Đội nón cho cây

Nguyễn Bội Nhiên |

Nắng hè trong bối cảnh El Nino mạnh và kéo dài như làn lửa bao chụp mọi vật. Ngược xuôi bất tận trên đường, người nào cũng kín bưng trong quần áo, mũ nón, găng tay, khẩu trang, kính râm. 

Ảnh: Nông Văn Dân
Ảnh: Nông Văn Dân

Vườn của mạ là những cây mồng tơi, rau dền đỏ, me đất, mã đề trồng trong những chậu hoa chưng ngày tết còn để lại hoặc trong những hõm đất con con sau nhà ở chốn thị thành ngày càng đông, càng chật. Những trưa nắng nóng ba mươi tám, ba mươi chín độ là mạ lấy trang báo cũ gấp thành chiếc phễu giấy to rồi chụp lên những thanh tre ngắn, thanh tre dài cắm giữa mỗi chậu cây. Ngay lập tức, vòng bóng râm nho nhỏ in lên nền đất ngay dưới chậu mồng tơi, chậu diếp cá, chậu rau dền, chậu me đất,… Đứa cháu nhỏ rời trang truyện tranh đang đọc, nhìn ra thấy đôi bàn tay của nội chầm chậm, ân cần che nắng với mấy chậu cây ở ngoài vườn đã reo lên: - A, mệ đội nón cho cây!

 
 Ảnh: Nông Văn Dân 

 Những ngày gió Lào phả hơi nắng nóng bốn mươi, bốn mươi ba độ như hôm nay, mạ lật đật tìm cái mẹt cũ đã lâu không dùng, tấm các-tông lặng yên trong góc bếp, tấm ván mỏng chưa đầy thước bên thùng gạo rồi một mình loay hoay gác lên giàn để tạo bóng im - như cách nói quê kiểng của mạ, giúp cây ở phía dưới không khô cành, cháy lá. “Mạ cứ kệ cây với cối. Cây cối từ khi sinh ra là đã ở giữa đất trời. Cứ ra vô giữa nắng rứa rồi mạ ốm đau thì khổ mạ, khổ cả nhà”, - mấy đứa con luôn bận rộn trong cuộc sống của mình càu nhàu với mạ. Con đi làm, mạ ở nhà cứ lâu lâu ngó ra vườn coi chừng bóng im dành cho cây đã nhích tới đâu để lại kéo tấm ván, cái mẹt qua vị trí mới giữ chỗ mát cho cây. Giữa những khoảng nghỉ trong giờ làm việc, con tìm những vần thơ về mùa hạ trên internet để đọc ngõ hầu mong làm mát tâm trí trong chốc lát, như: “Đó là mùa của những tiếng chim reo / Trời xanh biếc, nắng tràn trên khắp ngả / Đất thành cây, mật trào lên vị quả / Bước chân người bỗng mở những đường đi… Đó là mùa của những ước mơ / Những dục vọng muôn đời không xiết kể / Gió bão hòa, mưa thành sông thành bể / Một thoáng nhìn có thể hóa tình yêu / Đó là mùa của những buổi chiều / Cánh diều giấy nghiêng vòm trời cao vút / Tiếng dế thức suốt đêm dài oi bức / Tiếng cuốc dồn thúc giục nắng đang trưa” (Xuân Quỳnh)… “Mùa hạ, thử hình dung nét phác / một chàng trai ồn ã, thẹn thò/… Gió xát khô những mặt đường rạo rực / Mùa hạ dần dần vẽ đủ chân dung / những tĩnh vật tràn thanh âm và ánh sáng (Nguyễn Đông Nhật). Nghỉ hè ở nhà, bất chợt đứa cháu nhỏ nhận thấy mấy trang báo cũ trên cây trong vườn của nội đang dần dần phai màu dưới nắng thì giống chiếc mũ ca-lô, cái thì giống chiếc nón lá và tấm ván cũ là mái nhà nhỏ che nắng cho cây.

 
Ảnh: Nông Văn Dân 

Sáng nay, bài tập làm văn viết về mùa hè của cháu nhỏ có tựa đề Đội nón cho cây. Bất ngờ, cháu viết đúng nguyên lời nội nói khi con cháu ngăn mình vì thương mà che nắng cho cây: “Cây luôn đứng dưới nắng nhưng lại tỏa bóng mát cho con người và cho con người các thức làm món ăn, nhiều quả ngon trái ngọt. Dù luôn ở ngoài nắng nhưng cây luôn là một phần làm nên và giữ gìn sự sống của con người. Vì rứa mà người thương cây”.

TAGS

Nguyễn Hữu Quý với "Chín cơn mưa và Mẹ "

Ngô Đức Hành |

Đây là tên trường ca mới nhất của anh, xuất bản quý 1/2020. Tên trường ca đã nói đến văn hoá tâm linh của người Việt. Với đàn ông là “3 hồn 7 vía”, với đàn bà là “3 hồn 9 vía” và nó còn có ý nghĩa theo “cửu khiếu” trong văn hoá tín ngưỡng.

Có chồng để làm gì?

Vân Anh |

Nếu cuộc sống của mình không thể tốt đẹp hơn thì lấy chồng làm gì khi những muộn phiền, áp lực cuộc sống chẳng thể được san sẻ mà lại tăng lên?

Đất vàng mật

Lê Như Tâm |

Ai đã đến vùng đất đỏ bazan Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đều cảm nhận được sự màu mỡ, cây cối xanh tươi, địa hình bán sơn địa trải dài tạo cho phong cảnh, thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây dịu ngọt, trong lành.

Vũ Văn Song Toàn : Đoản khúc chiều phù dung

Nguyễn Hằng |

"Đoản khúc chiều phù dung" của nhà văn Vũ Văn Song Toàn như một bức tranh đa sắc màu, được gọt dũa, lồng ghép khéo léo từ 16 mảnh ghép – 16 câu chuyện rất đời. Tác giả như một gã họa sĩ lành nghề, phóng chiếc đũa thần với ngón nghề thông thạo đã khắc họa nên một bức tranh hòa sắc bằng ngôn từ vừa tinh tế, vừa gần gũi, vừa mang triết lý Đạo, vừa ngồn ngộn hơi thở Đời- hơi thở cuộc sống.