Những loại thảo mộc dưới đây có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường nhờ các tác dụng giảm lượng đường trong máu, tăng cường độ nhạy cảm với insulin, giảm huyết áp cao và cholesterol...
Dây thìa canh (Gymnema sylvestre)
Công dụng chính: Giảm lượng đường trong máu
Liều lượng: 200 - 250 mg, hai lần/ngày
Tên tiếng Hindi của loại cây này, “gurmar”, dịch là "kẻ hủy diệt đường", vì đây được coi là một trong những loại thảo mộc mạnh nhất giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách thúc đẩy hoạt động của các enzym giúp tế bào sử dụng glucose hoặc bằng cách kích thích sản xuất insulin.
Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Appetite cho thấy trong số 51 người tham gia khỏe mạnh, những người uống trà có chứa dây thìa canh đã giảm sở thích ăn ngọt, một thay đổi tích cực với những người béo phì và thừa cân.
Mướp đắng
Công dụng chính: Giảm lượng đường trong máu
Liều lượng: 50 - 100 ml nước trái cây mỗi ngày
Mướp đắng có thể giúp các tế bào sử dụng glucose hiệu quả hơn và ngăn chặn sự hấp thụ đường trong ruột. Một nghiên cứu trên Tạp chí Ethnopharmacology đã so sánh mướp đắng với một loại thuốc chữa bệnh tiểu đường và phát hiện ra rằng nó đã làm giảm lượng fructosamine ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, liều lượng thấp của loại thuốc chữa bệnh có hiệu quả hơn.
Trong một nghiên cứu năm 2017 trên chuột của tạp chí Evidence-based Complementary and Alternative Medicine, các nhà nghiên cứu cho rằng mướp đắng có thể làm giảm lượng đường huyết cao ở bệnh tiểu đường loại 1, nhưng các tác dụng phụ về vấn đề tiêu hóa có thể xảy ra.
Việt quất tự nhiên (Bilberry)
Công dụng chính: Bảo vệ mắt và thần kinh
Liều lượng: 80 - 120 mg, hai lần/ngày
Đây là họ hàng của quả việt quất Blueberry, có chứa chất chống oxy hóa mạnh trong quả và lá của nó. Những chất chống oxy hóa này, được gọi là anthocyanins, có thể giúp ngăn ngừa tổn thương các mạch máu nhỏ gây đau dây thần kinh và bệnh võng mạc (tổn thương võng mạc của mắt). Ngoài tác dụng phổ biến nhất về cải thiện thị lực, nó còn có công dụng giảm lượng đường trong máu. Nghiên cứu khác trên người lớn mắc hội chứng chuyển hóa cho thấy ăn quả việt quất tự nhiên này cũng kích thích tiết insulin.
Cỏ cà ri
Công dụng chính: Giảm lượng đường trong máu
Liều lượng: 15 - 90g với một bữa ăn/ngày
Kellie Rodriguez, y tá và là giám đốc của Chương trình Tiểu đường Toàn cầu tại Hệ thống Bệnh viện & Sức khỏe Parkland ở Dallas cho biết: “Cỏ cà ri là một loại thảo mộc có tác động tích cực đến sự trao đổi chất và huyết áp, một phần là do hàm lượng chất xơ cao của hạt. Tuy nhiên, nghiên cứu còn hạn chế. Chúng cũng chứa một loại axit amin có tác dụng thúc đẩy quá trình giải phóng insulin”. Ngoài ra, một nghiên cứu nhỏ được công bố vào năm 2017 trên tạp chí Ayu cho thấy rằng ăn cỏ cà ri có thể làm giảm lượng đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Nhân sâm
Công dụng chính: Giảm lượng đường trong máu
Liều lượng: 1 - 3g/ngày ở dạng viên nang (viên nén), hoặc 3 - 5 ml cồn thuốc ba lần/ngày
Được biết đến với lợi ích tăng cường miễn dịch và chống lại bệnh tật, loại thảo mộc Trung Quốc này có một số nghiên cứu tích cực về bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhân sâm làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate; tăng khả năng sử dụng glucose của tế bào; và tăng tiết insulin từ tuyến tụy. Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto đã nhiều lần chỉ ra rằng viên nang nhân sâm làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.
(Nguồn: Báo Lao Động)