Lúng túng khi con… yêu sớm

Minh Thảo |

Hiện nay, do điều kiện dinh dưỡng đầy đủ cộng với nhiều yếu tố tác động từ môi trường nên tuổi dậy thì của trẻ em ngày càng đến sớm. Tuổi dậy thì là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý khi trẻ luôn muốn làm người lớn, coi mình là người lớn và nhiều trong số đó có tình cảm với bạn khác giới. Điều này khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng và lúng túng trong cách xử lý...

 

Họp gia đình gấp! Dòng tin nhắn trong nhóm zalo của gia đình khiến chị L. thấp thỏm không yên. Hỏi chồng thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Hai vợ chồng chị nghĩ chắc phải có chuyện gì quan trọng lắm thì mẹ chồng với triệu tập cuộc họp khẩn cấp như vậy.

Hóa ra, chuyện liên quan đến đứa cháu gọi chồng chị bằng bác, năm nay mới lên lớp 8. Bố mẹ ly hôn, N. (tên gọi tắt của cậu bé) sống với ông bà nội. Thời gian gần đây, N. thường thức khuya, sử dụng máy điện thoại suốt đêm. Khi bị bà nhắc thì cậu bé bỏ lên tầng 2 ngủ một mình.

Tuổi dậy thì cần được giáo dục kỹ về sức khỏe giới tính -Ảnh: M.T
Tuổi dậy thì cần được giáo dục kỹ về sức khỏe giới tính -Ảnh: M.T

Điều này chưa từng xảy ra trước đó vì N. (vốn xa mẹ từ nhỏ) rất nhát gan. Vì nghi ngờ nên ông bà nội mới tìm hiểu qua bạn bè và biết được N. đang yêu một bạn gái học cùng lớp.

Trên hình ảnh đại diện ở facebook bạn gái có đăng hình ảnh tình cảm của hai đứa một cách công khai. Đọc bình luận bên dưới, mẹ chồng chị L. choáng váng khi biết rằng cháu mình đã yêu từ rất lâu rồi. Gặp phải tình huống này, bà đành gọi các con lại để tìm cách giải quyết.

Nhưng khi mọi người ngồi lại thì ngoài việc người này hỏi ý kiến người nọ ra cũng không biết phải làm gì. Ai nấy đều nói “phải cấm” nhưng cấm bằng cách nào thì chưa ai nghĩ ra.

Mọi người đều biết việc đó khó khi hằng ngày chúng vẫn đến lớp học cùng nhau và tham gia các hoạt động khác của nhà trường.

Điều quan trọng là cậu bé không ở cùng ba mẹ, ông bà dẫu có thương cháu thì cũng chỉ hoàn thành được việc chăm sóc đủ đầy cho cháu chứ không thể theo sát cháu mỗi ngày. Cuối cùng, cả nhà thống nhất phân công chị L., vì chị vốn là giáo viên, để chị gần gũi và phân tích cho N. hiểu ở tuổi của mình, việc học phải được ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì còn phải chờ vì chính chị L. thú nhận rằng mình chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống như thế này.

Chuyện tương tự như của gia đình chị L. không hiếm. Học sinh bây giờ yêu sớm hơn trước là nhận định chung của nhiều người.

Tuy nhiên, khi câu chuyện này xảy ra thì gia đình nào cũng có điểm chung là lúng túng trong cách xử lý. Tình cờ trong một lần dọn cặp sách cho cậu con trai học lớp 6, chị T., phường Đông Lương, TP. Đông Hà, tình cờ phát hiện bức thư của một bạn gái cùng lớp “tỏ tình” với con mình.

Phản ứng đầu tiên của chị T. là vội vàng đốt lá thư và thấp thỏm cả buổi đợi con về để làm cho ra nhẽ. Tuy nhiên, nhờ được chồng khuyên can nên chị đã bình tĩnh trở lại, không làm to chuyện khi chuyện chưa có gì mà theo dõi sát mọi biểu hiện trong sinh hoạt, học tập của con.

Thấy con trai không bị phân tâm, vẫn chăm chỉ học hành nên chị cũng phần nào yên tâm. Vậy nhưng một hôm trên đường đón con đi học về, con trai chị đã chỉ vào một bạn gái đang đi bên đường và hào hứng giới thiệu với mẹ: bạn gái của một bạn học lớp con.

Ngạc nhiên, chị T. hỏi: sao con biết? “Ngày nào hai bạn ấy chả dắt tay nhau đi dưới sân trường”. “Vậy, theo con chuyện đó có nên không?”, chị T. gặng hỏi. “Lớp con ai cũng thấy chuyện đó bình thường”.

