Cọp Thủy Ba, ma Đường 9

Phan Quang |

Tết Nhâm Dần, đọc Giai phẩm Xuân của báo Quảng Trị tôi gặp hai bài viết về cọp gợi lại trong tôi nhiều kỷ niệm về chuyến đi đầu tiên khi chàng thanh niên mới lớn rời vùng địch hậu Bình Trị Thiên ra vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh mùa hè năm 1948, theo quyết định của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Phân Khu ủy.


Đoàn chúng tôi đi chuyến ấy vẻn vẹn có ba người. Ba chàng trai theo tiếng gọi của Việt Minh đã “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, góp phần cùng toàn dân tổng khởi nghĩa giành lại chính quyền tháng Tám năm 1945. Trong những ngày sống gian nan tại chiến trường Bình Trị Thiên, song song với việc mở các lớp “bình dân học vụ” xóa nạn mù chữ cho những người dân nghèo, chúng tôi còn tổ chức những “đêm lửa trại”, thực tế là đêm sáng nhờ mấy chiếc đèn dầu, vì ở vùng đồng bằng duyên hải đói nghèo lấy đâu ra gỗ mà đốt lửa theo cung cách các hướng đạo sinh.

Rồi thay nhau ngâm thơ, hò đò, nhảy múa, diễn kịch phần lớn do mình sáng tác. Tuyên truyền mà tuyệt nhiên không có chuyện diễn thuyết dài dòng, chỉ cần làm sao cho người xem thấy sức sống tràn trề của kháng chiến, từ đó tăng niềm tin tất thắng, thế là được. Tôi còn được lãnh đạo huyện phong cho một chức vụ rất oai là Phó Trưởng Ban bình dân học vụ huyện!

Bắt cọp -Ảnh minh họa: MẠNH TIẾN
Bắt cọp -Ảnh minh họa: MẠNH TIẾN

Ba anh em nhận được chỉ thị phải tự thu xếp chặng đầu của chuyến đi xa. Chặng đầu tuy ngắn vẫn không ít gian nan. Từ chiến khu Ba Lòng ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, chúng tôi phải băng qua các trảng tranh bạt ngàn trên các đồi đất đỏ thuộc hai huyện Cam Lộ, Gio Linh thường xuyên có địch rình mò, ngang qua Quốc lộ 9 rồi qua sông Bến Hải mới đến được Chiến khu Thủy Ba, nay thuộc địa phận xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Tại đây chúng tôi sẽ hợp với mấy đoàn nữa, cùng nhau rời chiến khu lên dãy Trường Sơn thời ấy còn là núi rừng nguyên sinh, trèo đèo vượt núi suốt một tháng ròng, băng qua thượng nguồn sông Gianh tới huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Đặt được chân tới đây là coi như mỹ mãn. Từ đây không còn phải leo núi băng rừng, lại còn được ngồi bệt lên sàn những toa goòng sắt vốn được dùng chở đá bảo dưỡng thường xuyên con đường sắt xuyên Việt, đến làng Chu Lễ, tỉnh Hà Tĩnh. Đường ra Thanh, Nghệ còn xa nhưng đã tới được nơi đây, coi như chuyến đi đã mỹ mãn. Vùng tự do Liên khu 4 thời ấy, ngoài một phần đất thuộc tỉnh Quảng Bình, chủ yếu gồm ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mênh mông núi cao rừng rậm, đồi đất trung du và đồng bằng duyên hải, kéo dài từ phía bắc đèo Ngang tỉnh Hà Tĩnh tới chân đèo Tam Điệp tỉnh Ninh Bình.

Tôi đâu có ngờ trong số những người cùng tham gia chuyến đi với mình có đồng chí lãnh đạo cao cấp Nguyễn Chí Thanh, và rồi trên đường đi còn lần lượt thêm ba Bí thư Tỉnh ủy: đồng chí Hoàng Anh tỉnh Thừa Thiên, đồng chí Đặng Thí tỉnh Quảng Trị và đồng chí Hoàng Văn Diệm tỉnh Quảng Bình. Dường như các vị ra Bắc dự một cuộc họp quan trọng nào đó do Trung ương triệu tập, tôi không am tường và giữ đúng nguyên tắc không được phép tò mò tìm hiểu.

Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ

Vừa đặt chân tới chiến khu Thủy Ba là bất kỳ đến đâu, gặp ai cũng nghe thốt ra câu nói đầu cửa miệng: “Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ”. Cọp Thủy Ba có từ thuở xa xưa nhưng đặc biệt do nơi đây là rừng của hổ báo và cũng là vùng cư trú của người dân vốn từ phía Bắc theo Đoan Quận công Nguyễn Hoàng rời đất Thăng Long vào Nam lập nghiệp, mở rộng biên cương.

Cọp Thủy Ba sống trong một vùng rừng núi xen các điểm dân cư, có lẽ vì vậy chúng rất tinh quái. Cọp beo thường rình rập quanh các xóm thôn, gặp dịp là vọt ra vồ người, bắt gia súc. Bò bê lợn chó đã đành, người là món cọp háu hơn cả. Đối đầu, người dân Thủy Ba đâu có chịu kém. Từ thuở xa xưa, dân làng Thủy Ba đã nổi tiếng về tài bắt sống cọp. Sử chép có lần người làng Thủy Ba giăng lưới bắt sống được một con cọp nặng hai tạ, đóng cũi mang về bãi Cây Sỏi (nay thuộc địa phận làng Thủy Ba Tây). Dân cả huyện rầm rập đến xem. Nhà vua ra lệnh bắt dân làng khiêng con cọp ấy vào kinh đô nộp triều đình, đi được nửa đường thì cọp chết vì... thiếu ăn.

Bản thân tôi cách đây 75 năm, lần đầu vừa đặt chân tới đất chiến khu Thủy Ba là đã nghe kể chuyện người dân săn bắt cọp cùng chuyện cọp vồ người. Ban đêm cả gia đình dồn lên ngủ trong căn nhà chính được làm kiên cố hơn cả, sau đó cửa đóng then cài. Cẩn thận như vậy nhưng đâu có phải người dân Thủy Ba quá ngại cọp. Các làng, xóm sắp xếp trai tráng khỏe mạnh thành những xâu (tổ), mỗi xâu chừng vài chục người. Bất kỳ ai đã được xếp vào các xâu thì dù đang ở đâu, làm việc gì mà nghe vọng lại tiếng ba hồi chiêng làng dóng lên là ngay lập tức tập hợp lại theo xâu của mình, sẵn sàng vác rìu cầm dao lên đường đến những nơi thường chăng lưới bắt cọp.

Vẫn lời người dân hồi đó kể: Trong công việc làm ăn sinh sống hằng ngày, những ai có việc đi rừng ban đêm thường đi thành đoàn, thành kíp đã đành, mà còn phải đốt đuốc sáng trưng. Đoàn nào không có đuốc ắt gặp nguy cơ bất chợt bị cọp vồ. Đi ban ngày thì mỗi người ngoài các gồng gánh của mình, trên vai còn phải vác thêm một ngọn giáo tre chĩa cái mũi nhọn hoắt lên trời. Bà con tốt bụng chuẩn bị sẵn cho ba chàng cán bộ trẻ từ vùng chiến khu của tỉnh vừa ra tới nơi mỗi người một ngọn giáo thẳng tắp dài chừng ba mét.

Ba chúng tôi được tháp tùng theo đoàn của Anh Thao, tên thường dùng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cùng đoàn anh ra Bắc. Một đoàn cán bộ hiếm thấy. Ngoài tiểu đội quân bảo vệ được trang bị súng ống, lựu đạn đàng hoàng, còn có một tốp dân công chừng mươi người, mỗi người gánh hai cái sọt tre đựng gạo làm thức ăn đường cho đoàn và cho chính họ trong cuộc hành trình. Đoàn rời vùng rừng xanh tỉnh Quảng Trị lên dãy núi cao thuộc địa giới tỉnh Quảng Bình, rồi dọc theo dãy núi thời ấy quen gọi hơn là núi Giăng Màn dài gần như vô tận lặn lội ra Bắc. Đi dọc Trường Sơn ta sẽ gặp những cái tên vốn có từ trước, cùng những địa danh đầy tính biểu tượng mới được đặt thêm sau này, tất cả rồi sẽ lưu danh vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Trung, đại loại như Liên U, Ba Rền, Khe Sâu, Hói Cạn...

