Mỗi ngày qua về khúc sông quê, tôi lại nhớ cái ý niệm về thời gian - đời người. Sông cũng như đời người, và nước chảy như thời gian. Hẳn vì thế mà nhìn sông thì nhớ lại một chặng đời gắn bó với quê nhà và nhìn nước để biết thời gian đã làm thay đổi mọi thứ trên quê hương. Khúc sông ấy có người gọi là Hiếu Giang, có người gọi là Thạch Hãn, gọi thế nào cũng đúng, bởi cái tính chất hợp lưu của đôi dòng mà kể ra thì đều bắt nguồn từ một cội non Mai. Khúc sông ấy coi của Đông Hà cũng được, của Triệu Phong cũng được, vì nó như địa giới phân định hai bên mà đều là của một miền đất Quảng Trị vậy thôi.
Năm 1989 tỉnh nhà lập lại, ông nội tôi cất mới ngôi nhà để phụng thờ tiên tổ và làm chỗ sinh sống chung cho cả gia đình chín người, ba thế hệ tại xã Triệu Thuận. Ông thuê người vận chuyển gỗ từ Ba Lòng theo đò dọc về tới chỗ đoạn sông này. Những cột gỗ to bằng thân người được thả dọc sông, cột dây néo vào đò chèo suốt cả ngày trời mới về đến. Rồi xi măng mua từ Đông Hà đưa tới bến phải mướn đò ngang chở qua. Nước sông ngấm vào xi măng, dùng xe cải tiến đưa lên tới nơi thì phải đánh ra xây ngay. Vất vả gian nan mới làm nên được một cái nhà rường gỗ, xây trát xung quanh, tạm gọi là kiên cố. Chuyện làm nhà này ông cứ nhắc đi nhắc lại hoài, mỗi lần đưa chúng tôi đi Đông Hà chơi, qua chỗ sông. Nhắc như để nhớ về một thời khó khăn thuở chia tỉnh. Nhắc để chúng tôi trân trọng ngôi nhà chung.
Năm vừa rồi, khi tôi xây nhà riêng, nhìn những chiếc xe chở vật liệu chạy từ Đông Hà về nhanh chóng, ông nói tụi bây giờ sướng hơn nhiều. Sướng quá đi chứ, chỉ mới hai tám năm mà từng ấy quãng đường bỗng trở nên… ngắn lại. Quả đúng như thuyết tương đối vật lý, vận tốc càng tăng thì thời gian co lại! Hai mươi tám năm, con người nơi đây hẳn đã chạy một tốc độ khủng khiếp, để vượt qua được những di tàn chiến tranh sót lại và chạm chân lên nền văn minh công nghiệp. Phải chăng là truyền thống di cư của con dân thuở trước lưu lại, từ thuở tiền nhân mở mang bờ cõi buộc tính cách con người phải biết bước đi thật nhanh, phải biết vượt qua truông bầu rú rậm khai khoang mở xóm lập làng. Nhận diện sự thay đổi từng ngày rất khó, thậm chí không tìm ra được sự đổi thay sau một tháng hay một năm, chỉ đến khi nhìn lại cả một quãng gần ba chục năm mới thấy được sự vượt lên nhanh chóng của quê nhà.
Và cũng chỉ mới đây thôi, đầu những năm 2000, khi chiếc cầu phao đầu tiên bắc qua đoạn sông chỗ xã Triệu Thuận, người quê tôi còn nói vui đi trên cầu phao sướng như đi trên mây. Bồng bềnh. Đi được trên mặt nước, như ảo thuật. Thế mà mười năm sau, cầu Đại Lộc lao dầm bê tông chắc chắn nối đôi bờ. Từ đây mọi phương tiện đều qua về được. Xã thuần nông quê tôi tiếp cận thành phố chưa đầy năm phút. Người ta lại nói vui giờ không phải đi trên mây nữa mà là đi trên trời, vì cầu cao kỳ vĩ, đứng giữa cầu nhìn bao quát gần hết xã nhà và thấy cả một vùng lớn thành phố. Rõ ràng thời gian đã nâng tầm nhìn và nâng cả kiến trúc thượng tầng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Con đường nối từ Quốc lộ về tới cầu Đại Lộc đã hoàn thành - đường Thuận Châu, cái tên gắn liền với lịch sử vùng đất cổ. Một cách đặt tên đầy trân trọng lịch sử mở mang bờ cõi của tiền nhân. Một cái tên hay và duy nhất có ở đây, chạy về sông này.
Và không có một phác đồ kiến trúc nào hiện thực hơn ý chí của con người. Chính con người nơi đây đã góp tay kiến tạo nên một không gian sống. Từ dòng sông, khát vọng đưa quê hương vươn ra biển lớn như những cánh buồm trong ý tưởng xây dựng chợ Đông Hà. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ chợ Đông Hà những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước với những mái tôn xập xệ, mùa mưa đi giữa những quầy hàng sục bùn nhão nhoẹt. Năm 1994 chợ mới hoàn thành, chợ Đông Hà lúc đó được đánh giá là ngôi chợ hoành tráng nhất miền Trung. Những cánh buồm trắng vụt lên bên dòng sông, trở thành biểu tượng thương mại của tỉnh. Có lẽ đây là công trình đánh dấu bước chuyển mình thật sự của buổi tái lập tỉnh. Đối diện chợ, chỗ công viên bây giờ, là những quầy hàng điện tử chuyên bán tivi, cát sét cũ nhập từ nước ngoài về với cái mác rất oai là hàng nội địa (mà thực chất là hàng “hết đát” người ta thải loại). Dẫu là cái thứ đồ cũ ấy nhưng quê tôi không mấy người có, muốn mua phải tích cóp vài vụ lúa. Chỉ mới hai chục năm thôi giờ chẳng ai còn dùng những thứ ấy nữa. Thế giới có tivi màn hình phẳng, điện thoại thông minh thì ở đây cũng đã đầy rẫy, gần như phổ cập. Ngần ấy thời gian một đứa trẻ sinh ra và bước đầu chập chững trưởng thành, còn quê tôi từ chỗ xơ xác đã tiếp nhận văn minh thế giới một cách đĩnh đạc. Như vậy là nhanh.
Ngày xưa, thiền sư Chí Khả từ phương bắc vào nước Việt đã dừng chân trên chặng sông này, nhìn cảnh quan đôi bờ mà nghĩ chỗ này phát đạo phóng quang. Người tu sĩ đã chọn một chỗ đất bên dòng sông dựng nên am thờ Phật, khai sơn gầy dựng nền Phật giáo và một đời sống từ bi bác ái cho mảnh đất Quảng Trị bây giờ. Chỗ ấy được vua ban sắc tứ và đổi tên thành Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, tục gọi chùa Ái Tử. Cũng đoạn sông ấy thôi mà thế kỷ hai mươi có biết bao người trai chứng kiến cảnh quê hương lầm than, quyết tâm lên đường làm cách mạng, có thể kể đến đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Trần Hữu Dực. Hẳn là sông phải có cơ duyên mới mời gọi được người hiền lương và bồi đắp nên người tài đức cho quê hương Đất nước. Kính thay những cánh hạc non Mai còn lưu dấu nơi dòng sông này.
Theo sông đi lên chặng Ái Tử, cũng cái thời mới lập lại tỉnh chưa có cầu An Mô. Người quê tôi muốn qua trung tâm huyện lỵ phải đi đò ngang chỗ bến chợ Hôm. Hoặc ai có xe đạp (mà rất hiếm) thì lên thị xã Quảng Trị vòng qua cầu Ga. Cầu Ga lúc ấy là cầu chung của tàu hỏa và các phương tiện. Đèo nhau xe đạp qua cầu nhằm lúc tàu chạy không run sợ cũng phải rung toàn thân. Bây giờ thì đường hoàng thêm mấy cây cầu kiên cố. Cầu An Mô đã xây lại lần hai sắp lưu thông. Và chỗ gần bến thả hoa chuẩn bị lao dầm cầu Thành Cổ. Cùng với các cây cầu kiên cố là những con đường thông xe hai đầu, và một chặng đường tránh Quốc lộ về phía đông thành phố Đông Hà dài 22km sắp triển khai hứa hẹn sự đô hội trên quê hương. Giá trị và vai trò của con sông quê cũng sẽ được nâng lên khi đoạn đường tránh Quốc lộ này hoàn thành.
