Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc từ việc tự mua thuốc điều trị

PV |

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục ghi nhận những trường hợp phải nhập viện điều trị do trước đó tự ý mua thuốc, sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị tại nhà. Trong đó có những trường hợp bị biến chứng nặng, tổn hại nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.

Cách đây khoảng 1 tuần, tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, một bệnh nhân 14 tuổi vừa được điều trị qua cơn nguy kịch do nhiễm độc hoại tử thượng bì cấp vì uống thuốc tự mua tại quầy thuốc tây. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da bị nổi bóng nước, bong tróc da, viêm nhiễm, niêm mạc miệng bị loét, loét môi, hoại tử toàn bộ da, nhiễm trùng do hoại tử da.

Bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang, phụ trách Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, sau khi nhập viện, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị nhiễm độc hoại tử thượng bì cấp do trước đó tự ý mua thuốc ở tiệm thuốc tây uống. Sau 3 ngày uống thuốc, bệnh nhân bắt đầu có những triệu chứng hoại tử da nên được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Theo bác sĩ Phạm Thị Kiều Trang, trường hợp bệnh nhân này là do thượng bì bị hoại tử nên mất đi hàng rào bảo vệ da. Do đó, vi trùng sẽ xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Các bác sĩ rất khó khăn do vừa phải điều trị nhiễm trùng, vừa điều trị tình trạng nhiễm độc thượng bì. Nguyên nhân nhiễm độc thượng bì có 40% là do thuốc người bệnh sử dụng trước đó. “Đây là ca nhiễm độc hoại tử thượng bì nặng nhất 15 năm qua, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận điều trị. Thời gian điều trị kéo dài, có thể từ nửa tháng đến 3 tháng, bệnh nhân mới có thể hồi phục hoàn toàn”.

Bệnh nhân P.T.D. tự ý đáp lá cây lên vết thương để điều trị bệnh theo bài thuốc dân gian dẫn đến áp xe, nhiễm trùng nặng đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Bệnh nhân P.T.D. tự ý đáp lá cây lên vết thương để điều trị bệnh theo bài thuốc dân gian dẫn đến áp xe, nhiễm trùng nặng đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất.
Ông Đ.T.T. (ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cha của bệnh nhân) cho biết, trước đây con ông cũng đã nhiều lần bị bệnh. Gia đình thường ra tiệm thuốc tây mua thuốc theo triệu chứng bệnh và uống sau mấy ngày là khỏi bệnh. Tuy nhiên lần này, con lại bị biến chứng nặng.

Tương tự, ngày 18/6, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) tiếp nhận bệnh nhân P.T.D. (sinh năm 1980, ngụ xã An Chu, huyện Trảng Bom) trong tình trạng sốt, bắp tay mưng mủ, sưng to, đau nhiều.

Anh D. cho biết, cách đây khoảng 1 tháng, trên phần bắp tay phải xuất hiện một cục u, lâu dần cục u này bắt đầu mưng mủ và to dần. Anh được người quen giới thiệu nên đã tự ý đắp lá theo bài thuốc dân gian và uống thêm một số loại thực phẩm chức năng giúp tái tạo tế bào da. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện mà ngày càng trở nên trầm trọng, cục u ngày càng mưng mủ nhiều, to ra, đau nhức. Do đó, anh phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu ngay vì có dấu hiệu nhiễm trùng, nếu không sẽ bị nhiễm trùng huyết dẫn đến suy đa cơ quan và nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân bị nhiễm trùng rất nặng. Do đó khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra khỏi vết thương gần nửa lít mủ.

Theo bác sĩ Nguyễn Tường Quang, hàng năm, Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý đắp lá để điều trị bệnh gây nên tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, đây là trường hợp nặng nhất từ trước đến nay. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người dân khi gặp các bệnh lý về viêm khớp hay những loại bệnh tương tự không nên tự ý sử dụng các loại lá cây đắp theo các bài thuốc dân gian. Bởi vì lá cây không phải là vô khuẩn, vô trùng nên sẽ làm tăng thêm bội nhiễm, gây ra dị ứng dẫn đến nhiễm trùng và làm cho vết thương trầm trọng hơn. Người dân nếu có bệnh phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đặc biệt là kháng sinh, thuốc đặc trị; không dùng thuốc kéo dài trong nhiều tháng khi không có chỉ định của bác sĩ để hạn chế những tình trạng xấu có thể xảy ra.

(Nguồn: Ngày nay)

 

TAGS

Triển vọng trong việc phát triển thuốc điều trị sốt rét thế hệ mới

PV |

Các nhà khoa học Australia sử dụng phương pháp giải trình tự bộ gene và kỹ thuật di truyền để phân tích cách thức một phân tử ngăn chặn ký sinh trùng gây bệnh sốt rét xâm nhập các tế bào hồng cầu.

Tăng cường bảo vệ sức khỏe học sinh trong thời tiết thất thường

Minh Đức |

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, những đợt nắng nóng đầu tiên trong năm và liên tiếp các đợt nóng-lạnh xen kẽ đã làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường. Nắm bắt tình hình đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị đã chủ động chỉ đạo các trường học trên địa bàn triển khai nhiều phương án tăng cường bảo vệ sức khỏe cho học sinh trong thời tiết thất thường.

Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân vùng cao

Nguyễn Hoài Nam |

Thời gian qua, Trung tâm y tế huyện Đakrông (Quảng Trị) đã hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản xa trung tâm. 

Triển vọng sử dụng thuốc điều trị hội chứng COVID-19 kéo dài

Lan Phương |

Theo các nhà khoa học, việc sử dụng thuốc naltrexone đã đạt được một số thành công nhất định trong việc điều trị một số hội chứng tương tự như sự thiếu hụt nhận thức và mệt mỏi choáng váng.