Thời gian ở nhà kéo dài kết hợp với học online vô tình làm tăng thời gian sử dụng điện thoại, gây nhiều ảnh hưởng không tốt lên mắt cho học sinh.
Theo bệnh viện Nhi Lurie, Chicago, Mỹ, thời gian sử dụng điện thoại quá nhiều có thể dẫn đến mỏi mắt và dễ bị cận thị hay tăng độ cận ở những trẻ đã cận.
Phụ huynh có thể dùng chức năng cài đặt trong điện thoại để tăng giảm ánh sáng màn hình hay sử dụng chế độ ban đêm cho phù hợp. Có thể chuyển sang chế độ tự động để điện thoại điều chỉnh ánh sáng màn hình tùy theo điều kiện môi trường.
Viện mắt Kraff – một trong những viện mắt hàng đầu tại Chicago – khuyên nên để mắt cách điện thoại từ 40-45cm nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu của các tia sáng lên mắt mà vẫn nhìn rõ được màn hình. Nếu cảm thấy nội dung hiển thị trên màn hình quá bé, hãy dùng chức năng phóng to để nhìn rõ hơn mà vẫn đảm bảo khoảng cách giữa mắt với màn hình điện thoại.
Các điện thoại thông minh hiện nay thường có thiết kế màn hình gương. Tuy có độ tương phản lớn với màu sắc sống động, ánh sáng chiếu lên loại màn hình này lại có thể gây ra hiện tượng phản quang, làm chói mắt và gây khó khăn khi sử dụng ở nơi có nguồn sáng mạnh. Dùng thêm miếng dán màn hình nhám vừa khắc phục được vấn đề này, vừa thêm một lớp bảo vệ cho điện thoại.
Sử dụng điện thoại trong một thời gian dài dễ gây mỏi mắt và khô mắt. Cách nhanh nhất để khắc phục tình trạng này là sử dụng nước nhỏ mắt. Cha mẹ nên tìm cho con loại nước nhỏ mắt phù hợp, không chỉ cấp ẩm kịp thời cho mắt mà còn giúp làm sạch mắt khỏi bụi bẩn của môi trường xung quanh. Trong trường hợp không có thuốc nhỏ mắt, nhắc bé nháy mắt thường xuyên cũng giúp hạn chế mỏi mắt.
(Nguồn: Báo Lao Động)