Cần nhiều hơn nữa những điểm đến du lịch mới lạ, độc đáo

Tú Linh |

Nhiều chuyên gia du lịch đã dự báo xu thế được ưa chuộng sau khi COVID-19 lắng xuống là loại hình du lịch bền vững, an toàn, gần gũi với thiên nhiên. Câu chuyện đặt ra cho du lịch Quảng Trị là cần có thêm nhiều điểm đến mới lạ, thu hút du khách ngày càng đông hơn.

Dịp năm mới Nhâm Dần 2022 vừa qua, hình ảnh con hổ được trưng bày ở công viên Lê Duẩn đã gây sốt mạng xã hội bởi sự độc đáo của nó. Hàng nghìn người khắp nơi trong tỉnh đã nô nức đến chụp ảnh kỷ niệm tại đây. Điều đáng nói là không chỉ người dân ở trong tỉnh đến tận mắt chiêm ngưỡng mà người ở địa phương khác khi ngang qua cũng dừng lại chụp hình “sống ảo”. Cư dân mạng khắp cả nước thì khen nức nở, bình chọn linh vật con hổ ở Quảng Trị đẹp nhất trong năm. Sự độc đáo này mang đến hiệu ứng quảng bá rất lớn, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm google gõ từ khóa “hổ Quảng Trị”, chỉ sau 0,47 giây đã cho hơn 12,8 triệu kết quả. Có lẽ lâu lắm Quảng Trị mới có được một hình ảnh thú vị và hiệu quả về mặt quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy du lịch như vậy.

 

Cũng là câu chuyện điểm đến mới lạ và độc đáo, mới đây anh Lê Ánh Hoàng đưa vào khai thác homestay mang tên Khói ở mũi Si, khu phố Bắc Bàn, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách. Khói Homestay có diện tích gần 4.000 m2 với rừng thông bao quanh, nằm cách bờ biển chỉ 50 m. Tại đây, du khách thoải mái trải nghiệm vui chơi, tắm biển, thưởng thức hải sản phong phú của địa phương. Mỗi phòng lưu trú ở đây như một căn nhà thu nhỏ đảm bảo an toàn, thiết kế riêng theo phong cách hiện đại. Khói Homestay có đầy đủ dịch vụ từ thuê phòng nghỉ, lều trại, phương tiện di chuyển; tổ chức tiệc; ẩm thực, giặt ủi...

Những ngày cuối tuần, Khói Homestay đón hơn 1.000 khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Câu chuyện Khói Homestay phần nào phản ánh đầy đủ tâm lý du khách đã quen với các sản phẩm du lịch truyền thống, họ muốn tìm đến với cái mới lạ, độc đáo để có những trải nghiệm thú vị hơn trong những chuyến khám phá. Bởi vì, đại dịch đã thay đổi nhận thức của con người về sức khoẻ và môi trường, từ đó nhiều người muốn hướng tới các mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Tiếc rằng, Quảng Trị không có nhiều những sản phẩm, điểm đến mới lạ như vậy.

Thực ra các mô hình du lịch dựa vào thiên nhiên xuất hiện ở nhiều địa phương miền Trung từ khá lâu. Tỉnh Quảng Nam ít nhất đang có 6 quán cà phê ngắm đồng lúa thu hút du khách mọi nơi, nhất là giới trẻ. Rời trung tâm Hội An khoảng 4 km, du khách thường đến khám phá quán cà phê Roving Chillhouse. Đây là quán phục vụ cả đồ ăn và đồ uống. Quán nằm giữa đồng lúa nên khách có cơ hội vừa ngắm cảnh đồng quê, vừa được thưởng thức cà phê và các món ngon được quán phục vụ. Thiết kế của quán mang nét mộc mạc, gần gũi thiên nhiên, rất nhiều góc đẹp để check-in. Nhờ vị trí độc đáo mà cảnh sắc quanh quán cũng thay đổi theo mùa, khi lúa xanh mướt khi vào mùa vàng hoặc mùa gặt còn gốc rạ.

