Thu gói ghém rời đi trong rả rích những cơn mưa đầu đông đón bão. Dải đất miền Trung oằn đòn gánh hai bờ giang san như còng lưng hơn trong cái lạnh, cái đói của những dòng người du xứ tìm về quê cũ.
Dòng người đi trong màn mưa, ngày trước họ ra đi trong niềm ấp ủ chốn phồn hoa, nay họ quay về tìm chút bình yên sau những ngày khốn khó bởi dịch Covid-19. Nhìn từng đoàn người ngồi ăn giữa đường dài miên viễn, tôi lại nhớ quay quắt món cơm nắm ngày xưa. Món ăn mẹ thường làm cho tôi trên mỗi hành trình đi xa.
Tôi thương mùi thơm của gốc rạ, cọng rơm. Tôi thương những mộc mạc, đen đúa của bồ hóng chốn quê nghèo và mỗi độ đông về giá lạnh, tôi lại thèm quay quắt món cơm nắm của mẹ. Ngày ấy, đứa con gái nhỏ dưới mái nhà xưa ngồi nghe mưa nắng, đếm tuổi thơ qua từng viên đất mà nó lấy lên từ xe đất đổ nền của ba, rồi nắm lại, viên tròn và chơi đồ đoàn nấu ăn. Ngày vội vã rời đi, mái hiên này, khoảng sân ấy trở thành một phần của tâm hồn, của nỗi nhớ bình yên dịu dàng và vời vợi yêu thương. Dù chỉ là tiếng cơm sôi, tiếng mẹ quét lá sau vườn, tiếng củi reo trong lò lửa ấm - những thanh âm mà đôi lúc đã lãng quên trong vô thức, giờ đây đủ làm lòng quay quắt, tần ngần nhớ lại chuyện xưa.
Để làm cơm nắm, mẹ phải làm khi cơm vừa chín tới, đang thơm nồng hơi nóng. Cơm phải nấu hơi nhão, đang nóng hổi thế, vục cả cái bát ăn cơm vào nồi nghi ngút khói xúc từng bát đầy. Có lúc mẹ lấy mo cau, có lúc mẹ dùng tấm khăn mỏng. Cái mo cau đã được rửa sạch, còn ướt đã ngả sẵn. Tay cũng nhúng nước, vừa chống dính vừa chống nóng. Cứ thế mà vày vò, mà xoay ngang trở dọc cục cơm cho thật nhuyễn, thật nát, tất cả các hạt cơm dính quện vào nhau thành một khối, trắng tinh thơm tho lạ kỳ. Bàn tay mẹ dẻo dai nhào nặn, gương mặt mẹ ửng hồng trong làn khói bốc lên nghi ngút, thỉnh thoảng nóng quá mẹ lại xuýt xoa nhưng bàn tay vẫn vo tròn đều đặn.
Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm, ba tôi đi làm xa, hai mẹ con sống gần ông bà nội, mỗi sáng sớm mẹ đi củi trên rú, mẹ đi rất sớm và đến chiều tối mới về, mẹ thường phải làm cơm nắm đem theo để ăn. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ ngồi phía sau xe trâu, người phụ nữ bé nhỏ ấy ngồi lọt thỏm phía sau góc xe kéo, mặc manh áo khoác sờn bạc và chiếc nón lá lúp xúp trong màn sương miền đất đỏ năm nào. Hồi đó tôi mong chờ nhất là mỗi sớm trước khi mẹ đi rú, mẹ đều bí mật để lại cho một nắm cơm nhỏ bằng ngón tay cái gói trong lá chuối chỗ đầu giường tôi nằm, mẹ tưởng tôi vẫn ngủ nhưng tôi đã thức dậy rồi. Sau một ngày dài mẹ mới về, vì thế lúc nào mẹ cũng để dành thêm cho tôi một nắm cơm đã nguội cứng. Nghe tiếng chiếc xe trâu cọc cạch đầu ngõ tôi đã vội vàng chạy ra đón, có khi mẹ để dành nắm cơm trong nón, có khi mẹ để trong bọc áo, hoặc trong nắm lá rừng. Cơm nắm lúc đó đã nguội, kết thành một khối trắng thơm như một chiếc bánh, cho dù thưởng thức bao nhiêu món ngon trên đời, tôi vẫn không thể tả được hương vị của nắm cơm yêu thương đó. Tôi cầm nắm cơm và cắn ăn ngon lành, không cần muối vừng muối lạc hay bất kỳ thứ chấm nào, tôi biết rằng, mẹ đã nhịn ăn để dành nó đem về cho tôi. Ngày đó cơm gạo quý lắm, cơm độn khoai sắn vẫn là bữa ăn chính của bao ngôi nhà nơi miền quê đất đỏ.
Khi theo ba vào chốn thị thành, món cơm nắm thỉnh thoảng trở lại trong những ngày mưa dầm giá buốt. Những ngày tháng ấy, mẹ tôi vẫn nhịn ăn cho con nhưng không phải bí mật giấu lấy một miếng cho con nữa. Món cơm nắm lúc này đã có thêm muối lạc rang hoặc muối mè để chấm ăn. Tôi vẫn dậy sớm như một thói quen, học lớp một, sáng nào cũng dậy từ lúc mẹ dậy, dù nắng hay mưa, vẫn là đứa nhỏ đeo cặp chạy theo chiếc xe bánh chưng của mẹ. Hòa lẫn trong tiếng rao “Bánh chưng không?” của mẹ tôi là những giọt mồ hôi bết trên tóc trên trán của con bé sáu tuổi. Tôi đến ngồi trên bậc thềm lớp học từ tinh sương, sớm nhất lớp, tôi quét dọn những chiếc lá thầu đâu vàng rụng, tôi chơi một mình và ăn một cái bánh chưng nóng chờ các bạn đến trường. Đến tận bây giờ, tôi vẫn dậy từ sớm, làm mọi việc của một người đàn bà trưởng thành, hi sinh như mẹ tôi đã từng, tần tảo như đức độ mẹ tôi đã dạy. Tôi vẫn đến trường từ rất sớm và tôi thích như thế. Thời gian đến trường sớm, tôi sẽ được ngồi một mình, viết những tác phẩm tôi ấp ủ, tự lau những giọt nước mắt tủi thân của người làm dâu xứ lạ, đọc những quyển sách hay, nghe những đoạn nhạc mình thích trong một chút bình yên tôi thưởng cho mình.
Mười tám tuổi, trên chuyến tàu vào Sài thành lập nghiệp, mẹ làm cho tôi bánh cơm nắm, lúc này đã có món thịt nạc rim mặn mẹ làm ăn kèm. Mở nắm lá chuối thơm, hít hà mùi thơm cơm mới vào tận huyết quản, đó là hương quê, là mồ hôi mẹ tôi, là tình yêu thương mà suốt đời tôi cũng không đi hết được lời ru của mẹ. Sau này, khi em gái tôi lên tàu đi làm xa, mẹ vẫn làm món cơm nắm giản dị thân thương ấy, nó theo em tôi vào chốn hoa lệ, theo chị em tôi trong mỗi nếp trở cuộc đời.
Hôm nay, đông về trong gió bấc đầu mùa, nhìn đoàn người vội vã hồi hương trên đường xa vạn dặm, bất giác tôi lại nhớ món cơm nắm của mẹ. Nhớ hoài căn nhà phên nứa trát phân trâu khô nơi quê nghèo, nhớ mẹ tôi những tần tảo vai mang. Nhớ ba tôi một đời vai gầy gồng gánh con chữ bát cơm cho chị em tôi khôn lớn. Tự nhủ thầm, dù tôi không thành công, không thành đạt, nhưng nhất định tôi sẽ “thành người”.
Thương hoài cơm nắm của mẹ!
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)