Kẹo ú, mang cả tuổi thơ trở lại

Nguyễn Văn Nhật Thành |

Kẹo ú có nơi gọi là kẹo củi, kẹo bột, kẹo mật. Chẳng biết nguồn gốc từ đâu và có từ khi nào nhưng người ta chỉ nhớ rằng, kẹo ú là món ăn vặt gắn liền với ký ức tuổi thơ biết bao người từ những ngày khó khăn lam lũ. Ở quê tôi vẫn thường gọi là kẹo xóc, thức quà tuổi thơ nay chỉ còn trong ký ức.

Tôi nhớ như in, ngày ấy khi bóng chiều sập xuống trước hiên nhà, tôi thường chạy ra đầu ngõ đứng trông ngóng đợi mẹ về. Cảm giác háo hức, hạnh phúc tột độ ùa đến sau những giây phút chờ đợi. Xa xa dáng mẹ liêu xiêu với gánh hàng rong đổ dài trên đường dưới vệt nắng vàng yếu ớt còn sót lại, những bước chân mệt mỏi của mẹ lê dần về phía tôi sau một ngày buôn thúng bán bưng vất vả. Thế nhưng dưới mớ khoai, củ sắn, quang gánh của mẹ bao giờ cũng có một gói lá chuối, bọc trong đó là mấy viên kẹo ú màu vàng nâu thẫm phơn phớt lớp bột trắng mịn dành cho tôi, nó là một món quà tôi trông đợi nhất mỗi khi mẹ đi chợ về.

Kẹo ú được làm từ đường mật mía nấu sôi, sau đó thắng cho keo lại rồi để nguội thành khối. Sau khi nguội, người bán bắt đầu cầm khối đường quất nhiều lần vào một cây cột gỗ lớn để tạo ra khối kẹo màu vàng nâu dẻo quánh. Khối kẹo sẽ được kéo dài và dùng kéo cắt thành từng cục nhỏ chừng một đốt ngón tay. Việc lăn trong bột sắn là một công đoạn không thể thiếu trong quá trình làm kẹo ú, vì ngoài tác dụng chống dính nó còn là lớp áo bên ngoài bảo vệ cây kẹo không chảy nước khi tiếp xúc với không khí. Có lẽ viên kẹo cắt ra bằng ngón chân cái người lớn, ba đầu nhọn có hình như chiếc bánh ú nên người ta gọi là kẹo ú - cái tên chất phác, quê mùa nhưng cũng đầy yêu thương. Vài ba công đoạn, thế nhưng mỗi công đoạn đều cần rất nhiều sức và sự khéo léo. Kẹo ú khi ăn thường cầm cắn từng miếng hoặc bỏ hết vào miệng để tan chảy từ từ, nghe thấm tận đầu lưỡi mùi vị ngọt đường mật mía không gắt mà trái lại còn rất béo. Hương cay nồng của gừng giúp kích thích vị giác khiến bạn ăn một lần là nhớ mãi. Đơn giản vậy mà ngon đến lạ lùng. Khi ăn kẹo ú, bột áo ngoài kẹo bay tung tóe trắng xóa, hoặc dính tèm lem ngoài miệng trông rất ngộ nghĩnh, buồn cười.

Kẹo ú, món ăn gắn với ký ức tuổi thơ của bao người.
Kẹo ú, món ăn gắn với ký ức tuổi thơ của bao người.