Đây là mô hình du lịch thân thiện môi trường được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến mỗi lần ghé qua Quảng Nam. Nhiều du khách đã so sánh nơi đây giống như những quán cà phê giữa thiên nhiên ở Bali (Indonesia) hay ChiangMai (Thái Lan) làm mê hoặc tín đồ du lịch khắp thế giới sử dụng mạng xã hội Facebook, Instagram, Tiktok quảng bá điểm đến. Ngoài sản phẩm du lịch quán cà phê ngắm đồng lúa, Quảng Nam còn nhiều sản phẩm như thăm vườn rau, cùng nông dân làm nông, làm gốm…

Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho thấy xu hướng hiện tại ngoài khách quốc tế, phần lớn khách nội địa thường tìm đến hình thức du lịch thiên nhiên hoặc du lịch biển, ưu tiên đi thành nhóm nhỏ cùng gia đình, bạn bè.

Tại Quảng Trị không phải không có điều kiện để hình thành các sản phẩm du lịch thiên nhiên như Quảng Nam hay các địa phương khác ở miền Trung. Quảng Trị có đầy đủ tiềm năng về tài nguyên, khí hậu, văn hóa… để phát triển du lịch thiên nhiên, du lịch xanh. Ngoài gần 500 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, bảo tồn, Quảng Trị có màu xanh bạt ngàn của ruộng lúa, rừng nguyên sinh, có hệ thống sông ngòi phong phú, có những làng nghề hàng trăm năm tuổi và bờ biển dài, mịn màng cát trắng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, nhằm thúc đẩy du lịch phát triển phục vụ tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 167/2021/NQ-HĐND về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết số 12/2022/ NQ-HĐND về Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022- 2030 để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ngay từ năm 2017, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, cái chúng ta đang thiếu, cần phải đột phá để du lịch phát triển đó là cách ứng xử chuyên nghiệp, kịp thời của đội ngũ làm du lịch đối với sự thay đổi tâm lý và xu hướng của du khách. Để du lịch Quảng Trị tăng tốc sau đại dịch, cần có cách làm mới, độc đáo hơn. Thực tế cho thấy, để tạo ra được sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo dựa vào thiên nhiên như các tỉnh, thành đang làm là không khó và nguồn vốn đầu tư cũng không quá lớn.

Cái khó là lâu nay chúng ta đang thiếu sự sáng tạo, nhạy bén trong cách làm du lịch. Chỉ một vài điểm đến mới lạ ở Vĩnh Linh, Hướng Hóa chưa thể tạo hiệu ứng mạnh cho du lịch Quảng Trị. Các điểm đến thiếu đi những câu chuyện hấp dẫn được khai thác từ chiều sâu văn hóa để làm giàu hơn giá trị của vùng đất, kích thích sự tò mò, tìm hiểu và hướng đến của du khách. Để giải quyết những khó khăn này, ngoài cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời của tỉnh, cần có đội ngũ làm du lịch tương xứng với tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, bổ sung vào các tour, tuyến thu hút thêm du khách.

Mọi chuyện không dễ nhưng cần phải bắt tay thực hiện ngay bằng những hành động, việc làm cụ thể. Các nhà tư vấn du lịch cho rằng Quảng Trị cần kiến tạo được khoảng 10 mô hình du lịch tiêu biểu dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa, không chỉ khai thác tiềm năng mà cần tạo ra những sản phẩm xanh độc đáo tại các điểm đến, có chiến lược quảng bá chuyên nghiệp nhằm tạo đột phá về du khách, tiếp thêm năng lượng mới cho ngành du lịch Quảng Trị.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Để phát triển du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ

Anh Quân |

Có tiềm năng, lợi thế, có chủ trương, định hướng và chính sách để phát triển nhưng du lịch ở Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), nơi có những bãi biển, phong cảnh thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái đa dạng và giao thông thuận lợi vẫn chưa “cất cánh” như kỳ vọng. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách thấu đáo, từ đó có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo của tỉnh.

Đà Nẵng tăng cường phát triển thị trường khách du lịch MICE

Trần Lê Lâm |

Chính sách thu hút khách du lịch MICE đã được Đà Nẵng triển khai thí điểm hơn 1 năm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quan tâm mở các khóa học tiếng Anh chuyên ngành du lịch cộng đồng

Minh Phương |

Tuần qua, báo chí trong nước đưa một thông tin tuy không lớn nhưng rất thiết thực cho người dân.

Đà Nẵng: Khai trương Làng du lịch cộng đồng Thái Lai

Đức Hoàng |

Ngày 29/5, Làng du lịch sinh thái cộng đồng thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chính thức khai trương. Đây là hoạt động hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 với chủ đề 'Enjoy Danang'.