải sản. Tuy nhiên, giữa những vất vả, âu lo, người ngư dân vẫn có những giờ phút nghỉ ngơi. Bên cạnh bình trà mang tính “đại chúng”, được pha sẵn, đủ cho hơn chục con người có mặt trên tàu dùng sau mỗi bữa ăn, hoặc khi khát nước cần uống, vẫn có những “cuộc trà” vui vẻ, đầy lãng mạn, dành cho những người nghiện trà, quen thưởng thức trà theo cách của họ.

Đó là lúc xế chiều, khi ông mặt trời xòe chiếc nan quạt khổng lồ, khuất dần về phía tây, hay những lúc trăng sáng không thể hành nghề được. Những lúc ấy, tốt nhất là ngồi quây quần lại bên nhau giữa lòng tàu. Ấm chén được dọn ra. Nước được đun lên. Đây là nước ngọt từ giếng khơi, có độ sâu từ 30 - 40 m, được đưa ở đất liền ra, chứ không phải nước máy công cộng. Nước pha trà cũng là một nghệ thuật trong cách pha trà của người sành uống trà là vậy. Trà được cho vào ấm vừa đủ. Khi nước sôi thì rót vào ấm, tráng qua một lượt, rồi mới rót nước để pha trà. Chén cốc cũng tráng qua một lượt bằng nước sôi. Khi trà đủ độ ngấm, hương vị trà hòa tan trong nước thì mới rót ra chén.

Lúc ấy, mọi người bắt đầu nâng chén trà lên môi, nhấp nhấp từng ngụm nhỏ để thưởng thức mùi vị thơm ngon của trà. Có hôm, người ta còn mang theo cả kẹo lạc, kẹo mè xửng ra biển để nhâm nhi với trà. Nhấp một ngụm trà, cắn một miếng kẹo giòn tan trong miệng mới thật đúng là thú vui tao nhã của người nghiện trà. Chuyện làm ăn, chuyện tàu thuyền, cứ vậy nở bung ra giữa trời mây non nước. Rồi hương vị mằn mặn của biển, mùi nồng nồng, tanh tanh của cá… tất cả như hòa tan trong không gian bao la của đại dương, như thể duy nhất chỉ còn lại cái bàn trà con con giữa trùng khơi của người dân biển.

Cái cảm giác được uống một chén trà giữa đại dương mới thích thú làm sao! Xung quanh là biển cả mênh mông. Trên thì trời xanh, mây trắng. Con tàu dập dềnh nhè nhẹ theo từng đợt sóng như muốn ru người ta vào giấc ngủ. Mọi nỗi vất vả, nhọc nhằn, sau một ngày lao động bỗng tan biến. Chỉ còn lại một tinh thần sảng khoái, một cảm giác lâng lâng bất tận, trong hương vị ngọt thơm của trà và tiếng ru của sóng…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Thư ngỏ

Võ Văn Hưng |

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng vừa có thư ngỏ kêu gọi sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, các hộ gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, COVID-19 trên địa bàn tỉnh để họ có điều kiện vượt qua khó khăn đón Tết, vui xuân được đầm ấm, sum vầy.

Thương cơm nắm muối mè của mẹ

Thu Hiền |

Thu gói ghém rời đi trong rả rích những cơn mưa đầu đông đón bão. Dải đất miền Trung oằn đòn gánh hai bờ giang san như còng lưng hơn trong cái lạnh, cái đói của những dòng người du xứ tìm về quê cũ.

Ta còn tình khúc mùa Đông…

Bội Nhiên |

Với nét mặt thảng thốt trước dòng tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời ở tuổi 72 vì trọng bệnh vừa lướt qua màn hình máy vi tính, Hồng Thu liền chọn album 12 Tình khúc Phú Quang mở phục vụ khách đang làm việc online trong quán cà phê của mình.

Những ca khúc thành công nhất của nhạc sĩ Phú Quang

Thanh Mai |

Những ca khúc của ông là nỗi niềm, là sự day dứt, là tình yêu khôn nguôi với thủ đô Hà Nội.