Nắng Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Sáng nay một ông anh dưới xuôi nhắn: Lao Bảo nắng không để lên chơi? Câu trả lời rằng Lao Bảo mùa đông là nơi… thừa nắng.

Bây giờ ở dưới xuôi mưa phùn gió bấc. Cứ ra khỏi nhà là vẫy taxi thay vì quàng chiếc áo mưa ướt át. Cũng chẳng nói đâu xa, chỉ cần về hướng phía đông, qua khỏi dốc Làng Vây sẽ gặp mưa lún phún. Chỉ cách nhau một bước chân mà hai vùng trời khác biệt.

Con đường hoa dã quỳ ở Hướng Phùng thu hút khách bởi nắng ấm áp trong những ngày đông. Ảnh: Phan Khang
Con đường hoa dã quỳ ở Hướng Phùng thu hút khách bởi nắng ấm áp trong những ngày đông. Ảnh: Phan Khang

Ngay dưới chân phía tây dốc Làng Vây, chỉ cách Lao Bảo chừng 8 cây số. Nếu trên hành trình xuyên Á, ta sẽ dễ dàng để ý nơi này là địa điểm “cởi áo mưa” của khách đường xa tới. Bởi chỉ cần bước qua con dốc, cái áo mưa và bộ áo quần chống rét trở nên dư thừa. Và, nếu ai cố chạy gắng thêm một đoạn nữa với bộ áo mưa trên người, sẽ tự thấy mình lạc lõng giữa cái nắng ấm và những con mắt nhìn ngạc nhiên.

Đã không ít lần mình nghe thiên hạ bàn, vì sao không đưa nắng Lao Bảo thành một “đặc sản” của du lịch như mưa Huế chẳng hạn. Có phải hàng triệu năm trước, trong sự giao hoan, cha trời mẹ đất đã tạo ra những “đứa con” mà mỗi người mỗi nết. Và Lao Bảo trở thành đứa khác biệt trong hằng hà sa số ấy.

Số lượng hoa giấy được trồng trên các tuyến đường ở thị trấn Lao Bảo giảm dần do bị nhổ trộm - Ảnh: Q.Đ
Hoa giấy được trồng trên các tuyến đường ở thị trấn Lao Bảo - Ảnh: Q.Đ

Chuyện kể rằng, trong những ngày mùa đông lạnh cắt da thịt. Khi dưới xuôi và các vùng lân cận cả tháng không thấy mặt trời. Áo quần phơi không khô, dậy lên mùi ẩm mốc khó chịu. Và rồi người ta gói ghém chúng lại để gửi lên Lao Bảo nhờ bạn bè người thân phơi cho khô khén. Cứ đến độ mùa đông, hàng trăm tấn cá nục, cá trích, cá cơm từ dưới miệt Cửa Việt, Cửa Tùng lên xứ này “ăn nắng” để xuất khẩu. Cá được phơi đủ nắng rồi trở ngược về xuôi, theo xe tàu toả đi mọi nơi. Cái sự thiên di ấy của các loài cả biển đi tìm nắng, đã cho thấy Lao Bảo với thương hiệu nắng đã có sức hút kỳ lạ.

Từ sức hút ấy, sao không biến nơi này thành một điểm đến của mùa đông thay vì “khép cửa ngủ đông” như một số nơi khi thời tiết không thuận lợi? Huyện Hướng Hoá với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau có thể đáp ứng đủ cho những khách hàng khó tính. Mùa hè khách có thể nghỉ ngơi và vui thú ở Khe Sanh, Hướng Phùng, những nơi khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Nhưng vào mùa đông, có thể xê dịch thêm 20 cây cố từ Khe Sanh lên Lao Bảo (hoặc từ Hướng Phùng ra Lao Bảo theo đường quốc phòng) để đón nhận sự ấm áp và khô hanh. Ngành du lịch có khi ăn nên làm ra nếu tận dụng được lợi thế khí hậu này.

Nắng Lao Bảo còn có sức hút khác, mà ngành năng lượng tái tạo là một ví dụ điển hình. Chưa bao giờ người ta quan tâm tới nắng như thời gian gần đây. Hàng trăm dự án điện mặt trời áp mái đã được khởi động trên xứ sở của nắng. Nhà nhà quan tâm, doanh nghiệp lớn nhỏ quan tâm, họ đã “vung” tiền tỷ để ngồi hóng nắng mà thu tiền.  

Mùa đót ở Lao Bảo. Ảnh: Hồ Hiền
Mùa đót ở Lao Bảo. Ảnh: Hồ Hiền

Bây giờ mùa đông. Những con đường ngập tràn cây đót. Đót ở các vùng khác cũng đổ về đây “ăn nắng” rồi theo xe đi Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Những con đường ngập tràn nắng khiến hoa giấy, loài hoa đại diện cho xứ Lao Bảo- bung nở hết mình. Những cánh hoa đủ nắng nên rực rỡ và lâu tàn khiến những ai mê loài hoa này khi đến đây đều trầm trồ khen ngợi. Những gã lái xe container xuất phát từ Đà Nẵng, bờ đông Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC), trên hành trình hàng trăm cây số với mùa phùn lạnh buốt đã có phút nghỉ ngơi bên ly cà phê phố núi. Họ thưởng thức cái nắng ấm giữa hiu hiu gió đông. Chỉ chừng đó thôi họ cũng nhận ra sự khác biệt “trời phú” cho vùng đất địa đầu này.

Và nay mai, trên hành trình EWEC gần 1.500 cây số từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, biết đâu chút nắng ấy cũng làm du khách lưu luyến và nhớ Lao Bảo.

Nhưng làm gì để lấy được sự lưu luyến ấy của lữ khách? Đó là một câu chuyện dài mà ngành du lịch và mỗi công dân yêu quê hương xứ sở phải trăn trở.

TAGS

Sắc hoa giấy mang xuân về thị trấn vùng biên Lao Bảo

Hồng Tươi |

Đến với thị trấn vùng biên Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) những ngày đầu xuân mới nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng trước sắc màu rực rỡ của các loài hoa giấy. 

Chiêm ngưỡng con đường hoa chuông vàng nở rộ ở Lao Bảo

Thiên Sơn |

Những ngày này, trên đường Nguyễn Huệ tại thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) hoa chuông vàng đang rở rộ. Với màu vàng rực, hoa chuông vàng đã “hút hồn” nhiều người qua lại con đường này.

Nắng vàng mùa lúa rẫy

Minh Hà |

Lúc tôi hỏi, đồng bào dân tộc Pa Cô sống ở xã A Bung (huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị) về nguồn gốc lúa rẫy mọi người đều mĩm cười. “Đi tìm nguồn gốc của lúa rẫy ở nơi đây cũng như đi tìm cội nguồn của cây dâu da giữa Trường Sơn, khó lắm".

Nắng xuân ấm khắp bản làng

Nguyễn Thành Phú |

Ở miền núi huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có một bản nhỏ nằm nép mình khiêm tốn dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vỹ, 28 nóc nhà sàn là chỗ sinh sống của người dân tộc thiểu số Vân Kiều, đó là bản Tà Păng.