Mỹ: 30 triệu ca nhiễm COVID-19 trên 300 triệu dân. Nếu tỉ lệ này ứng với Việt Nam thì là 10 triệu ca/100 triệu dân. Cho nên ngay cả khi tổng số ca nhiễm của chúng ta lên tới con số 10 ngàn thì vẫn nhỏ hơn của Mỹ tới 1.000 lần.
Đây là tính toán của thầy Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự.
Tính toán được đặt ra vào thời điểm Mỹ ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 30 triệu, khi dịch xuất hiện ở Việt Nam. Có nghĩa rằng ngay cả khi đạt con số ca nhiễm không ai mong muốn ấy thì cũng “đừng nghĩ là khống chế dịch ở mức 10 ngàn ca lây nhiễm là thất bại”, cũng chẳng có gì là bung, là toang cả.
Còn nếu chẳng may nhiễm COVID-19 thì cũng “không nên hoảng loạn.. mà cần bình tĩnh vượt qua”- Ngoặc kép, là lời Đại sứ Việt Nam tại Ukraina Nguyễn Hồng Thạch.
Làn sóng COVID-19 thứ 3 đã kéo 7 gia đình (với 13 người) đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina vào vòng xoáy. Dù tình hình rất nghiêm trọng, nhưng ngay từ đầu, đại sứ quán đã xác định là “bình tĩnh, không hoảng loạn”.
13 bệnh nhân được rải ra 3 bệnh viện. Đại sứ quán khi đó tổ chức nấu ăn cho các bệnh nhân và đưa cơm mỗi ngày để đảm bảo mọi người được ăn đồ ăn phù hợp khẩu vị có sức chiến đấu với COVID-19.
Khi đã bị COVID-19 thì quan trọng là đảm bảo đủ oxy, tập thở sâu để oxy có thể vào cơ thể được nhiều nhất, không nằm ngửa ảnh hưởng đến phổi; cố gắng nằm sấp; nếu không nằm sấp được thì ít nhất là nằm nghiêng. Các bác sĩ luôn nhắc tập thở, đi lại vận động. Chỉ các bệnh nhân có độ oxy dưới 94% mới dùng máy trợ thở.
Tại Ukraina, khi chữa trị COVID-19, các bác sĩ đều tiêm thuốc chống đông máu cho bệnh nhân vì đông máu là nguy hiểm lớn nhất đối với bệnh nhân COVID-19. Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, trong 7 ngày đầu bệnh nhân đều sốt như cảm cúm và được uống/tiêm thuốc giảm sốt khi sốt cao (trên 38 độ), khi qua đỉnh bệnh rồi bệnh nhân sẽ từ từ hồi phục và "đẩy" được COVID-19 ra khỏi cơ thể.
Và đến ngày 7.5, sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân cuối cùng của đại sứ quán đã xuất viện.
Hôm nay, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nhắn với bạn đọc Lao Động rằng: Nếu có sức khỏe, việc vượt qua COVID-19 không có gì khó khăn. Ông cũng nhấn mạnh một chi tiết có thể để chúng ta thêm vững tin: Rằng ngay cả bệnh nhân lớn tuổi nhất: 84 tuổi, (chính là mẹ của Đại sứ)- cũng đã dễ dàng vượt qua COVID-19.
Câu chuyện toà đại sứ vượt qua dịch bệnh cho thấy điều mà Thủ tướng liên tục nhắc tới: Không chủ quan, nhưng cũng không bi quan, hoang mang.
Dịch đã xuất hiện trong cộng đồng ở diện rộng. Nếu chúng ta không lơ là, nếu chúng ta chấp hành nghiêm 5k có nghĩa là giảm tối đa cơ hội lây nhiễm thì cũng chẳng có gì phải sợ hãi cả.
(Nguồn: Báo Lao Động)