Tôi nghĩ về một dự cảm tươi sáng, hay là những phác họa cho dòng sông này trong tương lai gần. Trước hết sẽ là một hệ thống kè bê tông kiên cố bờ sông chống sạt lở, làm trong hóa dòng nước. Những cột đèn đêm đêm thả ánh sáng xuống dòng sông và hắt bừng lên một vùng đô thị trẻ trung. Những khách sạn, khu nghỉ dưỡng giải trí mọc lên bên bờ phía tả ngạn. Phía hữu ngạn giữ nguyên phong cảnh nông thôn làng mạc Triệu Phong. Từ đây một tuyến du lịch chặt chẽ, ngắn gọn mà đầy chiều sâu như: thăm Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, rồi lên thăm Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, viếng Thành Cổ, hay ghé các địa chỉ văn hóa như chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, chợ Đình làng Bích La… Và du khách cũng không cần phải băn khoăn về phương tiện hay thời gian đi lại, chỉ cần dùng xe đạp men dọc con đường kè bờ sông và băng qua những cánh đồng xanh ngát Triệu Phong. Một kiểu du lịch tự nhiên, tự khám phá. Chỉ cần qua một nhịp cầu, bên này là thành phố đô hội, bên kia đã là vùng quê thanh bình yên ả.
Không hề khó khăn và không chút viễn vông với phác họa đó. Nhìn về Đà Nẵng thôi, chỉ mới trên mười năm, sông Hàn từ chỗ đơn sơ đã hiện thực thành một dòng sông nội thị tuyệt đẹp, gánh hai bên dòng chảy những kiến trúc cảnh quan đầy mỹ cảm thu hút du khách. Chúng ta đang có một khúc sông tương tự sông Hàn. Và việc mở rộng quy hoạch kiến trúc về phía Đông của các dòng sông là điều thành công mà nhiều nơi đã thực hiện.
Tôi nhớ đất nước Belarus nơi từng sống ba năm, đoạn sông Svislach chảy qua thủ đô Minsk có chiều ngang rất hẹp, hẹp đến mức đứng bên này bờ ném hòn sỏi qua tới bờ bên kia. Thế nhưng hai bờ sông được bê tông hóa kiên cố với hai con đường thoáng đẹp. Ý tưởng ban đầu của chính quyền Tổng thống Lukashenko là làm kè để giữ dòng chảy của sông khỏi bị lấp mất mà thôi (vì hẹp quá), ngờ đâu chính bờ kè lại tạo nên một dòng lưu thủy đẹp. Chỉ cần tản bộ trên con đường bờ sông là có thể nhìn ngắm thủ đô Minsk với nhiều góc độ khác nhau. Ông Lukashenko giờ vẫn tại vị, nghĩa là quá trình quy hoạch sông Svislach chỉ trong một thời gian rất ngắn đã nên hồn nên cốt.
Quê tôi đang có một khúc sông mà những giá trị tự nhiên còn được bảo lưu, không bị lấn chiếm và chưa bị pha tạp hóa. Thế nên việc đặt tay vào làm quy hoạch thuận tiện hơn. Nhìn xa hơn một chút, Hàn Quốc chẳng hạn, sông Thanh Khê Xuyên (Cheonggyecheon) chảy qua trung tâm thành phố Seoul từng bị ô nhiễm nặng và bị lấp làm đường, trên đó lại chồng thêm một tầng đường cao tốc. Chỉ trong vòng hai năm, từ 2003 đến 2005, chính quyền thành phố Seoul đã phá hai tầng đường, đào nạo, bơm nước khôi phục lại dòng sông và tạo cảnh quan xanh hai bên bờ. Dự án “tái sinh” Thanh Khê Xuyên là niềm cảm hứng phục sinh những giá trị tự nhiên cho nhiều nơi trên thế giới.
Nói xa nói gần để thấy những dự cảm về dòng sông quê nhà là có cơ sở. Vì chỉ mới chưa đầy ba mươi năm lập lại tỉnh, cả một vùng đất quê nhà đã thay đổi nhanh chóng, thì huống hồ một khúc sông. Có thể mơ tưởng đến một ngày gần đây hiện hữu một đô thị ánh sáng bên tả ngạn sông, còn bên hữu ngạn là một miền quê đậm chất làng Việt, cả đôi bờ ấy gắn liền với những hoạt động kinh tế, văn hóa, giải trí hấp dẫn.
Và đến lúc ấy, dưới sông nước chảy trên bờ người đi, như một nỗ lực vượt thời gian cải biến tự nhiên. Xưa đã vậy, mai cũng vậy.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)