Đội quân hộ vệ đoàn khách và tốp dân công gánh gạo cũng có dăm ba người ngoài hành trang của mình có thêm cây vác giáo, thực tế chỉ ba chàng trai chúng tôi là nghiêm túc nhất, bất cứ lúc nào cần chuyển dịch dù xa hay gần cũng kè kè ngọn giáo tre chĩa mũi nhọn lên trời. Có hôm vác giáo đi đường xa mệt quá, anh em phải cài cái gốc cán vào sợi dây đeo ba lô cho đỡ tê tay. Một vài hôm sau, khi đã đi sâu lên dãy núi Giăng Màn, chúng tôi để ý thấy trong cả đoàn chẳng còn có ai vác giáo nữa, ba chúng tôi cùng lẳng lặng xếp luôn ba khúc tre ngay ngắn để lại ven đường. Thì ra lên đến rừng nguyên sinh không còn phải lo gặp cọp. Chuyện thật mà tưởng như đùa!

Cán bộ có sợ ma hơn là sợ giặc?

Tôi để ý trong số những người dân được phái đi gánh gạo, có một anh chàng người cao và gầy, dáng đi nhanh nhẹn nhưng miệng lại móm mém bởi không còn chiếc răng cửa nào. Anh chàng này lúc nào cũng có sẵn chuyện vui kể cho đồng đội nghe để tạm quên gánh nặng đường dài.

Một lần, đoàn cán bộ ra Bắc quan trọng đến thế vẫn đi lạc trong rừng. Bởi ngay đến tốp dân quân dẫn đầu, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ quen sống với rừng núi, mà có khi còn phải chặt cây vạch lá mở lối đi. Vậy là hôm ấy đoàn không kịp đến nơi có đặt trạm giao liên nghỉ qua đêm, sáng hôm sau sẽ có tốp dân quân khác tất cả đều là người tại chỗ, dẫn đường đi tiếp. Đành nghỉ tạm một đêm tại một bãi dốc thoai thoải ven bờ con suối. Một bếp lửa to được đốt lên, rừng rực thâu đêm giữa rừng sâu. Đoàn cán bộ cấp cao cùng với đội bảo vệ và ba chàng trai nằm quanh bếp lửa chính. Tổ dẫn đường cùng đoàn dân công gánh gạo, hầu hết là người dân tại chỗ, đốt củi nghỉ qua đêm tại phía đầu và phía cuối đoàn.

Đang lúc cả đoàn ngon giấc, nhiều người chợt giật mình thức dậy. Tiểu đội quân bảo vệ có vẻ như hơi lo. Không rõ từ đâu những hạt sỏi thỉnh thoảng lại rơi xuống đoàn cán bộ. Tai tôi nghe rõ lời anh em xì xầm bàn bạc. Có người đồ chừng, chắc hẳn vào mùa lũ nước suối dâng cao, nhiều hạt sỏi bị thác nước cuốn theo đã kẹt lại đâu đó trên các cành cây, đêm nay gặp cơn gió mạnh nên rơi xuống. Một cách lý giải chẳng đủ sức thuyết phục ai, bởi ngay giữa lúc này đây, khi mọi người đều đã tỉnh giấc trong đêm rừng yên ắng và đang cùng nhau chuyện trò, thi thoảng vẫn có viên sỏi dường như từ phía nào đó dưới đất ném tới hơn là từ các ngọn cây cao rơi xuống. Anh phụ trách tổ bảo vệ nháy mắt ra hiệu cho mấy đội viên, rồi cùng nhau lặng lẽ đứng lên chìm vào đêm tối.

Một lát sau, chính mấy anh ấy dẫn một người cao gầy, miệng móm mém, đến trình với trưởng đoàn. Chính cậu này đây đã dở trò nghịch kỳ quặc. Cậu ta tự tay xuống suối vốc nắm sỏi, chờ lúc mọi người ngon giấc thì nhặt vài hạt ném vu vơ về phía đoàn khách.

