Yên Mã Sơn – Ý thức điên

Hoàng Hải Lâm |

Nhặt năm, ba bài, trong gần 70 bài thơ của Yên Mã Sơn. Đọc đi đọc lại vài chục lần. Và nghĩ, khi các nhà thơ ở tỉnh đã thôi làm thơ, hoặc làm không được thơ thì Yên Mã Sơn chấp bút viết thơ.

Yên Mã Sơn viết cả trăm bài, mà bài nào đọc cũng phải nghĩ, đọc phải chậm lại. Rồi mơ màng, cái kiểu như người ta nói “cô gái kia đẹp không tưởng nỗi” thì ta cũng cố mà tưởng ra, một cô gái đẹp trong trí óc của mình. Thơ của gã này cũng thế, hay, ngọt và mộng mơ. Cái này để nói sau. Ta cứ đi từ niềm đau trước, để kết thúc là liều thuốc cho con tim hạnh phúc, mặc dù đó là hạnh phúc trong thơ ca, tình yêu trong những trang viết, có thể chỉ là khát khao.

 

Niềm đau trong thơ Yên Mã Sơn không phải thường tình, nó đã hóa đá. Có cả mấy chục bài thơ đau mà nỗi đau nào cũng “cầm” được. Lẽ người đọc phải nghĩ, có phải đây là nỗi đau mà tác giả muốn “trao tay”. Có thể cho người thơ, cũng có thể cho người đọc thơ, chuyền cho nhau, ngẫm sự đau ở đời, để thấy trong tình yêu có vô số niềm đau, lớn nhỏ gì cũng có. Nó nằm ở lại, ở những câu thơ.

“Chùa chiều

Lời kinh đã hóa thạch

Đài cao đổ bóng xuống trăm năm

Những bậc thềm rêu

Sân si đôi lần trượt ngã”

                      (Cây sala trổ hết hoa)

Tôi cho rằng, Yên Mã Sơn đã trao người một điều: khi tu nên xét lại! Đến chùa coi trượt chân. Có bằng chứng hẳn hoi, khi tới cửa chùa đã nghe đau. Phải chăng, như người ta dòm ngó, về một món ngon nên “hù” người kia cảnh giới, để người trở về, hoặc không đến nơi kia. Nhà thơ viết như thế này, trong bài “Cây sala trổ hết hoa”.

“Cây sala trổ hết hoa

Đỏ sân chùa

Ta thấy em trong trầm tích của luân hồi

Giữa bộn bề khát cháy

Giữa cơn đau ngoài cánh cửa tam quan”

Chẳng biết em có đau không, nhưng ta thấy đau. Người đời thường như thế, huống chi nhà thơ. Nhìn đâu cũng thấy xốn xang, chưa kể một nửa lãng du giữa trời đất còn nửa kia ở gốc sala. Chưa kể đến lúc nhìn nhưng không thấy, biệt tăm kể cả những hoài niệm. Lúc này, nhà thơ mới là người chịu sự tra tấn của cõi trần gian.

“Chiều dài lắm và mây trời xa lắm

Cánh chim say bay mãi bỏ quên ngày

Đường phố chiều loài người muôn thế kỷ

Ôi dỗi hờn, ôi cơm áo qua tay…

Chiều khép rồi trời sót lại vầng trăng

Nơi thinh không tiếng chuông đỗ thức đời

Người Bồ Tát, ta Bồ Tát ai cũng Bồ Tát

Áo nâu sòng không đủ mặc em ơi!”

(Vô Định)

 

Đâu phải khao khát áo cơm. Mà chính sự dửng dưng của một ai khiến người làm thơ trổ chứng. Cái sự lơ đãng (cánh chim say bay mãi bỏ quên ngày) kéo theo thời gian (đường phố chiều loài người muôn thế kỷ) và hệ quả là sự đói rét (áo nâu sòng không đủ mặc em ơi!) về tình yêu. Dù sao đọc những câu này vẫn thấy vui, bởi trong cái “dung dăng dung dẻ” của tình cảm, nhà thơ "đỗ lì" như một đứa trẻ, ăn vạ với nhân gian. Kiểu như, anh bảo rồi mà em không nghe, giờ ra nông nỗi này ai mà chịu được. Thử nghe, mấy câu này trong “Ngàn xưa”.

“Giờ em về mô trong đau thương?

Ôm tình yêu nửa mùa cháy bổng

Có thể lắm

Nơi em đến cũng có mái nhà gió lộng

Sau cánh cửa

                      tâm hồn

                                        còn đau”.

Ta thử trở ngược về với cảm thức, của “Ngàn xưa”, mà trong đây, nhà thơ Yên Mã Sơn xem như tươi mới.

“Mới ngày nào thôi

Em đi về phía anh với nụ cười hai mươi tuổi

Tình yêu nhiều nông nổi

Hạnh phúc từ cay đắng của ngày xanh

Mới ngày nào thôi

Em mơ một mái nhà rủ mình sau cánh cổng

Cửa sổ chiều gió lộng

Em tựa cuộc đời vào lưng anh chải tóc

Cuộc đời hai ta trần tục

Những ước mơ không thể hóa đời thường...”

Đọc nốt những câu, trong “Từng khúc”

“Mưa như chặt nỗi buồn ra từng khúc

Từng khúc im lặng, từng khúc im lặng

Em điềm nhiên trú mưa

Chợ đông, từng khúc âm vang

Ngày mới lớn

Ngực bình minh

Bao lần phơi niềm vui giữa sân đình bằng cách đợi chờ một cơn mưa

Từng khúc, từng khúc im lặng

Mà lòng từng khúc âm vang

Ngày yêu

Em ước có thể chặt thời gian ra từng khúc

Nỗi buồn huyền hoặc

Nỗi buồn cỏ lá

Xanh ngắt thảo nguyên”

Thơ Yên Mã Sơn, nó như cuốn gia phả tình yêu, đám đàn bà trong đó cứ chen chúc nhau, chẳng biết ai là vợ cả. Có lẽ, trở lại câu “người Bồ Tát, ta Bồ Tát ai cũng Bồ Tát” để nhại lại một chút, rằng ai nhà thơ cũng yêu thì dễ bề sinh chuyện. Mà lúc này, chuyện nó không xuất phát từ phía nhà thơ, anh là người bị… muôn người giằng xé.

“Từ đỉnh đầu dội một cơn đau

Biết xa khơi biển động

Gió trở trời

Chiếc lá nghiêng con sâu rọi ánh nhìn

Phía chân mây

Vực ngày vời vợi

Phía chân mây vực môi

Ngả rơi

Những nụ hôn chới với”

(Vực môi)

Như con ngựa hoang đi giữa sơn nguyên, lúc khát tình gọi bạn. Thơ Yên Mã Sơn là tiếng lòng. Nói như dân Trị - Thiên “nghe thổn thức trong lòng như răng thì viết rứa”. Nên, đừng cố mày mò, tìm chút nghệ thuật hay đỉnh cao thơ ca. Chỉ là, đọc thấy hay, thấy suối nguồn trong veo yêu thương giữa đùng đục những niềm đau.
 

Có thể đó là gia sản của nhà thơ, khi khối thứ xung quanh chi phối, tìm được rồi mất đi, có được rồi dùng hết… thì thơ ở lại với cuộc đời này. Cũng như người nông dân ở miền sơn cước, cứ hỏi sao đá không nảy mầm. Có vẻ như tuyệt vọng, nhưng đấy là sự khát khao chờ mong. Không cớ chi lấy đó làm tuyệt vọng, mặc khi, hỏi: Sao đá không nảy mầm?

“Tuổi qua bao mùa rẫy

Khuôn mặt như ruộng khô nắng cháy

Những cây rựa sắc như cắt được bầu trời

Cắt được lời nguyền bên kia núi…

Người đàn ông gieo hạt trên đỉnh đồi

Gieo hòn đá cuội

Gieo tiếng hú của loài vượn trong hang

Gieo bóng mình khô khốc

Và ngồi đợi niềm vui

Trong nếp nhà sàn khói bưng chiều

Bậc thang mòn khoét đời hao khuyết

Ngàn năm rừng xanh

Sao đá không nảy mầm?”

