Ai đã đến vùng đất đỏ bazan Gio An, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đều cảm nhận được sự màu mỡ, cây cối xanh tươi, địa hình bán sơn địa trải dài tạo cho phong cảnh, thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây dịu ngọt, trong lành.
Nhưng tôi thì thích gọi đất nơi này là “đất vàng mật”, bởi màu đất vàng sâm sẫm, tơi xốp, chỉ cần “dặm” vài cành cây tươi xuống đất thời gian sau là lá, hoa nẩy nở xanh tươi. Về quê Gio An mới thấy được đất, cây tràn ngập sức sống, con người nơi đây vô cùng cùng thân thiện. Tôi yêu vùng đất bán sơn địa nơi này, xa xa xen lẫn triền đồi nhấp nhô là những khoảnh ruộng vuông vức, xanh mướt. Ruộng ở đây không quá to nhưng không nhỏ, ruộng thấp trồng lúa, trồng xa lách xong, ruộng cao trồng ngô, sắn, lạc...Thời gian vừa rồi, người dân đã thử nghiệm trồng thành công cây sâm Bố Chính, vừa mang lại thu nhập cao cho người dân nhưng cũng là điểm đến cho du khách gần xa muốn trải nghiệm tận nơi vườn sâm Bố Chính, lúc về không quên ghi lại vài tấm hình để chia sẽ với bạn bè. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi mà nhiều cánh đồng hoa bát ngát theo mùa đã lưu dấu không ít khách phương xa yêu cảnh vật tìm về miền quê Gio An này.
Về Gio An ai cũng muốn được thưởng thức nguồn nước mát lạnh trong lòng đất chảy ra từ các giếng cổ. Hệ thống giếng cổ Gio An do người Chăm sáng tạo và được người Việt giữ gìn cho đến hôm nay, đi với người bạn quê ở đây tôi cứ băn khoăn về mạch nước ngầm ở dâu mà chảy miết mùa nay qua mùa khác không ngơi nghỉ, đặc biệt nguồn nước luôn trong sạch dù mùa hè nắng khô khốc khắc nghiệt cho đến mùa đông mưa gió dầm dề. Người bạn chỉ về những triền đồi cao thấp mà trên đó người dân đã trồng cây lâu năm, ánh mắt đăm chiêu trả lời: “Cái tuyệt vời là họ tìm được mạch nước ngầm từ trong lòng đất đá rồi họ xếp đá, ngăn dòng, tạo mạng, xây hồ chứa, thoát, dựng mương... để cho giếng cổ này chảy mãi ngàn năm mà người đời trầm ngâm không sao lý giải được công trình độc đáo này”.
Về miền đất vàng mật này, quanh những con mương đá được kéo dài từ giếng cổ ra đến tận chân ruộng là những mảnh ruộng xanh mướt cây rau liệt (xà lách xoong). Có phải do nguồn nước trong sạch từ các giếng cổ cung cấp không mà cây rau liệt ở đây xanh sạch lạ mắt, nhìn thôi cũng đã muốn dùng ngay. Có một điều nữa rau ở đây rất sạch bởi người trồng không bao giờ sử dụng bất kỳ loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào; sạch bởi nó được trồng trên đá, sinh trưởng nhờ nguồn nước ngầm được chắt chiu từ lòng đất đá nơi đây. Rượu ở đây cũng vậy nhờ nguồn nước tốt mà vùng đất Gio An này rượu có chất lượng thơm ngon hơn ở nơi khác, khách xa gần mỗi lần đến đây đều muốn thưởng thức và mang về làm kỷ niệm.
Lúc nhỏ đi học ca từ “Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới/Rừng núi ta ơi! Hãy hát vui chung cùng bản làng/Mừng thắng trận Gio An...” trong tác phẩm nổi tiếng “Tiếng đàn Ta-lư” của nhạc sỹ Huy Thục, lúc nào cũng thôi thúc tôi muốn đến, muốn biết về vùng đất truyền thống lịch sử Gio An. Từ đó tôi thầm nghĩ ở đâu xa, trên mảnh đất quê hương mình biết bao di tích lịch sử, thắng cảnh với những tiềm năng du lịch đang khai mở hứa hẹn hình thành nhiều tour du lịch đầy ý nghĩa, hấp dẫn; mà khởi động tour du lịch về Gio An để được đắm mình trong di tích cổ xưa và cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp như một cách nhắc nhở mọi người “Ôn cố tri tân”.