Câu trả lời của cậu con trai khiến chị T. “không bình thường” suốt chặng đường về và cả những ngày sau đó. Rõ ràng, dù vợ chồng chị không muốn đối mặt với câu chuyện yêu sớm ở lứa tuổi con trai mình thì cũng không thay đổi được thực tế là con chị đã tiếp cận với câu chuyện này trước đó. Cấm thì chưa có bằng chứng về việc con đã có bạn gái.

Không cấm thì lo lắng, sợ con bước vào chuyện yêu đương quá sớm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Điều đó khiến chị T. phải suy nghĩ đau đầu.

Chuyện trẻ yêu quá sớm không phải là chuyện tốt. Thực ra, khái niệm yêu ở lứa tuổi này khá đơn giản, chỉ là cảm tình, quý mến nhau. Tuy nhiên, nếu các em quá sa đà vào chuyện đó thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến học hành, sinh hoạt và cả sức khỏe.

Vậy nên có lúc cha mẹ cũng cần phải áp dụng “kỷ luật thép” đối với con cái khi phát hiện ra sự việc. Tuy nhiên, vì tâm hồn trẻ vẫn còn non nớt và dễ bị tổn thương nên khi phát hiện chuyện yêu sớm của con, ba mẹ không nên cấm đoán tức thì hay làm ầm ĩ lên.

Thay vào đó, ba mẹ phải lựa lời phân tích điều hay, điều dở về tình cảm bồng bột của con, khéo léo tìm hiểu mối quan hệ riêng tư để từ đó cho trẻ những lời khuyên về lối sống, cách ứng xử. Giáo dục giới tính cũng cần được lồng ghép khéo léo để trẻ nhận thức được vấn đề, từ đó có ý thức bảo vệ bản thân.

Ba mẹ không nên dùng những lời lẽ chì chiết, xúc phạm con, nghe lén điện thoại hay đọc trộm nhật ký, lùng sục facebook, email của con, ngăn cấm con tiếp xúc với bạn. Vì trên thực tế đã có nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra đối với trẻ khi bị ba mẹ la mắng đã cạn nghĩ, làm liều...

Vẫn biết rằng làm được điều nói trên rất khó, vì ba mẹ thường không chế ngự được cảm giác giận giữ, lại thường so sánh với độ tuổi của mình trước kia để làm chuẩn trong việc dạy con.

Tuy nhiên, khi tình yêu là nhu cầu bản năng, việc cấm đoán không đúng cách sẽ dễ khiến cho sự việc không đi đúng hướng.

Cách ứng xử của ba mẹ phải hết sức khéo léo, nếu cần thì hãy xin ý kiến của các chuyên gia tư vấn tâm lý về việc này rồi hãy nói chuyện với con.

Hoặc cũng có thể cho con đi tư vấn tâm lý vì những lời khuyên khách quan từ những tư vấn chuyên nghiệp sẽ giúp con nhận ra đúng sai trong câu chuyện tình cảm của mình.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khi trẻ là trung tâm giáo dục

Trúc Phương |

Được thực hiện từ năm 2017, đến nay, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Cam Lộ nói riêng. Không chỉ tạo ra môi trường giáo dục mang tính “mở”, giúp trẻ có cơ hội học tập, vui chơi mà việc lấy trẻ làm trung tâm còn kích thích tính chủ động, tích cực, sáng tạo của trẻ, góp phần nâng cao từng bước chất lượng giáo dục mầm non.

Xứng danh lá cờ đầu của ngành giáo dục Hướng Hóa

Lê An |

Nằm ở địa bàn miền núi, chỉ hơn 25 năm hình thành và phát triển, nhưng với sự nỗ lực của tập thể giáo viên và học sinh, Trường THCS Khe Sanh, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã từng bước vươn lên trở thành một trong những ngôi trường trọng điểm, lá cờ đầu cấp THCS của ngành giáo dục huyện và tỉnh, là nơi "chắp cánh" cho nhiều thế hệ học sinh trưởng thành.

Giáo dục Hướng Hóa, những bước tiến vững chắc

Khánh Ngọc |

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, cùng với sự nỗ lực vượt khó bám bản, bám dân, bám trường, bám lớp để tổ chức lớp và dạy học hiệu quả của các thế hệ nhà giáo, giáo dục huyện miền núi Hướng Hóa đã có những bước tiến khá vững chắc.

Nỗ lực với giáo dục vùng khó

Phan Văn Đức |

Gặp thầy giáo Trần Thanh Hòa, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Triệu Nguyên, huyện Đakrông (Quảng Trị) ngay ở cổng trường, bằng cái bắt tay ấm áp, nghĩa tình và nụ cười trìu mến, chúng tôi nhận thấy sự thân thiện của thầy ngay khi gặp mặt.