(Đá nảy mầm)

Yên Mã Sơn là người hay trăn trở. Và có khi thách thức, nhất là lẽ ghét thương ở đời. Hàm trong đó có đúng sai. Giữa mênh mông bát ngát người (và lòng người) anh vẫn đứng, không chông chênh để rồi nhìn xuống, phân tách, có lúc phán xử. Nhưng, cũng chẳng dễ gì. Tôi thấy, Yên Mã Sơn đang đau, như thân phận hòn đá trong câu thơ này “Từ ngày loài đá chết đi/ Sau cú vụt sáng của một vì sao lạc” trong bài “Ý thức điên".

Có lẽ cũng đến lúc tìm được “người vợ cả” trong cuốn gia phả tình yêu của Yên Mã Sơn. Đọc trọn bài thơ này, tôi đồng ý với điều mình vừa chọn.

“Chia đôi bờ

Dòng sông lặng lẽ soi mình trong tiền kiếp

Những chiếc bình gốm rúc trong lớp bùn đang chờ ngày thành đồ cổ

Riêng mặt trời đã thấy mình trẻ con

Giữa hằng hà sa số đau thương và hoan lạc

Từ ngày loài đá chết đi

Sau cú vụt sáng của một vì sao lạc

Đất trời lên men

Loài vi khuẩn thấy mình cao sang trong thớ thịt

Trương mắt nhìn loài người

Những con bò nhai cỏ trên đồi cao

Quên đi tiền kiếp

Quên lời nguyền tiến hóa

Quên bầu trời xanh hơn loài cỏ dại

Chúng ước có đôi cánh như loài chuồn chuồn xanh đỏ

Vừa bay vừa nhai

Bầu trời chật hẹp trong lòng hồ

Mây làm bổn phận của đứa con xa xứ

Cội nguồn hồ nghi

Mặt trời kéo ngày về đỉnh núi

Mỏi lắm những đường bay

Loài muỗi dập dờn thức một mùi hương đêm

Đại dương khát nước

Tu một hơi dài những ước vọng trăng khuya

Bờ cát hở vú đêm

Bào mình trong gió

Mài mình trong nước

Hạt cát

Ý thức điên”.

TAGS

“Thức” đến “Bóng lặng cuối thềm ngày”

Minh Hà |

Lệ thường, người ta dứt tình với thơ rồi tìm đến viết văn. Hoặc giả có người ôm đồm thế! Cả làm thơ và viết văn. Số này thành công ít. Nhưng đem chữ “thành công” mà lượng hóa trên văn đàn thì thật khó khăn.

Bolero của bố

Bấc |

Sáng, cánh cửa phòng được mở, hơi lạnh từ ngoài ùa vào cùng với tiếng hát từ chiếc ti vi bật ra, tôi biết đấy là bolero của bố. Mỗi bản nhạc là một nỗi đau, gộp chung lại thành những nỗi đau lạc vỡ.

Gặp Bùi Viết Anh qua những trang thơ

Hoàng Hải Lâm |

Tôi không mê đọc thơ. Nhưng khi bắt gặp những dòng thơ của Bùi Viết Anh tôi mới “chững” lại. Cảm giác này rất thú vị. Bỏ qua những công việc của đời thường, tôi chỉ muốn nói duy nhất về Bùi Viết Anh với thơ và thơ.

Cảm giác hạnh phúc khi đọc "Sơn Trà - rừng trong phố biển"

Quế Hương |

Lydie Vander Beeken, nhà sáng lập tổ chức Heart for primates, giới thiệu “Sơn Trà - rừng trong phố biển” với tiêu đề: “Quyển sách mang hoang dã vào phòng khách bạn”. Không chỉ là phòng khách, nó mang “hoang dã” vào tận lòng tôi, một người đàn bà sống đời chật hẹp trong bếp nhà, sau ngưỡng cửa.