Kẹo ú gắn liền với những kỷ niệm thời thơ ấu trong veo, nhắc hoài không chán. Những viên kẹo thường xuất hiện trong các phiên chợ quê hay các tiệm tạp hóa nhỏ. Kẹo ú là biểu tượng của ngọt ngào, hạnh phúc và may mắn. Ngày trước, mẹ kể vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước vào dịp Tết Nguyên đán, người ta thường mua kẹo ú để đặt trên bàn thờ tổ tiên hoặc làm quà biếu tặng người thân, bạn bè. Kẹo ú thường hiện diện vào những ngày lễ lớn như: Tết Trung thu hay lễ Vu Lan được xem như niềm vui và sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Đâu đó vẫn thấy món kẹo dân dã này ở các chợ phiên, trò chơi dân gian hay các chương trình ẩm thực đường phố mang lại hương vị tuổi thơ cho nhiều người dân thành thị. Đất nước mở cửa, bánh kẹo nhập khẩu ê hề. Trẻ con thời nay có quá nhiều loại bánh kẹo ngon để thưởng thức nên có thể chúng cũng chẳng biết kẹo ú là gì và dần dần kẹo ú đi vào quên lãng. Đâu biết rằng, món kẹo ú dân dã rẻ tiền đó lại là món ăn khoái khẩu, là hương vị của cả quãng trời tuổi thơ, nó như một trong những vị ngọt ký ức tuyệt vời nhất. Khi khốn khó nhất lại đau đáu nhớ về kẹo ú của thuở hàn vi.

Giữa dòng người đông đúc, giữa những lo toan chật vật của bộn bề cuộc sống, lâu lắm rồi, những viên kẹo ú dính đầy bột trắng xóa dần thưa người bán. Mùi vị ngày xưa gợi tôi nhớ da diết là mùi ngọt của kẹo ú pha lẫn mùi mồ hôi mặn nồng trên vai áo của mẹ tôi. Và tôi thấy chính mình trong đó, ngây ngô, trong trẻo. Suốt cả cuộc đời này, thứ vô giá không thể tìm được ở bất cứ nơi đâu khác chính là tình yêu thương của mẹ được bao bọc trong những thức quà vặt nho nhỏ, giản đơn ấy.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Ký ức ngày Hòa bình

Nguyễn Xuân Sang |

Ngày 28.4.1972 Đông Hà được giải phóng, mở đường cho quân và dân trong toàn tỉnh thừa thắng xông lên tiêu diệt địch. Ngày 01.5.1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Sau đó quân giải phóng tiến quân như vũ bão giải phóng lần lượt các tỉnh thành phía Nam. Ngày 30.4.1975 , chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, miền Nam và cả nước ngập tràn sắc đỏ cờ, hoa mừng ngày hội lớn, ngày hội đại thắng của toàn dân tộc Việt Nam.

Nhắc đến chiến tranh là để giữ lấy hòa bình

Phạm Xuân Hùng |

Không phải ngẫu nhiên mà phim về đề tài chiến tranh vẫn được nhiều người hâm mộ. Riêng Oscar lần thứ 96 năm 2024 danh giá ở Mỹ đã dành ngôi vị  Phim xuất sắc nhất cho phim Oppenheimer nói về cuộc đời của cha đẻ bom nguyên tử và nỗi kinh hoàng của nước Nhật phải nếm trải, cũng như nhân loại từ đó về sau phải đối mặt với lo âu. Kế đó là phim Zone of Interrest (Vùng quan tâm) đoạt giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất cũng có đề tài chiến tranh, nội dung nói về cuộc chiến bài Do Thái của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới II.

Có một dòng Thạch Hãn “chảy” trên Cửu đỉnh

An Khuê |

Sông Thạch Hãn (hay còn gọi là sông Ba Lòng, sông Quảng Trị) là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Đây là con sông gắn liền với lịch sử tỉnh Quảng Trị. Tại vùng hạ nguồn, sông Thạch Hãn nối với sông Bến Hải qua sông Cánh Hòm, và nối với sông Ô Lâu qua sông Vĩnh Định. Bên cạnh lịch sử hào hùng, sông Thạch Hãn còn được nhiều người dân trên cả nước biết đến qua việc được chọn để khắc trên Cửu đình triều Nguyễn.

Nhà báo Đặng Minh Phương và chuyện chiếc võng dù bị pháo bắn

Mai Chí Vũ |

Năm 1966, nhà báo Đặng Minh Phương đang công tác tại Báo Nhân Dân, nhưng với niềm đam mê nghề báo, khát khao được vào chiến trường ông đã viết đơn xung phong vào Mặt trận Khu V, thực hiện nhiệm vụ tại tòa soạn Báo Cờ Giải phóng, cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ.