Ở đất gió Lào cát trắng Quảng Trị, nếu vùng đồng bằng, rau xà lách xoong Hảo Sơn được xem là “vua rau” thì ở vùng cao, miền núi món rau dớn cũng ngon và nổi tiếng không kém.
Rau dớn (đồng bào vùng cao huyện Hướng Hóa gọi là rau rớng) là rau của nhà nghèo. Bởi đây là món ăn rất dễ kiếm, lại chế biến đơn giản chẳng cần nấu kèm những thứ cao lương mỹ vị vẫn làm ra được món ngon, lại bổ dưỡng. Rau dớn thuộc họ quyết, nhỏ hơn cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ xòe ra xung quanh. Những cành lá già gần gốc có màu đen giống cơm cháy, những cành lá non mọc lên từ giữa gốc tạo thành hai, ba cái cần, có cái dài tới nửa mét, đầu cong như móc câu. Cứ đến đầu mùa xuân, những A chói của đồng bào Vân Kiều cõng đầy rau dớn xuống núi đi về hướng các chợ bán. Ban đầu người đồng bằng lên sống ở vùng cao không quen ăn rau dớn, bởi cái chất nhầy nhầy như keo của rau mỗi khi nhai. Nhưng ăn đôi ba lần đâm ghiền. Thế hệ mạ mình, những người xây dựng kinh tế mới ở vùng cao Lao Bảo hầu như “hàm ơn” thứ rau này. Những năm đói kém, nắng hạn, rau khoai lên không nổi thì rau dớn là món ăn “chủ lực” để qua ngày đoạn tháng. Chỉ cần xuống khe, suối sau lưng nhà đi dọc một đoạn, xăm xăm hái một lúc đã có một đỉa rau ngon lành. Những lúc đói kém như thế, “cái ăn” tưởng chừng như rất dễ, chỉ cần “với” tay qua cửa sổ có thể hái được rau! Nhưng giờ thì khác, rau dớn phải đi sâu vào suối, ở dưới những tán cây rừng mát mẻ thì mới có.
Rau dớn chế biến được nhiều món: xào, luộc hay làm nộm… Nhưng phổ biến nhất vẫn làm món rau dớn xào tỏi và dớn luộc chấm nước kho cà ngừ. Rau dớn, chọn phần mềm tươi non, rửa sạch bùn đất, bụi bám, sau đó trụng sơ qua nước sôi và vớt ra để ráo, giã dập củ tỏi, phi thơm rồi cho rau dớn vào đảo đều năm phút và bắc xuống nêm đường, bột ngọt, tương ớt, hạt tiêu… là có một món ngon.
Mạ thường bảo, đây là loài rau độc đáo. Bởi chẳng ai đi trồng và chăm bón nó. Nó chỉ mọc ở đất ẩm ướt, mát mẻ dưới những khu rừng dọc khe, suối. Do “xuất thân” từ môi trường đó, rau dớn được xem là loài rau sạch hội đủ các tiêu chuẩn về “không”: không thuốc trừ sâu, không phân bón, không chất kích thích… Bởi thế, từ cái “lý lịch” ấy, rau dớn ngày nay không còn là món ăn của “nhà nghèo”. Chúng đã len lỏi vào các nhà hàng và nghiễm nhiên trở thành món đặc sản.
Những năm học xa, mỗi lần về nhà là đòi mạ cho được một đĩa rau dớn xào tỏi trong mỗi bữa ăn. Ăn rau dớn mà suy nghĩ về thế sự thì chẳng gì bằng. Bởi lẽ trong cái đĩa rau nhỏ bé, xanh non ấy, mỗi chúng ta luôn “bằng lòng” với những biến thiên của thời cuộc. Biết chấp nhận sự thăng trầm, bể dâu để rồi an nhiên tự tại! Bởi rau dớn thuộc họ quyết, tổ tiên của loài rau này hàng trăm triệu năm trước là những cây gỗ lớn, cao vài chục mét. Sau quá trình tiến hóa, loài rau này chỉ khiêm tốn sống dưới những tán cây nằm dọc khe suối. Và di chỉ của tổ tiên rau dớn còn lại ngày nay là những mỏ than mà người ta gọi là vàng đen!
Rau dớn được người đồng bào thiểu số tôn vinh là “vua” của các loài rau là thế. Trong những tác phẩm điêu khắc của người Cơ Tu, Ba Na hay J’Lai, hình ảnh ngọn rau dớn có hình thù như chiếc vòi voi vẫn hiện diện. Đó là hình rau dớn trên chóp mái nhà rông hay các phù điêu trang trí ở nhà mồ mồ và nhà ở.