Anh Thao cũng đã thức dậy từ lâu như mọi người. Anh bình thản ngồi bên bếp lửa, trên môi phì phèo điếu thuốc lá. Thủ trưởng tuyệt nhiên không nổi nóng như nhiều người nghĩ. Anh bảo anh dân công ngồi xuống cạnh anh, chuyện trò thân mật. “-Tại sao cậu còn trẻ mà miệng mồm đã móm mém thế kia?”. “-Dạ, tại Tây hắn đi càn, hắn bắt được tui lúc vai tui vác cây mác của du kích xã. Hắn đè tui xuống hè nhau đần cho một trận gãy hai hàm răng cửa, liệt một cẳng tay, tưởng chết luôn trong đêm. Thấy tui ngất xỉu, hắn quẳng vào bụi cây ven đường rồi bỏ đi. Rứa mà tui vẫn sống. Rứa mà tui vẫn bò về được với tiểu đội của mình. Rồi cứ rứa, chúng tôi lại đi rình mò đánh lũ giặc Tây...”.

Câu chuyện anh kể thật dí dỏm. Anh chàng nói với ông cán bộ cấp cao mà cứ tự nhiên như đùa giỡn với đồng đội khi anh em chuyền tay nhau cái gáo dừa, mỗi người hớp một ngụm nước chè xanh vừa mới nấu. Anh Thao rút một điếu thuốc lá, tự tay bật lửa châm cho anh chàng: “Cậu dũng cảm đấy, cậu xứng đáng được biểu dương. Nhưng mình hỏi thật cậu, căn cớ chi cậu lại quăng sỏi xuống đầu bọn mình?”. Anh chàng ta lại móm mém cười: “Dạ, tui muốn thử coi các cụ cấp trên có giống như mọi người khác trên đời này, ai cũng sợ ma hơn là sợ giặc?”.

Cọp Thủy Ba, ma Đường 9

Một năm sau, vào khoảng đầu mùa thu năm 1949 tôi rời thị trấn Đô Lương tỉnh Nghệ An quay trở lại chiến trường Bình Trị Thiên làm phóng viên Báo Cứu Quốc. Vừa về tới địa giới tỉnh Quảng Trị, mỗi lần nhắc đến chuyện cọp Thủy Ba là được đồng bào cho biết: “Anh vô tiếp trong Đường 9, thử hỏi bà con trong đó. Cọp Thủy Ba dường như đã theo chân nhau vô trong nớ kiếm ăn hết cả rồi. Đã lâu lắm dân làng này không nghe ai nói chuyện ban đêm có nghe tiếng gầm gừ của hùm hay beo”.

Đường 9, tức Quốc lộ 9 nối liền hai nước Việt Nam và Lào băng ngang dãy núi Trường Sơn là chiến trường khốc liệt tại miền Trung hồi bấy giờ. Đạo quân Pháp gồm toàn lính lê dương chuyên đi đánh thuê đóng tại đất Lào vốn rất hung hăng hiếu chiến. Chúng có mưu đồ, và đó cũng là nhiệm vụ được chính quốc giao, bất ngờ rời thị xã Savannakhet cấp tốc về đánh chiếm Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Lần nào chúng cũng bị quân ta chặn đánh, chẳng mấy khi qua khỏi cầu Đakrông. Lần nào chúng cũng phải hốt hoảng chạy tháo thân, để mặc các đồng đội chết hoặc bị thương nằm khắc khoải ven đường. Trước sau rồi họ cũng chết, không bỏ mạng vì súng đạn của quân ta cũng chết vì đói cơm khát nước. Đồng bào đồn, có lẽ vì vậy mà hùm beo từ các rừng núi xanh gần con Đường 9 đánh hơi thấy mùi xác chết đã lần lượt theo chân nhau mò về đây kiếm mồi chăng. Nghe nói trong đêm rừng mù mịt sương dày, hổ báo vẫn lởn vởn lần đi theo sau các bóng ma.

Tôi và mấy anh bạn cùng đi nghe nói thế sợ quá, không dám băng qua Quốc lộ 9 vào thẳng chiến khu Ba Lòng, nơi Phân Khu ủy cư trú và Bộ chỉ huy quân đội Phân khu Bình Trị Thiên đặt bản doanh. Đành quặt lối, tìm đường băng ngang qua địa phận hai huyện Gio Linh, Cam Lộ về gần Cửa Việt, nhờ các anh dân quân giúp cho con đò băng qua hạ lưu sông Thạch Hãn, sang huyện Triệu Phong.

Từ đây đã có sẵn các anh giao liên dẫn lối, từ xã Triệu Sơn lại ngược lên bến Trấm, nơi ngày đêm luôn có “Đò em lên xuống Ba Lòng/ Chở người cán bộ lên vùng chiến khu” (thơ Lương An) trình giấy giới thiệu cùng thẻ phóng viên bắt đầu làm nhiệm vụ.

Bỗng dưng gặp cọp Thừa Thiên

Một năm sau, vừa hết thời hạn chuyến đi công tác xa, tôi nhận được điện khẩn của tòa soạn báo gọi trở về vùng tự do Thanh Hóa, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Trung du Bắc Bộ. Cùng ra Bắc với tôi trong chuyến đi này có nhà thơ Minh Huệ, tác giả bài thơ nổi tiếng hồi đó “Đêm nay Bác không ngủ”. Anh vào chiến trường sau tôi nhiều, nhưng khi nhận được lệnh ra Bắc lại có vẻ như nôn nóng muốn trở về luôn tức khắc với quê hương xứ Nghệ. Về sau mới biết, nhà thơ có người vợ chưa cưới là một cô giáo dạy văn đang trông ngóng chàng.

Hai chúng tôi tình cờ gặp nhau ở chiến khu Nam Thừa Thiên. Để đỡ vất vả và rút ngắn thời gian đi đường, hai anh em quyết định không ra Bắc theo hành trình quen thuộc là từ chiến khu ở phía Nam thượng nguồn sông Hương về đồng bằng ven biển, băng qua mấy cửa biển ra tỉnh Quảng Trị tìm đường ngược lên vùng núi Vĩnh Linh, từ đây sẽ leo dọc Trường Sơn ra Bắc. Hai ta cứ theo con đường mòn ven núi mà đi, thế nào rồi cũng đến được chiến khu Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghe nói quân đội và dân quân hai tỉnh Trị Thiên vừa mới mở thêm con đường này, chúng ta không phải lo đường rừng quá vắng, cũng chẳng sợ lạc đường.

Gần trưa chúng tôi băng ngang một trảng đồi đất cằn. Nhìn bốn phía xung quanh chỉ thấy lúp xúp toàn những bụi sim mua, lau sậy. Chỉ hai bên ven đường đi dọc theo các mé chân đồi là có nhiều hơn một ít bụi bờ xanh tươi. Người dân bảo tại đất ven chân đồi bao giờ cũng có độ ẩm cao hơn ở phía trên, càng lên cao đất càng cằn do thiếu nước. Nghe nói con đường mòn này tới đây là sắp phải băng qua một con suối, nhưng đang giữa mùa khô, không phải lo lũ lụt dâng đầy - chúng tôi lại động viên nhau.

Đúng là càng xuống thấp, lau lách hai bên lối đi càng xanh tốt. Nhiều nơi bụi bờ cao quá đầu người. Hai anh em mỗi người một cái ba lô nhỏ trên vai, chiếc bi đông đựng nước tòn ten bên hông trái, tay cầm cây gậy tre thoăn thoắt bước, cố đến cho bằng được cái bản thưa thớt của bà con người Vân Kiều xin nghỉ lại qua đêm, cố sao cho kịp trước khi trời tối. Khi cảm thấy trong bầu không khí giữa trưa oi nồng dường như bắt đầu loáng thoáng có chút hơi mát, chúng tôi biết đã đến lúc sắp gặp con suối. Đột nhiên bàng hoàng nghe từ phía trước, không xa chỗ hai anh em đang lăm lăm bước, gần lắm, sát ở đâu đây ngay trước mặt có tiếng cọp gầm, đúng là tiếng cọp gầm giữa ban ngày ban mặt!

Kinh hoàng, chúng tôi vừa cùng gào to đuổi con thú vô hình vừa quay lưng chạy ngược trở lại, chạy một mạch mệt đến đứt hơi, cố bươn lên cho kỳ được ngọn đồi. Khi đã lên tới được đỉnh đồi, xung quanh đỉnh chỉ còn lơ thơ mấy bụi sim mua cằn cỗi, hai anh em mới thật yên tâm dừng chân ngồi nghỉ một lát lấy hơi. Mồ hôi tuôn ra ướt đẫm hai bộ áo quần bộ đội chúng tôi vừa được Bộ Chỉ huy Phân khu cấp cho làm kỷ niệm chiến trường, khi hai chàng đến chào tạm biệt lên đường trở ra Bắc.

Tôi nốc cạn bi đông nước vẫn cảm thấy khát cháy cổ. Hai anh em ngồi bên nhau dưới ánh nắng trưa, bốn con mắt cùng ngóng về phía chân đồi, mong sớm gặp được một đoàn người nào đó đi ra hướng Bắc, chúng tôi sẽ ùa xuống xin nhập đoàn cùng đi với họ, càng đông người càng đỡ ngại gặp hổ báo bất thần.

Chờ đợi mãi, cuối cùng rồi cũng nhận ra giữa núi đồi trưa vắng lặng thấp thoáng bóng ba anh dân quân. Một tổ quân du kích thì đúng hơn. Hai anh được trang bị hai khẩu súng trường, một anh vác ngọn giáo, đang rảo bước từ phía Nam ra. Chúng tôi chạy vội xuống đồi. Ba anh du kích trố mắt ngạc nhiên nhìn hai anh chàng bộ đội, đều có mặc quân phục hẳn hoi mà sao cứ hớt ha hớt hãi. Nghe chuyện, anh tổ trưởng nói: “Đúng là hai eeng vừa gặp cọp hay gặp beo rồi đó. Vùng này nghe người dân vẫn nói có mấy con cọp hay con beo, trưa mô cũng lần xuống khe tìm nước uống”.

Thế là ba anh du kích tiếp tục đi trước dẫn đường, hai chàng bộ đội bước sát theo sau. Lội qua khỏi con suối với dòng nước mát rượi, một anh quay lại hỏi: “Vừa rồi hai eeng có chộ (thấy) dấu chân con cọp hay con beo trên cỏ? Con thú hoang này chắc chưa đủ độ lớn cho nên chúng còn sợ người. Các eeng may mắn vừa được trời ban cho phước lành đó”.

Tôi không nhận thấy rõ dấu chân beo hay cọp nhưng rõ ràng có những ngọn cỏ ven bờ suối bị nhàu nát, cách nhau đều đều, rồi lẩn khuất vào đâu đó trong các bụi bờ rậm rịt.

Thời trẻ tôi mấy lần ra Bắc vào Nam dọc theo dãy Trường Sơn mà chưa lần nào gặp cọp Thủy Ba hay hùm Đường 9, tôi cũng chẳng sợ ma hơn là sợ cọp, nhưng lại kinh hoàng khi suýt đụng đầu với báo Thừa Thiên. Ơn trời, chàng trai đã không sớm biến thành ma Trộ Rớ hay nằm lại bên con Đường 9, mà vẫn tồn tại đến hôm nay để trở thành một bác lão thành lọm khọm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hoa của tháng Ba

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Người già bảo cô được mùa sinh vì thuộc mệnh Mộc mà được sinh ra trong mùa Xuân. Đang là những ngày đầu tiên của tháng Ba. Không có bông hoa nào dành tặng cô.

Ý nghĩa đặc biệt của ngày 22/2/2022

Thanh Mai |

Tại nhiều nước, đây còn được xem là "ngày tình yêu". Số lượng các đôi đăng ký kết hôn, nên duyên vợ chồng trong ngày này còn nhiều hơn dịp Valentine.

Thanh âm mùa xuân và năng lượng thành phố trẻ

Lê Đức Dục |

Những lần ngồi uống cà phê ở khu vực các quán xung quanh Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, tôi vẫn thầm ao ước cả quảng trường rộng lớn và thoáng đãng này sẽ trở thành một không gian lan tỏa năng lượng cho đô thị, cho những thị dân mà không phải thành phố nào cũng có được một không gian như thế.

Thương người sợ Tết

Diệu Ái |

Khi người ta bắt đầu sử dụng lịch âm, nhẩm tính ngày tàn tháng tận bằng những thở dài, bạn giật mình ngó quanh, hóa ra ngày càng nhiều người sợ Tết, giống mình vậy.